Trước hết, tôi xin được bày tỏ quan điểm của tôi về hình ảnh người tu sĩ Phật giáo. Nói về vẻ đẹp của Tăng đoàn, bút mực làm sao đủ sức để ca ngợi vẻ đẹp của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức với sự bình yên trong tâm hồn. Họ đã sống đúng với con đường Trung đạo, từ bi và trí tuệ, ôn hòa và bình đẳng, vẻ đẹp của sự giản dị và giải thoát, một cuộc đời sống thiểu dục tri túc, tâm không đắm nhiễm bởi những cặn bã, rác rưởi của lợi danh và hận thù. Họ sẽ chính là những sứ giả của Như Lai, sứ giả hoằng Pháp, xiển dương Chánh Pháp ngàn đời.
Đạo Phật ra đời từ nhu cầu của nhân loại, tồn tại và phát triển trong lòng của nhân loại nhưng đạo Phật cũng không thể tự dưng mà đến với mỗi dân tộc nếu không có những vị hết mình vì sự nghiệp hoằng dương Chánh Pháp. Đạo Phật là một kho tàng triết lý sống vĩ đại của nhân loại hay là lý thuyết dễ bị lợi dụng, một phần trách nhiệm cũng là người hoằng pháp. Do đó, vẻ đẹp của các vị trong hàng ngũ Tăng già, các vị sứ giả của Như Lai cũng là một bài pháp sống động để cho hàng Phật tử phải noi theo trước khi vị ấy đăng tòa thuyết Pháp.
Trên đây là đôi lời tâm sự của tôi khi nói về hình ảnh của người xuất gia. Một hình ảnh đẹp vô cùng, bút mực thế gian xin được gác lại, dùng tâm bút mà họa bày. Thế nhưng, điều đáng buồn rồi cũng đã xảy ra, và đó cũng là một “trường ca buồn” muôn thuở dù ở bất cứ thời đại nào cũng âm ỉ tồn tại. Khi ngoại đạo xúc phạm hình ảnh người tu sĩ thì không nói, còn ở đây, một vị tu sĩ Phật giáo lại có thể có những văn từ bôi nhọ hình ảnh người xuất gia thì đây mới là vấn đề để luận bàn.
Thời gian vừa qua, tôi vô tình biết được một bài viết “Câu chuyện những chú tiểu ngộ nghĩnh” trên blog của một người bạn. Tôi thật sự bàng hoàng trước ngòi bút của một vị tu sĩ lại có thể xây dựng hình ảnh người tu thật không còn một oai nghi để hàng Phật tử kính trọng. Trong câu chuyện ấy, hai vị Tăng sĩ, một vị Sư cô, một vị Phật tử mà kiến thức Phật học và oai nghi tế hạnh còn thua cả một cô tiểu thư con nhà giàu với giọng điệu thích lý luận. Bài viết ấy khá dài (chắc rất nhiều tâm huyết), tôi xin gửi kèm đường link bên dưới để quý vị đọc qua.
Chúng ta nghĩ sao khi trong mẩu truyện ấy có những đoạn đối thoại như thế này:
Bấy giờ chú Không Trụ đi trước, Bảo Châu đi sau, vừa đi chú Không Trụ xoay lại liếc nhìn Bảo Châu và thầm nghĩ rằng: “Trời ơi! ở trên đời này sao có người đẹp như thế nhỉ, giống như một nàng tiên hạ phàm.” Dòng tư tưởng đang loay hoay mơ mộng, Bảo Châu bảo:
- Mô Phật! Chú đang liếc nhìn gì thế giữ chánh niệm chú ơi, nhìn thẳng phía trước đi kẻo bị té bây giờ. Lúc nãy chú dạy con: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là “vô trụ”. Bây giờ Chú trụ rồi quên mau quá, Chú “trụ” như thế này hoài không bao giờ đi đến chùa đâu ngen.
- Mô Phật! Đâu có, bần Tăng xoay lại nhìn thí chủ đi cách bao xa, sợ lạc đường thôi, chứ bần Tăng đã là “vô trụ” rồi. Nghi oan cho Thị Màu không à!
- Oh, thì ra là vậy! Con xin sám hối
Bấy giờ chú Không Trụ nghĩ rằng: Oh! Mình hên thật, cũng may là mình nhanh trí, không thì chết là cái chắc, mình bị con bé này sỏ mũi chọc quê rồi, hú hồn thật. Kakaka
……………………………..
