Năm Uẩn là gì?
Năm uẩn (skandhas) là thành tố căn bản hay là năm thành phần kết hợp để tạo thành một con người theo cái nhìn của đạo Phật. Năm uẩn bao gồm cả hai yếu tố vật lý và tâm lý. Năm uẩn là nền tảng của các xứ và giới. Biểu đồ dưới đây sẽ tóm tắc về năm uẩn.
Năm Uẩn | Thành Phần kết hợp |
Sắc (vật chất: hữu hình và vô hình) | 5 đại (đất, nước, gió, lửa, hư không) và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) |
Thọ (các loại cảm giác) | Cảm giác khổ, lạc, và trung tính liên hệ với năm giác quan. |
Tưởng (ấn tượng của tri giác) | Hình ảnh, ngôn ngữ, khái niệm, ý tưởng … dùng để tạo thành (actualize) một kinh nghiệm. |
Hành (cơ cấu của ý niệm) | Tham, sân, si và nhiều loại tâm ái - thủ khác. |
Thức (khả năng nhận thức, phân biệt) | Gồm tâm thức và các thức thuộc về giác quan (mắt, tai mũi, lưỡi, thân) |
Tại sao năm uẩn là nền tảng cho các xứ và giới
Khi đề cập đến con người và thế giới của con người, Đức Phật dạy rõ về các liên hệ của thân-tâm qua ba thuật ngữ là uẩn (skandha), xứ (āyatana), giới (dhātu). Uẩn bao gồm năm uẩn như đã trình bày. Xứ bao gồm 12 loại đó là sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức) và sáu trần, tức sáu đối tượng tương quan với các căn (sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp hay đối tượng của ý thức). Giới bao gồm 18 loại, đó là sáu căn, sáu trần, và sáu loại ý thức của sáu căn. Ví dụ, sự hiểu biết của con mắt đòi hỏi phải hội đủ ba yếu tố: con mắt (nhãn giới), một vật thể (sắc giới), và ý thức trực tiếp của con mắt (nhãn thức giới). Tương tự như thế, con người toàn diện bao gồm 5 uẩn, 12 xứ, và 18 giới. Biểu đồ dưới đây sẽ tóm tắc 18 giới:
6 Căn + | 6 Trần =12 xứ + | 6 Thức = 18 giới |
Nhãn giới (mắt) | Sắc giới (hình thể) | Nhãn thức giới (cái biết của mắt) |
Nhĩ giới (tai) | Thanh giới (âm thanh) | Nhĩ thức giới (cái biết của tai) |
Tỷ giới (mũi) | Hương giới (hương khí) | Tỷ thức giới (cái biết của mũi) |
Thiệt giới (lưỡi) | Vị giới (mùi vị) | Thiệt thức giới (cái biết của lưỡi) |
Thân giới (thân) | Xúc giới (xúc chạm) | Thân thức giới (cái biết của thân) |
Ý giới (ý thức) | Pháp giới (đối tượng của ý thức) | Ý thức giới (cái biết của ý thức) |
Tại sao các uẩn, xứ, và giới được phân tích một cách tỉ mỉ như thế?
Khi quán sát sâu sắc về các uẩn, xứ, và giới, bạn sẽ có cơ hội để nhận diện tính chất vô ngã trong sự hiện hữu của đời sống con người mà không cần phải lý luận dong dài. Ví dụ, một sự hiểu biết đến từ con mắt đòi hỏi ba yếu tố: căn, trần, và ý thức. Tùy thuộc vào trạng thái (linh hoạt, sáng suốt, hay mê mờ) của con mắt và ý thức mà một hình thể (trần cảnh) được nhìn thấy khác nhau và đưa đến những hiểu biết khác nhau. Đấy cũng chính là sự giới hạn trong hiều biết của con người đối với thực tại. Nhưng trên căn bản của thiền tập, khi bạn nhìn thấy được cái đa phức của một đối tượng, bạn đồng thời thấy rõ tính chất duyên khởi và vô ngã của nó. Và do đó, bạn sẽ dễ dàng từ bỏ mọi tập khí chấp thủ tự ngã.
Xin cho biết thêm về bản chất của tự ngã?
Thông thường, tự ngã được nhận diện qua ba phạm trù đó là cái tôi (I), cái của tôi (mine), và cái tự ngã của tôi (my self). Nói đơn giản hơn, tự ngã chính là cái tôi (self, ego) cá biệt mà mỗi người tự bám víu và chấp thủ, và cho rằng nó là có thật. Chấp thủ tự ngã là cái sai lầm lớn nhất (si mê) của con người. Do chấp thủ tự ngã mà con người bị trôi dạt trong biển tham ái và sân hận. Tất cả khổ đau đều do chấp thủ tự ngã mà phát sinh. Khi thiền quán sâu sắc về thân năm uẩn, bạn sẽ thấy rằng thực sự bản chất của tự ngã hay cái tôi chỉ là ảo tưởng, nó được sinh khởi từ sự phân biệt của ngôn từ.
Trên thực tế, cái bản ngã cá biệt của một người chính là sự kết hợp của thân năm uẩn cộng với một tên gọi mà thôi. Ở đây, trong sự tựu thành của năm uẩn (xem câu hỏi 59), không hề có một cái bản ngã cá biệt nào. Cái mà chúng ta gọi là bản ngã cá biệt (individual self) chỉ hình thành khi thân năm uẩn được đặt tên; và do đó, tên gọi khác nhau sẽ dẫn đến chấp thủ cái tự ngã khác nhau, như ông A khác với ông B. Và khi thiếu vắng thiền định, con người sẽ không tiếc thân mạng để bảo vệ cho cái danh tính của mình, nhất là khi nó bị xúc phạm hay bị tổn hại. Vì vậy, càng bám víu vào cái tự ngã cá biệt thì càng khổ đau, và các tâm bất thiện như tham, sân, si, mạn, càng phát triển. Bạn nên nhớ rằng, thân năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, và thức) của một con người vốn luôn luôn thay đổi trong từng giây phút, chúng không hề cưu mang một cái bản ngã cá biệt nào hết, vậy tại sao tự mình phải lận đận với cái tên gọi khô cằn mà tự nó không hề có một ý nghĩa đặc biệt nào đối với đời sống hạnh phúc chân thật của chính mình?
Nếu không có cái bản ngã cá biệt, thì ai hạnh phúc và ai khổ đau?
Do thói quen chấp ngã, bám víu vào một cái ngã cá biệt mà chúng ta luôn sợ hãi rằng mình sẽ trở thành không hư và sẽ bị lãng quên. Sự thật cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc vốn không cần đến một cái bản ngã để hiện hữu; khổ đau cũng thế. Bạn nên nhìn thẳng vào các thực tế như sau: Giấc ngủ sâu nhất và bình an nhất là giấc ngủ không bị chập chờn và thổn thức (mộng mị) bởi cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi. Giây phút hạnh phúc nhất là giây phút sống bình yên, vắng lặng không bị những ý niệm về cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi khuấy động tâm thức làm cho bạn hy vọng, lo âu, và sợ hãi. Cảm giác an lạc nhất là cảm giác của sự tịnh lạc mà ở đó hoàn toàn vắng mặt các ý niệm về cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi.
Ngược lại, trạng thái của khổ đau sẽ tăng thêm khi nó gắn chặt với ý niệm về cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi, như tôi mất tiền tài, tôi mất danh vọng, tôi mất quyền lực… Thực vậy, hạnh phúc và khổ đau là những pháp duyên khởi, bạn hãy dùng tâm vô ngã để quán chiếu mà không cần thiết phải vướng bận vào một cái tự ngã hay danh tính của nó.
Vậy vô ngã là gì?
Vô ngã (non-self) là một giáo thuyết quan trọng của đạo Phật. Điểm chính yếu của giáo thuyết Vô ngã có thể được khái quát qua ba điểm như sau: a/ không chấp nhận có một Thượng Đế quyền năng làm chủ đời sống của chúng hữu tình và thế giới tự nhiên (vô tình); b/ không chấp nhận mỗi chúng sinh có một linh hồn vĩnh cửu và bất biến; c/ không chấp nhận có một cái ngã thể cá biệt trong thế giới trùng điệp duyên khởi.
Về điểm thứ nhất—không chấp nhận có một Thượng Đế quyền năng làm chủ cuộc sống của các chúng hữu tình và vô tình—, Phật giáo chủ trương con người và thế giới của con người là do sự vận hành của các nhân duyên mà tập khởi và hình thành. Trong đó, con người đóng vai trò quyết định cho sinh mệnh khổ đau và hạnh phúc của chính mình thông qua các nghiệp của thân, miệng, và ý.
Về điểm thứ hai—không chấp nhận mỗi chúng sinh có một linh hồn vĩnh cửu, bất biến—, Phật giáo chủ trương đời sống của chúng sinh là do chính tâm thức của mỗi chúng sinh tác thành; và dòng tâm thức của mỗi chúng sinh không ngừng trôi chảy và luôn luôn có khả năng thay đổi, chuyển hóa, từ vô minh sang giác ngộ. Chính nhờ vào khả năng chuyển hóa này hay khả năng giác ngộ này, mà một tâm thức cuồng si có thể được đánh thức, và do tu tập mà chuyển thành giác ngộ, hoặc trong một đời hoặc trong nhiều đời.
Về điểm thứ ba—không chấp nhận có một cái ngã thể cá biệt trong thế giới trùng điệp duyên khởi—, Phật giáo chủ trương mỗi con người được trưởng thành từ một tập hợp của nhiều yếu tố nhân duyên: từ cha, mẹ, gia đình, học đường, xã hội, văn hoá... Do đó, sự tồn tại của một con người là một tổng hợp của biệt nghiệp (nghiệp cá nhân) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Trong một con người cá thể luôn cưu mang nhiều nhân duyên khác nhau mang ý nghĩa tương quan giữa một và tất cả, và tất cả trong một. Ở đây, không hề có một cái ngã thể cá biệt và độc lập nào trong sự hiện diện của con người, ngoại trừ sự tập hợp của nhiều nhân duyên như đã trình bày trong năm uẩn, mười hai xứ, và mười tám giới. Đây là những điểm căn bản của giáo thuyết Vô ngã.
Vậy Vô ngã có liên hệ gì với Niết bàn?
Có hai bình diện cần phải đề cập đến khi bàn về giáo thuyết Vô ngã, đó là bình diện tu tập và bình diện giải thoát. Trên bình diện tu tập, bạn cần phải quán chiếu sâu sắc rằng con người không gì khác hơn là một tập hợp của sắc, thọ, tưởng, hành, và thức (năm uẩn); hay nói khác đi, đấy là sự tập hợp của các yếu tố tâm lý và vật lý. Và bản chất của các yếu tố này là vô tự tính, tức không có một tự tính cá biệt nào mang tính cách độc lập và vĩnh hằng. Do vậy, bản chất của năm uẩn là Không (śunyatā) hay Vô ngã (anātman). Trên bình diện giải thoát, do tu tập thiền định, bạn có thể đạt đến trạng thái vô ngã hoàn toàn, vượt lên trên thế giới phân biệt của nhị nguyên, ở đó những ý niệm đối đãi giữa ta và người đều được rũ sạch, mọi sự chấp thủ đều được buông bỏ, và mọi phiền não nhiễm ô đều được rửa sạch. Một cảnh giới siêu việt và tịnh lạc như thế được gọi là đời sống của thực tại-vô ngã, tức đời sống Niết bàn. Do đó, Vô ngã chính là Niết bàn.
Khải Thiên