PHƯƠNG PHÁP HOẰNG HÓA TRONG THỜI ĐẠI MỚI
(Tham luận đọc tại buổi hội thảo ngày 29/07/2011 tại chùa Từ Đàm Huế)
Kính bạch chư Tôn Đức Tăng NiKinh thưa quý vị khách quýQuý Đại biểu và Phật TửĐể giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc, để góp phần vào việc hộ quốc an dân mà trong quá trình lịch sử hơn 2000 năm qua Phật Giáo Việt Nam đã thể hiện, chúng tôi thiết nghĩ cần phải đem đạo vào đời càng nhanh càng tốt; nếu để đồng trống lâu ngày thì cỏ dại sẽ mọc. Chúng ta hầu như có tất cả, chỉ thiếu phương pháp và tập huấn nhân sự mà thôi.
Quần chúng thời nào cũng vậy, nhất là hiện nay, cần phải đối diện với sự thiếu ăn thiếu mặc và bệnh tật. Do vậy, chương trình hoằng pháp nên mang tính thiết thực hơn mới thu phục được nhân tâm.
Phật giáo không có khả năng dồi dào để giúp gạo, giúp tiền và y dược để thể hiện chương trình ban vui cứu khổ, độ sinh mà Đức Như Lai đã từng tuyên thuyết. Giả thiết Giáo hội có thể cung ứng cho dân chúng được phần nào các nhu yếu vừa nêu trên, nhưng đó cũng mới biếu con cá chứ chưa phải giúp cái cần câu.
Sức khỏe là vàng. Không có sức khỏe, con người không thể làm bất cứ một điều gì, kể cả việc có nhiều vàng hoặc kim cương cũng không thể sử dụng được. Không có sức khỏe, tiền rừng bạc bể rồi cũng sẽ dần dà ra đi không hẹn ngày về.
Để hoằng pháp nhanh và hiệu quả tốt chúng tôi nghĩ Thiền-Tịnh-Mật là phương tiện hữu hiệu nhất vì cả ba pháp môn nầy “Có thể làm cho con người đẹp, thông minh, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa”.
Dưới đây là một số dẫn chứng cho thấy công dụng của Thiền như vừa nói:
50 năm qua y giới và khoa học gia của các nước tân tiến đã áp dùng Thiền của Phật Giáo để cải tiến sắc đẹp, làm gia tăng chất xám, hồi phục sức khỏe, ngừa bệnh và chống lão hóa (xin xem “Thiền, Sức khỏe và những lợi ích thiết thực, Hồng Quang).
Thật vậy, bà Sugandha Indulkar, một thiền gia lão luyện nhận định:
“Thiền mang đến một sức mạnh tiềm ẩn vô biên. Ngoại hình, làm tăng sắc đẹp, nội tạng thì khỏe mạnh hơn. Thân thể trẻ trung và tinh thần an lạc có thể đạt được bằng cách hành thiền mỗi ngày” (*) (mỗi lần từ 10 đến 20 phút, ngày hai lần).
Đó cũng là một trong những lý do mà các hoa hậu thế giới ngồi thiền để duy trì sắc đẹp.
Nhiều thí nghiệm cũng cho thấy, thiền làm cho chất xám gia tăng. Khoa học gia đã dùng máy chụp hình cọng hưởng từ (MRI) để ghi lại sự khám phá của mình.
Bác sĩ Herbert Benson sau nhiều năm nghiên cứu, ông cho thấy có trên 60% bệnh tật do tình trạng căng thẳng (stress), và Thiền có khả năng làm giảm căng thẳng nên chữa được bệnh.
Một khám phá khác của Giáo sư Sonja Lyubomirsky cho thấy, con người có thể hoàn thiện do tính di truyền của cha mẹ đến 50%, tự tạo 40%, và hoàn cảnh chỉ chi phối có 10%.
Do đó, nếu cuộc sống của một cặp vợ chồng an lạc vui vẻ, có ăn chay, niệm Phật, quán (nhìn chăm chú) hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, ngồi thiền (ngày 2 lần, mỗi lần tối thiểu 10 phút) thì đứa con sinh ra có thể sẽ đẹp và thông minh; vì do tính di truyền từ cha mẹ.