- Vậy Chú nhìn nữ sắc có trụ hay không trụ
- Hiện tại thì còn trụ, tương lai sẽ vô trụ. Nếu vô trụ thì bần Tăng đâu cần xuất gia làm gì chứ, thành A-La-Hán rồi, thí chủ à!
- Oh! Vậy sao lúc nãy, Chú bảo là con nói oan cho Thị Màu chứ
- hihihi Bần Tăng biết lỗi rồi ạ
- Kakka vậy Chú cẩn thận coi chừng“Ngã” lúc nào không hay
- Cảm ơn thí chủ đã nhắc nhở à!
Hay có đoạn, tiểu thư Bảo Châu hỏi Pháp với Sư cô Hoa Tâm: “Sư cô Hoa Tâm nghe Bảo châu hỏi như thế, trong tâm mừng thầm, ôi! Câu này trúng tủ mình rồi hên thật, không thì quê chết, Bần Ni Hoa Tâm nhanh nhảu trả lời liền:….”
Kính thưa quý vị!
Đây là hàng ngũ xuất gia được tác giả xây dựng nên đây sao? Có còn xứng đáng là những vị xiển dương Chánh Pháp hay không? Khi oai nghi của một người tu từ cách nói năng, đi đứng, nằm ngồi còn không có thì làm sao mà bàn đến chuyện hoằng Pháp vì tài nói Pháp của họ còn thua cả một tiểu thư nhà giàu thích hỏi ngang, không cung kính thưa gửi chư Tăng Ni khi vấn Pháp tu học. Tôi thật sự rất buồn, buồn cho những kẻ mang danh Thích tử mà lại xây dựng nhân vật những vị xuất gia như vậy. Thời gian gần đây, đã có nhiều tờ báo lá cải xuyên tạc Phật giáo, bôi nhọ hình ảnh người Tăng sĩ bằng những câu văn rẻ tiền, văn phong hài hước để thu hút người đọc, cộng đồng người Phật tử đã quyết tâm phản đối những kẻ tiêu cực, làn sóng ấy vẫn còn chưa dứt. Vậy mà hôm nay, một tác phẩm truyện Phật giáo được viết bởi một vị họ Thích (Thích Trí Giải hay Thích Đức Hải) cũng nằm trong làn sóng gây khó chịu trong lòng người độc giả Phật tử. Thật quá đáng buồn cho những ngòi bút như vậy!
Mẩu truyện được viết theo phong cách hài hước, ngôn ngữ Anh – Hán – Việt pha trộn lung tung, dùng lối chơi chữ gây cười người đọc theo kiểu bôi nhọ, không còn gọi là những mỹ từ hay đạo từ đi vào lòng độc giả.
- Ui, “Hán” Chú cũng rộng quá hen, chơi chữ Hán nữa ớn ăn thiệt.
- Ôi! người xuất gia, phải thông chữ Hán để học Kinh, Luật, Luận chứ.
Một người Phật tử bình thường khi thưa thỉnh quý Thầy Cô còn biết chắp tay cung kính, không bao giờ nói theo kiểu ngang hàng, chơi chữ một cách dễ nhận ra như vậy. Với câu đối đáp trên, theo văn nói thì người tiếp nhận làm sao hiểu được chữ Hán (ý nói Hán văn) được đặt trong ngoặc kép?
- Vâng! Bần tăng gặp vài thí chủ như thế này chắc cũng die soon quá.
- Cái gì mà die soon?
- Chú tu ở trên núi cũng biết tiếng Anh sao?
- Mới nghe ông Tây nói, nói lại thôi, học lỏm mà
- Oh! Thì ra là thế à
…………………………….
- Thôi chúng ta lên đường thôi Bảo Châu à! Kẻo trễ giờ thuyết Pháp
- Mô Phật! Đến đây con với Chú cũng hết duyên rồi. Oke chia tay, đường ai nấy đi. Bây giờ con phải trở về kẻo mẹ chờ ạ!
- Không Trụ: Mèn ơi! Lúc nãy không phải thí chủ bảo lên chùa nghe giảng Pháp sao? Sao giờ đòi về rồi?
- Không phải nãy giờ con học Pháp rồi sao? Giờ con không muốn đi chung với Chú nữa? Bye bye!!! No see you again!
- Ũa! Sao tự nhiên nói lời từ biệt một cach tuyệt nhiên vậy?
- Không phải tự nhiên đâu Chú ạ! Chú về chùa để tay lên trán suy nghĩ vì sao con chia tay với Chú, không đi theo Chú nữa, Chú sẽ hiểu thôi. Giờ con không một lời giải thích đâu ạ.
