Từ ngàn xưa cửa Chùa luôn rộng mở. Ngoài những nghi lễ tôn giáo, chùa không chỉ là nơi đón những người cô quả tá túc lúc buổi cơ hàn, mà còn là nơi trú ẩn của nhiều nghĩa quân trong giây phút sơn cùng lộ tuyệt của cuộc đời.
Chùa cũng là nơi mà các nhà thơ, nhà văn đến uống trà đàm đạo với các Thiền sư. Từ đó những áng thơ, văn, phú đậm nét văn học, triết học, đạo đức pha lẫn chất Thiền, chất Từ bi Hỹ xã đã góp phần xây dựng một sức mạnh văn hóa tiềm tàng làm kim chỉ nam cho hồn tính của dân tộc.
Một Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, Một Truyện Kiều của Nguyễn Du, một kho nhạc của Trịnh Công Sơn, và nhiều nữa…là những thí dụ điển hình.
Ngày nay, đất nước đang vươn lên, dân quê còn thiếu thốn, những học sinh từ bốn phương cứ độ dịp hè sẽ ùa về đô thị để dự thi vào đại học. Tốn kém trăm bề, tiền xe, tiền ăn, tiền nhà trọ v.v...Những bậc cha mẹ buôn thúng bán bưng, tiền lương chưa đủ sống làm sao chu toàn cho con cái trong mùa thi!
Trước cảnh thương tâm nầy, phải chăng các chùa ở đô thị nếu có giảng đường còn rộng, có mái hiên có thể dung chứa hằng chục ngay cả vài em tá túc đôi đêm trong mùa thi. Nên chăng đó cũng là cách thể hiện tình thương bao la mà đức Phật đã dày công tuyên thuyết.
Là học sinh hôm nay, nhưng ngày mai ai biết, các em sẽ là những nhân vật ưu tú cho thế hệ mới của dân tộc.
Thể hiện ngay cả một tình thương rất nhỏ đã là những nét đẹp của những người theo bóng Đức Từ Bi. Huống nữa là một vài ngày tá túc, và vài bữa cơm đạm bạc nếu có.
Vâng, nếu có, xin quý vị Trú trì vui lòng cho tin lên mạng, lên hệ thống truyền thông, tên chùa, địa chỉ, số điện thoại, số lượng học sinh mà chùa có thể tiếp thu.
Mái chùa không riêng che chở hồn tính dân tộc mà che chở những thí sinh trong vài ngày của mùa thi. Đó là một hạnh từ bi không nhỏ và chẳng khó chút nào.
California, 25.6.2011
Hồng Quang Chúc may mắn đến các em thí sinh từ vạn dặm.