Ông Shinto Abe - con cái của “Thái Dương Thần Nữ” trong chuyến viếng thăm Luân Đôn ngày 5/6/2016 đã khôn ngoan khi nói rằng ông sẽ hợp tác chặt chẽ với bất cứ ai đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, khiến chúng ta nhớ lại vào ngày 17/12/2015, trong khi Ô. Putin ca ngợi Ô. Trump thì Ô. David Cameron, ngay tại phiên họp của quốc hội Anh đã kịch liệt đả kích những lời tuyên bố của Ô. Trump là “chia rẽ, ngu xuẩn và sai lầm.” Nhưng nay Ô. Trump coi như được đảng đề cử, thấy mình “hố” cho nên ngày 5/5/2016, Ô. Cameron vớt lại bằng cách nói rằng “Ô. Trump đáng được kính trọng, nhưng sai lầm trong chính sách đối với Hồi Giáo.”
Theo ý kiến của tôi, nếu Ô. Trump đắc cử, Ô. Cameron phải từ chức nếu nước Anh muốn “nói chuyện” với nước Mỹ. Thật nguy hại! “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” cho nên chúng ta phải cẩn thận lời ăn, tiếng nói. Tử chiến thắng vang dội của Ô. Trump trước 16 đối thủ toàn là các thống đốc tiểu bang, thượng nghị sĩ, trong chính trị, chúng ta không nên coi thường bất cứ ai. Chưa từng lăn lộn trong chính trường nhưng thông minh xuất chúng, nhìn thấu tim gan của quần chúng thì vẫn chiến thắng như thường mà người xưa nói thác ra rằng đó là “ý Trời” (ý dân là ý Trời).
Nay cuộc tranh cử đang tiến vào giai đoạn hai với hai đối thủ Trump-Hillary vô cùng ngoạn mục, gay cấn và tàn độc, Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Năm ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:-al-Jazeera ngày 1/5/2016: “Bóng Ma Gaddafi”: Lực lượng trung thành với chính quyền Libya cũ liên minh với Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS/ISIL) khiến nền an ninh của Libya bị đe dọa. (The ghosts of Gaddafi
Fighters loyal to Libya's former government have joined forces with ISIL, threatening to the country's security.)
-LiveScience.com ngày 2/5/2016: “Những bức tượng và phù điêu khắc vào đá hơn 1700 năm vừa được khám phá ở một phế tích và trong khuôn viên của thành phố cổ Bazia. Những bức tượng miêu tả đời sống tôn giáo của thành phố, kể chuyện từ Phật Giáo tới những tôn giáo cổ. Còn gọi là Vajirasthana, Bazia nằm ở trong Thung Lũng Swat của Hồi Quốc (Pakistan). Đầu tiên nó là một thị trấn nhỏ trong thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, sau đó từ từ phát triển thành đô thị nằm trong Đế Quốc Kushan. Ở vào đỉnh cao, đế quốc này thống trị một lãnh thổ trải dài từ Ấn Độ (ngày nay) tới Trung Á.”
-AP ngày 2/5/2016: “Tổng Thống Nam Hàn đã tới Tehran vào ngày 2/5/2016 cho cuộc họp thượng đỉnh giữa hai quốc gia từ khi họ thiết lập bang giao vào năm 1962. Cùng tháp tùng Bà Phác Cận Huệ (Park Geun-hye) có 230 nhà kinh doanh. Hiện nay ngoại thương Nam Hàn-Ba Tư là 6.1 tỉ đô-la nhưng Tehran muốn đẩy lên mức 17.4 tỉ đô-la. Trong cuộc họp với Bà Park Geun-hye, Tổng Thống Rouhani khẳng định phi hạt nhân trên Bán Đảo Triều Tiên. ”
-AFP ngày 3/5/2016: “Tòa án tối cao của Ý Đại Lợi đã tha bổng một người vô gia cư ăn cắp phó-mát và dồi (súc-sích) và phán quyết rằng ăn cắp một một số lượng nhỏ đồ ăn vì đói nghéo không phải là một tội. Ukrainian Roman Ostriakov bị bắt vì lấy trộm khoảng 4.72 đô-la thực phẩm tại một siêu thị ở Genoa sau đó bị tuyên án sáu tháng tù và tiền phạt 100 euro. Bản án được kháng cáo lên tòa trên với luận cứ cho rằng Ostriakov bị giữ trước khi ông ta rời siêu thị (tức là còn ở trong siêu thị) và lần kháng án thứ hai tòa phá án đã tha bổng bị can.”
Bản án bày tỏ lòng nhân đạo, nhưng sẽ trở thành một án lệ và tạo rắc rối cho hệ thống pháp lý của Ý. Mới đây tại Hoa Kỳ ngày 22/4/2016, cậu bé Cody Morris 18 tuổi đã bị truy tố về tội trộm (robbery) khi trút nước trong ly của cậu để lấy nước ngọt trong một tiệm McDonald’s ở Tiểu Bang Arkansas. Đối với luật pháp Hoa Kỳ, lấy của không cho, không trả tiền là ăn trộm, dù chỉ một ly nước ngọt, dù bất cứ ai, dù là một người vô gia cư.
Trên cõi đời này không có cái gì hoàn toàn đúng. Luật pháp nghiêm minh, chặt chẽ tạo ổn định xã hội nhưng khắc nghiệt quá. Chẳng hạn luật Hồi Giáo tại một vài quốc gia buộc phụ nữ phủ kín từ đầu xuống chân để ngăn ngừa nạn ăn mặc khiêu gợi, hở hang quá mức, trần truồng gần giống như loài thú. Còn luật pháp phối hợp với lòng nhân đạo sẽ gây hỗn loạn trong hệ thống pháp lý. Chẳng hạn Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Khổng Tử thấy một người lính đang ở tuyến đầu, chạy về phía sau, Ngài nói rằng người lính đó có mẹ già cần phụng dưỡng. Câu hỏi đặt ra là, giả thử trong đạo quân đó có khoảng 100 binh sĩ có mẹ già cần phụng dưỡng, cùng bỏ chạy về phía sau, thì đạo quân đó sẽ ra sao? Chở vợ sắp sinh vào nhà bảo sanh, vượt đẻn đỏ có bị phạt không? Nếu “không” thì chở mẹ già sắp chết vào bệnh viện, vượt đèn đỏ có bị phạt không? Rồi, sở dĩ tôi phải vượt đèn đỏ là vì năm phút nữa trường thi đóng cửa. Lỡ khoa thi này thì tương lai của tôi tiêu tan, chuyện đáng thương như thế, có bị phạt không? Do đó, trong cái thế giới Ta Bà hữu hạn, vô thường và sinh-diệt này, mọi chuyện đều tương đối. Kẻ cầu toàn, kẻ nằng nặc cho mình đúng, cho mình là chân lý- là kẻ điên khùng nhất.
-Sputnik News ngày 4/5/2016: “Ô. Shoigu cho biết tại phiên họp, Bộ Quốc Phòng Nga đã thông qua một loạt các biện pháp để đối phó với việc NATO tăng cường lực lượng ở gần biên giới. Đến cuối năm nay, hai sư đoàn mới sẽ được thành lập ở Quân Khu Tây, một sư đoàn khác ở Quân Khu Nam. Hiện nay chúng tôi đang trang bị cho các địa điểm sẽ triển khai các sư đoàn này,” Cùng lúc đó Tổng Thống Putin lên tiếng cảnh báo NATO không được tăng cường quân sự tại Ba Lan và vùng Baltic để đối phó với Nga. Theo The Hill ngày 11/5/2016, trong một cuộc hội thảo bàn tròn tại Atlantic Council, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel cho biết việc NATO triển khai quân ở Đông Âu và vùng Baltic sẽ tạo Chiến Tranh Lạnh với Nga và “Một trong những việc ưu tiên hàng đầu của tân tổng thống là ngồi xuống để nói chuyện với Tổng Thống Putin.” Tin tức mới nhất cho biết Mỹ vừa cho vận hành hệ thống lá chắn hỏa tiễn tại Lỗ Ma Ni và Nga cho đây là đe dọa an ninh đối với Nga.
-Los Angeles Times ngày 5/5/2016: “Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu loan báo từ chức, lót đường cho tổng thống nắm trọn quyền lực, thay đổi hiến pháp chuyển qua tổng thống chế như Hoa Kỳ. Đảng Công Lý và Phát Triển (Justice and Development Party/ AKP) đương quyền sẽ mở phiên họp khẩn cấp để bầu người thay thế - có thể là con rể của Ô. Erdogan - giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị, sự nổi dậy của người Kurd, di dân và cuộc chiến chống khủng bố.
-AFP ngày 6/5/2016: “Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thống Nga Vladimir Putin cuối cùng đã gặp nhau tại Khu Nghỉ Mát Sochi. Ô. Putin nói rằng, “Nhật Bản không chỉ là láng giềng mà còn là người hợp tác quan trọng tại vùng Châu Á Thái Bình Dương.”
Trên thực tế, Nga và Nhật Bản đều cần nhau. Nga cần Nhật để ổn định kinh tế. Nhật cần hòa dịu với Nga để yên tâm đối phó với Hoa Lục. Nhưng sự hợp tác Nga-Nhật sẽ như thế nào để không phá vỡ thế bao vây, cấm vận Nga của Mỹ. Đó là bản lĩnh của Ô. Abe.
-ABC News ngày 8/5/2016: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trách cứ các quốc gia Âu Châu là độc tài và độc ác vì đóng cửa biên giới không cho người tỵ nạn Syria chạy vào đây.”
-Sputnik News ngày 11/5/2016: “Quốc Hội Myanmar (Miến Điện) vừa phê chuẩn thỏa hiệp ký kết với Nga về hợp tác quân sự hầu tạo lập một quân đội tiêu chuẩn hóa, hiện đại hơn và hiệu quả hơn.”
Hiện nay Miến Điện chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế từ Hoa Lục nhưng theo chính sách ngoại giao đa phương để cân bằng ảnh hưởng giữa các siêu cường.
-Tổng Hợp ngày 11/5/2016: Nữ Hoàng Anh Elizabeth II trong một bữa tiệc ngoài trời đã lên tiếng than phiền rằng phái đoàn ngoại giao Trung Quốc “rất thô lỗ” với nữ đại sứ Anh Quốc. Thế nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Lục nói rằng nhân viên của hai bên đã hợp tác tối đa cho chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Tập Cận Bình và nỗ lực này đã được đánh giá cao bởi cả hai quốc gia.
Có thể Nữ Hoàng Anh già rồi, năm nay 90 tuổi cho nên lẩm cẩm chăng? Hoặc cũng có thể các ông “Con Trời” thô lỗ và kém văn minh thật? Làm ngoại giao ở đâu cũng vậy, phải cẩn thận từng lời tuyên bố đã đành mà phải cẩn trọng từng động tác, cử chỉ, cách nhìn, cách đi đứng, cách ăn uống, nói cười sao cho thật lịch sự và nghiêm túc. Ngành ngoại giao là nghành khó nhất trong các ngành và phải được tuyển chọn, huấn luyện kỹ càng…nếu không sẽ làm trò cười cho cả thế giới. Bước vào phiên họp quốc tế mà mặt mày lầm lầm, lì lì, mắt nhìn trừng trừng….thì nên bỏ ngành ngoại giao chuyển qua ngành cảnh sát, mật vụ thì tốt hơn. Nhà ngoại giao lịch sự khi uống rượu phải nâng ly mời người ta trước rồi mới uống. Nhà ngoại giao lỗi lạc mặt mày lúc nào cũng bình thản dù trong bụng chứa đầy âm mưu thủ đoạn “Tiếu Lý Tàng Đao” trong Tam Thập Lục Kế.
-Newsweek ngày 13/5/2016: “Georgia/Gruzia tiến hành một cuộc tập trận chung với NATO do Hoa Kỳ điểu khiển kéo dài hai tuần lễ cho dù có sự cảnh cáo từ phía Nga.” Bang giao giữa Nga-Georgia căng thẳng từ sau cuộc chiến 2008 và vùng tự trị Nam Ossetia trước đây nằm trong Georgia (tuyên bố độc lập từ năm 1990) tiến hành cuộc trưng cầu dân ý sát nhập vào Liên Bang Nga.
-UPI ngày 13/5/2016: “14 lính Thổ Nhĩ Kỳ tử thương trong cuộc giao chiến với lực lượng Kurd ly khai (Kurdistan Workers Party) tại biên giới Iraq và trực thăng tới tiếp ứng bị bắn rơi.” Hiện nay tình hình Thổ rối beng nhưng Thổ tăng cường liên hệ về quân sự và kinh tế với Ukraina để đối phó với Nga. “
Tình hình Syria:
-AP ngày 3/5/2016: “Ngoại Trưởng John Kerry nói rằng cần phải có nỗ lực triệt để để khôi phục lệnh ngưng bắn tại Syria, đặc biệt là tại phía bắc Thành Phố Aleppo. Không Quân Syria đã liên tục dội bom xuống thành phố này chín ngày liền. Trong khi đó Ngoại Trưởng Lavrov dự trù gặp phái viên của LHQ Staffan de Mistura tại Moscow để nói về tình hình Syria.” Cùng ngày, tờ Washington Post cho biết, “Ngoại Trưởng John Kerry cảnh cáo chính quyền Syria và những phe ủng hộ như Nga và Ba Tư là họ phải tuân thủ thời hạn cuối cùng 1 Tháng 8 để chuyển tiếp chính quyền hầu loại bỏ Ô. Assad nếu không sẽ phải chịu hậu quả với chuyển hướng mới của Hoa Kỳ để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài đã 5 năm.” Đây là lời cảnh cáo vô cùng nghiêm khắc. Thử xem Syria và Nga đối phó như thế nào. Có thể chính quyền Syria sẽ tổng tấn công để chiếm lại thành phố này để tạo chuyện đã rồi. Nhưng tin tức cuối cùng cho biết các bên đã chấp thuận một thỏa hiệp ngưng bắn tạm thời.
-AFP ngày 4/5/2016: “Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết nếu thấy cần Thổ sẽ đưa bộ binh vào Syria sau vài tuần hỏa tiễn từ bên kia biên giới thuộc vùng kiểm soát của nhóm “thánh chiến” bắn hỏa tiễn qua Thổ.”
-Reuters & Sputnik News ngày 5/5/2016: “Dưới sự điểu khiển của nghệ sĩ nhân dân Nga Valery Gergiev, dàn nhạc giao hưởng/đại hòa tấu Nhà Hát Mariinsky của Thành Phố Saint Petersburg đã tổ chức buổi hòa nhạc "Với lời nguyện cầu cho Palmyra. Âm nhạc làm sống lại các bức tường cổ xưa" tại lâu đài cổ Palmyra nổi tiếng thế giới. Thành phố cổ Palmyra được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO bị nhóm khủng bố "Nhà Nước Hồi Giáo" kiểm soát trong gần một năm. Quân đội Syria, với sự hỗ trợ của không quân Nga đã tái chiếm thành phố vào ngày 27 tháng 3. Theo các nhà khảo cổ, phải mất tới 5 năm mới có thể phục chế lại di tích này. Tổng Thống Putin, qua hệ thống truyền hình từ Sochi đã nói chuyện với khán giả bao gồm binh sĩ Nga, binh sĩ Syria và gia đình.”
Qua hình ảnh trình chiếu bởi đoạn phim ngắn, chúng ta thấy đàn bà Syria rất xinh đẹp, để tóc trần, thanh thoát như Tây Phương. Một đất nước tươi đẹp như thế mà bỗng rơi vào thảm họa chiến tranh. Thật đáng thương!
-ABC News ngày 8/5/2016: “Anadolu Agency- cơ quan truyền thông của chính phủ cho biết pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ đã nã đạn vào các mục tiêu của quân Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, tiêu diệt 55 tay súng, ba xe quân sự và ba dàn phóng hỏa tiễn. Các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tấn công các vị trí của lực lượng thuộc Đảng Lao Động Kurd (Kurdistan Workers' Party/PKK) ở bắc Iraq mà Thổ đặt ra ngoài vòng pháp luật”.
Là thành viên của NATO và dưới sự che chở của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc khu vực. Các nước như Iraq và Syria đều ngán sợ sức mạnh quân sự của Thổ bởi vì NATO có điều khoản: Đụng tới một quốc gia hội viên (như Thổ) là đụng tới NATO.
-Politico ngày 8/5/2016: “Hiện nay, Hoa Kỳ có sức mạnh quân sự lớn hơn Nga ở Trung Đông với 35,000 quân và cả ngàn máy bay; trong khi Nga chỉ có 2000 quân và khoảng 50 máy bay – thế mà các nhà lãnh đạo của Trung Đông đang thực hiện các chuyến đi Moscow để gặp Ô. Putin mà không đổ xô đi Hoa Thịnh Đốn (để gặp Ô. Obama). Cách đây hai tuần, Thủ Tướng Do Thái Netanyahu đã hai lần tới gặp tổng thống Nga kể từ mùa thu năm ngoái. Vua Salman của Ả Rập Sê-út đang sớm tiến hành cuộc thăm viếng. Tổng thống Ai Cập và các lãnh đạo của Trung Đông cũng đã làm cuộc viếng thăm Ô. Putin. Tại sao vậy…” (The United States has significantly more military capability in the Middle East today than Russia—America has 35,000 troops and hundreds of aircraft; the Russians roughly 2,000 troops and, perhaps, 50 aircraft—and yet Middle Eastern leaders are making pilgrimages to Moscow to see Vladimir Putin these days, not rushing to Washington. Two weeks ago, Israeli Prime Minister Benjamin Netanyahu traveled to see the Russian president, his second trip to Russia since last fall, and King Salman of Saudi Arabia is planning a trip soon. Egypt’s president and other Middle Eastern leaders have also made the trek to see Putin. Why is this happening…”
Theo ý kiến của tôi, các nhà lãnh đạoTrung Đông bắt đầu thấy rằng một nước Syria thống nhất, dù là một chính phủ độc tài của Ô. Assad sẽ tạo ổn định cho toàn vùng và dưới sự hỗ trợ của Nga, lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo sẽ từ từ bị tiêu diệt hoặc không có khả năng lan rộng ra các nước lân cận. Theo The Hill ngày 13/5/2016, một cựu viên chức cao cấp của Ô. Obama nói rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ yêu cầu Ô. Assad phải ra đi.
Có thể Ô. Phil Gordon- Phụ tá đặc biệt của tổng thống nhận thấy nếu muốn “bứng” Ô. Assad ra khỏi Syria thì Mỹ phải đem ít nhất 150,000 quân vào đây - tức mở thêm cuộc chiến thứ ba trong khi hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan gỡ chưa ra. Thế nhưng Ô. Obama chủ trương - hoặc bằng biện pháp quân sự để lật đổ chính quyền của Ô. Assad hoặc thông qua giải pháp “hòa đàm” để ép Ô. Assad nhượng quyền cho phe đối lập do Hoa Kỳ huấn luyện, trả lương, cung cấp vũ khí. Một khi chính quyền rơi vào tay phe “Islamist” mà Hoa Kỳ gọi là “đối lập ôn hòa” thì chắc chắn Syria sẽ tan nát khi 40 thủ lĩnh tranh giành quyền lãnh đạo. Chắc chắn lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo sẽ toàn thắng bởi vì họ vừa mạnh, vừa thống nhất. Và khi đó sẽ là thảm họa cho toàn vùng còn hơn là Iraq, Afghanistan và Lybia cho nên họ chấp nhận sự hiện diện của Nga tại Syria.
Thế nhưng Hoa Kỳ đã có chủ trương. Hoa Kỳ không quan tâm tới sự đổ nát của Syria, vấn đề người tỵ nạn hay thậm chí lực lượng ISIS/ISIL chiếm trọn đất nước này. Điều mà Hoa Kỳ quan tâm là đuổi Nga ra khỏi căn cứ hải quân Tartus. Bất cứ lực lượng nào, dù là “Islamist” hay Nhà Nước Hồi Giáo chiếm trọn Syria và Ô. Assad bị lật đổ- thì chắc chắn Nga sẽ bị “đá văng” ra khỏi Tartus. Khi đó Hoa Kỳ thành công, còn chuyện chống Nhà Nước Hồi Giáo tính sau. Đó là mấu chốt của vấn đề. Bề mặt là chống khủng bố, bên trong là đuổi Nga ra khỏi vùng Trung Đông mà điểm tựa của Nga chính là Syria. Phe “Islamist ôn hòa” đang được nuôi dưỡng chỉ là công cụ để đuổi Nga ra khỏi Tartus mà thôi. Hoa Kỳ không đổ công, đổ của cho một nền dân chủ của Syria đâu. Nếu Hoa Kỳ thật sự quan tâm tới nền dân chủ cho toàn cầu tại sao không đem quân vào lật đổ các chính quyền đang được cai tri bởi các nhà độc tài ghê gớm như Vua Salman của Ả Rập Sê-út, Tổng Thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Prayut chan-Ocha của Thái Lan và Tướng al-Sisi của Ai Cập?
Xin nhớ cho, trong cái thế giới cạnh tranh khốc liệt ngày hôm nay, không chuyện gì mà không có âm mưu, thủ đoạn ở bên trong. Hồi còn bé tôi đã nghe các cụ nói, “Chính trị là muôn mặt”. Tất cả chỉ vì lợi ích của mình hay lợi ích quốc gia như Ô. Donald Trump nói huỵch toẹt “America First” (Hoa Kỳ là trên hết/ Hoa Kỳ trước đã).
-Reuters ngày 12/5/2016: “Giao tranh lại bùng phát ở bắc Aleppo khi lệnh ngưng bắn chấm dứt. Trong khi đó lực lượng ISIS mở cuộc tấn công gần Palmyra để nhằm cắt đứt đường tiếp vận của quân chính phủ.”
Tình hình Biển Đông:-AP ngày 2/5/2016: “Để tranh giảnh ảnh hưởng với Trung Quốc, sau khi hội kiến với thủ tướng Thái Lan, trong bài diễn văn tại Chulalongkorn University ở Bangkok, Ngoại Trưởng Nhật Bản Fumio Kishda xác nhận tầm mức quan trọng của sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á đối với Nhật Bản. Ông cam kết một ngân khoản 7 tỉ đô-la (750 tỉ yên) trong ba năm để tài trợ cho những dự án phát triển hạ tầng cơ sở như xa lộ, cầu cống, đường xe lửa và phát triển trong vùng. Đề xướng này sẽ giúp liên kết các nước Đông Nam Á với Nhật Bản. Thái Lan vừa trở thành trung tâm chủ chốt cho việc chế tạo và xuất cảng những sản phẩm chế tạo của Nhật Bản như Toyota và Honda chẳng hạn. Ông hy vọng rằng trong ba năm tới ông sẽ khởi hành từ Bangkok, hướng về phía đông và tối hôm đó sẽ thưởng thức món phở tại HCM City. Sau Thái Lan, ngoại trưởng Nhật Bản sẽ ghé Lào, Miến Điện và Việt Nam.“
Trước đà gia tăng ảnh hưởng lẫn áp lực của Hoa Lục lên các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ do thiếu tiền và hậu quả của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, đã không thể cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc tại vùng này. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ đi tới đâu đều đưa “ngọn roi nhân quyền” ra để mắng mỏ người ta cho nên các quốc gia Đông Nam Á dù nể sợ nhưng không mấy mặn mà với Hoa Kỳ. Thượng đỉnh Hoa Kỳ- ASEAN tại Sunnylands ngày 15/2/2016 do “minh chủ ” Obama chủ trì nhưng các “bang phái” ra về tay không. Còn Nhật Bản “Phóng tài hóa thu nhân tâm” và ở vào vị trí đặc biệt. Vì cùng là Á Châu và sở hữu một nền kỹ nghệ chế tạo tân tiến, vượt trội hơn Trung Quốc. Hơn thế nữa Nhật Bản không chơi “lá bài nhân quyền”. Quyền lợi của Nhật Bản là tối thượng. Nhân quyền hay không nhân quyền là chuyện của người ta, không phải chuyện mình, cho nên hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều “welcome” Nhật Bản. Trong số 10 quốc gia hội viên của ASEAN, có thể nói Lào, Thái Lan, Kamphuchia, Miến Điện chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc. Tân Gia Ba thì “đi hàng hai”. Nam Dương và Mã Lai không chống Trung Quốc nhưng đang cảnh giác vì tham vọng bành trướng lãnh thổ của “Ông Trời Con” này. Chỉ có Việt Nam và Phi Luật Tân là đang đứng ở tuyến đầu chống lại Trung Quốc.
Phi Luật Tân dù bị cột chặt vào quỹ đạo của Mỹ nhưng vẫn cần sự yểm trợ của Nhật Bản. Ngày 5/6/2015, Tổng Thống Aquino viếng thăm Nhật Bản đàm phán về thỏa hiệp VPA cho phép các máy bay quân sự và tàu hải quân của Nhật Bản sử dụng các căn cứ ở Phi Luật Tân để tiếp tế nhiên liệu, đồng thời mở rộng quy mô các cuộc tập trận chung giữa các lực lượng hai nước. Theo AFP ngày 3/5/2016, để tăng cường hợp tác về an ninh giữa hai quốc gia, Nhật Bản sẽ cho Phi Luật Tân “thuê” (*) các máy bay quân sự. Quyết định này được đưa ra vào chiều ngày 2/52016 trong cuộc nói chuyện giữa Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Voltaire Gazmin. Theo thỏa hiệp này, Tokyo sẽ cho Phi Luật Tân “thuê” 5 máy TC-90 giúp Phi Luật Tân huấn luyện phi công và nhân viên cơ khí. Nhưng các máy bay này có thể được dùng cho các phi vụ tuần thám. Thế nhưng sự hợp tác Phi-Nhật vẫn còn ở mức độ chừng mực vì đã có quân Mỹ đóng tại đây.
Chỉ riêng Việt Nam ở Đông Nam Á, vừa hợp tác toàn diện với Mỹ (Comprehensive Partnership) nhưng lại hợp tác chiến lược (Strategic Partnership) với Nhật Bản về mọi mặt. Trong thực tế, Việt Nam đang trở thành đồng minh mạnh nhất của Nhật tại Á Châu. Nhật Bản lầm lì, ít nói nhưng rất khôn ngoan. Lấy Thái Lan làm trung tâm phát triển kinh tế, thương mại. Lấy Việt Nam làm trung tâm phát triển khoa học, kỹ thuật và chỗ dựa vững chắc về quân sự qua việc ưu tiên ghé Quân Cảng Cam Ranh. Hiện nay chỉ có hai quốc gia được quyền ưu tiên ghé Quân Cảng Cam Ranh đó là Nga và Nhật Bản. Chuyến đi Thái Lan của Ngoại Trưởng Nhật vừa rồi cho thấy “Hoa Anh Đào” sẽ nở rộ ở Phương Đông.
Theo International Business Timew (Anh Quốc) ngày 6/5/2106, một hạm đội hùng hậu của Hoa Lục bao gồm các tàu chiến tối tân chở theo trực thăng đang tiến về vùng Biển Đông, tiến hành một cuộc thao diễn để đối phó với những hoạt động quân sự mới đây của Hoa Kỳ trong vùng. Hạm đội bao gồm Khu Trục Hạm Hefei trang bị hỏa tiễn, Tuần Dương Hạm Snya và tàu tiếp vận Honghu đã rời cảng ở Hải Nam. Nhóm tàu này sẽ cùng phối hợp với hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn khác đó là tàu Lanzhou (Lan Châu), tàu Giangzhou (Quảng Châu) và Tuần Dương Hạm Yulin.
Ngoài sự hiện diện của sáu hòn đảo vừa biến cải trên đó có bố trí hỏa tiễn phòng không và phi cơ chiến đấu- sức mạnh hải quân của Trung Quốc tại Biển Đông là như vậy. Các quốc gia như Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Hoa Kỳ không lo sao được? Theo Reuters ngày 10/5/2016, Mỹ lại cho tàu chiến áp sát Đảo Đá Chữ Thập 12 hải lý trong chiến dịch tuần tra để bảo đảm tự do lưu thông trên biển. Thế nhưng Trung Quốc đã cho hai phi cơ chiến đấu và gửi ba tàu chiến tới để cảnh báo Khu Trục Hạm Lawrence phải rời khu vực tranh chấp khiến tình hình Biển Đông vô cùng căng thẳng. Giữa tình hình đó, Tổng Thống Obama sẽ tới Việt Nam vào ngày 22/5/2016 để kéo Việt Nam gần lại phía mình trong cuộc chiến “Tái Cân Bằng Lực Lượng” (Rebalance of Power) của Mỹ tại Đông Nam Á- một cuộc chiến gần như quyết định ai sẽ làm lảm chủ Á Châu. Cũng trong khi đó, St. Louis Post-Dispatch cho biết Việt Nam đã lặng lẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ với các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ trong đó có Boeing và Lockheed Martin, chắc chắn để mua sắm nếu lệnh cấm vận vũ khí được Ô. Obama tuyên bố gỡ bỏ. Chúng ta nên nhớ, mua và bán vũ khí là dấu hiệu tin cậy và thân thiết giữa hai quốc gia.
Trong bối cảnh Xuân Thu Chiến Quốc ngày hôm nay, Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng hợp tác với Việt Nam thì “Ông Con Trời” không thể tiếp tục “làm Trời” tức không thể bành trướng thêm ở Biển Đông được nữa.
Đào Văn Bình(California ngày 15/5/2016)
----------------------------------
(*) Do tình hình quá phức tạp ngày hôm nay, thế giới đã đẻ ra lối “chơi chữ” mới với các thuật ngữ chính trị như sau:
-Muốn tấn công tiêu diệt ai, hoặc nhóm nổi dậy, hoặc nhóm ly khai, đòi độc lập thì đưa ra chiêu bài “chống khủng bố”.
-Hợp tác quân sự, tập trận để cánh cáo, đe dọa, diễu võ dương oai thì nói rằng “chống khủng bố, chống cướp biển, chống biến đổi khí hậu, cứu cấp, huấn luyện…”
-Đóng quân lâu dài tại nước người ta thì nói là “luân phiên”.
-Tập trận có chủ ý thì lại nói rằng đó chỉ là “thường lệ”
-Viện trợ vũ khí thì nói là “cho thuê”
-Cùng đồng minh tham chiến lại nói là “phòng thủ tập thể”.
-Viện trợ xe chuyển quân (thiết vận xa), máy bay tuần thám …thì nói là “vũ khí không sát thương”.
-Đem đặc nhiệm, biệt kích vào đất nước bạn, sát cánh với đồng minh trên chiến trường để thu thập tin tức tình báo, chỉ điểm cho pháo binh và phi cơ oanh kích lại nói rằng “làm nhiệm vụ không tác chiến” với mục đích thoa dịu dư luận trong nước rằng…tôi không can dự vào cuộc chiến đâu nhé.
Các nước Mỹ-Nga-Tàu kể cả NATO đều sử dụng các thuật ngữ mới này. Ngày xưa Tàu muốn xâm chiếm Việt Nam lại nói là “mượn đường” đi đánh Chiêm Thành.