Chúng ta nghĩ sao về đoạn đối thoại trên? Có còn gọi là đạo vị chia sẻ Phật Pháp nữa không? Với những câu văn như thế này thì có khác nào mở lối dẫn đường cho những tờ báo lá cải ngoài kia tha hồ “văng bút” đưa hình ảnh người tu lên làm hài kịch cho thiên hạ cười thư giãn. Nhân vật người tu sĩ trong này chẳng khác nào là một nhân vật hề, không còn nhận được sự tôn kính của Phật tử, ý văn chê bai, nhạo báng, tiếng cười phát ra trong sự bất kính. Chúng ta chê báo lá cải xuyên tạc Phật giáo nhưng có ai ngờ rằng chính người “trong nhà” cũng viết như vậy thì biết nói gì đây? Ý kiến này xin dành lại cho quý độc giả suy ngẫm.
Vấn đề chưa dừng lại ở đây khi tác giả bàn về vấn đề “Phương danh Phật tử cúng dường” như sau:
“Thế mà các Thầy, Chú cứ đem tên tuổi mẹ con ra phương danh trước mọi người. Phương danh Phật tử Vân Nhi cúng dường 200 USD. Bảo Châu 300 USD. Giống như mục đích kêu gọi để mọi người bắt chước bố thí cúng dường theo, chẳng phải tán thán công đức gì cả”.
Tác giả đang viết để phương danh quý vị Phật tử ủng hộ Tam Bảo hay đạp đổ họ xuống đây? Với ý trên chẳng khác nào xúc phạm đến các Tự viện, Tịnh thất, Tịnh xá đang phương danh những vị đã và đang là Phật tử mạnh thường quân ngày đêm không mệt mỏi trong việc trợ duyên chư Tăng Ni trên con đường Phật sự hoằng Pháp. Tôi không nghĩ rằng tác giả lại có một ý kiến ấu trĩ đến như vậy. Một sực xúc phạm rất lớn, thật không còn gì để luận bàn!
Bên cạnh đó, tác giả cũng có bàn thêm về vấn đề ăn chay và ăn mặn. Kính mời quý độc giả xem lại đoạn đối thoại sau đây:
- Con muốn biết quý Chú, quý Sư cô đi xuất gia ăn chay hay ăn mặn?
- Không Trụ: Theo Đại thừa thì ăn chay, theo tiểu thừa thì ăn mặn
- Cái này con biết. Tại sao phải ăn chay?
- Ah! Ăn chay để thể hiện tinh thần từ bi, bình đẳng, tôn trọng sự sống của chúng sinh. Theo như lời Phật dạy: Trong mỗi chúng sinh đều có Phật tính trong tâm. Nếu chúng ta ăn thịt chúng sinh, khác nào chúng ta ăn thịt Phật.
- Gì ghê quá vậy Chú!
- Vâng, đúng thế à!
- Phong Vân: Góp ý theo, đúng thế! Theo quan điểm của Đại thừa, thì tất cả chúng sinh đắp đổi nhau làm thân bằng quyến thuộc (làm cha, mẹ, con, cái, anh, chị em) với nhau nhiều đời nhiều kiếp. Vì thế nếu chúng ta ăn thịt thì khác nào ăn thịt cha mẹ, anh, em nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta chứ hả?
- Bảo Châu: Ui, Chú bảo thế, con không đồng tình đâu ạ!
- Phong Vân: Vì sao không đồng tình?
- Bảo Châu: Chú nói vậy những người Phật tử tu bên Đại thừa họ theo truyền thống ăn chay, rất tốt. Nhưng Chú bảo ăn thịt tức là ăn thịt của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Nói theo quan điểm của Chú. Như vậy con hỏi Chú vấn đề quan hệ vợ chồng có bị loạn luân không à? Chú trả lời đi?
- Chắc là không đâu ạ!
- Sao lại không? Theo như Chú nói kiếp trước họ có thể là cha, mẹ, con cái, anh, chị, em với nhau. Kiếp này quan hệ việc vợ chồng cũng phạm loạn luân như vấn đề ăn thịt mà Chú đã nói vậy, có khác chi đâu chứ hả?
- Oh! Vấn đề này bần Tăng chịu thua thí chủ rồi. Thí chủ cao tay ấn quá!
…………………………
- Bảo Châu: Kakaka nếu tất cả tu sĩ, Phật tử ăn chay hết thì con nghĩ thế gian này chắc chắn đầy dẫy những con thú vật như (con bò, con trâu, con heo, con gà….). Ý tứ lót dưới câu từ, kính mong quý vị nhận ra nhân vật này đang nói điều gì?
Sự phân biệt rất lớn của chay – mặn, Đại thừa – Tiểu thừa đang bắt đầu được nhen nhóm. Trong khi khái niệm Nam tông, Bắc tông, Đại thừa và Tiểu thừa chỉ mang tính tương đối. Phật giáo là Phật giáo với chất liệu giải thoát, không có ranh giới của lớn-nhỏ, bắc-nam. Tất cả những ý niệm này đã được xóa bỏ sao lại còn nhắc trong sự phân biệt như vậy? Cái bất ngờ và độc đáo mà không ai có thể nghĩ ra là từ việc chay – mặn, tác giả đã “đi thẳng một hơi” đến vấn đề loạn luân trong quan hệ vợ chồng. Câu hỏi thắc mắc của tiểu thư Bảo Châu đã khiến cho các vị xuất gia và tại gia trong tác phẩm trên cũng phải bí đường trả lời. Ý văn tác giả thật quá cao siêu, xây dựng một nhân vật tiểu thư cao tay ấn đến hàng xuất gia với kiến thức Phật học, công phu tu hành bao lâu nay cũng phải bó tay, nữ thí chủ ấy trí tuệ “cao siêu”, không vị nào giải thích được để rồi cuối bài vị nữ thí chủ này chốt lại một câu khi nói với Tăng sĩ Không Trụ rằng: “Giờ con không muốn đi chung với Chú nữa? Bye bye!!! No see you again!”. Thật đáng buồn cho hàng xuất gia được tác giả xây dựng như vầy đây sao?
Với vấn đề, tu ở cốc hay ở chùa, tác giả cũng có lồng ý kiến của mình vào nhân vật như sau:
- Bảo Châu: Con thấy dùng “cốc” làm phật sự, hoằng Pháp cũng tốt mà Chú.
- Phong Vân: Vâng tốt! Nhưng “cốc” chỉ ở một mình điều kiện không gian thuận tiện dễ phá trai phạm giới khó quản lý. Có phạm trai phá giới cũng không ai biết. Còn ở tu viện hay chùa, Tăng chúng đông muốn phá trai phạm giới bị phát hiện trục xuất khỏi Tăng đoàn. Ai cũng lập cốc ở riêng khác nào Tăng ly chúng Tăng tàn, hổ ly sơn hổ thất bại. Thí chủ xem từ xưa giờ có vị nào tu cốc trở thành danh Tăng đâu? Có vị nào ở cốc nuôi chúng điệu để hoằng dương Phật pháp đâu? Ở cốc chủ yếu cho sướng bản thân ít lo Phật sự. Những vị tu cốc muốn an nhàn tự thân, không cần phải hoạt động Phật sự nhiều. Từ xưa đến giờ chưa có một bậc danh Tăng nào xuất thân từ cốc chủ cả. Đây là một sự thật, mình không phải nói xấu những vị cốc chủ. Thời Phật tỳ kheo sống độc cư đi vào rừng tu hành sống ẩn dật trong hang núi…xa lìa thế sự đó là chuyện khác.
Kính thưa quý vị!
Nếu còn sự phân biệt Tự viện và Tịnh thất như vậy thì muôn đời sẽ không còn bao giờ tồn tại hình ảnh Tăng đoàn đi như một dòng sông. Vì còn sự phân biệt thì Tịnh thất không bao giờ được công nhận. Khi đã mang chiếc áo này thì cần nhận thức mình là ai? Một sự xúc phạm, nhạo báng thật không thể nghĩ ra được của một người xuất gia với một người xuất gia như vậy.
Chẳng lẽ các ngôi Tịnh thất hiện nay cũng đều được xây dựng bởi những vị mang tư tưởng “phá trai phạm giới” hay sao? Tôi không hoàn toàn tán thán, ca ngợi theo tư ý các vị ở Thất nhưng tôi không thể chấp nhận một sự phỉ báng này của tác giả. Một ngôi Tịnh thất biết xây đựng đạo tràng tu học mang tính lục hòa cộng trụ vẫn còn hơn một ngôi chùa chia năm xẻ bảy đại chúng, phá vỡ sự hòa hợp, như thế có được gọi là già lam nữa không? Kính mong tác giả xem lại văn phong, câu từ của chính mình khi phát ngôn và gọi đó là một tác phẩm truyện ngắn Phật giáo.
