đậu tương đen hữu cơ

Chấn hưng Phật giáo

09:23 09/09/2011

HT.Tâm Châu bàn về nghi lễ Phật giáo trong những năm 1950

Chỗ khó nhất là Nghi lễ Thống nhất sau này sẽ phải gây rung cảm chung cho mọi Phật tử toàn quốc, không phân biệt Bắc Trung Nam. Nếu có những người Bắc không cảm được cái hay của điệu Nam ai, thì cũng có những người Bắc không thấy được cái hay của một điệu tụng, một bài tán miền Trung. Một Phật tử miền Trung cũng lại khó tìm thấy sự rung cảm trong nghi lễ miền Nam, và ngược lại cũng thế.
image

(Nửa giờ tiếp xúc với TT Tâm Châu, Uỷ viên Nghi lễ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam).


Bài viết được đánh máy và giới thiệu lại có xuất xứ từ Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, do Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951 – 1964 xuất bản) tháng 10 năm Đinh Dậu, dương lịch 1957, đã hơn nửa thế kỷ.

Bài viết có giá trị là một tư liệu lịch sử, đồng thời nội dung cũng có một số vấn đề, mà ngày nay, Phật giáo Việt Nam vẫn trên đường giải quyết. Xin kính giới thiệu để quý bạn đọc cùng tham khảo.

Chân thành cảm ơn bạn đọc đã tặng lại số tạp chí Phật giáo Việt Nam có bài viết này.

Chúng tôi mong tiếp tục nhận được báo và tạp chí Phật giáo cũ. Quý bạn đọc cho mượn hoặc tặng lại báo, tạp chí Phật giáo cũ, xin liên hệ: Nguyễn Thanh Phong, 153/1 Võ Văn Tần, P6, Q3, TPHCM, ĐT: (08) 39330445 – 0908283577.

Minh Thạnh (giới thiệu) - Nguyễn Thanh Phong (đánh máy)

 

Vấn đề nghi lễ


(Nửa giờ tiếp xúc với TT Tâm Châu, Uỷ viên Nghi lễ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam)


Tôi tìm đến thượng tọa Tâm Châu vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Thầy đang làm việc trong một căn phòng thấp bé. Người tiếp tôi với một nụ cười niềm nở.

“Mời đạo hữu vào trong này”.


Tôi bước vào trong và nhận thấy ngay cái thanh đạm của cuộc đời tu hành. Một cái tủ con đựng kinh, và một cái bàn giản dị. Đặc biệt hơn hết là có một cái máy chữ thật tốt. Thượng tọa Tâm Châu dịch kinh luôn trên máy chữ và ít khi phải dùng đến bút mực.


“Tôi phải làm việc từ sớm, Thượng tọa tiếp, bởi vì một lát nữa đây căn phòng này sẽ trở nên một lò lửa. Nóng quá! Đấy, đạo hữu xem, mới chín giờ mà đã thấy oi bức thế này rồi”.


Tôi cười:


“Vâng, bạch Thượng tọa, nắng độ rày khiếp lắm. Thượng tọa ở đây khổ cực thế này thì sẽ ốm mất, làm việc không được lâu bền đâu. Sao Thượng tọa lại không tìm một nơi mát mẻ hơn để dịch kinh dịch sách? Thượng tọa có thể về Thủ Đức, đi Cấp, hoặc đi Nha Trang hay Đà Lạt…


-    Tôi cũng đã có ý ấy nhưng chưa thực hiện được. Còn một ít việc ở Sài Gòn mà tôi chưa thu xếp xong. Mời đạo hữu dùng nước. Nước mía đặc biệt đãi khách quý đấy”.


Một điệu nhỏ đặt trước chúng tôi 2 cốc nước mía. Sau khi nhấm nháp xong, tôi bắt đầu câu chuyện:


“Bạch Thượng tọa, về vấn đề nghi lễ của Tổng hội…”


“Ấy, đạo hữu lại đến phỏng vấn chắc? Thôi chịu thôi, tôi chẳng có gì để trả lời cho đạo hữu cả đâu.


-    Bạch Thượng tọa dạy thế, chứ thực ra vấn đề nghi lễ là một vấn đề thật hệ trọng mà chắc thượng tọa đã suy nghĩ kỹ lưỡng rồi.


