Sáng kiến toàn cầu về chống khủng bố hạt nhân (GICNT) là diễn đàn hợp tác thế giới trên vấn đề an ninh hạt nhân cùng với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), do hai cường quốc Nga và Mỹ khởi xướng thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh tám nền kinh tế hàng đầu thế giới (G8) năm 2006. Đây là một diễn đàn mở với mục đích chống lại các hoạt động buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, thúc đẩy trao đổi thông tin nhằm đối phó với khủng bố hạt nhân. Hiện tại, có tổng cộng 85 quốc gia là thành viên của Sáng kiến toàn cầu về chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và 4 quan sát viên chính thức làm việc để nâng cao năng lực ở cấp quốc gia và quốc tế cho công tác phòng chống, phát hiện và phản ứng với những sự kiện liên quan đến việc khủng bố hạt nhân.
Hàn Quốc gia nhập Sáng kiến toàn cầu về chống khủng bố hạt nhân vào năm 2007. Ngoài ra, còn có bốn tổ chức quốc tế tham gia với tư cách quan sát viên gồm Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) và Liên minh châu Âu (EU).
Chủ đề được thảo luận chính trong hội nghị lần này là phương hướng hoạt động của Sáng kiến toàn cầu về chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và các phương án nhằm nâng cao hơn nữa năng lực đối phó với buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và khủng bố hạt nhân.
Được biết, đa số các quốc gia từng tham dự vào ba kỳ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân gần đây đều tham dự Hội nghị GICNT đang diễn ra tại Seoul. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để phát triển hơn nữa cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm khủng bố hạt nhân từng đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.
Hơn nữa, với vai trò là nước chủ nhà, Hàn Quốc tự thấy đây sẽ là cơ hội để nâng cao khả năng đi đầu trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, cũng như là dịp để cả thế giới chú ý tới hệ thống an ninh hạt nhân tiên tiến của Hàn Quốc.
Nhóm Triển khai và Đánh giá (IAG) trực thuộc GICNT có vai trò triển khai các công việc như quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của Sáng kiến, xây dựng báo cáo thường niên, soạn thảo các điều mục khuyến cáo để nộp cho Hội đồng các quốc gia thành viên. Lĩnh vực hoạt động của IAG có thể kể đến là công nghệ thăm dò và truy tìm các hoạt động liên quan tới hạt nhân. Viện trưởng Viện kiểm soát năng lượng hạt nhân Hàn Quốc (KINAC) ông Min Kyung-sik hiện đang là điều phối viên của IAG với nhiệm kỳ hai năm, bắt đầu từ năm 2013.
Thích Vân Phong