đậu tương đen hữu cơ

Nghiên cứu

15:01 05/08/2011

Nguồn gốc , ý nghĩa của chuông, trống, mõ trong nhà Như Lai (TS.Huệ Dân)

(TG&DT) - Từ hình dạng và đặc tính luôn luôn thức không ngủ của loài cá, đã làm nên ý nghĩa cho những âm thanh trong Phật pháp, để đánh thức mọi người tỉnh cơn mê muội… ngay trong đời sống. Mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, thân xác cảm nhận và ý thức luôn chuyển động theo nhịp của cuộc sống.

Lịch sử của Chuông, Trống, Mõ, trong nhà Phật, từ xưa cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi lại một cách đầy đủ. Nhưng người ta dựa theo những chi tiết còn khắc ghi lại trên các tranh ảnh điêu khắc vào thời kỳ đầu tiên của Phật giáo, tại Ấn Độ và các quốc gia có nền văn hóa Phật học như : Tích Lan, Miến Ðiện, Tây Tạng, Thái lan, Lào, Cam pu chia, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên… để tiếp tục chế tạo ra những loại Chuông, Trống, Mõ, mới để thích nghi theo nhu cầu của thời đại.



Chuông, Trống, Mõ, là những nhạc cụ phổ biến và không thể thiếu trong các nghi lễ Phật giáo, tại mỗi chùa trước khi cử hành nghi lễ và sau khi chấm dứt buổi lễ. Chuông, Trống, Mõ là những âm thanh mang năng lượng sáng tạo, để trợ giúp người con Phật biểu hiện lòng thành tán tụng, tôn kính Đức Phật một cách trang nghiêm.



Mục đích chính của tiếng Chuông, Trống, Mõ là giữ trường canh cho tất cả mọi người tụng kinh trong các buổi lễ, theo điệunhịp nhàng, thanh thoát, để phát tâm thành kính với Tam Bảo và cùng nhau sống theo lời dạy của Ðức Phật, mà tinh tấn trên con đường giải thoát và giác ngộ.



Trong những lúc bắt đầu hành lễ, người ta thường thỉnh chuông, đánh trống, hay gõ mõ. Đây là việc làm mang ngầm ý thỉnh cầu Đức Phật chứng minh và đồng thời nó cũng là điều nhắc nhở cho tất cả mọi người đang hiện diện cùng nhau trở về với Chánh niệm, nơi chánh điện.



Đánh chuông, trống, hay gõ mõ cũng là một pháp tu Chánh niệm. Bởi vì  người có chánh niệm khi họ đánh chuông trống, hay gõ mõ, thì những âm thanh giao động ngân vang, đều đặn, thư thả, phát ra dể đánh thức và chuyển hoá năng lực thính âm của những người xung quanhchuyên chú vào lời kinh pháp. Mặc dù chỉ là hình thức, nhưng hiểu được ý nghĩa và nội dung về việc sử dụng là đạt được thành qủa toàn vẹn trong việc thực hành muốn làm của chính mình.



Trong trường hợp không có chuông, trống, mõ, người con Phật có thể tụng niệm bình thường, không có gì phải lo sợ trong việc tu tập của mình bị mất đi ý nghĩa. Có nhiều cách có thể giúp mình trở về với Chánh niệm, chứ không phải nhờ cóchuông, trống, mõ, mà mình mới thể hiện được việc này.



Quan niệm đơn giản dể hiểu chuông, trống, mõ chỉ là vật dùng để phụ trợ cho con người dể dàng trở về với chánh niệm, trong lúc tụng kinh hay hành thiền. Sống trong cảnh đời bất toàn, nên phải học cái tương đối và chấp nhận nó, không nên bày vẽ theo nhu cầu của nghi thức, rồi sẽ bị mắc kẹt vào đó, khi không có những phương tiện để thực hiện theo những nhu cầu đặt ra. Cũng như, tùy theo sức khỏe của mình mỗi ngày, có khi mình có khả năng tụng niệm, lớn tiếng hay nhỏ tiếng và có khi mình niệm thầm trong miệng. Tất cả đều do mình chủ  động theo khả năng của bản thân và ngoại cảnh cho phép.



Đức Phật không có khen thưởng hay trừng phạt bất cứ ai.Ngài chỉ là người thầy chỉ đường cho những ai thích tìm đạt đến sự hoàn toàn giác ngộ giống như Ngài, mà tự tu tập theo phương pháp của Ngài đã chứng nghiệm.



Chuông, trống, mõ, mỗi thứ đều mang một ý nghĩa đặc biệt và những pháp thức riêng, khi dùng trong các nghi lễ Phật. Do đó tại sao chuông, trống, mõ có nhiều hình thức và những hình dạng khác nhau.



Theo truyền thuyết xưa cho thấy, trong các nghi lễ, Chuông, Trống, Mõ, là biểu trưng kết hợp giữa lòng từ bi của Đức Phật được hình dung qua những lòng thành tâm tán tụng bằng tất cả cuộc sống của chính người cầu nguyện và những âm thanh hòa hợp của Chuông, Trống, Mõ, là sự cảnh tỉnh cho mọi người thức tỉnh cái bản tâm sẵn có của mình, mà nên tu hành ngay bây giờ, theo Trí tuệ của Bậc Giác Ngộ hoàn toàn.



Một truyền thuyết khác người ta tin rằng âm thanh của Chuông, Trống, Mõ, có thể đưa những lời cầu nguyện đi đến muôn nơi cho tâm hồn người nghe cảm thấy được nhẹ bớt lòng tham lam, sân hận mà giải thoát khỏi những nỗi đau khổ hiện hữu.



Đời sống vô vàn mâu thuẫn, Phúc hay Họa ở chính mình. Cuộc đời của con người luôn bị vật chất vây quanh, luôn bị nó lôi cuốn. Chẳng có ai trong đời này mà không muốn mình có được một cuộc sống sung sướng cho dù đó là sự thật hay chỉ là ước mơ. Nhưng nhiều khi con người không giải tỏa được những mục tiêu của mình đang chạy theo, thì cái TÂM của mình sẽ bị bế tắc, xáo động, rối loạn.



Đức Phật nói : "Con người là chủ của mình, không là nô lệ của ngoại cảnh và mọi sự, mọi vật đều do nhiều duyên hợp lại mà thành, hết duyên thì mất". Nói một ý cách khác, cuộc đời của mình : Sướng, khổ, giàu, nghèo, hạnh phúc hay bất hạnh, tất cả đều bắt đầu do mình. Mọi việc là tự mình làm, tự mình quyết định cho mình.



Nếu không tự tỉnh thức bằng trí tuệ, để tìm thấy các giá trị thật của mọi việc đang có mặt chung quanh mình, thì thật là uổng phí, vì mình sẽ mất tất cả theo luật tự nhiên, và nếu như khi đặt hết trọng tâm của đời mình vào Từ, Bi, Hỷ, Xả, để thực hiện việc gìcho mình hay cho người bằng những giá trị thật của việc đó, thì mình sẽ không bao giờ bị mất tất cả.



Trong mỗi tiếng chuông, trống, mõ, của nhà Phật là những sứ giả Như Laimang đến cho đại chúng những tâm nguyện từ bi, để giúp cho chính họ có thể tự mình giải tỏa những nỗi muộn phiền đau khổ, hay để tắm gội cho thân tâm thanh sạch, những buồn bực, chán nản… bụi trần.



Từ xưa đến nay, tiếng chuông, trống, mõ, của các chùa vẫn làm cho người con Phật tự nhiên cảm thấy lòng mình thanh thản đến lạ thường và càng gần với Đức Phật hơn, đó là điều không chối được. Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng :Sống đời biết tu hành theo những gì Đức Phật dạy một cách nghiêm túc, thì cho dù có ở bất kỳ nơi đâu, vẫn luôn có sự hiện diện của ĐứcPhật nơi đó.



Tiếng chuông, trống, mõ, của Phật môn là những âm thanh ở bên ngoài nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến thể chất, tinh thần, tình cảm và tâm hồn của chính lòng người. Đó chính là điều huyền diệu thực sựcủa chúng có ngay trong đời sống thường nhật của con người.



Tiếng chuông, trống, mõ, của đạo Phật không dạy một triết lý cao xa, nhưng chỉ là những âm thanh đánh thức những người con Phật thấy được trước mắt những gì để lựa chọn, đặt cho cuộc đời mình vào lòng thương yêu tất cảchúng sinh, bằng cách sống thánh thiện, xa lánh tội ác.



Tiếng chuông, trống, mõ, của các thiền môn Phật chỉ là những phương tiện để hổ trợ cho mình trong việc gìn giữ cái tâm của mình an tĩnh, để tiếp nhận được ánh sáng tâm linh từ trong những lời Đức Phật nói, mà hành theo để đạt được sự tỉnh thức giống như Ngài.



Âm thanh của chuông, trống, mõ, trong các chùa chiền làcác âm thanh nhận được từ ba giác quan : nghe, thấy, và sờ chạm. Chúng có chức nănggiúp con ngườitự mình cảm nhận, tự mình lắng nghe, tự mình chiêm nghiệm, trong nhịp sống xô bồ, bon chen, tràn đầy các cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, những lòng tham lam, ghen ghét hay những điều sai trái… mà phát sanh ra lý trí và ý chí trong nội tâm để hướng mình đến ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi, nhằm mang lại cho tâm hồn sự thanh tịnh, an vui hạnh phúc, và cũng làm giảm bớt áp lực của công việc trong đời sống mỗi ngày.



Tiếng chuông, trống, mõ, của Phật giáo cũng được xem như là phần tiếp thêm sức mạnh tâm linh cho các linh hồn bay lên siêu thoát.



Chuông Phật trong tiếng Phạn gọi là Ghaṇṭā.घण्टा, thuộc nữ tính.Theo từ điển Hán-Việt còn gọi là Kiền trùy. Người hoa dịch là Chung, Khánh.



Chuông lúc đầu, người ta dùng làm pháp khí để gõ thông báo giờ giấc làm Phật sự và để tập hợp mọi người trong chùa và sau đó chuyển thành âm cụ cho nghi lễ cúng tế được nghiêm trang.



Sách Ngũ Phần Luật, quyển 18 có ghi : “Thời Phật Đà, có một lần tăng đoàn làm lễ bố tát chưa thể kịp thời tập hợp, bèn tới một nơi hoang vắng toạ thiền hành đạo. Khi đó Đức Phật bèn bảo rằng phải gõ Ghaṇṭā, hoặc gõ trống, thổi ốc để tập hợp.



Một chương khác trong sách này cũng có kể lại : “Các vị tỳ khiêu không biết làm thế nào để dùng gỗ làm Ghaṇṭā, vì thế bạch với Đức Phật. Đức Phật nói: trừ cây sơn và các loài cây độc ra, còn các loại cây gõ phát ra tiếng, đều có thể làm được”.



Đại Trí Độ Luận quyển 2 có viết : “Đại Ca Diếp đến đỉnh núi Tu Di gõ chuông đồng”. Đây cũng là điều có thể cho thấy được, ngày xưa người ta đã biết dùng đồng để đúc chuông.



Theo Đại Tỳ Khiêu Tam Thiên Uy Nghi, quyển hạ thì có 5 việc cần gõ chuông : Khi hội họp thường kỳ |Khi ăn sáng |Lúc ăn tối |Khi trở về cõi Niết Bàn |Mọi chuyện vô thường.



Trong Tăng Nhất A Hàm Kinh, quyển 24 có viết như sau : A Nan đi lên giảng đường, tay cầm ghanta và nói: Ta nay gõ trống của Như Lai, từ nay về sau các đệ tử của Như Lai nên tập trung đầy đủ. Bấy giờ, ông lại đọc kệ rằng:



Hàng phục ma lực

Trừ kết vô hữu dư.

Lộ địa kích ghanta

Tỳ khưu văn đương tập.

Chư dục văn pháp nhân,

Độ lưu sinh tử hải,

Văn thử diệu hưởng âm,

Tận đương văn tập thử.



Ý Việt:



Hàng phục bọn ma quái

Trừ sạch không còn gì.

Mặt đất gõ ghanta

Tỳ khiêu nghe nên đến.

Những người muốn nghe pháp,

Để qua biển sinh tử,

Nghe thấy âm diệu kì,

Tất cả nên tập hợp.



Theo kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan cũng lầm như chúng ta, cho nên đức Phật bảo Ngài La Hầu La đánh chuông để chỉ bày cho Ngài A Nan phân biệt cái "biến đổi tiêu diệt", và cái "thường còn không thay đổi". Khi tiếng chuông do Ngài La Hầu La đánh ngân lên, đức Phật hỏi Ngài A Nan có nghe không?



Ngài A Nan đáp:


Bạch Thế Tôn ! Nghe. 

Khi tiếng chuông dứt, Phật lại hỏi: 

A Nan có nghe chăng?


Ngài A Nan đáp:



Bạch Thế Tôn ! Không còn nghe nữa. Ðức Phật lại bảo Ngài La Hầu La, đánh tiếng chuông thứ hai, rồi Phật cũng hỏi như lần trước, và Ngài A Nan cũng đáp có nghe.



Ðức Phật hỏi:



A Nan, sau ông trả lời lẩn quẩn như thế?



Ngài A Nan ngạc nhiên; đáp:



Chẳng những một mình con mà mọi người ai cũng thừa nhận có tiếng thì có nghe, tiếng dứt thì không còn nghe. 

Ðức Phật hỏi lại:



"Ông và mọi người đều cho có tiếng là có nghe, tiếng dứt, thì không có nghe nữa; thế là "tánh nghe" theo tiếng mà mất, thì có lẽ không bao giờ nghe nữa. Tại sao lúc tiếng thứ hai ngân lên, lại còn nghe nữa ? Nếu nghe được tiếng thứ hai, thì nhất định biết không phải tiếng dứt mà không nghe. Tiếng có lúc còn lúc mất, "tánh nghe" vẫn thường không dời đổi. Vả lại, nếu tiếng dứt rồi mà tánh nghe không còn, thì cái gì biết được sự không nghe ấy?" 

Bảng biến hóa thân từ của ghaṇṭā


 

Nữ tính

Số ít

Số hai

Số nhiều

Chủ cách

ghaṇṭā

ghaṇṭe

ghaṇṭāḥ

Hô cách

ghaṇṭe

ghaṇṭe

ghaṇṭāḥ

Cách trực bổ

ghaṇṭām

ghaṇṭe

ghaṇṭāḥ

Cách dụng cụ

ghaṇṭayā

ghaṇṭābhyām

ghaṇṭābhiḥ

Cách gián bổ

ghaṇṭāyai

ghaṇṭābhyām

ghaṇṭābhyaḥ

Cách tách ly

ghaṇṭāyāḥ

ghaṇṭābhyām

ghaṇṭābhyaḥ

Cách sở hữu

ghaṇṭāyāḥ

ghaṇṭayoḥ

ghaṇṭānām

Cách vị trí

ghaṇṭāyām

ghaṇṭayoḥ

ghaṇṭāsu


 

Chuông là một nhạc cụ, được đúc bằng kim loại và phát ra âm thanh đơn giản. Hình dáng của nó được làm theo các hình tháp hay hình chén rỗng…



Chuông có nhiều kích thước và sức nặng khác nhau, tùy theo nhu cầu thiết bị của mỗi chùa để cử hành nghi lễ. Âm thanh ngân vang của chuông thay đổi tùy theo bình phương độ dày và tỷ lệ nghịch với đường kính của nó. Do đó mỗi tiếng chuông đều có âm sắc riêng của mình.



Theo truyền thống Ấn giáo, chuông được sử dụng trong các nghi lễ (Puja) để xua đuổi tà ma hay triệu tập các vị thần linh ban phước lành cho họ và Chuông cũng được xem như là một biểu tượng của sự sáng tạo.



Một truyền thuyết khác kể rằng nguồn gốc của các nghi thức sử dụng chuông và chùy kim cương (tiếng Phạn: वज्र - vajra) đã tìm thấy trong các những huyền thoại nói về nữ thần Durga, người lúc vừa mới chào đời đã được Indra (Devanagari: इन्द्र là vua của các vị thần trong những truyền thuyết Vệ Đà của Ấn Độ cổ) tặng cho Kim Cương chử và một cái chuông thường treo trên chiếc ngà con voi Airavata của ông ta.



Trong Phật giáo chuông được là biểu trưng cho trí tuệ và là những âm cụ tán tụng dùng cho các sự kiện đặc biệt như đám cưới và đám tang hay những dịp lễ lớn trong các chùa.



Ở Trung Hoa, thời xưa trong các chùa chiền ngườita phân Chung hay Chuông ra thành hai loại và mỗi loại đều có những tên gọi khác nhau như : Phạn chung và Hoán chung.



Phạn chung là loại chuông lớn, được làm bằng đồng xanh, có pha một ít sắt. Chuông này cũng có nhiều kích thước lớn khác nhau tùy theo nhu cầu của mỗi chùa cần mà người ta đúc theo.



Việc dùng Phạn chung có nhiều ý nghĩa khác nhau, thí dụ : Để tập hợp đại chúng hay báo thời gian sớm tối, hay khi kêu gọi mọi người đến tăng đường để toạ thiền. Một ý nghĩa sâu sắc hơn của tiếng Phạn chung trong buổi đầu hôm hay những lúc hừng sáng là sự nhắc nhở cho con người luônthức tỉnh để tinh tấn tu hành mà vượt ra ngoài vòng tội lỗi, tối tăm khổ đau trong cuộc sống vô thường.



Ngoài ra Phạn chung còn có những tên gọi khác như : Ðại hồng chung, chuông U minh, hoa chung, cự chung. Phạn chung thường được đặt trong một cái tháp hay cái lầu nhỏ ở giữa sân chùa. Vì đây cũng là nơi chính mà đại chúng thường tụ họp trong ngày lễ.



Hoán chung, bán chung, tiểu chung, chuông nhỏ, Bảo chúng chung hay hành sự chung, là một loại chuông thường được đúc bằng đồng thau, nhưng không có kích thước cố định. Chuông này người ta hay treo trong góc của chánh đường và dùng nó để báo tin cho sự bắt đầu của khóa lễ hay công việc hội họp trong chùa.



Theo dòng thời gian, các nghi lễ Phật giáo cũng phát triễn theo nhu cầu cần thiết cho việc tụng niệm tu hành tại gia hay việc đi cúng cúng đám của qúy Tăng, Ni và tâng thêm phần nghiêm trang trong lúc tán tụng tại chánh đường. Người ta mới chế ra thêm một loại chuông nhỏ và đặt tên nó là Gia trì chung. Chuông này dùng để mở đầu hay chấm dứt cho những câu kinh trong các nghi thức của những buổi lễ và thường được đặt trước bàn thờ Phật.



Về việc thỉnh chuông cũng tùy theo quy định của mỗi tông phái, nhưng thường thường, khi bắt đầu thỉnh 3 tiếng và kết thúc 2 tiếng đánh nhanh hay đánh 3 hồi chín tiếng cho các loại chuông nhỏ khi tán tụng kinh.



Tóm lại Chuông là một trong những pháp âm trong nhà Phật, khi âm thanh huyền diệu của nó ngân vang, sẽ làm chuyển hóa lòng người, trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, trí tuệ được tăng trưởng vào một con đường chí tâm duy nhất sống theo lời của Đức Phật dạy, để mang ích lợi cho mình cũng như cho người trong từng khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời vô thường.



Phạn chuông và hoán chuông thuộc về dạng chuông treo. Gia trì chuông thuộc về dạng chuông đứng.



Trống chùa là một loại nhạc cụ hay pháp âm trong các bộ gõ của nhà Phật, người ta thường dùng nó để thực hành các loại pháp sự khác nhau hay điểm nhịp trong các việc trì tụng và lễ nghi. 



Âm thanh của trống chùa được xem như một quyền lực có chức năng mang năng lượng cho tinh thần một cảm giác thiêng liêng, thông qua những lời giảng dạy của Đức Phật để giúp cho người tu hành trồng thêm căn lành trên cuộc sống mỗi ngày.



Trong quyển Ba, đoạn IV, Thu 12 xứ (6 CĂN VÀ 6 TRẦN), Chi 2.  Thu 2 xứ thanh trần và nhĩ căn của Kinh Thủ Lăng Nghiêm có ghi những lời Đức Phật nói chuyện với A Nan :



A Nan, ông lại nghe trong vườn Kỳ đà nầy, khi đồ ăn dọn rồi thì đánh trống, khi chúng nhóm lại thì đánh chuông, tiếng chuông, tiếng trống trước sau nối nhau. Ý ông nghĩ thế nào? Như thế là, cái tiếng đến bên cái nghe hay cái nghe đến chỗ cái tiếng?



A Nan, nếu như cái tiếng đó đến bên cái nghe, thì cũng như tôi khất thực trong thành Thất la phiệt, tại rừng Kỳ đà không có tôi nữa. Cái tiếng đó đã đến bên cái nghe của ông A Nan, thì lẽ ra ông Mục Liên, ông Ca Diếp không cùng nghe một lần, huống chi, trong nầy có 1250 vị Sa môn, một khi nghe tiếng chuông, đồng đến chỗ ăn cơm cả.



Lại như cái nghe của ông đến bên cái tiếng, thì cũng như tôi đã về rừng Kỳ-đà rồi, trong thành Thất la phiệt, không còn tôi nữa; vậy khi ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông cũng phát ra, lẽ ra ông không thể nghe cả hai bên, huống nữa, ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều tiếng khác. Còn nếu không đi đến với nhau, thì lại không nghe.



Vậy nên biết rằng cái nghe và cái tiếng đều không có xứ sở; tức cái nghe và thanh trần, hai xứ đều luống dối, vốn không phải tính nhân duyên, không phải tính tự nhiên.



Nguồn gốc về sự ra đời của trống, hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi lại một cách rõ ràng, nhưng sự tồn tại của nó từ trước công nguyên cho tới bây giờ, tính ra ít nhất cũng là hơn 6000 năm. Trống có mặt trong nhiều nền văn hoá trên thế giới và qua những tranh ảnh, di tích lịch sử còn lại của ngày xưa trong các viện bảo tàng quốc tế hay những kinh điển của tôn giáo, hoặc những tài liệu thuộc về văn học nghệ thuật, người ta bắt đầu dựng lại những chi tiết để làm lịch sử cho nó.



Trống có trước Chuông hay Chuông có trước nó là một câu hỏi chưa có sự trả lời chính xác. Trống có âm thanh được phát ra nhờ vào việc gõ vào mặt trống, bằng tay hoặc bằng dùi…



Mặt trống là một màng mỏng, thường làm bằng da thú vật hoặc chất dẻo và được đóng bằng đinh trên thùng vỏ trống, hay dán keo, và có khuy bấm, móc cài rất chắc, đôi khi người ta dùng thêm dây thừng quấn viền quanh mặt da trống vào viền thùng vỏ trống.. Da trống được thuộc bằng những phương pháp khác nhau. Tang Trống được làm bằng nhiều mảnh gỗ ghép lại.



Khung vỏ trống có nhiều hình thể khác nhau như hình trụ, hình thùng, hình ống, hình ly… Trống treo có hai mặt để trên giá còn trống đứng thường chỉ có một mặt nhưng cũng tùy theo kiểu trống mà người ta đặt làm.



Trống có nhiều cở khác nhau, nhỏ, to, bé, lớn... Trống to gọi là trống tẩu, trống nhỏ gọi là trống ứng... Trống không chỉ là nhạc cụ bình thường,để làm lễ tạ ơn thần linh sau vụ mùa gặt hái hay dùng làm lễ cầu mưa, mà còn sử dụng nó trong nhiều lãnh vực như nghệ thuật âm nhạc hay những nghi lễ long trọng, tôn thờ tín ngưỡng tôn giáo… Ngoài ra, trống cũng được dùng làm thông điệp trong việc truyền tin hay được dùng như những khẩu lệnh để kêu gọi những người lính trong quân đội.



Từnhững khái niệm khác nhau trong sự tín ngưỡng, cũng như những phương cách tu hành và hình thức tổ chứccác nghi lễ không giống nhau của mỗi quốc gia trên thế giới, và trong tiến trình sáng tạo để thoát khỏi trạng thái thiên nhiên đi vào bước văn hóa, văn minh, mà Trống có nhiều hình dạng và các tên riêng biệt.



Trong nhữnghuyền thoại Ấn Giáo, mộthình ảnh nổi tiếng nhất của Shiva là ảnh tượng của Ngài đang nhảy múa giữa một vòng tròn lửa, mái tóc rậm rạp tung ra hai bên, chân trái giơ lên bên phải, một trong bốn bàn tay cầm trống nhỏ  (damaru) đánh nhịp sanh thành và hoại diệt của vũ trụ.