Thầy Tâm Châu nghiêm trang:


“Vâng, quả thực vấn đề nghi lễ là một vấn đề phiền phức và hệ trọng. Chúng tôi rất đồng ý với tác giả bài “Lễ Nhạc của Phật giáo Việt Nam” đăng trong Nguyệt san số 12 của Tổng hội. Đồng ý ở chỗ cần phải phục hồi một nền lễ nhạc thuần túy và đạo hạnh. Sau khi được Tổng Hội Đồng giao phó trách nhiệm nghiên cứu về nghi lễ, tôi đã cố gắng rất nhiều. Tôi đã đi thăm trong hơn hai tháng các tỉnh miền Trung và miền Nam để có khái niệm về nghi lễ của hai miền này. Tôi nhận thấy ngay trong một miền mà nghi lễ đã có lắm sự bất đồng về nghi thức, về hành trì, về âm điệu. Sự thống nhất nghi lễ toàn quốc là một việc khó khăn.


-    Bạch Thượng tọa, càng nhiều màu sắc thì lễ nhạc càng giàu có  chứ sao ạ?


-    Vâng, nhưng đây chúng ta đang nói chuyện thống nhất. Cố nhiên tất cả các nghi thức, lễ văn, lễ phục, âm nhạc, trang trí, sẽ được đề cao và phổ biến sâu rộng.


Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam sẽ phải mang mầu sắc dân tộc và mầu sắc Phật giáo chính tín. Thì một cuộc đại hội về nghi lễ sẽ quy định hình thức và nội dung cho nghi lễ Phật giáo Việt Nam, căn cứ trên tài liệu dồi dào đó.


-    Vậy, bạch Thượng tọa, điểm khó là ở chỗ nào?


-    Chỗ khó nhất là Nghi lễ Thống nhất sau này sẽ phải gây rung cảm chung cho mọi Phật tử toàn quốc, không phân biệt Bắc Trung Nam. Nếu có những người Bắc không cảm được cái hay của điệu Nam ai, thì cũng có những người Bắc không thấy được cái hay của một điệu tụng, một bài tán miền Trung. Một Phật tử miền Trung cũng lại khó tìm thấy sự rung cảm trong nghi lễ miền Nam, và ngược lại cũng thế.


Tóm lại lễ nhạc từng miền còn mang sắc thái đặc biệt địa phương chưa từng được phổ biến để được quen thuộc trong các địa phương khác. Tôi mong rằng người Phật tử sẽ không phải thực hành nghi lễ thống nhất một cách gượng gạo, nghĩa là họ phải có nguồn rung cảm khi thực hành nghi lễ ấy.


Mà muốn được như thế, những tài liệu nghi lễ nào trang nghiêm nhất, phù hợp với chính tín nhất và giàu dân tộc tính nhất sẽ được nghiên cứu và phổ biến thật sâu rộng.


Tóm lại, nghi lễ đã đành phải có một nội dung sâu sắc, thuần túy chính tín, nhưng cũng phải thuần thấm dân tộc tính thì mới thành công trong việc thống nhất. Một nghi lễ mà nội dung có nhiều dân tộc tính thì sớm muộn gì người Việt Nam, kể cả mọi miền, cũng sẽ cảm được và thực hành được.


-    Bạch Thượng tọa, như thế thì thế nào chúng ta cũng sẽ thành công, bởi vì nghi lễ của Phật giáo chúng ta vốn giàu dân tộc tính hơn bất cứ nghi lễ của một tôn giáo nào khác hiện có trên đất Việt.


-    Vâng, chúng tôi cũng thấy rõ như thế. Điệu tụng, điệu tán của nhiều miền đã gây cảm cho chúng ta một cách dễ dàng vì chúng mang nhiều màu sắc dân tộc quá. Khi tôi nghe một bài tán “Vô biên phiền não đoạn” chẳng hạn, tôi thấy xao xuyến lạ thường. Nhưng tôi cũng không khỏi buồn khi nghe những bài hát mà các em trong gia đình mới đặt. Có nhiều bài đượm màu sắc Tây và thiếu hẳn tinh thần Phật giáo…


-    Vâng, những cái ấy thì thế nào rồi cũng cần phải chỉnh. Bạch Thượng tọa, đó là về lễ nhạc. Còn về những điểm khác như lễ văn, lễ phục…


-    Về lễ văn thì trước hết ta phải kể đến những nghi thức truyền giới, bố tát, cúng dường, bố thí, rồi đến những văn sớ, văn điệp… Những thứ này nhiều không kể xiết. Tất cả những thứ này đều phải được sưu tập, giải thích, quy định thể thức ứng dụng.


Tiếp đến là lễ văn của những thời khóa tụng niệm hàng ngày của giới xuất gia và giới tại gia. Nhưng cần thiết và cấp tốc hơn cả là cuốn nghi thức tụng niệm của giới cư sĩ khi hành lễ chung ở các hội quán và Niệm Phật đường. Cuốn này cần được thực hiện gấp.


Còn về lễ phục, giáo hội toàn quốc đã nghiên cứu và quy định. Bây giờ cứ việc căn cứ vào  tài liệu ấy. Mầu sắc cũng như kích tấc, cách sử dụng, cần phải được hoàn toàn thống nhất. Cách thờ tự, trang hoàng, phương pháp tổ chức các đại lễ v.v. tất cả phải được đều nghiên cứu trước.


-    Thượng tọa đã có dự án nghi lễ?


-    Vâng. Dự án ấy đã được Tổng hội gửi tới các tập đoàn cũng như các Phật học đường từ hồi tháng 3 - 1957. Chưa có phúc đáp, nhưng tôi tin thế nào các nơi cũng sẽ gửi ý kiến về. Nhưng dù sao một cuộc hội họp gồm các vị chuyên môn về nghi lễ cũng cần phải có.


-    Bạch Thượng tọa, xin Thượng tọa cho biết phương pháp mà dự án ấy đề nghị?


-    Có những điểm như sau:


+ Một phần thành lập một ban nghiên cứu nghi lễ (cả tăng già và cư sĩ) để sưu tầm, kê cứu, phát huy lễ văn, lễ nhạc, lễ phục… từ xưa đến nay của những địa phương trong phần mình.


+ Các tài liệu được ghi chép, biên soạn, giải thích, thu thanh, quay phim, chụp ảnh.


+ Mỗi phần có một phái đoàn đi thăm viếng, để sưu tập và trao đổi tài liệu.


+ Sau đó, sẽ triệu tập một cuộc họp toàn quốc để thảo luận về nghi lễ thống nhất và đường lối duy trì phát huy văn hóa lễ nhạc.


+ Có quyết định rồi, cần mở những lớp huấn luyện các nơi, xuất bản kinh sách và đĩa nhạc về nghi lễ để phổ biến nghi lễ thống nhất.


-    Bạch Thượng tọa, như thế cũng khá đầy đủ, nhưng cần phải thực hành ngay, vì việc làm đòi hỏi một sự cố gắng rất lâu dài.


-    Vâng, trong kỳ đại hội đồng vừa rồi, Tổng hội quyết định các uỷ viên phải “đặt chương trình, triệu tập cuộc họp, tường trình lên Ban Quản trị Trung ương chuẩn y, rồi phổ biến xuống các tập đoàn để thi hành”. Tôi mong rằng với sự sốt sắng của các tập đoàn, chúng ta sẽ được thành công.


Thấy đã tạm đủ, tôi đứng dậy niệm Phật cáo từ. Thượng tọa cố lưu lại đàm đạo. Nhưng trời đã nắng lắm. Tôi lại còn phải về có việc, nên không thể ở lại lâu. Thầy đưa tôi ra cửa chùa và tiễn tôi bằng một nụ cười hồn hậu:


-    Gắng lên nhé, Phật sự còn nhiều, Phật tử càng phải nỗ lực.


Tôi cúi chào Thượng tọa một lần nữa và bước ra đường. Ngồi trên xe tắc xi, tôi thầm nghĩ đến bao nhiêu tâm hồn nhẫn nại hiện đang âm thầm làm việc khắp nơi cho nền Phật giáo dân tộc và thống nhất.



Thiêu Chi

Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/8/nghile/16214.html

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp