|
Mô hình Học viện PGVN tại Tp.HCM |
Ở những bài trước, chúng ta đã thấy thực dân Pháp quy hoạch khu trung tâm Sài Gòn theo hình thái “xóm đạo”, với nhà thờ là biểu tượng tôn giáo khổng lồ ở trung tâm, chung quanh là công sở, trường học, bưu điện, ngoại giao đoàn, khu thương mại, khu dân cư… Chính quyền Sài Gòn từ năm 1964 và chính quyền mới từ năm 1975 đã cố gắng có những điều chỉnh, song, kết quả vẫn chưa như ý.
Trung tâm tôn giáo Ca tô La Mã vẫn là trung tâm thành phố. Những cuộc lễ lớn của thành phố vẫn được tổ chức ở mặt sau của nhà thờ, trong khi mặt trước nhà thờ dành cho những cuộc lễ tôn giáo. Cái hình thái “xóm đạo” vẫn tạo tác động như thế hiện nay và trong một thời gian nữa, trong khi chưa có quảng trường thành phố và một trung tâm tôn giáo mới của thành phố dành cho Phật giáo.
Đi sâu vào vấn đề này, chúng ta sẽ thấy thâm ý của thực dân Pháp trong việc không xây tường rào cho Nhà thờ đức Bà Sài Gòn, mà biến nhà thờ thành một tượng đài tôn giáo khổng lồ ở giữa một quảng trường, chung quanh nhà thờ dành cho xe cộ và người đi bộ lưu thông.
Hình thái nhà thờ đức Bà Sài Gòn là tượng đài tôn giáo khổng lồ có tác động gia tăng tính chất xóm đạo cho khu trung tâm thành phố Sài Gòn. Nhà thờ không hề tách biệt với đường phố, kiến trúc chung quanh, mà gắn liền với đường phố, công sở, khu dân cư…
Điều đáng lưu ý là như thế, quảng trường chung quanh nhà thờ, tức quảng trường trung tâm thành phố (nay có tên quảng trường Công xã Paris) VỪA LÀ QUẢNG TRƯỜNG CÔNG CỘNG, LẠI VỪA LÀ QUẢNG TRƯỜNG TÔN GIÁO.
Đây là quảng trường công cộng vì nhà thờ đâu có hàng rào ngăn cách, xe cộ, người đi bộ tự do lưu thông.
Đây lại là quảng trường tôn giáo vì có tượng đức Mẹ đặt ở đó, ngay trước nhà thờ.
Tính chất này có lúc có thể được hiểu:
- Những buổi tập trung cầu nguyện có thể lý giải là những cuộc tập trung công cộng.
- Và ngược lại, những buổi tập trung công cộng có thể lý giải là tập trung cầu nguyện.
Như thế, những cuộc tập trung giáo dân làm nghi lễ tôn giáo, trong chốc lát, có thể biến thành cuộc tập trung nơi công cộng vì lý do khác. Trong khi đó, màu sắc tôn giáo tập trung cầu nguyện lại là cái khoác lên những cuộc tập trung vì những động cơ khác trên quảng trường này, lấy tôn giáo làm tấm lá chắn bảo vệ cho cuộc tập trung người.
Điều này người dân Tp.HCM không còn làm lạ, nhất là trong hoàn cảnh nhà thờ đức Bà Sài Gòn là nơi tập trung đông đảo khách tham quan vào bậc nhất ở Tp.HCM.
Trên mạng vẫn đăng những bức ảnh những người ra vườn hoa trước nhà thờ đức Bà Sài Gòn làm những chuyện khác, nhưng nói là người cầu nguyện!
Sự việc tượng đức Mẹ trước Nhà thờ đức Bà “khóc” là một sự kiện lớn trong chuỗi hoạt động như thế.
Rồi tối tối, có một nhóm vài chục, có khi lên đến hàng trăm người tụ tập ở vườn hoa trước Nhà thờ đức Bà để “cầu nguyện”, họ mang đèn điện thắp bằng accu, ampli, loa công suất lớn, lôi kéo khách tham quan vào đứng chung hàng ngũ. Đứng lại một chút, nghe lời “cầu nguyện” ẩn dụ gần xa của họ, khách đi đường không khỏi giật mình. Nó giải thích vì sao tượng đức Mẹ có ở khắp các nhà thờ trong thành phố, nhưng người ta cứ kéo nhau ra nơi công cộng này tụ tập để mà “cầu nguyện” tới khuya.
Dụng ý của thực dân Pháp quy hoạch trung tâm thành phố Sài Gòn thành “xóm đạo” là như vậy đó. Khi giáo quyền nắm chính quyền thì lễ đạo Ca tô La Mã là lễ quốc gia (như thời Ngô Đình Diệm). Còn không thì cũng phải duyệt binh diễu hành dưới bóng thánh giá. Rồi xa hơn nữa, là môi trường tụ tập đời/đạo, đạo/đời lẫn lộn, nhưng vẫn có thể mang danh tôn giáo Ca tô La Mã.
Ở cái trung tâm “xóm đạo” đó luôn tiềm ẩn một không khí căng thẳng rất kỳ lạ. Trước nhà thờ, nhưng không có vẻ yên bình chút nào. Vì là khu nội viên nhà thờ thì không phải, mà là khu hoàn toàn công cộng cũng không phải, vì tượng đức Mẹ đặt ngay ở đó. Khoan nói những ý đồ này khác của những chức sắc tôn giáo cá biệt, thì vẫn có rất nhiều người muốn lợi dụng việc này cho những toan tính riêng tư. Không gian vốn biểu hiện Sài Gòn – Tp.HCM là thành phố theo đạo Ca tô La Mã lại cũng là không gian tiềm ẩn những vấn đề chính trị, xã hội, an ninh…
Trong khi đám đông người tụ tập cầu nguyện, họ dùng loa phóng thanh phát oang oang trên cả quảng trường. Người dạo chơi công viên không đứng cầu nguyện thì cũng phải lịch sự mà tránh ra nơi khác. Hình thái “xóm đạo” đã biến trung tâm Tp.HCM thành nơi như vậy.
Là người dân Tp.HCM không theo đạo Ca tô La Mã, thiết nghĩ, tôi có nghĩa vụ và có quyền góp ý về vấn đề này. Nếu chỉ là chuyện ở một công viên nhỏ xa trung tâm thì thôi, cũng chấp nhận. Nhưng đây là tâm điểm thành phố.
Để giải quyết, thì cách trung hòa đã được nói tới ở những bài trước. Thành phố cần có trung tâm tổ chức đại lễ mới, cũng như trung tâm tôn giáo mới. Một ngôi chùa lớn, mang đậm dấu ấn truyền thống dân tộc ở khu trung tâm, sẽ là điểm thu hút khách quốc tế. Đây không chỉ là vấn đề kiến trúc mà còn là việc giải quyết các vấn đề xã hội, chính trị, an ninh, tuyên truyền.
|
Quảng trường Công xã Pari |
Một ngôi chùa Phật giáo lớn ở ven sông Sài Gòn, biểu tượng nhìn thấy từ trung tâm hiện hữu, điểm nhấn của trung tâm Tp.HCM là thiết thực và to lớn đối với không chỉ Phật giáo mà trước hết, đối với Tp.HCM.
Hình thái “xóm đao” ở khu trung tâm Sài Gòn, có thể nói, là “vật yểm” mà thực dân Pháp để lại. Nó là tàn tích của chế độ thực dân cũ, dấu vết của thời kỳ bị đô hộ, mất nước, nô lệ.
Chuyện đó đã qua, chúng ta những người theo đạo Phật tôn trọng những người theo tôn giáo bạn, song cũng có quyền nói lên tiếng nói đại diện cho cộng đồng Phật giáo.
Vì vậy, GHPGVN Tp.HCM nên có cái nhìn xa hơn trước tín hiệu này. Đây không phải chuyện phật tử đòi chùa, mà mong GHPGVN Tp.HCM góp phần hiệu quả để đưa các mặt hoạt động Tp.HCM đi lên theo hướng tích cực, trong đó có hoạt động chính trị, xã hội, tuyên truyền, trị an.
Đứng ở trung tâm Tp.HCM mà thấy bóng dáng một ngôi chùa lớn thay vì chỉ thấy độc mỗi tháp nhà thờ, thì tầm vóc ý nghĩa của nó không còn là chuyện tôn giáo.
Vì vậy, nói chuyện xây chùa ở đây thực ra là nói chuyện trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người yêu nước, yêu thành phố quê hương.
Phần lớn người dân Tp.HCM đều không phải là người theo đạo Ca tô La Mã, nhưng dù theo tôn giáo nào cũng đoàn kết và làm tròn trách nhiệm công dân của mình.
Chính vì thế, nguyện vọng của đông đảo người dân Tp.HCM là mong muốn ở trung tâm, đã có nhà thờ lớn thì ắt nên phải có chùa lớn để phản ánh chân thực hiện trạng đa tôn giáo Tp.HCM.
Trước nguyện vọng đó, đương nhiên, trách nhiệm của BTS GHPGVN Tp.HCM là rất lớn, rất nặng nề trước công luận.
Minh Thạnh
*Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả Minh Thạnh công dân Tp.HCM