Damaru là tiếng Phạn, viết theo mẫu chữ Devanagari : डमरु, có nghĩa là một cái trống nhỏ có hai mặt, mang hình dáng như một chiếc đồng hồ cát hay hai hình tam giác ngược ghép lại. Về ý nghĩa cơ bản hình thức trừu tượng :Tam giác trên tượng trưng cho thần Shiva hay sức mạnh sáng tạo của thiên nhiên thuộc về nam tính. Tam giác dưới đại diện cho Shakti hay nguồn của tất cả những tồn tại thuộc về nữ tính. Nhờ sự kết hợp của Shiva và Shakti mà đưa đến việc tạo ra tất cả trong vũ trụ.



Trống này được làm bằng gỗ, đôi khi trống có thể làm bằng sọ của con người. Mặt trống làm bằng da và có nhiều kích thước khác nhau. Theo truyền thuyết của Ấn giáo,tiếng trống damaru được xem như biểu trưng cho âm thanh và nhịp điệu nguyên thủy. Người ta cũng chorằng âm thanh của tiếng Phạn, bắt đầu khởi phát từ đây. Chữ Phạn theo giả thuyết trong huyền thoại của Brahma, là một biểu tượng văn hóa, được coi như một phát minh của Sarasvati. Nữ Thần của nghệ thuật, của hiểu biết, văn hóa, văn minh và cũng là con gái của Brahma.



Ở Tây Tạng, ngày xưa người ta dùng hai nắp sọ người lấy từ một cậu bé mười sáu tuổi và một cô gái mười hai tuổi ghép lại với nhau, bịt bằng gia khỉ, tang trống thắt lại, bên dưới có gắn cán nhỏ và dây lụa, bên tang trống buộc thêm hai cục xương nhỏ lấy từ chân của chim nước và bọc trong sáp ong và vải. Khi lắc trống hai cục xương nhỏ đập vào mặt trống phát ra âm thanh. Loại trống này được  dùng trong khi tu pháp, nhằm ca ngợi công đức của chư Phật Bồ Tát, thường được xử dụng chung với chuông kim cương, chùy kim cương.



Từ thời ăn lông ở lỗ, con người đã biết tôn trọng và gắn bó mật thiết với vũ trụ thiên nhiên, được thể hiện ở lòng tín ngưỡng và sự sùng bái tự nhiên, bằng sự quan tâm trợ đỡ, trong việc giao lưu và sự tự thức tỉnh của họ.

Con người đã vượt qua khốn khó trong nếp sống của thời nguyên thủy, để duy trì và phát triển sự sống thích nghi và hòa nhập với cuộc sống hiện đại.



Từ những đặc trưng của văn hóa nông nghiệp đã cho thấy đối tượng niềm tin riêng và thực hành niềm tin bằng sự thờ cúng sau khi được mùa thu hoạch hay những nghi lễ tạ ơn mưa nắng của người nông dân, là điều nói lên lòng tín mộ hướng về các thế lực tự nhiên ở trong vũ trụ, như trời đất, mưa gió, núi sông, được ngôi vị hóa theo một hệ thống tư tưởng trừu tượng, siêu việt linh thiêng và tôn là thần thánh và thành tâm thực hành việc thờ cúng. Sự biểu hiện quan trọng của lòng tín mộ này, dần dần đã trở thành các tín ngưỡng dân gian qua các dòng lịch sử khác nhau.

Sự thờ cúng có tính cách vì lòng nhớ ơn công lao hiển vinh và muốn noi gương theo các đức tính đặc biệt của các bậc hiền tài, thánh nhân, thường được gọi là chính tính.



Sự thờ cúng mang tính tu tập để trường sinh bất tử, hay muốn nhờ thầy, bà coi cho mình những chuyện gì đến với mình, làm ăn ra sao, tương lai gia đạo như thế nào… phần đông người ta xem như là Mê tín.



Sự thờ cúng mang tính để duy trì và phát triển sự sống trong nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi nảy nở, dựa trên sự hài hòa âm dương để thể hiện các đối tượng tôn thờ như : Trời Đất, Tiên Rồng, ông bà tổ tiên, được xem như là tín ngưỡng dân gian.



Theo các tín ngưỡng của Á đông, người ta cho rằng khi linh hồn lìa xác vẫn còn tiếp tục chịu số phận như khi họ còn sống. Nếu linh hồn của họ được tôn kính và được cúng kiến trong các kỳ lễ với những lễ vật như rượu, cơm, trái cây hoặc vật dụng tượng trưng bằng giấy như xe, nhà, y phục… thì khi nhận được những lễ vật này, các linh hồn sẽ vui mừng, và sẽ đáp lại lòng tôn kính của người dâng cúng bằng cách ban cho những ân huệ đầy thiện cảm.



Mối cảm thông giữa kẻ chết và người sống đã có sự liên hệ thật sự về tâm linh. Vì lo sợ cho những vong linh bị bỏ rơi, chưa siêu thoát không nơi nương trú và khổ sở, họ sẽ trở những ma quỷ luôn luôn tìm cách làm khổ người ta và cũng do lòng thương xót trong tình nhân loại, mà người ta lập ra những bàn thờ đơn sơ để thờ kính những linh hồn bạc phước đó.



Chính sự cảm thông giữa kẻ chết và người sống vẫn giao cảm cùng cõi nhân sinh trong vũ trụ này, mà người ta lập ra những việc thờ cúng tổ tiên, các bậc thánh hiền, thần linh, anh hùng và các vong hồn. Do đó việc có đền miếu trở thành một nơi cần phải có.



Trong mỗi cuộc lễ tôn kính những nguời đã chết hay các thần linh nói chung, người ta thường dùng những âm cụ như chuông, trống, mõ, chiêng, nhang, đèn, hoa qủa, trà, rượu, cơm nước… để làm nghi thức tán tụng.



Việc tách rời hai sắc thái đối nghịch : Âm và Dương, Thiện và Ác, Hiền từ và Dữ tợn, Ánh sáng và bóng tối, Hạnh phúc và đau khổ, Sống và Chết, Tồn tại và hủy diệt của kiếp nhân sinh trong vũ trụ này, luôn là những chủ đề thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bằng những phương tiện khác nhau, nhằm giúp cho con người luôn tỉnh thức thay đổi cách sống của mình để đạt đến Chân thiện mỹ, tức là lối sống chân thật, thiện tâm và tuyệt mỹ.



Tiếng trống chùa cũng là một trong những phương tiện của pháp âm nhà Phật để nhắc nhở cho người con Phật luôn sống bằng lòng chân thật, không được giả dối, phải nên tích cực làm việc thiện có ích cho đời, và biết yêu quý, trân trọng cái đẹp trong cuộc sống của mọi người, dựa theo những gì Đức Phật đã làm, mà phát triễn cái tánh giác trong sáng, hay Như Lai Tạng sẵn có trong mỗi người, bằng trí tuệ hiểu biết của chính mình.



Tiếng trống chùa là âm thanh truyền tải giai điệu thuần khiết cho đời sống tâm linh luôn tự kích thích, tự nuôi dưỡng mình, để mãi mãi sống động không ngừng nghỉ, trong đời sống thành tâm tu hành của mỗi người con Phật.



Đức Phật đã nói: "Tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rông nơi đồng nội…" và "Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là Vô thường". Hãy thử tự quan sát, tự suy nghiệm ngay cái thân tâm hiện hữu của chính mình đang có trong hoàn cảnh hiện thực, thì sẽ biết và sẽ thấy rõ ràng hơn.



Vô thường nghĩa là không mãi mãi đứng yên trong một trạng thái nhất định mà luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành đến biến đi rồi tan rã... Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ cho đến lớn đều phải theo bốn giai đoạn : thành, trụ, hoại, không, cho nên mới gọi chúng là Vô thường.



Trống chùa cũng có nhiều loại, nhiều tên và những cách dùng khác nhau tùy theo nghi thức của các nghi lễ.



Trống con là một loại trống có âm thanh cao, trong trẻo, thanh thoát dùng để điểm nhịp cho người tụng kinh. Nó có một mặt bịt bằng bong bóng lợn, đường kính khoảng 20 cm, tang trống bằng gỗ, cao 5 cm, có một tay cầm 12 cm.

Trống Sấm là một loại trống to có hai mặt, đường kính của mặt trống là 1,50 m, làm bằng da trâu mộng, tang trống cao 1,70 m, làm bằng gỗ mít. Trống này được treo vào giá gỗ sơn son trên đó có hình một con quạ đứng và được dùng trong những lễ cầu đảo.



Trống đại, Trống cái hay Trống lớn là loại trống to có hình dáng như trống sấm, đặt trên giá và thường dùng đánh xen với chuông đồng hay chiêng lớn, trong các đám rước lễ… Âm thanh của nó to, trầm, vang xa.



Trống đại, cũng được gọi là trống ngũ liên, bởi vì người ta xài nó trong đời sống hằng ngày với nhiệm vụ thông báo hay báo động khi có trộm cướp, vỡ đê, hỏa hoạn…



Trống Bát Nhã là loại trống lớn, thường thấy treo trong các gác trống ở chùa. Nghi thức sử dụng Trống Bát nhã, có lẽ xuất phát từ Không Tông, là một nghi thức hành lễ rất trang trọng của Phật giáo Trung Hoa. Trống này dùng để đệm cho một bài kệ “Bát Nhã Hội”, và có nhiều cách đánh khác nhau tùy theo nghi thức của từng môn phái.



Bát Nhã âm Hán Việt dịch từ Prajñā của Phạn ngữ, viết theo mẫu devaganari : प्रज्ञा, và tiếngPāliviết là paññā.

Prajñā là danh từ ghép từ :Pra + jñā

प्रज्ञा, prajñā_nhóm 2 [thuộc về nữ tính. prajña] có nghĩa là Trí tuệ, quán sát, suy nghĩ phân biệt rõ ràng, thấy được sự biến hóa, hình thành căn bản của muôn loài, để đưa đến trí hiểu biết chân chánh và đúng đắn.

Bảng chia thân từcủa प्रज्ञा, prajñā_nhóm 2.



Nữ tính

Số ít

Số hai

Số nhiều

Chủ cách

prajñā

prajñe

prajñāḥ

Hô cách

prajñe

prajñe

prajñāḥ

Cách trực bổ

prajñām

prajñe

prajñāḥ

Cách dụng cụ

prajñayā

prajñābhyām

prajñābhiḥ

Cách gián bổ

prajñāyai

prajñābhyām

prajñābhyaḥ

Cách tách ly

prajñāyāḥ

prajñābhyām

prajñābhyaḥ

Cách sở hữu

prajñāyāḥ

prajñayoḥ

prajñānām

Cách vị trí

prajñāyām

prajñayoḥ

prajñāsu


 

Đặc tính của Bát nhã :



- Thật tướng Bát nhã là Chân Tánh.

- Danh tự Bát nhã là Chân tướng.

- Vị thế Bát nhã là Chân thường.

- Dụng (khởi) Bát nhã là Trí Tuệ.



Trống Bát nhã thường đánh lên vào những buổi lễ pháp sự đặc biệt, như thuyết pháp, truyền giới, Sám hối…



Cách đánh Trống Bát-nhã và ý nghĩa biểu trưng:



Mới đầu đánh nhập 2 tiếng: Mời đại chúng : Tăng, Ni và Phật tử nhập lễ.



Đánh 3 tiếng, mỗi lần 1 tiếng: tượng trưng cho sự cúi đầu quy y TAM BẢO, nguyện dứt trừ tam độc : tham, sân si.

Đánh 7 tiếng tượng trưng cho BÁT NHÃ HỘI THỈNH PHẬT THƯỢNG ĐƯỜNG, tức tác pháp thỉnh Phật thăng toà.

Đánh 8 tiếng tượng trưng cho câu “Maha Prajnaparamita | MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” hoặc BÁT NHÃ HỘI THỈNH PHẬT LAI CHỨNG MINH, tức tác pháp thỉnh Phật chứng minh.



Cuối cùng đánh dứt 4 tiếng tượng trưng cho chứng nhập TỨ ĐẾ.



Thông thường, con người khi nghe tiếng là chạy theo tiếng, phân biệt tiếng hay tiếng dở… nhưng ít có ai biết nghe lại tánh nghe của mình.Có nhiều cách nghe và hầu hết tất cả cách nghe đều nghe tiếng động. Xuyên qua tiếng động, thì vẫn còn tiếng động. Nhưng trong tiếng động mà nghe được sự im lặng, đó là điều không dễ làm nhưng cần phải làm. Có tiếng thì nghe động, không tiếng là nghe tĩnh, chứ không phải là không có tiếng, thì tánh nghe không còn.

Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ ứng dụng tu đúng phương pháp Phật dạy : "Phản văn văn tự tánh có nghĩa là Ngài nghe lại tánh nghe của chính mình", mà Ngài chứng được Nhĩ căn viên thông, hoàn toàn làm chủ chính mình không còn lệ thuộc ở nơi thinh trần... tới lui tự tại vô ngại.



Quán Thế Âm Bồ Tát là danh xưng của Ngài về mặt tu nhân và Quán Tự Tại là tên gọi của quả vị thành đạt trong phương pháp tu do Đức Phật dạy : "Nghe lại tánh nghe của chính mình", mà Ngài đã làm và chứng được tánh nghe không bị âm thanh chi phối chuyển động.



Vì vậy, mỗi người con Phật không cần phải tìm kiếm chi cho xa xôi trong cõi hư không vô tận, mà chỉ nhìn thẳng nơi mình và hãy tập theo phương pháp tu do Đức Phật dạy cho Quán Thế Âm Bồ Tát, trong mọi hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi, để có phương hướng quay về, an định tinh thần, dần dần giải thoát, trên đường tu Phật.



Một cánh chim bay ngay trời, đó cũng là một lời dạy của Đức Phật, tuy một câu nói đơn giản, nhưng Ngài muốn nói lên rằng : "Tất cả các sự kiện xảy ra quanh ta và trong đời ta đều là những bài học quý báu". Muốn học hay có khả năng học hay không cũng đều do sự chọn lựa riêng của mỗi người.



Như vậy thì những lời dạy của Ngài cho người con Phật, tất cả điều là những bài học gần gũi, dễ hiểu, và cũng dễ áp dụng trong việc thực hành mỗi ngày. Nếu biết và hiểu : Sức khỏe là sức mạnh của tinh thần và thể xác thì cũng nên hiểu biết rằng : Việc tu học và thực hành những lời dạy của Đức Phật, trong từng khoảnh khắc hiện tại của cuộc sống, chính là sức khỏe lý tưởng nhất cho mình cũng như cho người.



Mỗi người đều có sự suy nghĩ khác nhau về “ý nghĩa cuộc đời”. Nhưng có lẽ ai ai cũng mong muốn được cảm thấy thoải mái, hài lòng hơn với cuộc sống. Vậy muốn có cuộc sống hạnh phúc này thì phải làm gì?...



Khác với sự suy nghĩ khác nhau về “ý nghĩa cuộc đời”. Pháp âm nhà Phật được xem như là những phương tiện trợ giúp tinh thần để đưa mọi người con Phật đi đến một điểm duy nhất cùng nhau giải thoát những đau khổ phiền não của mình cũng như của những người khác.



Như đã biết tiếng, chuông, trống, mõ nhà Phật là những âm cụ có khả năng hổ trợ cho người con Phật thêm một sức mạnh tinh thần, để chính họ có thể tự chủ động tạo lấy hạnh phúc, không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn cho cả xã hội.



Chuông, trống có hình thể và âm thanh khác nhau với Mõ. Đây cũng chẳng có phải là điều làm cho chúng ta phải ngạc nhiên. Mỗi thứ đều có ý nghĩa và các dùng riêng tùy theo sự yêu cầu xử dụng của các nghi thức trong buổi lễ.

Nguồn gốc nói về cái Mõ thì ngày nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi chính xác. Tuy nhiên dựa vào sự xử dụng Mõ trong các vở của người Trung Hoa, vào đời Đường và đời Minh thì cũng có một số chi tiết ghi lại qua những truyền thuyết như sau : Ngày xưa, ở Trung Hoa có một vị cao tăng đi Ấn Độ để thỉnh kinh Phật. Một hôm, đi ngang qua một con sông lớn bị ngập lụt, không có cầu và thuyền để vượt qua bờ bên kia. Trong lúc đang đứng suy nghĩ, thì bỗng nhiên, dưới nước có một con cá bự nổi lên và bơi lại gần vị cao tăng.



Cá hỏi : Ông có muốn qua sông không ? Nếu ông muốn thì tôi sẽ giúp ông. Nhưng tôi chỉ xin ông cho tôi một thỉnh cầu.



Vị cao tăng đứng lặng yên suy nghĩ một chút, rồi nói với Cá bự: Nhà người có điều gì thì cứ nói ta nghe đây.



Cá bự vội vàng nói ngay : Xưa kia tôi là một tội phạm và khi chết tôi phải bị đầu thai làm kiếp con cá và sống ở dòng sông này lâu lắm rồi. Hôm nay tôi thấy ông trên đường đi gặp Phật để thỉnh Kinh. Xin ông vui lòng chuyển lời nguyện của tôi đến Đức Phật là : Tôi đã biết ăn năng sám hối, tôi đến đây để giúp ông qua sông cũng là một việc làm để chuộc tội của tôi, hơn nữa thân tôi là cá, không thể đi trên bờ thì làm sao gặp Đức Phật. Vậy ông hãy giúp tôi cầu xin Ngài cho tôi được hóa thân trở thành người hiền lành giúp đời.



Nghe Cá bự nói xong, vị cao tăng cảm động và hứa với cá sẽ đem sự thỉnh cầu này trình lên cho Đức Phật. Cá bự nghe rất hài lòng và yêu cầu vị cao tăng trèo lên lưng mình, rồi Cá bự liền lập tức bơi ngay qua sông.



Sau thời gian dài chờ đợi, một hôm Cá bự thấy vị cao tăng trở về, trên vai mang đầy những túi đựng kinh. Ông đã nhận ra Cá bự. Hai người gặp nhau rất vui mừng. Cá bự liền bảo vị cao tăng hãy trèo lên lưng tôi ngay để tôi đưa ông qua sông đi cho kịp thời gian để về Trung Hoa.



Vị cao tăng vui vẽ làm theo lời Cá bự. Đến giữa dòng sông, Cá bự nhắc lại việc thỉnh cầu của mình gởi đến Đức Phật cho vị cao tăng nghe.



Ông liền xin lỗi ngay với Cá bự là ông đã quên nói điều này với Đức Phật. Khi nghe xong câu trả lời của vị cao tăng. Cá bự vô cùng thất vọng và rất buồn, rồi lặn sâu xuống dòng nước. Tình cờ có một ngư dân chèo thuyền ngang và đã ra tay cứu vị cao tăng đem vô bờ, nhưng những túi kinh vừa thỉnh xong ở Ấn Độ đều bị trôi mất hết.



Sau cơn hiểm nạn trở về nhà được bình an, vị cao tăng vừa ân hận vừa nhớ Cá bự. Ông lấy một khúc gỗ đẽo hình đầu Cá bự, vừa đục, vừa khắc, vừa gõ  đầu cá, thì thình lình bỗng nhiên, trong miệng cá gỗ văng ra từng chữ của Kinh. Vừa ngạc nhiên, nhưng ông cảm thấy rất vui lòng, khi có cách tìm lại những túi kinh đã bị trôi mất. Từ đó mỗi ngày ông luôn luôn đánh cá gỗ.



Theo sách Bách Trượng thanh quy quyển 9trong chương những đồ pháp khí và hiệu lịnh có ghi : Mõ tròn bằng gỗ khắc hình con cá mở mắt dùng để tụng kinh, bởi vì loài cá ban đêm thường mở mắt được khắc sâu trên mõ để tụng kinh gõ lên cảnh thức người mê và dẫn chúng hòa âm theo đều. Mõ hình con cá dài treo ở trai đường để làm hiệu hai bửa ăn, cho thời kinh Tịnh Độ và cho nhà trù, mời chúng tập họp… Song việc xử dụng cũng còn tùy theo mỗi phái có khác, nên biết tùy nghi cho thích hợp….


 

Sách Bách Trượng thanh quy là sách sưu tập mang tên Tổ Bách Trượng - Hoài Hải (720 - 784). Ngài soạn ra giới luật và Thanh Quy để hướng dẫn mọi sinh hoạt trong đời sống cho Tăng, Ni, tại các thiền đường. Thanh Quy do Ngài Pháp Vân đời Lương (thế kỷ 5) ở chùa Quang Trạch, vâng theo sắc chỉ của nhà vua mà soạn ra Thanh Quy để ngăn trừ lỗi phạm của hàng tăng đương thời, rồi lưu lại tới đời Đường (618-907).



Sau đó sách bị thất lạc và đượcVua Thuận Đế nhà Nguyên (1335), cho Thiền sư Đông Dương Đức Huy là cháu nối dòng pháp đời thứ 18 của tổ Bách tu chỉnh, và các huynh đệ đồng sư với Đức Huy, biên soạn lại, rồi đặt tên sách là Sắc tu Bách Trượng thanh quy. Bộ sách này là tài liệu rất hữu dụng bao gồm các thuật ngữ chuyên dụng trong thiền môn về mọi phương diện như chức vụ, danh xưng, cơ sở, lễ nghi, pháp khí, công cụ hành đạo v.v… Sau này, Đại chính tân tu Đại Tạng kinh đã thu nhập vào tập 48, ký hiệu 2025, từ trang 1109c - 1159b. Đại tạng kinh, thường đượchiểu chung chung là kinh điển Phật giáo và không hình dung được số lượng của nó.



Loại mõ ngày nay được dùng trong các nghi lễ tại các chùa hay thiền viện được làm bằng cây hay khúc gỗ tròn, móc rỗng bên trong, tạc theo hình cá, với một khe đục nằm ngang để tạo âm thanh khi gõ vào sẽ phát ra tiếng.Mõ có hai hình thể : hình bầu dục(hình tròn) và hình điếu(hình chữ nhật). Mõ hình hình bầu dục để tụng kinh, điều khiển buổi lễ khi đông người tụng được nhịp nhàng. | Mõ hình điếu thì treo ở nhà trù dùng để báo hiệu khi thọ trai hay chấp tác. Mõ thường được đặt ở bên trái của bàn thờ, cùng với một bát chuông.



Những âm thanh ngân vang của mõ có thể khác nhau là do sự khác biệt về kích thước của nó, và tùy theo các loại gỗ của người ta dùng đểlàm nó.Tiếng mõ giữa cho buổi lễ được trang nghiêm lại và cũng giúp cho người takhông bị phân tâm trong lúc dự lễ. Do đó, thuật ngữ Duyệt chúng có nghĩa là người đánh mõ đúng điệu và đúng cú pháp, từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, hầu giúp cho mọi người dễ dàng theo đúng nhịp trong lúc tán tụng kinh sám hay trì chú.



Mõ cũng gọi là Mộc ngư 木魚có nghĩa Cá gỗ, theo từ điển Hán Việtvà trong các từ điển quốc tế có các tên như sau : Wooden fish (tiếng anh), Poisson en bois (tiếng pháp), Mokugyo (tiếng Nhật),  Moktak, 목탁(tiếng triều tiên), Shingnya, ཤིང་ཉ (tiếng tây tạng), Mu Yu, 木魚(tiếng trung quốc).



Người đài loan gọi mõ là Bang tử (
梆子), Xao tử (敲子) hay Xao tử bản (敲子板)  và họ phân ra thành 4 loại : Nam bang tử (南梆子), Hà Bắc bang tử (河北梆子), Trụy bang tử (墜梆子) Tần bang tử (秦梆子) để thích nghi cho các nhu cầu trong các nghi thức hành lễ khác nhau.



Từ hình dạng và đặc tính luôn luôn thức không ngủ của loài cá, đã làm nên ý nghĩa cho những âm thanh trong Phật pháp, để đánh thức mọi người tỉnh cơn mê muội… ngay trong đời sống. Mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, thân xác cảm nhận và ý thức luôn chuyển động theo nhịp của cuộc sống.



Chính vì vậy mà mọi cái đều được phản hồi theo một cách tự nhiên. Nhưng nếu nhìn nhận một cách bình thường đối với những nghịch cảnh gập ghềnh, bùn lầy, mưa gió... trong cái vòng lẩn quẩn phiền nảo đau khổ của cuộc sống, bằng cáchbiết nắm lấy những pháp âm nhà Phật làm dũng khí trợ giúp trong việc tự rèn luyện thân tâm.



Khi nội tâm được bình tỉnh an vui, thì ngoại cảnh sẽ thanh thoát hồn nhiên. Đây cũng chính đạo lý chân chính xử thế trong đời, nhưng nó vẫn là một cuộc đấu tranh trường kỳ không ngừng nghĩ hoặc buông lơi đối với chính mình.



Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân



Kính bút

TS Huệ Dân


Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp