đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

00:15 11/06/2011

Đọc sách: "Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân"

(TG&DT) - Quyển sách "Nguyễn Trường Tộ & Vấn Đề canh Tân", tác giả Bùi Kha, Nhà Xuất bản Văn học xuất bản tháng 05/2011, là một công trình nghiên cứu công phu với đầy đủ sử liệu, không thể phủ bác, về một người đã được vinh danh sai lầm qua nhiều thế hệ. Tác giả Bùi Kha sẽ dẫn độc giả đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác một cách lý thú về một cao thủ núp bóng canh tân để dối gạt triều đình và đánh lừa dư luận v.v. nhằm mục đích phục vụ cho ngoại bang...

LỜI GIỚI THIỆU


(Một cái nhìn khác và mới về Nguyễn Trường Tộ)



 

Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một tên tuổi mà có lẽ không người Việt Nam có học nào trong thế kỷ XX và cả ngày nay chưa từng được một lần nghe đến. Trong học đường và trong học giới, người ta biết đến ông như một trí thức tân tiến của thế kỷ XIX, có tư tưởng canh tân, có tấm lòng yêu nước, đã từng dâng lên triều đình vua Tự Đức lúc bấy giờ nhiều đề nghị cải cách để làm cho dân giàu nước mạnh theo con đường văn minh của châu Âu.



Song tiếc thay, dân ta lạc hậu, vua ta ngu tối, không nghe theo các điều trần đó. Cho nên khác với Nhật Bản, Việt Nam ta nước yếu, dân hèn, bị nước Pháp chinh phục và đô hộ. Có mấy câu ca tôi được dạy từ hồi còn học sơ học: "Nếu vua nghe lời/ Biết đường cải tổ/ Kén mặt dĩnh ngộ/ Trong bọn trẻ trai/ Đi học nước ngoài/ Thì đâu đến nỗi/ Dân ta tài giỏi/ Giàu mạnh bằng người/ Chắc rằng nước ngoài/ Hết nghề dòm dỏ...".


 

Mất nước vào tay người Pháp là vì vậy. Ở đời, mạnh được yếu thua, ngu hèn thì mình chịu, lỗi đâu tại người.


 

Từ nhỏ cho đến trọn đời, tôi không bao giờ tin rằng nhà trường, giáo dục là phi chính trị. Nguyễn Trường Tộ như một nhân vật lịch sử và văn hóa xuất sắc, lỗi lạc không những là hiểu biết của chúng tôi khi còn nhỏ dại mà của cả nhiều bậc thầy của chúng tôi. Lớn lên, chúng tôi được dạy: Nguyễn Trường Tộ là nhà yêu nước sáng suốt (un patriote eclairé), nhà cải cách cô đơn (un reformiste solitaire). Chúng tôi khâm phục ông, thương cảm ông và tự an ủi rằng: Dù sao thì nước mình cũng có những người yêu nước thông minh chứ không phải toàn bọn ngu dại cả.


 

Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, nước nhà được độc lập, tự do, nhiều nhận thức sai lầm thời thuộc địa được điều chỉnh, nhiều thần tượng giả tạo mang tên Tây, tên Việt bị lật đổ, song cũng còn nhiều thần tượng khác sống sót. Nguyễn Trường Tộ có lẽ là một thần tượng như vậy. Tôi về Huế vẫn thường đi trên một con đường ở trung tâm thành phố mang tên Nguyễn Trường Tộ, thường đi mà không băn khoăn gì. Cùng với thời gian, nhận thức của tôi vẫn như xưa, mặc dù kiến thức có mở rộng hơn.



Quyển sách đáng tin cậy của tôi về văn học thế kỷ XIX là Hợp tuyển thơ văn Việt Nam của NXB Văn Hóa Hà Nội có in tiểu sử và trích thơ văn của Nguyễn Trường Tộ, nhưng tiểu sử thì vắn tắt, thơ văn thì trích tuyển, không có gì khác hơn các truyền thuyết về ông. Về tác phẩm, sách trích tuyển hai bài văn nổi tiếng nhất của ông là Thiên hạ đại thế luậnTế cấp bát điều. Đọc kỹ hai bài văn ấy, nếu chăm chú thì cũng thấy những chỗ "bất cập" trong đó, ví như tầm nhìn quốc tế của ông còn rất sơ lược và thiên lệch, những kiến nghị của ông cũng còn nhiều điểm đáng nghi ngờ.



Không nói cái "đại thế thiên hạ" của ông rõ rệt có ý đề cao các nước đế quốc phương Tây, xem như chúng hoành hành khống chế thiên hạ, không gì ngăn cản được. Riêng trong "tám điều tế cấp" của ông lại có kiến nghị dùng chữ Hán đọc theo âm Việt để làm quốc ngữ, quốc văn. Tôi lấy làm lạ một người gọi là tân học tiên giác như ông mà lại không biết đến chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Nhưng lại nghĩ rằng: Dù sao ông cũng là người thế kỷ XIX, không thể giống với chúng ta ngày nay, dù sao như thế cũng đã là "đi trước thời đại" rồi.


 

Liên hệ với bản thân, tôi cho rằng, đa số người Việt Nam, kể cả giới trí thức và học giả, chỉ biết về Nguyễn Trường Tộ một cách gián tiếp qua truyền thuyết mà không để công đi sâu nghiên cứu, chỉ tin vào các công trình thời Pháp thuộc. Chúng ta biết về ông một cách sơ sài, nhiều sự kiện về ông vẫn còn trong bóng tối hay sương mù. Còn các tác phẩm của ông thì ngoài hai bài chính mà tôi đề cập trên đây (vốn bằng chữ Hán chưa được dịch toàn văn mà chỉ trích tuyển), các bản điều trần khác đều chưa được biết đến.


 

Vấn đề Nguyễn Trường Tộ được quan tâm nhiều hơn do hai hoàn cảnh đặc biệt sau đây:


 

1. Sau ngày nước nhà được hoàn toàn độc lập, thống nhất (1975), tiến vào công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, trước tình hình và nhiệm vụ lịch sử mới, không phải do tình thế một lúc mà còn do chiến lược lâu dài, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới, trong đó có vấn đề nhìn lại quá khứ để nhìn đúng hiện tại và nhìn rõ tương lai. Suy nghĩ (hay tư duy) của chúng ta trong hòa bình, độc lập, thống nhất, xây dựng, trên các vấn đề nhất định, phải đổi mới so với thời kỳ trước đó.



Chúng ta có điều kiện để làm những việc trước đó phải gác lại. Không còn sức ép của chiến tranh, của ngoại xâm, đầu óc và tâm hồn chúng ta thoáng đãng, rộng rãi, tỉnh táo, toàn diện hơn. Và chúng ta cũng có thời gian và phương tiện để tìm hiểu nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa gần và xa, xưa và nay, ngoài và trong, thâu thái kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm quốc tế để đổi mới nước nhà, phục hưng dân tộc.



Nhìn lại quá khứ, không chỉ tinh thần ái quốc, ý chí quật cường của các thế hệ đi trước mà cả những đau thương, tủi hận, những thất thố, sai lầm của họ cũng trở thành thân thiết, dưới mắt nhìn nghiêm túc và bao dung, sáng suốt và thông cảm của thế hệ chúng ta. Giữ nước và dựng nước là sự nghiệp gian nan, khó khăn, đã chắc gì thế hệ chúng ta sáng suốt, khôn ngoan, tài trí hơn các thế hệ trước, phải rút kinh nghiệm từ thành – bại, cả từ những yếu kém, sai lầm của họ để làm vốn liếng tinh thần cho hiện tại và tương lai.


 

2. Riêng về nhân vật Nguyễn Trường Tộ cũng như các nhân vật tương tự như ông, sau hòa bình thống nhất, chúng ta có điều kiện để tìm hiểu nhiều hơn về ông, bổ khuyết những chỗ còn thiếu sót trong thân thế và sáng tác của ông. Công việc này được một người tri thức Công giáo yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nay đã quá cố, Linh mục Trương Bá Cần, Tiến sĩ Sử học, từng nhiều năm sưu tập tư liệu và nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ. Kết quả là tập sách Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo được xuất bản.


 

Mục đích công trình này của vị linh mục cũng dễ dàng nhận thấy: Ông muốn qua con người và di thảo của Nguyễn Trường Tộ để minh họa một điều mà có lẽ trong thâm tâm ông còn vương vấn: Đó là tấm lòng thiết tha với đất nước và những đóng góp trí tuệ của một người Công giáo Việt Nam cho vận mệnh của tổ quốc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đen tối, đau thương của đất nước này.



Đó là một người đã từng là linh mục như bản thân tác giả, trong nghịch cảnh của lịch sử và của thân phận mình đã tìm cách bày tỏ lòng yêu nước và việc làm ích nước theo khả năng và tâm niệm của mình. Và đó cũng là một điểm son đáng kể trong truyền thống yêu nước của những người Công giáo Việt Nam.



Dù bị định kiến như thế nào, truyền thống đó vẫn là chủ lưu trong dòng chảy tâm thức, tâm linh của người Công giáo Việt Nam kính Chúa yêu nước. Đó cũng là con đường trước đây là "tìm về dân tộc" và ngày nay là "sống Phúc Âm trong lòng dân tộc". Chính nhờ tâm thức đó của người tu sĩ yêu nước, cộng với thái độ cầu thị của nhà sử học, công trình Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, với những tư liệu phong phú làm cơ sở của mọi nghiên cứu, thảo luận và tranh luận từ đó đến nay.


 

Bản thân tôi cũng nhờ vào công trình của Linh mục Trương Bá Cần mới biết rõ thêm về con người và di thảo của Nguyễn Trường Tộ trong bối cảnh mới của đất nước để có được những thông tin mới và suy nghĩ mới.


 

Từ những tư liệu mới bổ sung, tôi ngộ thêm ra hai điều sau đây mà trước đó chưa thấy:


 

1. Về thân thế của ông, có hai sự kiện mới đối với tôi: Đó là ông cùng với Giám mục đỡ đầu của ông là Gauthier đã có mặt trong nhóm các giáo sĩ Pháp và Việt Nam dẫn đầu bởi Giám mục Pellerin đến Đà Nẵng để đón tiếp đoàn quân viễn chinh Pháp năm 1958 đánh vào Cửa Hàn, khởi đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp đối với nước ta. Vì Rigault de Genouilly nhận thấy thời cơ bất lợi (còn chiến tranh ở Nam Trung Quốc) và lực lượng không đủ nên không dám tiến sâu vào nội địa của ta theo khẩn cầu của nhóm giáo sĩ này, nên buộc họ trở về nhiệm sở, còn thầy trò Gauthier và Nguyễn Trường Tộ thì theo yêu cầu của R. de Genouilly phải lánh sang Hồng Kông. Cho đến đầu năm 1861, lại theo yêu cầu của Phó Đô đốc Pháp Charner, hai thầy trò trở về Gia Định để giúp Tướng Charner tiến công và mở rộng chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.



Trong thời gian này, ông cộng tác với quân Pháp, cùng với Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường làm việc phiên dịch tài liệu từ chữ Hán ra chữ Pháp cho Bộ Tham mưu quân Pháp. Ông còn có lúc làm trung gian hòa đàm giữa đại diện triều đình Huế với đại diện quân Pháp, giúp đạt được hưu chiến tạm thời, sau khi Pháp chiếm xong 3 tỉnh miền Đông cần nghỉ ngơi để củng cố lực lượng và ổn định vùng đất mới chiếm được. Còn hơn cả Trương Vĩnh Ký, thời gian này, ông và Giám mục Gauthier còn liên lạc với triều đình Huế để gởi các "điều trần" cho triều đình, thậm chí có lúc nhận lãnh sứ mệnh của triều đình sang Pháp mua máy móc, mời giáo viên về mở trường kỹ thuật ở Huế.



Tất cả những việc này ông làm trong thời gian giặc lần lượt chiếm hết Nam Kỳ và vua Tự Đức còn sống. Kể ra, triều đình đối xử với thầy trò ông cũng không đến nỗi kỳ thị. Bình Tây sát Tả là chuyện mãi về sau. Cho đến cuối đời (1871), ông và Gauthier còn có vai trò liên lạc giữa quân Pháp và triều đình Huế không để đưa ra nhiều kiến nghị canh tân? Một sứ mệnh như vậy, Trương Vĩnh Ký phải đợi đến sau 1884 mới làm theo ý của Paul Bert bên cạnh vua bù nhìn Đồng Khánh với nội dung khác. Nguyễn Trường Tộ mất sớm ở quê nhà 5 năm sau cái chết của Phan Thanh Giản và bi kịch thất thủ toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ và quân Pháp khởi đầu âm mưu tiến ra Bắc. Cho đến cuối đời, quan hệ của ông với Gauthier như thế nào? Có phải suốt gần 20 năm họ chung lòng sát cánh giúp quân Pháp vận động triều đình hòa giải với Pháp để canh tân đất nước?


 

2. Về tác phẩm của ông, công trình của Linh mục Trương Bá Cần cung cấp cho chúng ta các bản dịch toàn văn hầu hết các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ mà Trương Bá Cần gọi là các di thảo. Nhờ có được trước mắt một cách tương đối có hệ thống và đầy đủ các văn bản đó chúng ta mới có thể xét đoán được toàn bộ nội dung của chúng, toàn bộ tư tưởng canh tân cũng như thực chất tinh thần yêu nước của ông.



Đối với tôi, điều mới mẻ trước tiên mà toàn bộ tư liệu về tác phẩm của Nguyễn Trường Tộ đã làm sáng tỏ là bối cảnh lịch sử và khung cảnh thời gian trong đó Nguyễn Trường Tộ viết và gởi các bản điều trần của mình. Hóa ra là như thế này: Theo trình tự thời gian, bản điều trần thứ nhất: Thiên hạ đại thế luận được viết năm 1863 khi thầy trò ông trở về Gia Định (có thể sớm hơn) và bản cuối cùng Nên mở cửa không nên đóng kín được viết năm 1871, năm ông qua đời. Như vậy, thời gian gói gọn là từ khi nước ta mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ đến lúc mất nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ.



Trong thời gian này, Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier ở vị trí như ông nói là "người bầy tôi của nước Đại Nam trốn ra nước ngoài", từ phía người Pháp để liên lạc với vua quan nhà Nguyễn. Các bản điều trần được lần lượt gởi lên triều đình trong các năm ấy, trong quá trình nước ta mất dần 6 tỉnh Nam Kỳ. Nhận rõ tính thời gian của các điều trần đó, đối với tôi, một vấn đề được đặt ra là: Giá thử Nguyễn Trường Tộ viết các bản điều trần đó với tấm lòng yêu nước ưu dân thật sự và với mong muốn chân thành nước nhà canh tân nhanh chóng theo các kiến nghị của ông, thì liệu triều đình nhà Nguyễn có thể thực hiện được không, khi lúc này giặc đã từ ngoài ngõ vào đến trong nhà, nguy cơ diệt vong đang diễn ra trước mắt?



Đó là chưa nói từ đầu đến cuối, Nguyễn Trường Tộ thuyết phục triều đình giảng hòa với Pháp để có điều kiện canh tân thì điều đó trên thực tế phái chủ hòa trong triều đình với những người có thế lực như Trần Tiễn Thành – Thượng thư Bộ Binh, Phan Thanh Giản – Đại sứ lưu động, Kinh lược Nam Kỳ, chuyên cầu hòa và giảng hòa với Pháp, đã hết lòng thực hiện chính sách để cuối cùng từ mất 3 tỉnh miền Đông đến mất toàn bộ Nam Kỳ và sau đó mất cả nước. Thế thì tóm lại một lời, toàn bộ các điều trần đó ngoài những lời lẽ khoa trương, hoa mỹ (có người gọi là hào nhoáng và lừa dối), liệu có giá trị thực tế gì và tấm lòng yêu nước trong đó liệu có phải là thành thực hay đây là một thứ "quân trung từ mệnh" của Nguyễn Trường Tộ từ Bộ Tham mưu quân xâm lược gởi để "địch vận" thuyết hàng đối với triều đình Đại Nam([1])? Sau cái chết của Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long là sự hy sinh của Nguyễn Tri Phương rồi sự tử tiết của Hoàng Diệu ở Hà Nội: "Mười năm thương ước, lẽ nào tin được địch tâm?".



Lời di biểu của Hoàng Diệu đã tổng kết chủ trương cầu hòa, chủ hòa của triều đình. Liên hệ với bối cảnh lịch sử lúc đó, "vạn ngôn thư" của Nguyễn Trường Tộ nếu không phải lời xảo trá của kẻ manh tâm dụ hàng thì cũng là lời trống rỗng của kẻ nho giả vu khoát? "Sự nghiệp" vận động của Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức từ sau hiệp ước 1862, sau khi ông chết sẽ được Trương Vĩnh Ký tiếp tục ở "tầm cao mới" bên cạnh vua bù nhìn Đồng Khánh, từ sau hiệp ước 1884.


 

Công trình của Linh mục Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo đã cung cấp tư liệu để thấy rõ hơn nhân vật này qua màn sương của quá khứ và của những truyền thuyết về ông từ trước cho đến lúc này trong nhận thức của tôi. Cũng như đối với Trương Vĩnh Ký, tôi đã thay đổi nhận thức và đánh giá của mình đối với ông.


 

Vì không phải là nhà sử học, chỉ là người học sử để dạy văn, mà Nguyễn Trường Tộ không phải là nhà văn đáng lưu ý của thế kỷ XIX, cho nên tôi chỉ bằng lòng với nhận thức đã thay đổi của mình mà không tìm cách đi sâu thêm nữa.


 

Khi Trung tâm Hán – Nôm của Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh mở cuộc hội thảo về Nguyễn Trường Tộ, ở đó vợ tôi là nhà nghiên cứu Hán học Phạm Thị Hảo có bản tham luận về các kiến thức và quan điểm sai lầm trong các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ có liên quan đến văn học và văn hóa truyền thống Trung Hoa, tôi không tham dự và sau đó cũng không tán thành mọi nhận định quá đáng về nhân vật này. Tôi cũng hiểu rõ động lực nào đã thúc đẩy những mối nhiệt tình quá đáng đó. Tuy nhiên, cũng vì lý do đã nói trên, tôi không công khai phát biểu điều gì.


 

Sau đó không lâu, tôi đọc được trên mạng thông tin và nội dung cuốn sách Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo của hai tác giả người Việt ở Hoa Kỳ là Nguyễn Kha và Trần Chung Ngọc. Cuốn sách này bình luận và phản biện tập sách của Linh mục Trương Bá Cần. Tôi có nhiều điểm đồng tình với hai tác giả, nhất là phần nghiên cứu của Nguyễn Kha. Về cơ bản, công trình của Nguyễn Kha đáp ứng được hai băn khoăn còn tồn tại trên đây của tôi về Nguyễn Trường Tộ với những trích dẫn từ các điều trần của Nguyễn Trường Tộ liên hệ với các sự kiện lịch sử đương thời được minh chứng bằng nhiều sử liệu chuẩn xác, thuyết phục. Những chỗ còn nghi ngờ của tôi về con người và di thảo của Nguyễn Trường Tộ được giải đáp bằng nhiều sử liệu có liên quan, tuy chưa phải tất cả. Cũng vì nghĩ mình không phải là nhà sử học, cho nên dù tán thành hay đồng ý, tôi cũng chỉ mình biết lấy mình, tự mình giải tỏa băn khoăn cho mình, còn làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa thì cần đợi các thức giả và học giả có uy tín và thẩm quyền học thuật hơn.


 

Gần đây, năm 2008, một trong hai tác giả cuốn sách xuất bản ở Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Kha (bút danh lúc này là Bùi Kha) nhân dịp về nước, có ghé Thành phố Hồ Chí Minh và tôi được gặp anh ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Tôi thật lòng khen ngợi cuốn sách của hai anh mà tôi có đọc trên mạng, nó giúp tôi cởi bỏ nhiều nghi ngờ, băn khoăn về Nguyễn Trường Tộ. Nhân dịp này, anh Bùi Kha tặng tôi một bản in công trình của anh tại hải ngoại, bản này mang tên là Nguyễn Trường Tộ sau bức màn canh tân, nội dung cũng giống như tác phẩm tôi đã đọc qua. Biết tôi có viết bài Thay lời tựa cho cuốn Trương Vĩnh Ký, cuốn sổ bình sanh của Nhà Sử học Nguyễn Sinh Duy thực hiện trước năm 1975 do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tái bản năm 2003, anh cho biết nguyện vọng sẽ xin phép tái bản ở Việt Nam công trình của anh về Nguyễn Trường Tộ và ngỏ ý muốn tôi viết cho mấy lời đầu sách như bài của tôi viết về Trương Vĩnh Ký. Tôi từ chối nhã ý của anh và nói rằng anh không nhất thiết phải in lại sách này ở Việt Nam vì theo tôi biết, cũng đã có nhiều người biết đến nó, nhất là các nhà sử học ở Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử, họ có đủ tư cách để phản biện và bình luận về cuốn sách của anh hơn tôi.



Anh nên đề nghị với họ cho ý kiến, nhất các học giả anh có nhắc đến và tranh luận trong sách của anh như Giáo sư Chương Thâu, Hoàng Thanh Đạm, Nguyễn Đình Chú... Tốt nhất là trước mắt, các kết quả nghiên cứu của anh, anh nên viết thành các bài báo, nếu được tạp chí Hồn Việt của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đăng thì rất tốt, để chất chính các độc giả và học giả trong nước. Anh đồng ý với tôi và đã thực hiện điều tôi góp ý. Sau đó, tạp chí Hồn Việt cũng có đăng một số bài của anh về Nguyễn Trường Tộ và nói chung cũng được độc giả tiếp nhận tốt.


 

Bẵng đi một thời gian, qua điện thoại từ Hoa Kỳ rồi trực tiếp khi về nước, năm nay, anh lại đặt vấn đề với tôi. Lần này, Giáo sư Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc học, Tổng Biên tập tạp chí Hồn Việt cùng góp lời với anh, đề nghị với tôi một lần nữa và gởi cho tôi bản vi tính cuốn sách; dự định biên tập để xin phép xuất bản tại Việt Nam.


 

Cũng như các lần trước, đọc bản thảo lần này của Bùi Kha, tôi tán thành phần lớn các dẫn liệu và nhận xét của anh về "con người và di thảo" Nguyễn Trường Tộ. Đó là cái nhìn khác và mới, chúng có thể giúp người đọc như tôi thay đổi nhận thức đã có về ông trước nay do chưa đọc hết hay đọc kỹ các di thảo đó một cách có hệ thống và liên hệ chúng với hành trạng và hoàn cảnh của ông trong thời gian viết và gởi các điều trần.



Về nội dung, tôi có phần dè dặt trước các khẳng định của tác giả nhất nhất quy kết các điều trần đều viết với sự chỉ đạo của các giới quân sự và tôn giáo về phía quân xâm lược và chiếm đóng Pháp, mặc dù cũng có cơ sở để xét đoán như vậy song không nên khẳng định hoàn toàn, nhiều chỗ nên đề xuất dưới dạng nghi vấn hay đối chiếu để người đọc phán đoán thì tốt hơn, tránh cho người đọc sự hiểu lầm tác giả có định kiến sẵn...



Tất nhiên, công trình của Bùi Kha có thể xem là một luận đề (thèse) được nêu lên để chứng minh bằng các sự kiện và văn bản lịch sử. Hãy để cho sự việc nói thay mình vẫn tốt hơn những lời khẳng định đôi khi như những lời buộc tội. Và, nó cũng sẵn sàng đón nhận các lời phản biện.


 

Có lẽ đây là nhược điểm của Bùi Kha mà một người phê bình ở hải ngoại nhận xét rằng, có lẽ vì tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên lời lẽ có phần "thiếu trau chuốt và suôn sẻ". Dù là sáng tác hay nghiên cứu, văn là người, nhiều chỗ Bùi Kha khá thẳng thừng, không khôn khéo tế nhị lắm. Dù sao theo tôi cái tâm của người viết ở đây có thể thấy rõ được.


 

Nguyễn Du có câu thơ: "Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn?"(Tính như chân con hạc, cắt ngắn làm sao được?). Có lẽ là vậy chăng?


 

Cuối cùng, có một điều trong cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ mà tôi vẫn còn băn khoăn. Các bài viết về tiểu sử của ông trong đó có tài liệu của gia đình ông cho biết rằng, lúc cuối đời, ông có bày tỏ tâm sự chung thân của mình bằng hai câu thơ cổ: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu dĩ bách niên thân" (Một bước sa chân muôn thuở hận/ Quay đầu thân thế đã trăm năm). Dù hai thân phận khác nhau, song cuộc đời ông phải chăng so với Trương Vĩnh Ký cũng có những chỗ tương đồng. Dù ca ngợi hay lên án ông, song nơi con người có thể xem là tài hoa và mệnh bạc đó hẳn còn có nhiều tâm sự ông mang theo mình xuống đất? Phải chăng cái ánh sáng cuối đời đó của ông có thể soi chiếu cả cuộc đời ông? Công trình của Bùi Kha chưa đặt ra vấn đề đó, thành thử vấn đề Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo chưa thể xem là đã có thể có câu trả lời cuối cùng.


 

Tôi chia sẻ với những lời cuối cùng của tác giả trong phần kết: "Nghiên cứu và đánh giá các biến cố và sự kiện lịch sử sẽ giúp chúng ta và thế hệ mai sau học được bài học "ôn cổ tri tân".


 

Mong ước cuối cùng của tôi là, đề nghị các sử gia chuyên về lịch sử Việt Nam trong thời Pháp thuộc và Viện Sử học Việt Nam nên có một chương trình và kế hoạch sưu tầm các tài liệu mật tại các Thư khố Pháp và tại Bộ Truyền giáo Hải ngoại Paris để có một sự đánh giá xác đáng về các nhân vật lịch sử thời bấy giờ, trong đó có Nguyễn Trường Tộ. Còn bài viết của tôi cũng còn hạn hẹp cần bổ túc rất nhiều, mong được các bậc cao minh chỉ giáo".



 

Viết bài này giới thiệu tập sách của Bùi Kha, tôi cũng mong nhận được sự chỉ giáo tương tự để được tiếp tục sáng tỏ thêm nhận thức của mình.




GS-NGND TRẦN THANH ĐẠM
(TP. Hồ Chí Minh, ngà
y 30/3/2011)



Chú thích [1]: (Nhiều bài di thảo, Nguyễn Trường Tộ sử dụng từ Đại Nam và nước Việt (Việt Nam). Do đó trong sách, chúng tôi dùng cả hai từ này. Còn người Pháp thì dùng từ An Nam để chỉ nước ta (BBT Nhà xuất bản Văn học).

 

 

*********

 

VÀO ĐỀ


 

Nguyễn Trường Tộ được vinh danh sai lầm qua nhiều thế hệ. Sự nhầm lẫn này không những chỉ xảy ra ở lĩnh vực cá nhân, mà ngay cả trên tầm cỡ quốc gia nữa. Lý do của sự sai lầm là vì thiếu sử liệu, bị thu hút vào những cụm từ canh tân, đổi mới, thực dụng, kỹ thuật, kế hoạch thu hồi, bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định... và nhất là nghe theo sự giáo dục sai lầm của nhà trường hoặc lời truyền tụng của những người đi trước.


 

Năm 1996, nhận thấy sự sai trái của ông Chương Thâu, Giáo sư – Viện Sử học Hà Nội, trong việc phụ họa với Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên qua việc cố tình dịch sai cụm từ Plusieurs Soldats để che đậy hành vi vận động thực dân Pháp đánh chiếm nước ta của Linh mục Alexandre de Rhodes, nên tôi đã viết bài biện chính. Từ đó, tôi đâm ra nghi ngờ việc vinh danh một số nhân vật đã từng cộng tác với Pháp, trong đó có Nguyễn Trường Tộ. Năm 1998, tôi nghiên cứu để viết về ông. Bài viết có nhan đề Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân in trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo. Năm 2001, ông Hoàng Thanh Đạm viết bài phê bình cuốn sách của chúng tôi. Và đây cũng là cơ hội tốt để chúng tôi rà xét sự nghiên cứu của mình. Đó là lý do của sự ra đời bài Thảo luận với cụ Hoàng Thanh Đạm về Nguyễn Trường Tộ. Tháng 10/2002, Đài BBC phỏng vấn tôi về nhân vật được vinh danh sai lầm này.


 

Để độc giả dễ tìm hiểu tâm chất và hành trạng của ông Nguyễn Trường Tộ sau những mỹ từ canh tân, đổi mới, thực dụng..., chúng tôi tổng hợp vài bài viết để cho ra đời cuốn Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân. Phần cuối là Tổng luận Khen – Chê. Với những tài liệu không thể phủ bác, nhất là tài liệu mật và những bức thư do chính ông Nguyễn Trường Tộ viết, chứ không phải người nào khác, sẽ giúp độc giả thấy rõ một con người vì ngoại bang mà viết những bản gọi là điều trần gởi lên vua Tự Đức, nhưng lại được ngụy trang sau bức màn canh tân, để dối gạt triều đình và làm hại cho một quốc gia mà chính ông được sinh ra, lớn lên và chết trên đó.


 

Dĩ nhiên là sự nghiên cứu của tôi cũng không thể tránh nhiều thiếu sót, rất mong được các bậc cao minh chỉ giáo.


 

Hè 2010
BÙI KHA

 

*********


 

PHẦN MỘT


 

TỔNG QUÁT TƯ TƯỞNG CỦA
NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
QUA 58 BẢN ĐIỀU TRẦN VÀ NHỮNG CA NGỢI


 

Có nhiều điều khó cho tôi lúc viết về Nguyễn Trường Tộ.


 

Thứ nhất: Nhiều thế hệ học sinh như tôi, lúc còn nhỏ được thầy cô dạy cho biết Nguyễn Trường Tộ là một nhà canh tân lớn. Nhưng rất tiếc triều đình vua Tự Đức vì hèn nhát, hẹp hòi và cố chấp nên đã không áp dụng những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ, nên Việt Nam bị nghèo đói, chìm đắm nhiều thế kỷ và bị ngoại bang đô hộ. Lời dạy ấy vẫn ám ảnh mãi trong tôi và có lẽ một số lớn các học sinh khác cũng như vậy.

                   

Vua Tự Đức (ở ngôi: 18471883)
Nguồn: http://www.nguyenphuoctoc.info/

 

Thứ hai: Khoảng hơn 135 năm qua, hầu như chưa có một bài viết nào khá súc tích, của phía hoàng tộc, để minh oan hoặc ít nhất là nói lên quan điểm của mình về lời cáo buộc mà đa số những học sinh như tôi đã được dạy như trên.


 

Thứ ba: Theo sự liệt kê của Linh mục Trương Bá Cần, tác giả cuốn Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, xuất bản năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì có khoảng 60 tác giả viết về Nguyễn Trường Tộ. Trong số 60 tác giả này, có vị là thầy của những bậc thầy, số còn lại hầu hết là những nhà nghiên cứu đứng đắn với kiến thức sâu rộng. Tôi chưa có cơ hội đọc được nhiều bài trong số gần 100 bài của 60 tác giả nói trên. Nhưng nhìn các nhan đề của các bài viết, chúng ta có thể tiên đoán được, phần nào, về nội dung của chúng: Nguyễn Trường Tộ hầu như hoàn toàn được ca tụng hơn là bị phê phán, mặc dầu phần lớn các bậc lão thành này không hẳn có cùng một tín ngưỡng với Nguyễn Trường Tộ. Một trong những tác giả là Nguyễn Trọng Thuật trong bài Nguyễn Tràng Tộ trên lịch sử Việt Nam đăng trong Nam Phong Tạp Chí số 180 tháng 01/1933, gọi Nguyễn Trường Tộ là bậc vĩ nhân. Người kế tiếp là Từ Ngọc Nguyễn Lân trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, xuất bản tại Huế, năm 1941, có những lời ca ngợi như sau: "Viết cuốn sách nhỏ này về Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, tôi không dám có cao vọng khảo cứu tường tận về học thức tài hoa, sự nghiệp của bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam. Một người như thế đáng cả quốc dân tôn sùng; tượng đồng bia đá, kể cũng còn là ít...". “


 

Thứ tư: Giáo sư Chương Thâu, Phó Tiến sĩ Sử học thuộc Viện Sử học Hà Nội, có một bài viết về Nguyễn Trường Tộ, sâu sắc, đầy đủ và tầm cỡ nhất mà dưới đây tôi trích đăng để hầu độc giả:


 

"Cách đây 30 năm, khi mới về công tác tại khoa Sử học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được các Giáo sư Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy hướng vào nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ – nhà yêu nước, nhà cải cách lớn của lịch sử cận đại Việt Nam.


 

Bắt tay vào việc: sưu tầm, đọc, dịch văn bản, tìm hiểu con người và cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ, tôi ngày càng bị hấp dẫn bởi hệ thống những tư tưởng cải cách tiến bộ, và trên hết cả là tấm lòng thiết tha vì nước, vì dân của ông. Sau đó, để đánh dấu cho bước đầu nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ, vào năm 1961, tôi và anh Đặng Huy Vận (nay đã qua đời) cộng tác với nhau viết chuyên luận Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX (Chương Thâu – Đặng Huy Vận, NXB Hà Nội, 1961) nhằm bổ sung cho giáo trình lịch sử cận đại Việt Nam. Đề tài Nguyễn Trường Tộ cũng được đặt ra cho một số sinh viên khoa Sử làm khóa luận tốt nghiệp trong một số năm học...


 

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975) thống nhất nước nhà, trong niềm vui chung của nhân dân cả nước, tôi có thêm một nguồn vui riêng: Vấn đề Nguyễn Trường Tộ có cơ may sẽ được nghiên cứu trên nhiều chiều kích chung hơn, rộng hơn.


 

Rồi một ngày đầu xuân năm 1976, tôi gặp anh Trương Bá Cần. Thật đúng là do cái duyên kỳ ngộ. Thuở còn đi học ở Pháp, năm 1962, anh đã gởi thư cho tôi theo địa chỉ của tác giả cuốn sách Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIXđược lọt sang Paris hồi đó. Thư của anh hỏi tôi nhiều vấn đề liên quan đến Nguyễn Trường Tộ. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh tôi đã không đáp ứng được yêu cầu của anh.


 

Gặp anh Trương Bá Cần giữa thành phố Sài Gòn khi đã giải phóng, vui mừng khôn xiết. Tôi có thêm một người bạn là nhà Sử học để chia sẻ những nỗi niềm, những suy nghĩ về đề tài Nguyễn Trường Tộ bấy lâu nay hằng ôm ấp, nhưng ở hoàn cảnh tôi thật khó có thể tiếp tục triển khai. Theo tôi, chỉ có anh là người có đủ điều kiện nhất để hoàn thành sứ mệnh khoa học này.


 

Anh Trương Bá Cần là người từng theo dõi, tìm hiểu Nguyễn Trường Tộ trước tôi nhiều năm (từ năm 1942, khi anh còn học ở Chủng Viện Xã Đoài, gần quê hương của Nguyễn Trường Tộ). Anh lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu. Anh vừa là một nhà khoa học, vừa là một linh mục đầy lòng ngưỡng mộ đối với người Công giáo yêu nước Nguyễn Trường Tộ, nên về nhiều mặt, anh thuận lợi hơn so với những người nghiên cứu khác.


 

Thực tế đã chứng tỏ đúng như vậy. Những tài liệu về Nguyễn Trường Tộ và liên quan đến Nguyễn Trường Tộ mà anh tập hợp được từ nhiều nguồn, trong nhiều chục năm nay là hết sức phong phú: Từ các văn bản Hán – Nôm của các thư viện ở miền Bắc và ở miền Nam; từ các sách báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng Pháp ở trong nước và ở nước ngoài; từ các tài liệu của các tủ sách và thư viện các gia đình mà anh biết được... Anh đã bỏ ra không ít công phu để tra cứu, đối chiếu, phối kiểm để giới thiệu và chú thích một cách rất cẩn thận... Tóm lại, anh đã giám định, khảo chứng và xử lý các văn bản một cách khoa học. Với tất cả công sức lao động bền bỉ và nghiêm túc trong nhiều năm tháng, cho đến nay, anh đã cho ra mắt công chúng công trình khoa học: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo.


 

Đây là một tập đại thành về Nguyễn Trường Tộ của ba thế hệ nghiên cứu từ những năm 20 của thế kỷ XX đến nay...


 

Qua toàn bộ di thảo của Nguyễn Trường Tộ được công bố lần này, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các ngành khoa học xã hội như lịch sử, triết học, kinh tế học, xã hội học... sẽ có thể khai thác, lấy ra rất nhiều vấn đề để nghiên cứu. Bởi vì, có thể nói, Nguyễn Trường Tộ đã đề cập đến hầu hết mọi vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao... như là một hệ thống các vấn đề cần phải cải cách đổi mới ở xã hội đương thời. Đặc biệt về đường lối xây dựng phát triển kinh tế, làm cho dân giàu nước mạnh, đối với Nguyễn Trường Tộ, luôn luôn được coi là một vấn đề cốt tử nhất. Về đường lối chiến lược là khá toàn diện và sâu sắc. Về sách lược biện pháp thực hiện là cụ thể và rõ ràng. Về thái độ và tấm lòng thành của ông là vô cùng chân thành và cảm động. Ông đã kiên trì đề đạt những kiến nghị cải cách đó trong hơn 10 năm ròng rã, đến mức độ khi bị bệnh phải nằm ngửa để viết tiếp các bản kiến nghị, ông vẫn không chán, không chùn. Vì như ông vẫn tự xác định: Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa.


 

Những vấn đề Nguyễn Trường Tộ đặt ra cách đây trên 120 năm, đối với chúng ta ngày nay, trong thời điểm lịch sử của những ngày tháng sôi động trước phong trào đòi phải đổi mới tư duy hiện nay, vẫn còn có một ý nghĩa thời sự, vẫn có những giá trị tham khảo nhất định.


 

Cách đây không lâu, tôi có một anh bạn lớn tuổi, từng là cán bộ khoa học có trình độ lý luận cao và đã có một quá trình công tác cách mạng lâu dài, sau khi tôi đưa cho mượn đọc một số di thảo của Nguyễn Trường Tộ, đọc xong, anh đã xúc động nói rằng:


 

– Quả tình càng đọc Nguyễn Trường Tộ, tôi càng thấy xót xa thương cảm ông, càng giận vua quan triều đình nhà Nguyễn.


 

Và ông bạn này nói thêm:


 

– Giá như những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, nhất là tập Tế cấp bát điều, được công bố sớm hơn, trước Đại hội VI của Đảng ta chẳng hạn, thì nhân dân ta, các cán bộ lãnh đạo cũng tham khảo được một số ý kiến rất xác đáng của một nhà yêu nước sớm có tư duy đổi mới, sớm có một hệ thống những vấn đề cải cách xã hội và kinh tế xuất sắc, thật đáng cho mọi người kính phục.


 

Công trình nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảora đời có thể là hơi muộn so với đòi hỏi của công chúng, nhưng giá trị khoa học của nó vẫn y nguyên. Tấm lòng của Nguyễn Trường Tộ đối với sự nghiệp canh tân đất nước, vẫn là như hoa quỳ luôn hướng về mặt trời. Chính vì vậy mà cách đây đúng 80 năm, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, khi viết cuốn Việt Nam Quốc sử khảo, xuất bản tại Nhật Bản năm 1908 đã nhận định rằng: Ông chính là người đã giống cái mầm khai hóa trước tiên (Phan Bội Châu: Việt Nam Quốc sử khảo. Chương Thâu dịch và chú thích, NXB Giáo Dục Hà Nội, 1962) ở nước ta. Và có lẽ cũng do có sự chỉ dẫn đó, nên người viết những dòng này sớm có duyên nợ với Nguyễn Trường Tộ, luôn dõi theo công trình nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ và hôm nay niềm vui của tôi thật sự được nâng lên với công trình nghiên cứu mới này".


 

TP.Hồ Chí Minh, tháng 7/1988
CHƯƠNG THÂU
Phó Tiến sĩ Sử học

(Trích từ bài viết có nhan đề Lời bạt trong tác phẩm của
 Linh mục Trương Bá Cần, Sđd, tr. 487 & 490-491)


 

Thứ năm: Tại hải ngoại, tập san Thế Kỷ 21 là một tạp chí đứng đắn, số tháng 12/1991, nhà văn Thế Uyên điểm cuốn Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo của Trương Bá Cần (Thế Uyên đọc) có những lời nhận định như sau:


 

"Trương Bá Cần là một linh mục tốt nghiệp tiến sĩ về môn Sử ở Paris từ rất lâu trước 1975.


 

Về phần con người Nguyễn Trường Tộ, sưu khảo của Trương Bá Cần thật đầy đủ, công phu đến tận chi tiết. Điều đó là lẽ đương nhiên vì không đúng như thế thì làm sao lấy được bằng tiến sĩ của Pháp.


 

Người đọc không khỏi ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì hai lý do: Lý do thứ nhất là tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ rộng lớn bao quát hơn chúng ta có thể tưởng; lý do thứ hai là tại sao vua quan Việt Nam thời Tự Đức lại không biết nghe theo Nguyễn Trường Tộ, không bổ nhiệm ông làm thủ tướng toàn quyền thì cũng phải mời ông ngồi vô ngôi vị cố vấn khoa học kỹ thuật tối cao cho vua và triều đình" (tr. 66, TCĐD).


 

Thứ sáu: Gần đây hơn, cuối năm 1992, Viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Hán – Nôm, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức khóa hội thảo về chủ đề Nguyễn Trường Tộ: nhà cải cách lớn của dân tộc. Có 47 bài (gồm cả bài phỏng vấn của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) được chọn đăng trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu tập thể gồm nhiều vị giáo sư và nhiều học giả lỗi lạc, các bài viết khách quan, nghiêm túc. Ngoại trừ một vài tác giả, phần lớn còn lại là những vị không cùng tín ngưỡng với giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ. Điều đó cho thấy, việc đánh giá cao về Nguyễn Trường Tộ được phát xuất từ tinh thần khoa học khách quan không bị vướng mắc bởi tình cảm tôn giáo.


 

Cũng như gần 100 bài viết của các tác giả đi trước, 44 trong số 47 bài của cuộc hội thảo này, kể cả bài của Tiến sĩ Sử học Vĩnh Sính (hiện ở Canada) cũng có những nhận định tương tự, nghĩa là xác tín Nguyễn Trường Tộ là một nhà đại tư tưởng, có những đề nghị cải cách vượt thời đại, ngoại trừ 3 bài của Giáo sư Lê Xuân Diệm, nhà nghiên cứu Hán học Phạm Thị Hảo, nhất là bài của nhà nghiên cứu Văn học Thái Hồng. Ba tác giả này, nhất là nhà nghiên cứu Thái Hồng, đã có những đánh giá về Nguyễn Trường Tộ qua mối tương quan lịch sử. Tuy vậy, ông Thái Hồng cũng chỉ mới phác họa một vài nét tổng quát, trong việc phê phán Nguyễn Trường Tộ mà thôi. Có thể nói, ba con én quý này đã báo hiệu nhưng chưa tạo được mùa xuân. Trái lại, hầu hết các tác giả của tuyển tập đã ca tụng Nguyễn Trường Tộ hết mực, mà chúng ta có thể hình dung sự ca tụng này qua Lời nói đầu của cuốn sách như sau:


 

"Bạn nên đọc quyển sách này. Vì đây không phải là một tập sách gồm những luận văn bàn về những vấn đề khô khan ít bổ ích mà là viết về một con người, một trí thức đầy tâm huyết đối với dân tộc và đất nước.


 

Đây cũng là một dịp để bạn tìm hiểu sâu hơn về một thế kỷ đau thương và đen tối của Việt Nam và chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi kinh ngạc khi thấy lóe lên một tư tưởng lớn, một trí tuệ lớn mang tầm cỡ quốc tế: Trí tuệ và tư tưởng Nguyễn Trường Tộ".


 

Chắc chắn tuyển tập về Nguyễn Trường Tộ đã có hàng ngàn người đọc và cuộc phỏng vấn Ban tổ chức cuộc Hội thảo do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã có hàng triệu người nghe. Nhưng đến nay, hầu như chưa có một bài bình luận nào.


 

Với những khó khăn nêu trên, tôi rất lúng túng, không dám suy nghĩ và viết về Nguyễn Trường Tộ và xem như sự đánh giá về ông đã đến hồi chung cuộc, không nên mất thêm thì giờ vào đó nữa, vô ích.


 

Nhưng sau khi đọc hết 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ (có người gọi là 58 di thảo), tôi thấy cần có vài ý kiến của một người thuộc lớp hậu học mà quý độc giả sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên về những hành động và tư tưởng tai hại cho đất nước nhưng lợi ích cho ngoại bang không thể ngờ được của Nguyễn Trường Tộ qua các sử liệu chính xác không thể phủ bác.


 

Nhận xét tổng quát về 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ.


 

1. 58 bản điều trần được sắp theo thứ tự thời gian, từ bài số 1: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận) viết vào khoảng tháng 3–4/1863, đến bài cuối cùng, thứ 58: Bài Tựa sách Đàm thiên luận, không thấy đề ngày tháng. Không biết vì lý do nào mà Linh mục Trương Bá Cần lại xếp Bài Tựa sách Đàm thiên luận vào cuối cùng, thay vì bài di thảo số 56: Nên mở cửa, không nên đóng kín viết vào tháng 10-11/1871. Có lẽ đây là bài cuối đời của Nguyễn Trường Tộ. Ông mất vào ngày 24/11/1871. Tuy vậy, chi tiết này cũng không đáng quan tâm lắm.


 

Điều quan trọng là qua 58 bản điều trần xếp theo thứ tự thời gian, chúng ta sẽ thấy tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ không được bố cục một cách nhất quán, mà viết theo những biến chuyển của tình hình quân sự và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, cũng như viết theo bối cảnh lịch sử Việt Nam thời bấy giờ, để xoáy vào chủ điểm chính: Tại sao nên hợp tác với Pháp.


 

2. Với giọng văn điêu luyện, sắc sảo, chúng ta thấy Nguyễn Trường Tộ đã sử dụng hai luận điểm chính để thuyết phục dân Đại Nam (Việt Nam) nhất là triều đình vua Tự Đức. Hai luận điểm có tính chiến lược và chiến thuật đó có thể đặt tên là "củ cà rốt và cục xương".


 

Chiến thuật "củ cà rốt" là đưa ra một miếng mồi béo bổ như khai thác hầm mỏ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên... để làm cho dân giàu nước mạnh. Muốn đạt được mục đích đó thì phải làm gì? Trả lời: Phải hợp tác với Pháp, phải cầu khẩn Giáo hoàng La Mã giúp sức như trong di thảo số 5.


 

Chiến thuật "cục xương" là đưa ra một số đề nghị không thể thực hiện được như chỉnh trang võ bị, đào kênh từ Hải Dương đến Huế... (di thảo số 27) để qua đó muốn triều đình nhà Nguyễn phải mất thì giờ gặm, nhấm cục xương để không thể làm gì khác hơn.


 

3. Nguyễn Trường Tộ khéo và tài tình lồng tư tưởng Kinh Thánh vào hầu hết những bản di thảo để một mặt thì hăm dọa rằng: "Tạo vật đã định như vậy, sao cưỡng được" (di thảo số 1), mặt khác thì an ủi chấp nhận số phận... "Vì tạo vật đã an bài"(trong nhiều di thảo khác).


 

4. Một số di thảo, thì đưa ra các dữ kiện sai lầm về sử liệu để bi thảm hóa tình hình, nhằm kêu gọi người Việt nên hòa với Pháp (di thảo số 1), và để biện minh cho những đề nghị của mình (di thảo số 5 và 27).


 

5. Nguyễn Trường Tộ nhìn đất nước trong lăng kính tôn giáo, mang đầy tính chất cuồng tín, để từ đó dẫn đến hai hệ luận:


 

Thứ nhất, Đại Nam là một phần tử trong tổng thể của vạn vật mà tạo hóa đã sáng tạo, do đó "không có tự do làm theo ý muốn" (di thảo số 2). Và vì là sản phẩm của tạo vật nên phải chịu số phận cần được khai hóa (di thảo số 1).


 

Thứ hai, liên đới với hệ luận thứ nhất về mặt trần thế, do đó, Đại Nam nên "dùng giám mục và linh mục vào việc canh tân đất nước" (di thảo số 17).


 

6. Có 3 trong số 58 di thảo không có nhiều giá trị cho việc đề nghị "canh tân" cũng như văn chương, học thuật, nên không đáng được quan tâm nhiều như di thảo số 6: Về việc mua đóng thuyền máy; di thảo số 7: Về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy"; di thảo số 9: Về việc mua tàu London; di thảo số 11: Tâm sự với Trần Tiễn Thành; di thảo số 16: Bài Bạt mừng đào xong thiết cảng; di thảo số 28: Biểu tạ ơn vua, tháng 3/1868; di thảo số 56: Bài Khải quyên tiền sửa cầu; di thảo số 58: Bài Tựa sách Đàm thiên luận (cộng chung có 17 trang, khổ 8x11).


 

Trái lại, có 3 di thảo dù không liên quan nhiều đến chính trị, kinh tế hoặc canh tân, nhưng về phương diện văn chương, lý luận và sự kiện thì rất hay, xuất sắc, nhất là tác giả lúc bấy giờ đang ở lớp tuổi 35 và cách đây 130 năm. Đó là di thảo số 10: Thảo thư gởi Tây Soái; di thảo số 47: Về việc cải cách phong tục; di thảo số 50: Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng (3 di thảo này gồm 18 trang).


 

4 di thảo khác được viết trong bối cảnh bị triều đình vua Tự Đức nghi ngờ nên giọng văn và ý tưởng có vẻ nịnh bợ hoặc phân trần, hoặc viết để thăm dò ý của triều đình. Đó là di thảo số 13: Ngôi vua là quý; chức quan là trọng; di thảo số 40: Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định; di thảo số 51: Cần nắm vững tình hình chính trị ở Pháp; di thảo số 52: Canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao (cộng chung có 18 trang).


 

Ngắn gọn, ba loại nói trên gồm có 15 di thảo, tổng cộng là 53 trang. Số còn lại gồm 43 di thảo, tổng cộng khoảng 250 trang, tức là chiếm gấp hơn 5 lần so với tổng số 15 di thảo nói trên.


 

Trong số 43 di thảo này, có 3 di thảo dài nhất và gói ghém phần lớn tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ. Đó là di thảo số 1: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận, gồm 6 trang); di thảo số 5: Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh (Dụ tài tế cấp bẫm từ = Lục lợi từ, 17 trang); di thảo số 27: Tám việc cần làm (Tế cấp bát điều, 56 trang). Như vậy, 3 bài chính chứa đựng phần lớn tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, tổng cộng khoảng 80 trang. 35 di thảo còn lại chiếm 160 trang. Những tư tưởng trong 35 di thảo này thường là lặp lại hoặc bổ túc những ý kiến trong các di thảo khác. Nếu có vài ý kiến mới trong số các di thảo ngắn này nhưng những ý kiến đó không có gì đặc sắc lắm, ngoại trừ các di thảo có tính tôn giáo.


 

Bằng cách phân loại như trên, dĩ nhiên là có tính tương đối, hy vọng độc giả sẽ dễ dàng theo dõi tư tưởng chính yếu của Nguyễn Trường Tộ trong 3 di thảo quan trọng mang tính kinh tế và chính trị và 4 di thảo bàn về tôn giáo trong cuốn sách này.


 

Còn nữa...


"Nguyễn Trường Tộ và Vấn Đề canh Tân", tác giả là Bùi Kha, do nhà Xuất bản Văn học cấp giấy phép, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ấn hành, đã được chính thức phổ biến trên toàn quốc, hoặc có thể liên lạc mua tại Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 72 Trần Quốc Thảo, P. 8, Quận 3, TP HCM. Phone (84-8) 6 290-7430, fax (84-8) 3 551-0906.



TG & DT: Được sự đồng ý của tác giả, trang nhà sẽ lần lượt đăng nội dung quyển sách vào các kỳ tới. Mời bạn đọc đón đọc.



TG & DT trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, giới sử học, bạn đọc gần xa cùng trao đổi về chủ đề trên một cách chân thực, khoa học để chân dung Nguyễn Trường Tộ sớm được soi rọi khách quan, đúng chân giá trị lịch sử.!

 

Bình luận (13)

tìm mua sách này mà khó, k biết ở đâu bán
TuanVu ( 15/01/2016 11:07:45)
DÂN TA MÀ NHU HÈN À. ÔNG HỌC LẠI LỊCH SỬ XEM, NGOÀI NHẬT BẢN TOÀN BỘ CHÂU Á ĐỀU BỊ XÂM LƯỢC HOẶC BỊ LỆ THUỘC. HỒI ĐÓ CHÂU ÂU CÓ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN HƠN THÌ TA PHẢI CHỊU THUA, CÒN DÂN TA THÌ KHÔNG HÈN
NGUYỄN XUÂN BÁCH ( 22/09/2012 17:35:11)
DÂN TA MÀ NHU HÈN À. ÔNG HỌC LẠI LỊCH SỬ XEM, NGOÀI NHẬT BẢN TOÀN BỘ CHÂU Á ĐỀU BỊ XÂM LƯỢC HOẶC BỊ LỆ THUỘC. HỒI ĐÓ CHÂU ÂU CÓ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN HƠN THÌ TA PHẢI CHỊU THUA, CÒN DÂN TA THÌ KHÔNG HÈN
NGUYỄN XUÂN BÁCH ( 22/09/2012 17:35:04)
khi biết được bản chất của một tôn giáo thì chúng ta biết được hành động của người theo tôn giáo đó. Những người có nhận định cho rằng nguyễn trường tộ là nhà canh tân, cải cách...chỉ là những nhà nghiên cứu nói leo, nói theo và nói bậy. Người dân Việt biết rỏ nguyễn trường tộ, trương vĩnh ký,...và một số người nữa là những kẻ bán nước theo giặc, tiếc thay có số đông người viết sử theo kiểu nói leo, nói theo và nói bậy thì không biết. Nguyễn Kha dù không phải là nhà sử học, nhưng với tri thức và lòng yêu nước của mình , ông đã chứng minh và vạch ra một cách rỏ ràng âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm cài cắm độc trùng để phục vũ cho thủ đoạn nham hiểm của liên minh thực dân Pháp
AD ( 08/02/2012 16:46:33)
Qua các sử liệu ở trong và ngoài nước càng ngày những điều chúng ta từng ngộ nhận càng được bày tỏ. Tôi xin bày tỏ lòng khâm phục các Gs. Ts ở hải ngoại như Gs Trần Chung Ngọc, Gs, Bùi Kha, Gs Nguyễn Mạnh Quang, Gs Cao Huy Thuần . . . đã có những nghiên cứu hết sức công phu, chu đáo và đưa ra những luận cứ, luận chứng xác đáng để giúp nhân dân Việt nam ở trong nước có một cái nhìn đúng đắn về một số nhân vật mà chúng ta từ xưa tới nay đã chót tôn vinh một cách thiếu căn cứ. Rất mong các Gs, ở trong và ngoài nước có những bài nghiên cứu chu đáo như vậy.
Hoàng Linh Mục ( 02/02/2012 12:21:01)
Lịch sử là một môn khoa học. Đánh giá về nhân vật lịch sử với tư tưởng canh tân cần nhìn khoa học, biện chứng và lịch sử cụ thể. Dù tác giả đưa ra nhiều luận chứng trên cơ sở phân tích các bản điều trần về NTT nhưng ngay lập tức có kết luận như tác giả Bùi Kha tạo tôi cảm giác tác giả định kiến với những người theo Công giáo. Xin các bạn đọc đoạn ở trang 46 cuốn sách để thấy định kiến này của tác giả. Tôi nhất trí với quan diểm của ông Trần Thanh Đạm rằng nên coi đây là luận đề để từ đó tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn, không nên đưa ra kết luận như Bùi Kha.
vuithemvui ( 08/08/2011 16:39:06)
Lâu nay, đặc biệt là thời lịch sử hiện đại, do Nhà nước ta cứ có quan niệm chế độ phong kiến là xấu xa, là thối nát, với định kiến đó, cứ ai chê chế độ phong kiến là được tôn vinh. Nguyễn Trường Tộ là một trong những hiện tượng như vậy, mấy ai để ý, tìm hiểu sâu xa nguồn cội và bản chất vấn đề đâu.
Hùng VN ( 15/06/2011 12:14:24)
lâu nay, giáo dân chúng tôi rất tự hào về một giáo dân nổi danh như Nguyễn Trường Tộ. Hóa ra chúng tôi tự hào sai?Ai có trách nhiệm về việc này? Và biết bao sự thật nữa được phơi bày, liệu niềm tin của giáo dân chúng tối với các vấn đề về tôn giáo có bị lung lay?
LM Nam Định ( 13/06/2011 16:00:46)
lâu nay, giáo dân chúng tôi rất tự hào về một giáo dân nổi danh như Nguyễn Trường Tộ. Hóa ra chúng tôi tự hào sai?Ai có trách nhiệm về việc này? Và biết bao sự thật nữa được phơi bày, liệu niềm tin của giáo dân chúng tối với các vấn đề về tôn giáo có bị lung lay?
LM Nam Định ( 13/06/2011 15:55:56)
Xin cám ơn trang nhà đã cho chúng tôi thấy bộ mặt thật đến tráo trở của người được vinh danh sai lầm sau mấy chục năm.Thiết nghĩ phải có những nghiên cứu như này để cho mọi người biết được những con người mà hàng ngày minh đi qua(tên phố),mình đọc trên cổng trường cuộc đời và sự nghiệp của người đó!
Nguyễn Lam ( 11/06/2011 23:02:25)
Vấn đề này trên mạng cũng đã đề cập đến, nhưng không hiểu sao giới sử học không tổ chức một Hội thảo qui mô để cùng bàn luận sự thực lịch sử về huyền thoại Nguyễn Trường Tộ.
Nguyên Nhất ( 11/06/2011 18:32:13)
Cuộc sống là như vậy, chỉ có minh bạch thông tin, chúng ta mới biết được sự thật!Biết bao nhiêu địa danh, trường học, con đường mang tên Nguyễn Trường Tộ rồi đây sẽ ra sao?
Bạch Đằng ( 11/06/2011 18:30:22)
Đọc xong những đoạn trên đây, quả thực chúng tôi thấy giật mình, và đang hồi hộp chờ đọc các kỳ tiếp theo.Chúng tôi cũng rất muốn nhận được ý kiến phản biện chính thức của giới sử học, rất mong TG
Nguyễn Trường Tô ( 11/06/2011 18:29:26)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp