1) Phật giáo và chính trị
Đức Phật khai sáng một tôn giáo xuất thế. Đức Phật không hướng các đệ tử của ngài, đặc biệt là đệ tử xuất gia vào các hoạt động chính trị.
Tuy nhiên, đạo Phật là một tôn giáo nhân bản. Mục tiêu của Phật pháp là hóa độ chúng sinh. Mà để hóa độ chúng sinh, đặc biệt là hóa độ nhân sinh, thì không thể tách rời môi trường chính trị. Chắc chắn, Phật giáo không thể nào không hướng tới mục tiêu một chính quyền tốt, khi Đức Phật dạy rõ: “Khi người lãnh đạo xứ sở có tính công bình và thiện ái thì triều đình có tính công bình và thiện ái. Khi triều đình có tính công bình và thiện ái thì các quan chức có tính công bình và thiện ái. Khi các quan chức có tính công bình và thiện ái thì các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái. Khi các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái thì người dân có tính công bình và thiện ái” (Tăng chi bộ kinh, theo bản dịch trong bài Đạo Phật và chính trị, Hòa thượng K. Sri Dhammananda, Bình Anson dịch, Tạp chí Phương trời cao rộng, số 14, trang 29).
Điều không nên là chính trị chi phối Phật giáo, nhưng việc Phật giáo ảnh hưởng đến hoạt động chính trị là điều rất nên có. Đương thời, Đức Phật và giáo pháp đã có ảnh hưởng đến hoạt động chính trị của một số vị vua là đệ tử tại gia của ngài, cũng như đến tiểu quốc mà dòng họ Thích Ca trị vì. Sự hưng thịnh của Phật giáo sau đó tại Ấn Độ, Trung Hoa, đảo Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan… đều là kết quả của việc các vương triều trước đó đã chịu những ảnh hưởng tích cực của tư tưởng Phật giáo.
Trong chính trị thế giới hiện đại, có thể kể đến ảnh hưởng của Phật giáo lên phong trào cánh tả ở một số nước, thường được biết dưới tên gọi “chủ nghĩa xã hội Phật giáo” (Buddhist socialism).
2) Chính trị cánh tả và ảnh hưởng từ tôn giáo
Trước khi tìm hiểu chính trị cánh tả Phật giáo, chúng ta tìm hiểu xem thế nào là chính trị cánh tả.
Khái niệm tả, phân biệt với hữu, trong hoạt động chính trị, phát sinh từ Cách mạng Pháp 1789. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng (bài Về các đảng cảnh tả trên thế giới và trào lưu cảnh tả ở Mỹ La Tinh hiện nay, sách Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra trong tình hình hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 trang 430) thì:
“Khi đó, trong Nghị viện Pháp (Chamber of Deputies), những nghị sĩ có lập trường bảo thủ thuộc phái Girondists (đại diện cho giới tư sản công thương và điền chủ lớn) thường ngồi bên tay phải (right – phía hữu), còn những nghị sĩ có lập trường cấp tiến thuộc phái Montagne (đại diện cho giới tiểu tư sản và thị dân) thì ngồi bên tay trái (left – phía tả) của chủ tọa. Trải qua năm tháng, cùng với sự vận động của đấu tranh chính trị giữa các đảng phái trên chính trường quốc gia và quốc tế, đến nay khái niệm “tả - hữu” được sử dụng để phân biệt các lực lượng chính trị theo lập trường của họ về các vấn đề trong đời sống xã hội quốc gia và quốc tế.
Hiện nay, trong chính trị học, cánh tả thường được coi là các lực lượng có lập trường như sau:
- Gắn bó với các tầng lớp dưới trong xã hội; đấu tranh cho các quyền của người lao động; đòi cải thiện các điều kiện lao động, cải cách ruộng đất…
- Phản đối sự tập trung của cải và quyền lực trong tay thiểu số thống trị; lên án tình trạng bất bình đẳng xã hội; chống lại sự áp bức; đòi dân chủ hóa hệ thống chính trị.
- Ủng hộ bình đẳng chủng tộc và bình đẳng giới, bao dung văn hóa…
- Ủng hộ sự cần thiết phải có sự điều tiết và can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế; phê phán mặt trái của toàn cầu hóa; đòi trật tự thương mại quốc tế công bằng…
- Chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân; chống phân biệt chủng tộc; ủng hộ quyền tự quyết dân tộc…
- Chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình; phản đối chạy đua vũ trang; ủng hộ việc thủ tiêu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt…
- Bảo vệ môi trường…”
Chính trị cánh tả được chia ra thành:
- Cánh tả truyền thống: các đảng cộng sản và công nhân được thành lập hoặc có nguồn gốc từ các đảng được thành lập trước năm 1950, với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa xã hội khoa học.
- Cánh tả mới, gồm các đảng xanh (Green, Alternative) đảng nhân đạo (Humanist)… nhấn mạnh tính “tích cực xã hội” nói chung”, nhấn mạnh các vấn đề kinh tế, văn hóa, cá nhân con người.
- Cánh trung tả: các đảng xã hội, xã hội dân chủ, dân chủ…, ủng hộ nền dân chủ tự do, dân chủ đại diện, chế độ sở hữu tư nhân và thị trường tự do gắn với sự điều tiết nhất định của nhà nước và những bảo đảm chung về an sinh xã hội.
- Cánh cực tả, theo chủ nghĩa vô chính phủ, Trốtskít, Mao-ít, Stalinnít (Stalinism)…
Ứng với phân loại kể trên, tôn giáo thường có ảnh hưởng đối với cánh trung tả. Riêng đối với chủ nghĩa xã hội, thì có các khái niệm dưới đây (xem thêm wikipedia)
- Buddhist socialism
- Christian socialism
- Jewish socialism
- Islamic socialism (1)
3) Chính trị Phật giáo cánh tả - Chủ nghĩa xã hội Phật giáo
Từ điển mở Wikipedia định nghĩa “Chủ nghĩa xã hội Phật giáo là một hệ tư tưởng chính trị chủ trương chủ nghĩa xã hội dựa trên những nguyên tắc của Phật giáo”.
Thực ra, chủ nghĩa xã hội Phật giáo không phải chỉ là lý luận chính trị, mà nó đã triển khai trong hoạt động chính trị qua một số chính khách và đảng phái chính trị. Vì vậy, chúng tôi sử dụng cụm từ “chính trị cánh tả Phật giáo”. Chủ nghĩa xã hội Phật giáo, Buddhist socialism, còn thường được gọi bằng cụm từ “Dhammic socialism”.
Về chính khách có thể kể: SWRB Bandaranaike, U Nu, Norodom Sihanouk…
Về các nhà lý luận, có thể kể đến Buddhadasa Bhikkhu, Han Yong-un…
Salomon West Ridgeway Dias Bandaranaike là thủ tướng thứ tư của Tích Lan (nay là Sri Lanka) mất năm 1959 khi đang tại nhiệm. Vợ ông, Sirimavo Bandaranaike cũng đã trở thành thủ tướng Sri Lanka.
Là một luật sư trẻ, đào tạo ở Oxford, SWRD Bandaranaike trở thành thủ tướng sau thắng lợi bầu cử năm 1956. Ông là người khôi phục Phật giáo (cải đạo từ tôn giáo gia đình trước đó là Anh giáo trở lại Phật giáo). Ông đề xướng “chủ nghĩa xã hội Phật giáo” trong hoạt động chính trị, trước và sau khi lên cầm quyền. Bà thủ tướng Sirimavo Bandaranaike (1916 - 2000) nhiều lần đảm nhiệm chức vụ thủ tướng Tích Lan trong các thời điểm, cũng kế thừa tư tưởng chính trị của chồng.
U Nu (1907 - 1995) là thủ tướng đầu tiên của nước Miến Điện, độc lập từ năm 1948, và nhiều lần giữ chức vụ này. Ông là một tín đồ Phật giáo thuần thành, là vị hộ pháp, thủ tướng hộ trì cho Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần VI tại Miến Điện.
Tư tưởng chủ nghĩa xã hội Phật giáo của U Nu thể hiện qua nhiều tác phẩm của ông cũng như hoạt động chính trị mà ông chủ trì. Ông đã cố gắng khai triển 5 giới cấm của Phật giáo trong xã hội Miến.
Norodom Sihanouk (1922 - 2012), quốc vương và nhiều chức vụ lãnh đạo khác của Campuchia, năm 1955 đã thành lập Sangkum Reastr Niyim (Cộng đồng xã hội chủ nghĩa Nhân dân), viết tắt Sangkum, đề cao chủ nghĩa xã hội Phật giáo và có nhiều cố gắng từ phía chính phủ để giúp đỡ người nghèo. Sangkum chi phối chính phủ vương quốc Campuchia từ 1955 đến 1970.
Chủ nghĩa xã hội Phật giáo thường được quốc vương N. Sihanouk nói đến trong các bài diễn văn trong giai đoạn 1955 – 1970, với lý luận lắp ghép, hình thành dần dần, từ những nguyên tắc lấy từ Phật giáo nguyên thủy, từ đạo đức truyền thống Campuchia.
Hòa thượng Buddhadasa (1906 - 1993) là một nhà hoạt động tôn giáo, nhà triết học Thái Lan. Hòa thượng viết rất nhiều tác phẩm, trong đó, một trong những nội dung chính là đề xướng chủ nghĩa xã hội Phật giáo với nguyên tắc căn bản là thiểu dục và tri túc. Hòa thượng nói đến các khái niệm “Chủ nghĩa xã hội tự nhiên” (natural socialisim) và “Dhammic socialism”.
Hòa thượng Han Yong-un (1879-1944), người Triều Tiên là một khuôn mặt cải cách, chấn hưng Phật giáo Hàn Quốc, đồng thời, cũng là một nhà thơ, bút danh Manhae. Đối với Hòa thượng, nói đến chủ nghĩa xã hội Phật giáo là nói đến nguyên tắc cơ bản của Phật giáo là bình đẳng. Wikipedia cho biết hòa thượng Han Yong-un đã nói đến chủ nghĩa xã hội Phật giáo từ năm 1931, so sánh với chủ nghĩa xã hội Ki tô giáo.
(1 Chẳng hạn, chủ nghĩa xã hội ở Libya thời Muamar Gaddafi được gọi là “Chủ nghĩa xã hội Hồi giáo”. Sukarno, tổng thống Indonesia cũng nói “Chủ nghĩa xã hội Hồi giáo” ở Indonesia… Còn chủ nghĩa xã hội của Hugo Chavez lấy chủ nghĩa Mác, tư tưởng Simon Bolivar (một anh hùng dân tộc và tư tưởng nhân đạo đạo Ca tô La Mã làm nền tảng (sách dẫn trên, trang 452).