Trên báo Giác Ngộ số 769 (7/11/2014), Hòa thượng Thích Trí Quảng, trong bài pháp “Hoàng pháp lợi sanh”, là bài giảng cho tăng ni tại Học viện Phật giáo TPHCM, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh ngày 14/9/2014 đã có nói về việc cải đạo, sự suy yếu của Phật giáo, quan hệ giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo, nguyên văn như sau: “Muốn tập hợp quần chúng, nhưng quần chúng là gì? Nói 80% dân chúng theo đạo Phật thì đó là dân nghèo bị áp bức, bị nô lệ. Vì vậy, năm 1963, số lượng phật tử đông, nhưng nghèo, vì người giàu theo đạo Thiên Chúa, vì theo đạo này, họ được làm quan, được học hành, được kinh doanh, v.v… Còn Phật tử đi chùa tụng kinh không có gì hết. Trong anh em bà con của tôi có nhiều người theo đạo Thiên chúa vì được học hành, được du học dễ dàng. Chính vì vậy, người khá giả, giàu có, hay có mộng lớn thường qua cánh cửa này. Từ đó, Phật giáo chúng ta suy yếu lần cho đến thấp nhất là từ số đông 80% dân chúng theo đạo Phật, chúng ta phải chấp nhận sự lãnh đạo của 5% người theo đạo Thiên Chúa. Họ không nhiều nhưng lãnh đạo Phật tử là sự kiện thực tế trước kia đã như vậy”.
Trước đoạn văn trên, vấn đề cũng được Hòa thượng Thích Trí Quảng nói qua ở một đoạn văn khác: “Điều này khác với tổ chức Phật giáo ở Việt Nam tuy có chùa nhiều và Phật tử đông, nhưng chúng ta thực sự không có tổ chức. Nếu nói chúng ta có 80% theo Phật giáo, khi cần có việc thì họ là Phật tử, nhưng xong việc thì ai về nhà nấy, không ai biết ai. Thực tế đã chứng minh điều này. Năm 1963, Phật giáo lâm nạn. Ủy ban Liên phái Phật giáo ra đời tập hợp được hàng vạn Tăng ni và Phật tử ủng hộ Phật giáo, nhưng sau đó, chúng ta không đi vào tổ chức được là việc đáng tiếc”.
Hòa thượng Thích Trí Quảng ít khi nói về những vấn đề được cho là tế nhị, nhạy cảm như cải đạo, sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam hiện đại, quan hệ giữa các tôn giáo, dù đây là vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam hiện đại, có thể coi là vấn đề tồn vong, sinh tử, dù ở vị trí của hòa thượng, trách nhiệm đối với việc hưng suy của Phật giáo Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, lần này, hòa thượng đã nói với tăng ni bằng một đoạn văn khá dài và đăng tải trên một tờ báo chính thức của Phật giáo. Nên dù là chuyện quá khứ, nhưng nó vẫn cho thấy tầm vóc và sự hệ trọng của vấn đề.
Quả thật qua những điều hòa thượng nói, chúng ta có thể thấy được bức tranh khái quát về sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Quá trình này thật ra không phải chấm dứt ở năm 1963. Mà từ năm 1963, hai quá trình song song, cải đạo và suy thoái của Phật giáo Việt Nam đã diễn ra dưới dạng thức mới, tuy không căng thẳng ở bề mặt như trước, nhưng mục tiêu, tính chất, đặc điểm, kết quả là vẫn không đổi.
Hòa thượng Thích Trí Quảng đưa ra con số tỷ lệ tín đồ Phật giáo trên toàn dân số vào năm 1963 là 80% và con số tương ứng của tín đồ Thiên chúa giáo là 5%. Thế nhưng, cho đến nay, theo thống kê chính thức, thì con số tỷ lệ tín đồ Phật giáo trên toàn thể dân số cả nước chỉ còn nhỉnh hơn Thiên Chúa giáo chút ít. Trong 50 năm, Phật giáo Việt Nam có lẽ đã mất khoảng 70% tín đồ, từ một tôn giáo tuyệt đại đa số, đã trở thành một tôn giáo đang có xu thế thiểu số hóa, và đã tiến rất gần đến mức độ là tôn giáo thiểu số.
Nếu so sánh Phật giáo với Cơ đốc giáo nói chung (tổng số Thiên Chúa giáo và Tin lành như cách tính ở Hàn Quốc), thì hiện nay tại Việt Nam, Phật giáo đã không còn là tôn giáo đa số tuyệt đối nữa.
Năm mươi năm cho diễn biến như thế đối với một tôn giáo là quá bi thảm. Những phần trăm ít ỏi còn lại của Phật giáo đang tiếp tục mất đi. Và không thể hình dung nổi, Phật giáo Việt Nam với sự liên kết tín đồ lỏng lẻo như thế, “không ai biết ai” như Hòa thượng Thích Trí Quảng nói, lại chỉ còn vài phần trăm tín đồ trên tổng số dân!
Hiện nay, từ phía một bộ phận quan chức, học giả đến một số đông hơn từ xã hội, người ta đã dùng từ “Công giáo” trở lại, thay cho từ “Thiên chúa giáo” mà Hòa thượng Thích Trí Quảng dùng. “Công giáo” là đạo công, là tôn giáo công lập, công cộng, chung cho xã hội. Còn lại, các tôn giáo khác là “tư giáo”, hay như thời trước 1963, người ta dùng “giáo phái”, chứ không dùng từ tôn giáo để gọi các đạo ngoài đạo công.
Thực sự tình thế đã nguy ngập cho Phật giáo lắm rồi.
Nhưng con số chỉ là một yếu tố còn mờ nhạt trong phát biểu của Hòa thượng Thích Trí Quảng. Cái đáng lo hơn là nguyên nhân và tính chất của vấn đề mà Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chỉ đã: “Vì vậy, năm 1963, số lượng Phật tử đông, nhưng nghèo, vì người giàu theo đạo Thiên Chúa, vì theo đạo này, họ được làm quan, được học hành, được kinh doanh, v.v… Còn Phật tử đi chùa tụng kinh không có gì hết. Trong anh em bà con của tôi có nhiều người theo đạo Thiên chúa vì được học hành, được du học dễ dàng. Chính vì vậy, người khá giả, giàu có, hay có mộng lớn thường qua cánh cửa này”.
Năm 1963, số lượng Phật tử đông, đến 80% dân số, nhưng nghèo như thế. Còn bây giờ, số lượng Phật tử ít đi, vẫn nghèo thì Phật giáo đi về đâu.
Người “khá giả, giàu có” thường không theo đạo Phật là chuyện đã là nghiêm trọng. Như thế, còn lại theo đạo Phật chỉ là những người nghèo nàn, “tầng” lớp dưới. Cái điều mà Hòa thượng Thích Trí Quảng ghi nhận quả là đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn là tiếp theo “… hay có mộng lớn thường qua cánh cửa này”.
Người có mộng lớn là những người sẽ trở thành tầng lớp trí thức tinh hoa, trí thức ưu tú, người thành đạt trong sự nghiệp, công danh và kinh doanh. Tất nhiên, những người không có mộng lớn thì sẽ trở thành những người ít học, lao động chân tay, thậm chí hạ lưu.
Những người như thế vẫn theo đạo Phật và con em họ theo đạo Phật. Cái nguy chính là ở chỗ này đây. Hòa thượng Thích Trí Quảng quả rất tinh tế khi nhận ra cốt lõi của vấn đề. Một đạo Phật có tỷ lệ cao tín đồ là người tầng lớp dưới, ít học, dân lao động chân tay không thể là một tôn giáo hưng thịnh phát triển.
Phía những người cải đạo tín đồ Phật giáo cũng có những nhìn nhận như vậy. Chẳng hạn ông Diệm coi các “giáo phái” quê mùa, ngu dốt và “dơ dáy” lắm (xem Nguyễn Long Thành Nam: Phật giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc).
Chính tình trạng là một tôn giáo của tầng lớp dưới này là nguyên nhân đưa Phật giáo Việt Nam đến suy thoái.
Khi đã suy thoái, thì tín đồ chỉ có thể là tầng lớp dưới. Cái vòng lẩn quẩn này cứ siết chặt lấy Phật giáo Việt Nam chúng ta, kéo Phật giáo Việt Nam dù càng vùng vẫy thì càng chìm sâu vào vũng bùn tiêu vong.
Cái tình trạng mà Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chỉ ra đó chúng ta có thể cảm nhận trực tiếp bằng mắt, bằng tai, bằng mũi. Đó là sự đối lập giữa một bên tín đồ chỉ là những bà già, mặc đồ bộ, xức dầu gió xanh nồng nặc đưa chúng ta vào không gian giống như những chuyến đò dọc thân gỗ chật chội miền quê, nơi hành khách bắt võng, nhai trầu, nghe vọng cổ…
Còn một bên, tín đồ đủ mọi lứa tuổi giới tính, mặc áo dài hay sơ mi phẳng phiu cài khuy áo măng sết, thoang thoảng mùi nước hoa sang trọng, trong không gian tràn ngập tiếng piano, organ và dàn đồng ca điêu luyện theo kiểu âm nhạc phương Tây!
