1) Chiến sự tại Yemen leo thang, Mỹ và Ba Tư đối đầu-Reuters (Aden) ngày 1/4/2015: “Các nhân chứng cho biết một đơn vị phiến quân Houthis và đồng minh, hỗ trợ bởi thiết giáp đã tiến vào trung tâm Aden- căn cứ chính của các chiến binh trung thành với Tổng Thống Abd-Rabbu Mansour Hadi cho dù Saudi và đồng minh đã tiến hành các cuộc không kích kéo dài bảy ngày.” Theo AP ngày 2/4/2015, phiến quân đã tiến chiếm dinh tổng thống sau cuộc giao tranh lớn tại trung tâm thương mại của thành phố Aden nằm ở ven biển ở phía nam. Theo Reuters cùng ngày, một số binh sĩ đã đổ bộ bằng đường biển vào Aden nhưng không rõ thuộc quân đội nào. Nhưng Saudi Arabia và đồng minh nói rằng họ đang kiểm soát vùng biển này. Nếu vậy, đây là cuộc triển khai bộ binh lần đầu tiên của Saudi và đồng minh.
-AFP ngày 3/4/2015: “Theo giới chức bộ nội vụ Saudi, thêm hai binh sĩ chết trong cuộc chạm súng ở biên giới.” Hiện lực lượng đặc biệt của Saudi đã chính thức tham gia vào cuộc chiến đối đầu với Shiite Houthis.
-AFP (United Nations) ngày 4/4/2014: “Nga kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thúc đẩy một lệnh ngưng oanh tạc tại Yemen trong khi liên quân do Saudi cầm đầu đã tiến hành cuộc không kích xứ sở này qua ngày thứ mười.” Trong khi đó tin của AP, tổng thống al-Sisi của Ai Cập tuyên bố rằng bảo vệ an ninh cho Eo Biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen, cửa ngõ tiến vào Hồng Hải là ưu tiên của Ai Cập. Các tổ chức cứu trợ nói rằng hơn 500 người đã thiệt mạng ở Yemen trong hai tuần qua. Hiện chưa rõ trong đó có bao nhiêu phần tử chủ chiến. Theo báo cáo của Saudi Arabia, khoảng 500 phiến quân Houthis đã chết tại khu vực biên giới với Yemen. Có tin cho hay, phe nổi dậy Southis sẵn sàng đàm phán nếu liên quân ngưng các cuộc không kích. Theo VnPlus ngày 5/4/2015 trích bản tin của Tân Hoa Xã, Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/4 bác bỏ cáo buộc cho rằng Moskva đã lợi dụng các máy bay chở khách, được bố trí phục vụ công tác sơ tán công dân nước này, để cung cấp các vũ khí cho Yemen.” Tin tức cho biết vào ngày Thứ Năm 9/4/2015, phiến quân Southisvà lực lượng trung thành với nhà độc tài Ali Abdullah Saleh đã tràn ngập Thành Phố Shbwa là thủ phủ dầu lửa của Yemen cho dù những cuộc oanh kích của liên quân do Saudi lãnh đạo.
-AFP ngày 7/4/2015: “Hoa Kỳ đầy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu để đối phó với đà tiến quân của phe nổi loạn tại Yemen. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn chia xẻ tin tức tình báo, thiết lập tổ phối hợp kế hoạch bên trong trung tâm chỉ huy của Saudi.” Theo VOV ngày 8/4/2015: “Phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Moscow của Nga vào ngày 7/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tại Yemen cần phải được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán. “ Hồi Quốc (Pakistan) cũng kêu gọi các bên ngồi lại với nhau để tránh làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong khối Hồi Giáo toàn cầu. Theo Reuters ngày 10/4/2015, Quốc Hội Hồi Quốc đã biểu quyết không đồng ý tham gia chiến dịch quân sự do Saudi Arabia cầm đầu. Trong khi đó theo Reuters ngày 8/4/2015 “Ba Tư đã gửi hai chiến hạm tới Vịnh Aden - xác định sự hiện diện quân sự ngoài khơi Yemen nơi Saudi Arabia đang lãnh đạo chiến dịch không kích để loại trừ phong trào Houthis do Ba Tư hỗ trợ.” Theo tin từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, hằng ngày, máy bay tiếp dầu của Mỹ tiếp tế nguyên liệu cho máy bay Saudi và đồng minh tiến hành các cuộc oanh kích ở Yemen.Vậy không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ và Ba Tư đang đối đầu tại Yemen trong lúc thỏa hiệp hạt nhân giữa hai quốc gia chưa kết thúc. Vào ngày 14/4/2015, Hội Đồng Bảo An LHQ đã biểu quyết chấp thuận đề nghị của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council) ngăn cấm việc bán vũ khí cho lực lương nổi dậy Southis.
Không biết có phải là hành động ủng hộ Ba Tư hay không? Theo Reuters ngày 13/4/2015, Nga tự ý rút bỏ lệnh cấm vận do chính Nga ban hành năm 2010 trước áp lực của Phương Tây để cung cấp hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 cho Ba Tư. Nếu thủ đắc hệ thống phi đạn tối tân nhất thế giới này, khả năng phòng thủ trên không của Ba Tư sẽ gia tăng. Điều này đúng vì Do Thái vừa lên tiếng công kích quyết định của Nga. Còn trang tin TheDailyBeast nhận định, “Hỏa tiễn của Putin khiến Hoa Kỳ khó lòng tấn công Ba Tư.” (Putin’s Missile Could Make U.S. Attacks on Iran Nearly Impossible). Hệ thống hỏa tiễn này có tầm bắn xa 93 dặm và tầm cao 90,000 bộ tức 27km mà một chuyên viên cao cấp nghiêm cứu về không quân của thủy quân lục chiến Mỹ nói, các máy bay F-15, F-16, F/A-18 không nên đến gần “con quái vật” này.
2) Ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Ba TưTrong lúc Hoa Lục gia sức bồi đắp các bãi đá ngầm tại Biển Đông và biến cải thành các căn cứ hải quân và không quân, bất chấp lời cảnh cáo của Hoa Kỳ và các nước trong vùng… thì tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter thăm Nhật Bản, Nam Hàn công bố sẽ triển khai những vũ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ tại Bắc Á. Cùng lúc đó báo chí Mỹ loan tin Nga đồng ý bán hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 cho Trung Quốc mà theo các nhà phân tích nó có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không, kể cả tiêm kích tàng hình F-35 tối tân nhất của Mỹ.
Trong thời gian hai bên chạy đua vũ trang, dàn trận và thủ thế nhau, Hoa Lục lợi dụng sức mạnh tài chính và kinh tế của mình để tạo ảnh hưởng toàn cầu, đặc biệt tại Đông Nam Á mà Hoa Lục bắt chước Mỹ gọi đó là “sân sau” của mình.
-Reuters ngày 2/4/2015: “Viện trợ quân sự cùng với việc bán vũ khí và hàng tỉ đô-la đầu tư, Hoa Lục đã tăng cường mối liên hệ với Cambodia và giới phân tích coi đây như một bộ phận của việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng , kể cả việc tranh chấp ở Biển Đông. Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh đã đọc diễn văn trong buồi lễ tốt nghiệp tại Học Viện Quân Sự của Cambodia, trực tiếp cám ơn những vị khách, trong những bộ binh phục tươi mát của Giải Phóng Quân Trung Quốc đã giúp xây học viện này vào năm 1990.” (Hãy xem hình ảnh Tướng Trung Quốc gắn lon/quân hàm cho sinh viên sĩ quan Cambodia tốt nghiệp)
Cambodia/Kampuchia có mối liên hệ tốt với Việt Nam nhưng gắn bó với Trung Quốc- gần như truyền thống - để cân bằng ảnh hưởng của Việt Nam. Mặc dù Bà Clinton, Ô. Obama đã tới thăm Kampuchia và kể cả đệ nhất phu nhân Michelle, nhưng Kampuchia không “đi” với Mỹ là vì Mỹ cứ chĩa “khẩu đại bác nhân quyền” vào dinh thủ tướng của Ô. Hunsen. Nếu cứ tiếp tục dùng “lá bài nhân quyền” Mỹ sẽ mất hết ảnh hưởng ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ. Ô. Tập Cận Bình và trước đây là Ô. Ôn Gia Bảo, đem gói bạc khổng lồ viện trợ và đầu tư vào Kampuchia nhưng không hề nói gì đến chuyện nội bộ nhà người ta. Còn Ô. Obama và Bà Clinton đem theo bó bạc nhỏ xíu mà cứ lớn tiếng trách cứ chuyện này, chuyện nọ thì - theo tâm lý người đời- Kampuchia sẽ theo ai? Nhân quyền cũng là con dao hai lưỡi – chưa chắc làm tăng thêm uy tín của Mỹ nhưng làm suy yếu địa vị của Mỹ trên quy mô toàn cầu.
Theo VOA tiếng Việt ngày 9/4/2015: “Thái Lan cũng đang mưu tìm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đi thăm Trung Quốc cùng với một phái đoàn trong đó có Tư lệnh Hải quân Thái để thảo luận việc mua hai chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel (dầu cặn) do Trung Quốc chế tạo và theo nhà khoa học chính trị Panitan Wattanayagorn - một cố vấn quốc phòng Thái, cho rằng những cuộc tiếp xúc lớn hơn nêu bật bầu không khí chiến lược (ngoại giao) đang thay đổi.” tức là gần với Hoa Lục hơn và dần dần xa Mỹ. Điều này không lạ vì Thái Lan nổi tiếng về chính sách ngoại giao “Gió chiều nào theo chiều ấy”. Nay Hoa Kỳ không đủ mạnh để trấn áp Hoa Lục mà Hoa Lục lại là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu mà Thái Lan cần phải dựa vào đó để phát triển. Do đó “ngả” theo Trung Quốc là khuynh hướng tự nhiên nhưng Thái Lan không dại gì chống đối lại Hoa Kỳ và vẫn duy trì mối giao hảo ở một mức độ nào đó. Đó là chinh sách ngoại giao đa phương, không giống như Phi Luật Tân theo chinh sách ngoại giao đơn phương, ôm chặt lấy cột trụ Mỹ.
Ngoài ra, để né tránh cấm vận của Mỹ và đồng minh, đống thời tìm hậu thuẫn quốc tế, Ba Tư ngày càng thắt chặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. VnPlus ngày 5/4/2015 loan tin, “Hãng thông tấn FNA của Iran ngày 5/4 dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại Iran-Trung Quốc Asadollah Asgaroladi cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm thăm chính thức Iran trong tương lai gần. Ông Asgaroladi phát biểu: "Mối quan hệ Iran-Trung Quốc đã được cải thiện một cách đáng kể và chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Iran sẽ mở đường cho việc tăng cường trao đổi giao thương giữa hai nước." Hiện Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba của Trung Quốc, chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu tiêu thụ hàng năm của Trung Quốc.”
Chuyến viếng thăm của Ô. Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng lớn tới khu vực Vùng Vịnh Ba Tư và Vịnh Aden vốn là nơi bất khả xâm phạm của Mỹ vì nó là giếng dầu của thế giới .
3) Bang giao Việt-Mỹ nâng lên tầm vóc mớiChưa bao giờ, và chưa thấy một quốc gia nào trên thế giới mà các giới chức cao cấp nhất về quân sự của Hoa Kỳ lại ghé thăm Việt Nam như: Ba đời bộ trưởng quốc phòng (Ô. William Cohen, Leon Paneta và Chuck Hagel), tướng chủ tịch ban tham mưu hỗn hợp, tư lệnh Thái Bình Dương và ngày nay tới bộ trưởng hải quân. Điều đó cho thấy Việt Nam càng ngày củng cố mối liên hệ sâu rộng hơn về mặt quân sự với Hoa Kỳ, cho dù Mỹ không hài lòng về chuyện Việt Nam cho Nga sử dụng Cam Ranh làm căn cứ tiếp dầu cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga. Hiện nay Mỹ đang hứa hẹn sẽ trở thành nhà đầu tư và tài trợ số 1 ở Việt Nam. Đại diện các hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới của Mỹ như Lockeed Martin, Boeing cũng đã thăm Việt Nam trong mấy tuần lễ vừa qua.
-Bloomberg News ngày 2/4/2015: “Kỹ nghệ chế tạo ở Việt Nam đang gia tăng vững chắc, đầy mạnh bởi dân số trẻ và lương công nhân thấp. Nếu bạn nghĩ rằng Trung Quốc, Nam Hàn và Thái Lan là những khu vực chế tác khổng lồ ở Á Châu thì hãy vẫy tay chào thêm “say hello to” một quốc gia mới: Đó là Việt Nam. (If you thought Asia's manufacturing giants are just China, South Korea and Thailand, say hello to a new one: Vietnam.)
-BBC tiếng Việt ngày 4/4/2015: “Lãnh đạo Trung Quốc 'vội vã' mời Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc ngay trước chuyến đi được dự kiến của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vì 'lo sợ' chuyến đi này gây bất lợi cho quan hệ Trung - Việt và lợi ích của Trung Quốc, theo nhà quan sát từ Hà Nội.”
Thế nhưng chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ có tình cách “nghi lễ ngoại giao” và cục diện Biển Đông “đâu vẫn hoàn đó”. Bằng cớ là khi Ô. Trọng về rồi, báo chí Trung Quốc bắt đầu mỉa mai, công kích Việt Nam. Theo VOA tiếng Việt ngày 14/4/2015, “Một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới lên tiếng cho rằng Việt Nam đang lợi dụng cả Bắc Kinh và Washington để phục vụ cho mục đích riêng và điều đó sẽ đẩy Hà Nội vào tình thế nguy hiểm.”
Còn chuyến thăm viếng Hoa Kỳ sắp tới đây của Ô. Nguyễn Phú Trọng sẽ vô cùng quan trọng cho cả hai phía Việt và Mỹ. Chương trình lảm việc của Ô. Obama hiện đang dày đặc với những vấn đề vừa nhức đầu vừa khẩn cấp của thế giới, chẳng lẽ mời Ô. Nguyễn Phú Trọng tới Tòa Bạch Ốc chỉ để nói “How are you?” rồi về sao? Nhân dịp này Ô. Obama muốn khẳng định và trấn an thế giới về quyết tâm “Xoay Trục” của Mỹ và ông chọn Việt Nam chứ không phải Phi Luật Tân là trọng điểm chiến lược trước khi ông đi gặp Ô. Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Chuyến đi Bắc Kinh của Ô. Nguyễn Phú Trọng, chuyến viếng thăm Việt Nam của thủ tướng Nga và chuyến đi Mỹ sắp tới đây làm nổi bật sự cạnh tranh giữa các siêu cường và vị thế khó khăn của Việt Nam trong cơn lốc lịch sử này.
Một Việt Nam mạnh lên về kinh tế và quân sự, cùng lúc xích gần lại hơn với Mỹ là chuyện Trung Quốc phải hết sức thận trọng. Đánh thì đánh không được. Lấn dần biển đảo thì Việt Nam bị dồn tới chân tường sẽ không đưa quân Mỹ vào nước nhưng sẽ cùng Phi Luật Tân mời Mỹ tới Biển Đông - lúc đó Hoa Lục tính sao? Việc Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam cho thấy Việt-Mỹ trong tương lai sẽ thao diễn hải quân chung bởi vì trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ngày 17/6/2013 Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Đỗ Bá Tỵ đã gặp ông này đề bàn về vấn đề tập trận.
4) Nga hướng sang Viễn Đông để tìm sinh lộ Trong khi áp lực cấm vận của Mỹ và Âu Châu còn đang đè nặng lên Nga, thỏa hiệp ngưng bắn giữa Kiev và phe ly khai rất mong manh và có thể bị phá vỡ bởi trận thư hùng tại Mariupol sắp tới, Nga triển khai chính sách Viễn Đông - một vùng không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoàng Ukraine. Theo VOA tiếng Việt ngày 13/4/2015, “Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Ban Lịch sử Viễn Đông thuộc Đại Học St. Petersburg nói : Một cuộc cạnh tranh ráo riết đã bùng nổ mới đây để tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, trở nên gay gắt hơn giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.” Và Nga coi hợp tác chiến lược sâu rộng về mọi mặt với Việt Nam để biến Việt Nam thành đầu cầu hay cửa ngõ để tiến vào Đông Nam Á là một thực tế chính trị không thể phủ nhận.
-VnExpress ngày 6/4/2015: “Trả lời phỏng vấn của hãng Itar-Tass trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từ ngày 5 đến ngày 7/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hợp tác kỹ thuật quân sự cùng với năng lượng là các lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga và trong giai đoạn mới. Trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, Nga hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam. Thời gian tới, hai nước sẽ chuyển sang hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực liên doanh sản xuất, nghiên cứu khoa học, thành lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành /bảo trì).” Theo UPI thì hai bên đã ký kết những thỏa hiệp về năng lượng giữa các công ty Gazprom Neft và PetroVietnam và gần kết thúc Thỏa Hiệp Tự Do Mậu Dịch Á-Âu gồm Việt Nam, Belarus và Kazakhstan và Nga do Nga lãnh đạo. Còn trang tin Sputnik News cho biết “Công việc đào tạo cán bộ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận-1 được tiến hành tại Học viện năng lượng hạt nhân ở Obninsk, ngoại ô Moskva và trong tương lai, các nhân viên, kỹ sư điều hành nhà máy này phải giao dịch bằng tiếng Nga. Và một trong những kết quả khác là Hãng GazpromNetf của Nga sẽ là đồng sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất. ” Theo VOA tiếng Việt, “Đặc biệt đáng chú ý, hai nước đồng ý rằng các vụ tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết một cách hoà bình, trên cơ sở “tôn trọng luật pháp quốc tế”, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc thiệt lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).” Còn theo VnPlus, “Chuyến thăm lần này của người đứng đầu Chính phủ Nga nhằm thực hiện nội dung thực tế nêu trong các tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về tầm quan trọng của việc mở rộng sự hiện diện của Nga tại Đông Nam Á, có tính tới triển vọng thị trường các nước nằm trong tiểu khu vực này.”
-Sputnik News ngày 6/4/2015: Nhân dịp thăm viếng Thái Lan, Thủ Tướng Nga Medvedev đã chính thức mời Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thăm Nga. Cũng theo Sputnik News, Ô. Lan Prayuth Chan-ocha coi trọng mối liên lạc với các nhà lãnh đạo Nga và rất cảm phục, kính trọng Tổng thống Vladimir Putin. Ông thổ lộ điều này trong cuộc phỏng vấn với Phó Tổng Giám đốc hãng thông tấn TASS Mikhail Gusman. “Tôi mong ông chuyển lời tới ban lãnh đạo Nga, cá nhân tôi rất kính trọng ngài Vladimir Putin. Ông ấy đã thăm Thái Lan năm 2003. Đó là một con người mạnh mẽ, luyện tập thể thao nghiêm túc,” Theo RFI, “Bên cạnh nông phẩm (thiếu hụt vì cấm vận trả đũa Âu Châu), lãnh đạo hai nước cũng nêu ra vấn đề bảo đảm an ninh đối với khách du lịch Nga, với khoảng 1,6 triệu người tới Thái Lan trong năm ngoái. Thủ tướng Thái Lan cũng nhắc đến khả năng đặt mua máy bay quân sự và trực thăng chống hỏa hoạn của Nga với hãng thông tấn Nga Itar Tass. Tuy nhiên không có thông tin cụ thể nào về thương lượng lọt ra bên ngoài.”
Ngoài việc tạo ảnh hưởng lên Thái Lan, tưởng cũng nên nhắc lại đây, vào Tháng 3, 2013 Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã thăm Miến Điện và có cuộc hội đàm với bộ trưởng quốc phòng nước này.
5) Cuộc khủng hoảng Ukraine.Khoảng 290 linh nhảy dù cùng thiết vận xa Mỹ đã vào đây giữa lúc nội tình chính trị, kinh tế lẫn quân sự Ukraine đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Theo Reuters ngày 9/4/2015, “Ô. Oleksander Turchynov đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trong một phiên họp nói rằng Ukraine coi sự xâm lược của Nga như một yếu tố lâu dài và việc trở thành hội viên của NATO là một bảo đảm đáng tin cậy cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.”
Đứng về mặt tự ái dân tộc và thể diện quốc gia, ông này nói đúng. Nhưng đứng về mặt thực tiễn chính trị thì luận điểm của ông cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước Ukraine. Giả sử Ukraine gia nhập NATO, hệ thống lá chắn hỏa tiễn THAAD của Mỹ triển khai sát biên giới Nga. Thủy quân lục chiến Mỹ và quân NATO đóng sát biên giới Nga. Xe tăng của Mỹ và NATO chĩa mũi súng qua biên giới Nga. Máy bay chiến đấu Mỹ và NATO ngày đêm bay trên bầu trời sát biên giới Nga thì….nước Nga nghĩ sao? Chắc chắn đại chiến sẽ nổ ra và đất nước ông là bãi chiến trường đẫm máu. Do đó muốn lãnh đạo đất nước thì phải biết đất nước mình nằm ở đâu? Nằm ở nơi hẻo lánh sát Nam Cực như Úc Châu? Hay ở sát Bắc Cực như Green Land? Hay ở gần một đại cường như Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại gần Mỹ? Hoặc Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Triều Tiên nằm sát Trung Quốc? Biết được vị trí của đất nước mình tức hiểu được yếu tố “Địa Lý Chính Trị” tức: địa lý như thế nào thi chính trị như thế đó, để có chính sách ngoại giao khôn khéo giữ yên đất nước và không bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp của các đại cường, không biến đất nước thành tiền đồn, bàn đạp hoặc căn cứ phòng thủ từ xa cho bất cứ siêu cường nào, tức không bao giờ dùng máu xương của dân tộc đề phục vụ “lợi ích cốt lõi/quyền lợi sinh tử” của ngoại bang. Hiểu được như thế, lãnh đạo đất nước như thế mới là yêu nước. Chứ còn ngả nghiêng theo một đại cường nào đó để đối đầu một đại cường khác khiến đất nước tan hoang, chia năm xẻ bảy là phản quốc chứ chẳng yêu nước gì cả. Tháng Hai 2014, phe quốc gia cực đoan (Nationalist) Ukraine, nghe theo lời xúi dại của Mỹ và NATO tiến hành cuộc biểu tình lật đổ Tổng Thống Yanukovich (đang theo đuổi chính sách phi liên kết) với hy vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO. Thế nhưng kết quả ra sao? NATO chưa tới, viện trợ kinh tế từ Mỹ và Tây Phương nhỏ giọt cho một nền kinh tế đang trên bờ phá sản…thì đất nước đã bị cấu ra làm ba. Crimea vĩnh viễn thuộc Nga và không bao giờ lấy lại được. Còn vùng Donetsk và Luhansk sớm muộn gì cũng thành quốc gia độc lập hay trở thành một thành phần của Liên Bang Nga. Phần còn lại của Ukraine cũng đang nát bét vì nạn xứ quân rồi cũng sẽ chia năm xẻ bảy. Đây là một thảm họa cho Ukraine do tính toán sai lầm của tập đoàn chính trị đầu sỏ Ukraine mà hầu hết là các tỉ phú nắm giữ các đại công ty chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình nhưng lại “bù lu bù loa” cho rằng mình yêu nước.
Cho rằng Nga là quân xâm lược xấu xa, đáng nguyền rủa đi nữa, nhưng nguyền rủa có lợi ích gì khi đất nước bị chia cắt, tan hoang với một tương lai đen tối? Lãnh đạo một đất nước phải đặt quyền lợi của Tổ Quốc lên trên hết và không thể đối ngoại theo kiểu thương-ghét. Có những quốc gia coi bộ “dễ thương” nhưng vẫn không thể ngoại giao hay liên kết được vì như thế sẽ có hại cho đất nước. Nhưng có những quốc gia “dễ ghét” nhưng vẫn phải ngoại giao vì nó là một siêu cường hoặc nó có khả năng ảnh hưởng tới đất nước mình. Chẳng hạn Nhật Bản đã nuốt nỗi nhục năm 1945 để liên minh với Mỹ không ngoài mục đích bảo đảm an ninh cho xứ sở mình trước nguy cơ xâm lấn của Hoa Lục. Anh Quốc cũng phải quên đi nỗi cay đằng bị Mỹ đánh bật ra khỏi lục địa Bắc Mỹ và ôm sát lấy Mỹ chỉ vì ngày hôm nay Anh Quốc không còn là đế quốc nữa mà rớt xuống thành “cường quốc hạng hai”. Ngày nay, nếu không “dựa hơi” vào Mỹ thì Anh Quốc chẳng là gì cả. Trong lần thăm viếng Trung Quốc mới đây, Ô. Cameron đã bị báo chí Hoa Lục chế riễu, “Anh Quốc không còn là cường quốc nữa”. Còn Việt Nam phải hợp tác toàn diện với Mỹ để dùng sức mạnh quân sự của Mỹ kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông mặc dù trong thâm tâm chưa chắc Việt Nam đã tin cậy Mỹ.
Bối cảnh chính trị thế giới ngày hôm là sự tái diễn của thời Xuân Thu Chiến Quốc với tất cả sự tàn độc của nó. Các nước nhỏ muốn sống yên để phát triển, lãnh đạo phải được trang bị bằng lòng yêu nước nồng nàn và phải có tài kinh bang tế thế như Phạm Lãi, Quản Trọng, Nhạc Nghị. Thật là điều ngu dại, sốc nổi nếu không nhìn thấy những âm mưu, thủ đoạn của các siêu cường nhằm lôi kéo, chia rẽ các nước nhỏ hoặc dùng viện trợ để dụ dỗ, biến các nước nhỏ thành tiền đồn, bàn đạp hay căn cứ phòng thủ từ xa. Nhưng hung hăng, hấp tấp chống lại các đại cường - nếu đại cường đó không có ý định xâm lăng đất nước- cũng là điều ngu dại đưa đất nước đến thảm họa. Do đó chính sách ngoại giao của các nước nhỏ phải vô cùng uyển chuyển và khôn khéo.
Chúng ta đã thấy chính sách ngoại giao đó đang được triển khai nhịp nhàng tại các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Phi Luật Tân như: Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Kampuchia và Việt Nam. Xin nhớ cho “Cây cổ thụ có thể bị quật ngã trước phong ba bão tố, nhưng cây tre đong đưa theo ngọn gió thì không bao giờ bị quật ngã cả.”
Hiện nay, Đông Nam Á tương đối đoàn kết, không có xung đột sắc tộc và giáo phái, tình hình chính trị ổn định và mỗi quốc gia đều có chính sách ngoại giao vô cùng khôn khéo cho nên có thể thoát qua cơn đại nạn này. Các quốc gia Đông Nam Á đều nhận thấy trước mối đe dọa từ Trung Quốc, không có Mỹ thì không được, nhưng liên kết chặt chẽ với Mỹ theo kiểu Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân để đối đầu với Trung Quốc sẽ là thảm họa. Cho nên chính sách của họ là “Half and Half” tức “Lửng Lơ Con Cá Vàng” hay “Đánh Đu”. Chính vì thế mà mới đây, thủ tướng Mã Lai vừa qua Bắc Kinh gặp Ô. Tập Cận Bình, tuần lễ sau đã bay sang Hạ Uy Di (Hawaii) đánh gôn (golf) với Ô. Obama. Thủ tướng Thái Lan vừa qua gặp Ô.Tập Cận Bình nay lại mời thủ tướng Nga tới chơi cho biết. Và nếu nước Mỹ đừng có chĩa mũi dùi nhân quyền vào đất nước Thái Lan thì ông tướng Lan Prayuth Chan-ocha cũng sẽ mời Ô. Obama tới thăm. Nếu có lời mời thì Ô. Obama chắc chắn sẽ đi, dại gì đẩy đất nước cựu đồng minh đầy tiềm năng này vào tay Trung Quốc? Nhưng nếu có đi, xin Ô. Obama nhớ thưởng thức món lẩu Thái rất hấp dẫn, rồi tráng miệng bằng sầu riêng và ổi xá-lị Thái Lan cũng ngon lắm đó. Còn Việt Nam, trong lúc Ô. Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh gặp Ô. Tập Cận Bình thì thủ tướng Nga thăm Việt Nam, tiếp đón vô cùng nồng hậu và cùng lúc đó hai khu trục hạm Mỹ ghé Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng… rồi ông bộ trưởng hải quân cũng ghé đây …cho vui vẻ cả làng.
Là nước nhỏ đau khổ và tủi nhục lắm bạn ơi! Lúc nào cũng bị bọn côn đồ ăn hiếp. Nhận viện trợ thì giống như đứa con đỏ hỏn ngậm vú mẹ, rút núm vú ra là chết. Làm đồng minh với nó thì bị nó o ép. Làm nô lệ, tay sai cho nó thì không xong. Đánh nó thì không được cho nên cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để sống yên và vươn lên. Nhưng đó là cái khôn ngoan, cái “biết” của Lão Tử và lời dạy của các cụ Việt Nam, “Anh hùng như thể khúc lươn. Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài.”
Đào Văn Bình(California ngày 15/4/2015)