Một tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính nhân văn không bao giờ có tư tưởng chỉ trích, phân biệt, nhạo báng, xúc phạm như vậy. Không còn đọng lại chút hồn gì trong văn chương, tính nhân văn xây dựng tinh thần đoàn kết hòa hợp không có thì có được gọi là một tác phẩm văn học nghệ thuật nữa không? Hay chỉ là tấm thảm lót đường cho ngoại đạo xuyên tạc, bôi bác đạo Phật. Ngàn lần kính mong tác giả xem lại ngòi bút của mình đang viết những gì? Biển Phật Pháp không bao giờ dung chứa những tử thi và truyện ngắn “Câu chuyện những chú tiểu ngộ nghĩnh” cũng không bao giờ là một tác phẩm nghệ thuật xây dựng Đạo Pháp được.
Học Phật là biết nhận rõ vai trò của đạo Phật đối với nhân loại, văn hóa Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hóa dân tộc Việt Nam, ý thức được điều này thì mới có thể tiếp nối dòng sinh mệnh của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Học Phật không phải là đem cái biết bác học ấy ra khoe khoang, làm mờ mắt thiên hạ mà không lãnh ngộ được chút sinh khí nào của đạo Phật. Đạo Phật không bao giờ sống trong lòng dân tộc bởi những tác phẩm nhạo báng, đưa người tu lên làm hề như thế này. Tác giả còn chưa cảm nhận được sinh khí của đạo Phật thì làm sao độc giả cảm nhận được. Các nhân vật hàng xuất gia trong tác phẩm ấy đều đã “chết hết”, chỉ còn sống sót lại nhân vật nữ thí chủ Bảo Châu với sự đắc ngộ “Bất lập văn tự”, “Niết Bàn diệu tâm” và sự ngờ nghệch của người mẹ tiểu thư khi không hiểu con gái bà đang nói gì? Thật kệch cỡm khi tác giả gọi đó là truyện ngắn Phật giáo rồi mọi người tung hô vì ngôn ngữ cũng “teen hóa” dễ hóa duyên cho giới trẻ. Buồn thay!
Học Phật muốn đạt được kết quả cần phải biết mình là cái gì? Phải thành khẩn, không mang tư ý để khích bác, bôi nhọ Đạo Pháp như vậy. Đạo Phật sống trong lòng nhân loại đã hơn 25 thế kỷ, hình ảnh người tu sĩ Phật giáo đã đi vào lòng nhân loại trong màu áo của sự giải thoát, của thiểu dục tri túc chứ không phải bằng hình ảnh của một tiểu thư nhà giàu thích học nhưng cũng thích chất vấn, lý luận, đàm Đạo theo lối ngang hàng như hình ảnh nhân vật nữ thí chủ Bảo Châu mà tác giả xây dựng.
Nói tóm lại, một tác phẩm đi vào lòng độc giả khi chính nó không bao giờ tạo hướng hai chiều tích cực và tiêu cực trong sự cảm nhận. Vì đã gọi là nghệ thuật, là nhân văn thì không có mặt của sự tiêu cực. Xin đừng bao giờ đưa hình ảnh người tu sĩ Phật giáo lên làm trò hề như vậy trong mớ ngôn ngữ không còn chất thiền vị và rẻ tiền. Nhân loại đã quá khổ đau. Xin đừng bao giờ làm cho nhân loại phải đau khổ thêm khi họ mất niềm tin với hàng ngũ Tăng già bởi một tác phẩm không còn tính nhân văn và nghệ thuật như thế này! Một tác phẩm nghệ thuật văn chương của Phật giáo phải là một bài pháp hùng hồn nêu bật lên các nguyên lý Phật học, có vị từ bi và trí tuệ khiến người đọc chuyển mê khai ngộ, lìa khổ được vui, tôn kính Tăng già. Nếu một tác phẩm không được như trên thì tự bản thân nó sẽ là những tử thi loại khỏi biển Phật Pháp, không thể gọi là một tác phẩm văn học nghệ thuật Phật giáo được khi chính nó không có chứa đựng Phật chất với từ bi, trí tuệ và những truyền thống tốt đẹp của lịch sử Phật giáo.
Nguyễn Trần Hải Đăng
Đường link bài “Câu chuyện những chú tiểu ngộ nghĩnh”: http://trigiai.blogspot.com/2011/08/cau-chuyen-nhung-chu-tieu-ngo-nghinh.html