Lúc biết được tính di truyền như vậy, các bạn trẻ hôm nay có thể cung ứng cho dân tộc một thế hệ kế thừa đẹp và thông thái hơn. Nói rõ, Thiền có thể làm cho con người của thế hệ nầy đẹp, thông minh, khỏe mạnh hơn. Và tính di truyền 50% và luyện tập thêm 40% nữa sẽ làm cho thế hệ kế tiếp được tăng gia tốt đẹp hơn nữa; có thể đến cả 90% theo mô hình trên. Có tôn giáo nào mang tính khoa học và hữu dụng đến như thế chăng? E rằng chỉ có Phật Giáo.
Thiền sẽ giúp cho nhiễm sắc thể (chromosomes) trong tế bào dài hơn và vì thế mà tuổi thọ con người được gia tăng.
Đức Phật đã để lại một hành trang vô giá. Chúng ta làm thế nào để sử dụng chúng trong việc hoằng hóa độ sinh trong thời đại mới, không những chỉ có vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mà toàn diện từ thành thị đến thôn quê?
Một Tăng Ni được đào luyện từ năm đến mười năm chưa chắc đã đi thuyết pháp được, vì ngoài kiến thức Phật học, cần phải có tài biện thuyết, nghệ thuật diễn giảng và đề tài phải đáp ứng nhu cầu của thính chúng.
Nếu một vị giảng sư cứ đem Bát chánh đạo, Nhân quả luân hồi, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên và Giải thoát Giác ngộ ra thuyết giảng theo lối “cổ điển”, quần chúng có thể chưa muốn nghe vì họ đang băn khoăn về thiếu ăn thiếu mặc và làm thế nào để đối trị bệnh tật.
Nhưng nếu cũng các đề tài đó mà trình bày dưới cái khung của Thiền Sức Khỏe thì tuyệt hảo; không cần phải có nhiều tài biện thuyết và nghệ thuật diễn giảng cũng có thể làm cho thính chúng rất hoan hỷ.
Thật vậy, cá nhân tôi, nói năng vụng về, lại thêm dọng Quảng trị chay, khó nghe và khó hiểu, khuôn mặt ít lúc có được một nụ cười duyên dáng. Thật là tệ, biết vậy mà không thay đổi được. Nhưng qua trên 30 lần thuyết trình Thiền Sức Khỏe từ Bắc chí Nam, thính chúng rất hoan hỷ. Có người được nghe, muốn nghe thêm và thực tập. Người chưa nghe thì khao khát. Sở dĩ có được sự mến mộ ấy vì đề tài mà tôi trình bày là thiết dụng, bổ ích cho cuộc đời. Nói rõ hơn, tôi đã sử dụng những khám phá mới của khoa học về lợi ích của Thiền vào việc diễn giảng, nên hấp dẫn được quần chúng.
Nhìn vào hình của “Chiếc bánh hạnh phúc” nêu trên, chẳng hạn, lúc dự một đám cưới, chúng ta có thể chúc hoặc khuyên cô dâu chú rễ nên tạo cho mình có những đứa con khôi ngô tuấn tú.
Cũng với hình chiếc bánh hạnh phúc ấy, chúng ta khuyên tuổi trẻ xây dựng cuộc đời và hạnh phúc gia đình như thế nào, và góp phần xây dựng tổ quốc ra sao, vì hạnh phúc của mỗi cá nhân do di truyền 50%, tự tạo 40%. Mà thiền lại có khả năng làm cho con người đẹp, thông minh và mạnh khỏe hơn. Do đó, nếu bậc cha mẹ biết thực hành Thiền Tịnh Mật thì đứa con sinh ra có thể được như ý muốn. Một xã hội, một tầng lớp dân chúng sử dụng Thiền-Tịnh-Mật thì lớp kế thừa của dân tộc sẽ tốt đẹp hơn, thông minh và manh khỏe hơn.
Muốn biết cách áp dụng Thiền-Tịnh-Mật vào việc hoằng pháp thì chỉ cần tham dự một khóa tập huấn khoảng 3 tiếng đồng hồ là có thể thực hiện được.
Để Giáo hội tỉnh nhà (và các tỉnh khác) có một đội ngũ giảng sư hùng hậu hoằng pháp hữu hiệu thích ứng với thời đại hội nhập, chúng tôi mạo muội đề nghị Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên và thanh phố Huế, nơi đã từng được tiếng là cái nôi của Phật Giáo, tiên phong thí nghiệm một chương trình giản dị. Xin được đề nghị như sau:
1. Ban Tổ chức:
Ban Tri sự tỉnh TTH cùng với Ban Tri sự tỉnh Giáo Hội Quảng Nam Đà Nẵng và Quảng Trị, nếu được, tổ chức một khóa huấn luyện nhân sự hoằng pháp theo phương pháp mới bằng cách sử dụng Thiền-Tịnh-Mật như là phương tiện.
2. Chương trình gồm có: a.) Đào luyện hướng dẫn viên Tu sĩ: Ban tổ chức mời quý vị Giảng sư và Trú Trì các chùa trong tỉnh dự khóa tập huấn Thiền Sức khỏe. Sau khi tập huấn vừa lý thuyết và thực hành khoảng 3 giờ. Học viên tham dự hai buổi giao lưu Thiền và hướng dẫn một buổi thuyết trình cho bổn đạo của một ngôi chùa. Nếu nhận thấy học viên nào hội đủ khả năng, đề nghị ban Tổ chức cấp chứng chỉ (certificate) có Giáo Hội Trung Ương chứng minh, để quý vị đó có pháp lý và uy tín để hoằng pháp bằng phương tiện Thiền-Tịnh-Mật cũng như điều hành các trung tâm Thiền sức khỏe cho quần chúng.
Thừa thiên Huế và Đà Nẵng thuận lợi hơn vì có thể tập huấn cho các Tăng Ni sinh tại học viện. Sau khi tập huấn 3 giờ, ban Tổ chức hoặc quý vị giáo thọ hướng dẫn học chúng đến một số chùa trong thành phố thực tập. Một số TN sinh có thể về thăm quê và tổ chức những buổi thuyết trình và hướng dân làng về Thiền sức khỏe. Quay phim, chụp hình, viết phúc trình. Học Viện nên xem đây như là một luận văn quan trọng góp phần vào điểm ra trường cuê TN sinh.
b.) Đào luyện hướng dẫn viên cư sĩ: Chọn lọc khoảng 100 cư sĩ cho mỗi tỉnh. Thành phần gồm các cư sĩ có hạnh kiểm tốt (không can án), có trình độ Phật học khá, các huynh trưởng Gia Đình Phật tử và một số sinh viên, dự khóa huấn luyện Thiền Sức Khỏe 3 giờ, tham dự hai buổi thuyết trình và một buổi thực tập. Sau các buổi tập huấn, nếu thấy đương sự có khả năng, am hiểu và trả lời các câu hỏi của thính chúng thông suốt, đề nghị ban tổ chức cấp chứng chỉ có Giáo hội tỉnh chứng minh. Chứng chỉ xác nhận cư sĩ nầy có khả năng hướng dẫn các khóa Thiền Sức Khỏe cho quần chúng nhất là các vùng chưa có chùa hoặc chùa chưa có trú trì.
Đây là Thiền Sức Khỏe (Meditation for health). Do đó rất giản dị, không bị tẩu hỏa nhập ma. Nếu ngồi Thiền, tụng Chú hoặc niệm Phật mà không định được tâm thì không có kết quả, chỉ có thế thôi. Không giống như Thiền Giác Ngộ, nếu không có minh sư hướng dẫn thì có thể sẽ bị trở ngại.
c.) Giao lưu Thiền: Xen kẽ với các khóa tập huấn trên, nên có những buổi giao lưu Thiền với quý vị trong y giới, trong học đường và quần chúng tùy theo ban Tổ chức sắp xếp. Đây cũng là dịp để các học viên thực tập và học hỏi thêm kinh nghiệm.
d.) Ban giảng huấn: Do Ban Tổ chức tuyển mời những vị Tăng Ni và Cư sĩ có khả năng chuyên môn về Thiền Sức Khỏe.
3. Tài liệu: Sách về Thiền, Tịnh, Mật, dưỡng sinh cho các buổi tập huấn và thuyết trình khoảng 2 cuốn. Mỗi cuốn khoảng dưới 100 trang. Các cuốn sách nầy có tên tác giả, ban Hoằng pháp tỉnh viết lời giới thiệu, chứng minh và xin giấy phép xuất bản.
4. Ban chụp hình, quay phim, máy chiếu, âm thanh: Để ghi lại các buổi tập huấn, giao lưu để có thể gởi đến các chùa các nhóm Phật tử và đạo tràng chưa có cơ hội tham dự các khóa huấn luyện và giao lưu Thiền Sức Khỏe.
Sau các buổi tập huấn và thuyết trình nầy, Giáo hội sẽ có thêm rất nhiều Tăng Ni và cư sĩ có khả năng để hướng dẫn chương trình Thiền Sức Khỏe khắp nông thôn và vùng sâu vùng xa, mở các lớp Thiền Sức Khỏe tại các chùa từ thành thị đến thôn quê. Đưa Thiền vào bệnh xá, trường học, trại tù v.v.. như nhiều quốc gia đang áp dụng.
Chùa sẽ trở thành những trung tâm hướng dẫn Thiền, Tịnh và Mật không những để trị bệnh mà còn làm cho con người “Đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa”. Đây là một đóng góp vô giá của Phật giáo đối với dân tộc, và góp phần làm giảm ngân sách chi tiêu y tế trong phương hướng Thiền Thuốc song hành.
Thực tế nhất là nếu các thành viên trong gia đình được khỏe mạnh thì lợi tức kinh tế của gia đình ấy gia tăng. Đó là chúng ta biếu họ cái cần câu. Siêng “câu” thì sống khỏe, lười biếng thì khổ thân.
5. Phương Pháp hoằng hóa vào nông thônLúc Giáo hội tỉnh, thí dụ, chỉ có 50 “nhân viên” đã được tập huấn có kinh nghiệm, thì chia thành 25 nhóm, mỗi nhóm hai người. Mỗi ngày, một nhóm có khả năng đến được 2 làng, một làng buổi sáng, một làng buổi chiều. 25 nhóm, mỗi ngày đi được 50 làng. 10 ngày sẽ đi được 500 làng. Có nghĩa là đi gần hết một tỉnh. Nhân viên tỉnh nào phụ trách tỉnh đó.
Dĩ nhiên phải có các phương tiện di chuyển cho hoằng pháp viên và nên biếu thính chúng (hoặc phát hành với giá rất tượng trưng. Tâm lý con người là lúc có bỏ tiền ra mua thì mới quý trọng) một tập sách mỏng Thiền Sức Khỏe và một tập Dưỡng sinh và Chế độ ăn uống để như là những bằng chứng cụ thể để tu tập và có thêm niềm tin.
Trước lúc đến một làng, chúng ta phải theo thủ tục hành chánh:“Nước có vua chùa có chủ”. Nếu trong thông báo mời dân làng đến nghe thuyết pháp thì chắc chắn họ sẽ không đến, vì có nhiều dân làng chưa là Phật tử. Nếu là Phật tử, nhưng lúc đến, chúng ta giảng Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Nhân quả, Luân hồi, Thập nhị nhân duyên…thì chưa chắc họ đã muốn nghe. Bởi trước mắt, họ cần phải đối phó với cái ăn cái mặc và bệnh tật…Do vậy, công việc của các vị tiền trạm, hay nếu trong văn bản thông báo, thư mời dân làng, chúng ta nêu rõ là “Đoàn Thiền Tịnh (TT-Huế), ngày… sẽ đến để hướng dẫn dân làng Thiền Sức Khỏe theo phương pháp Khoa học hiện đại mà không tốn tiền”
.
Thiết nghĩ, trong 100 gia đình, cũng có ít nhất vài chục gia đình đến dự. Lúc họ đến, chúng ta trình bày những bằng chứng cụ thể mà khoa học gia và y giới Tây phương đã chữa bệnh bằng Thiền. Và Thiền-Tịnh-Mật có khả năng làm cho con người đẹp, thông minh, mạnh khỏe, sống lâu, chống bệnh tật và lão hóa. Sau đó hướng dẫn ba phương pháp định tâm là Thiền thở (quán sổ tức), Thiền chú (tụng Án ma ni bát mê hồng, Mật tông), Thiền niệm (Niệm danh hiệu Phật: Tịnh độ). Hành giả chỉ sử dụng một trong ba phương pháp trên cũng tốt.
Chúng ta có thể gởi lại danh tánh, địa chỉ và số phone, để nếu cần thì vị đại diện trong làng liên lạc. Chúng ta cũng xin tên, địa chỉ và phone của vài vị đại diện dân làng. Vài tháng sau, có dịp đến thăm, lúc đó tha hồ mà đàm đạo, thuyết giảng.
Nói là mỗi nhóm hai người, nhưng tâm lý Phật tử, qua các lần đi cứu trợ, chúng ta thấy có nhiều người tình nguyện đi theo vì vui, lạ và có dịp đi xa. Nếu trong đoàn có vài người biết hát biết đàn hoặc sử dụng loại văn nghệ “bỏ túi” thì chuyến hoằng pháp “Thiền sức khỏe” sẽ rất thành công. GĐPT có thể cung cấp loại văn nghệ bỏ túi nầy. Lúc con người có được niềm vui, có được sự an lạc, có được nụ cười; chính đó là Thiền, là Tịnh là Mật. Trong trạng thái nầy, não bộ sẽ tái tạo, bạch huyết cầu gia tăng, hệ thống miễn nhiễm mạnh hơn, nên có khả năng chống lại vi khuẩn và vi trùng giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe, cũng như làn da sẽ đẹp hơn, thông minh hơn, sống lâu hơn.
Nếu số giảng sư hoằng pháp chỉ có 25 người thì thời gian hoằng hóa mỗi tỉnh sẽ gấp đôi. Nếu là 10 giảng sư thì thời gian gấp lên nữa. Với phương pháp mới nầy, ít mang tính tôn giáo nhưng mang tính khoa học và trị liệu rất cao, đạo Phật sẽ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa chỉ cần một thời gian rất ngắn, nhiều lắm là vài tháng thay vì đã hai ngàn năm qua mà đạo Phật chưa đến khắp các vùng ruộng lúa và núi đồi. Nhưng do vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên. Lý do nội tại và ngoại lai v.v.. không những làm cản trở bước thăng tiến của dân tộc mà còn làm cho Phật giáo trì trệ nữa.
Thường thường các buổi Hội thảo hay Đại hội, hình thức tổ chức rất hoành tráng và tốn kém. Nhưng chưa họp mà bản văn đúc kết đã có sẵn cụm từ “Thành công mỹ mãn”. Nhiều buổi Hội không có các nghị quyết, các đề án ngắn hạn dài hạn, nhân sự phụ trách và thời gian thực hiện, nên xong Hội thảo hoặc Đại hội, mạnh ai lo việc “nhà” ấy. Do vậy mà các chương trình, các đề án, nếu có, đâu vẫn y nguyên bất động.
Nếu tất cả Giáo hội Phật Giáo các tỉnh trong toàn quốc nghiên cứu và thực hiện chương trình mà tôi mạo muội đề nghị như trên, thì chỉ cần một thời gian ngắn, Phật Giáo Việt Nam không những chỉ có đóng góp cho dân tộc mặt văn hóa đạo đức tâm linh.., mà còn một đóng góp thiết thực và vô cùng ích dụng khác là góp phần làm cho dân tộc đẹp, thông minh, mạnh khỏe, sống lâu, phòng chống bệnh tật và lão hóa.
Kính mong chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Đại biểu và Phật tử tha thứ cho những ý kiến bất cập và chủ quan trong bải tham luận nầy, nếu có. Bằng không, xin tất cả cho một tràng pháo tay thật lớn và cùng nhau thực hiện một chương trình hoằng pháp trong thời đại mới.
Kính cẩn,Hồng QuangCalifornia 7.7.2011(*) Meditation and Beauty (Thiền và sắc đẹp)
by Sugandha Indulkar
(Inputs from Manjiree Surve, yoga and meditation expert)
Meditation releases the unlimited power of the subconscious. It enhances inner as well as outer beauty. Ageless body and timeless mind can be achieved by daily practice of meditation.