Cái kiểu sinh hoạt tôn giáo quý phái, thượng lưu, lịch sự đó lại thu hút con em của những gia đình Phật tử muốn vươn lên tầng lớp trên, cụm từ mà Hòa thượng Thích Trí Quảng dùng là người “có mộng lớn”.
Thế là quá trình cải đạo càng được đẩy mạnh. Người Phật giáo có học lại từ bỏ đạo Phật để gia nhập vào tôn giáo của tầng lớp khá giả, giàu có. Tín đồ Phật giáo là bà lão thì không kể, nhưng con em gia đình Phật giáo thì dễ rơi vào tình trạng mặc cảm, tự ti với tôn giáo của mình, tôn giáo không thích hợp cho người có “mộng lớn”.
Hồi tiểu học, trước năm 1975, tôi đã rơi vào tình trạng như vậy. Được một người bạn giàu có mời tiệc giáng sinh. Đứa bé gia đình Phật giáo choáng ngợp trước những bài thánh ca đệm bằng dương cầm do một Ma xơ, ánh nến lung linh trên bánh kem hảo hạng hình thân cây thông. Ma xơ rĩ vào tai tôi: “Con học giỏi, nên theo Công giáo mà tiến thân, xin ba mẹ đến học Pháp văn với Xơ”.
Cải đạo như thế không phải chỉ vì dễ làm quan như thời trước năm 1963 ở miền Nam mà là một sự vận động tự thân của việc trí thức hóa, mà điều đó vẫn diễn ra sau năm 1963 và vẫn đang diễn ra.
Cậu tôi có chút Tây học, là giáo viên Anh văn Trung học, mở trường tư dù không chịu áp lực cải đạo để thăng quan tiến chức, cũng bỏ đạo Phật, trong nhà toàn treo hình chức sắc tôn giáo người Mỹ, tủ sách đầy sách tiếng Anh về Thượng đế, ngăn bà ngoại tôi dẫn cháu đi chùa. Ông ta nhìn đạo Phật với cái nhìn thương hại, khinh miệt của một người có học dè bĩu kẻ hạ lưu, nghèo hèn. Vì vậy, tôi thấy Hòa thượng Thích Trí Quảng rất chí lý.
Đạo Phật không chỉ là đạo cho người nghèo, mà đáng ngại hơn, chỉ là đạo cho người không “có mộng lớn”. Dù chỉ mới ôm mộng chưa chắc chắn đã thành, người ta đã có xu thế bỏ đạo Phật.
Còn khi ước mơ đã thành, thì người ta muốn dự vào các tôn giáo phương Tây, thượng lưu, quý phái, muốn mặc đầm hay đeo cà vạt tới nhà thờ, nghe ca đoàn hợp xướng, không ai còn muốn thay đồ bộ vạt mẻ, mặc áo tràng đi chùa tụng kinh ê a buồn bã.
Từ năm 1975, xu thế như trên có giảm, vì đã có cái nhìn khác về tầng lớp trí thức tinh hoa, về con đường dự phần vào giới quan chức. Những năm 1980, chỉ có du học Liên Xô, Đông Âu người có “mộng lớn” phải đi chỉ trên một con đường, nên tưởng chừng vấn đề như Hòa thượng Thích Trí Quảng nêu ra không còn.
Nhưng thật ra, cải đạo vẫn là một hoạt động mạnh và cũng theo hướng quyền lợi, ưu đãi, đối tượng lúc này là người vượt biên trong các trại tập trung. Cải đạo thì sớm đi định cư ở Âu Mỹ, nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức tự nhận là “thiện nguyện”, nhưng thật ra là những tổ chức cải đạo năng nổ, kỳ thị tôn giáo.
Trong những người vượt biên, giữ đạo Phật là điều không có lợi.
Xu thế này cũng là cái cách mà Hòa thượng Thích Trí Quảng miêu tả, cũng nhắm vào người Việt nhưng đổi địa bàn hoạt động tạm thời. Người theo những tôn giáo phương Tây có tổ chức chặt chẽ, nên tỏ ra đoàn kết tương thân tương trợ hơn người Phật giáo. Cái hấp dẫn của tôn giáo phương Tây đối với một số người Việt được trình bày với nội dung cũ nhưng có bổ sung những hình thức mới.
Dường như không có thống kê chi tiết về số người cải đạo trong hình huống này, nhưng các tôn giáo phương Tây rất lạc quan về tỷ lệ tín đồ trên tổng số người Việt ở hải ngoại, mà có tôn giáo cho rằng đến cả triệu người. Như thế, Phật giáo Việt Nam trong người Việt hải ngoại thực sự đã trở thành tôn giáo thiểu số.
Đến sau Đổi mới vào năm 1986, xu hướng mà Hòa thượng Thích Trí Quảng ghi nhận dần dần hình thành trở lại ở Việt Nam, từng bước nhưng vững chắc .
Tầng lớp trí thức tinh hoa từ những năm 1990 đã dần dần có sự chuyển biến. Không còn du học ở Liên Xô, Đông Âu về, nói tiếng Nga, đọc sách Nga mới là trí thức tinh hoa.
Quan niệm về người thành đạt cũng khác trước với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần.
Trong sự tế nhị, thâm sâu và khôn khéo, các tôn giáo phương Tây dần dần định hình lại sự hấp dẫn như là đạo của “người khá giả, giàu có hay có mộng lớn”, từ ngữ mà Hòa thượng Thích Trí Quảng sử dụng.
Xã hội Việt Nam càng giàu lên, số người trở nên “khá giả, giàu có” do học vấn ngày càng nhiều, thì xu thế như Hòa thượng Thích Trí Quảng miêu tả càng trở nên ngày càng rõ nét. Điều này diễn ra không ầm ỉ, phô trương, nhưng tác động ngày càng bất lợi cho Phật giáo Việt Nam, nhưng ít người thấy rõ.
Do ở trong một tình thế khá đặc biệt, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo tại Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay mang đặc điểm “dấu mình chờ thời”, không lộ liễu như thời kỳ trước 1963 hay trước năm 1975 ở miền Nam. Đặc điểm “dấu mình chờ thời” này đã có những tác dụng nhất định, rất hợp thời, khiến cho nhiều người Phật giáo rơi vào ảo tưởng hưng thịnh. Nhưng đó chỉ là một kiểu hưng thịnh biểu kiến. Vì Phật giáo Việt Nam vẫn là một tôn giáo của người nghèo và ít học, của những người không có “mộng lớn”.
Những năm 2000, Phật giáo Việt Nam say sưa với những bức tranh lịch in hình chú tiểu trong những bộ đồ vạt khách dạng nhà chùa miền quê, thì bên cạnh đó xuất hiện những thiệp chúc Noel vẽ trẻ em mặc áo dài gấm vàng, đội khăn đóng kiểu hoàng tộc thành kính trong nghi lễ tôn giáo phương Tây. Khi đó, tôi đã đặt 2 “hệ thống” ảnh mang những tư duy thẩm mỹ đối lập nhau để so sánh, và thấy quả là có vấn đề, nhưng chưa khái quát thành lý luận như hôm nay Hòa thượng Thích Trí Quảng đã làm.
Đúng là một đạo sao cứ mang vẻ nghèo nàn, quê mùa, thỏa mãn trong cái nhìn thôn quê. Còn một đạo thì cứ hướng đến làm hoàng gia, quý tộc, phú hộ.
Trong khi người ta cố khai thác sự đối lập này, thì Phật giáo Việt Nam cũng vô tư không nghĩ ngợi gì, khi để xuất hiện những vị tu sĩ chân chất, đôi khi quá mức bình dị, có vẻ nghèo khó, cục mịch, thôn quê bên cạnh những tu sĩ chức sắc sảo, sâu sắc, trí thức, cao sang, tạo một tình thế đối lập như Hòa thượng Thích Trí Quảng miêu tả trong đoạn văn trên. Đặt bên cạnh người dân quê, thì kẻ có học, sang cả được tôn cao hẳn lên. Điều đó là tất nhiên và người ta luôn sắp xếp đầy dụng ý.
Rất may là hôm nay Hòa thượng Thích Trí Quảng, một vị giáo phẩm cao cấp của Phật giáo Việt Nam đã thấy được vấn đề hẳn lên một tờ báo Phật giáo phát biểu. Đây là cơ sở gợi ý để chúng tôi có một loạt bài tiếp theo, mà với cái nhìn sâu sắc của Hòa thượng Thích Trí Quảng, đã được coi là nóng này.
Minh Thạnh(Đón đọc bài 2: Vấn đề lãnh đạo” và “chấp nhận lãnh đạo” trong quan hệ tôn giáo)