Nằm trên đoạn đường ngắn mà Backlick Rd trước kia, bị cắt làm ba đoạn, chùa Hoa Nghiêm khiêm tốn nằm cạnh hội Thánh Tin Lành, nhà thờ Kito giáo và đối diện chùa Bangladesh. Đoạn đường hơn 500m bị giới hạn bởi hai đầu giao lộ, đã có bốn cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đứng cạnh nhau thật hòa bình và thanh thản.
Virginia là một bang nằm không xa Hoa Thịnh Đốn, phía Tây giáp Virginia Maryland - Bắc giáp Đặc khu Columbia ( Washington D.C). Phia Đông giáp vịnh Chesapeake và Đại Tây Dương; phía Nam tiếp Kentucky và Tây Virgina. Diện tích : 110.862km², dân số xấp xỉ 8 triệu, mật độ trung bình 69,03/người /km². Một bang được xem là mẹ đẻ của 8 đời Tổng Thống Hoa Kỳ. Đặc biệt gần đây chưa hề nhận những trận bão như các bang khác, có lúc bão đến giáp biên bang rồi lại đổi hướng. Virginia được xem là nơi có nhiều thành phần trí thức như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư…người Việt lưu trú.
Người Việt đi đâu cũng nhớ đến tổ tiên và tín ngưỡng, vì thế, thời gian đầu lập nghiệp tại Mỹ, rất nhiều người Phật tử đã nghĩ đến việc lập chùa. Tại Virginia, một nhóm các vị lớn tuổi đã vận động thành lập ngôi Hoa Nghiêm, sau thời gian dài đáp ứng nhiều thủ tục nhiêu khê của luật pháp Hoa Kỳ.
Khởi kỳ thủy, các Phật tử luân phiên tu tập tại các tư gia, sau đó mua một ngôi nhà, mời một tu sĩ về ở, hỗ trợ cho thầy sinh hoạt, phát triển, nhưng không đủ duyên, các vị lại ra đi. Năm 1986, ba vị: Trần Phan Nhơn, Trần Phương Liên và Tôn Thất Lương mua ngôi nhà mới đường Backlick, Fort Belvoir là tiền thân của ngôi chùa Hoa Nghiêm, cơ sở Hội Phật Giáo Mỹ Châu ngày nay. Phật tử đến sinh hoạt ngày càng đông, vì thế Hội đã mua thêm ba ngôi nhà kế cận được diện tích 1 mẫu 35 rộng thoáng, có chỗ đậu xe theo quy định của nhà nước.
Năm 2004, hội đệ đơn xin xây dựng ngôi chùa chính thức, mãi đến năm 2009 mới được chấp thuận. Kiểu dáng hài hòa giữa Đông và Tây. Phí tổn hoàn thành ngôi chùa, trang trí nội thất, phân bố nơi thờ Phật, ký linh và thỉnh tượng…đã lên 1.700.000 USD. Với số tiên ngoài dự tính, vì thế, các ông: Nguyễn Chánh Nông, Phạm Văn Trường, Nguyên Sung, Dương văn Lộc và bác sĩ Trần Đoàn thay mặt hội đứng ra vay nợ nhà bank Sandy Spring 430.000 đô la, Phật tử cho mượn không lời là 200.000 đô.
Đây là chùa hội, vì thế các Phật tử luân phiên đảm nhiệm các chức vụ như Ban quản trị, Ban chấp hành, hai năm một lần, để cai quản điều hành sinh hoạt, thanh toán công nợ, giải quyết pháp lý. Riêng cương vị Trụ trì, thầy có nhiệm vụ: Hướng dẫn đời sống tâm linh, cố vấn tâm linh và hạnh phúc gia đình, hoằng pháp, đặc trách nghi lễ tôn giáo, ma chay đám tiệc…
Chùa cũng có đơn vị Gia Đình Phật Tử, sinh hoạt mỗi chủ nhật, ngoài chuyên môn, các em còn học viết và nói tiếng Việt. Hiện nay, thầy Kiến Khai đương vị trụ trì gần 20 năm mà trước đó thầy Phụng Sơn và thầy Tâm Phước cũng đã lưu trú.
Chùa khánh thành ngày 2-3/4/2011 có sự tham dự của chính quyền bang, chư tôn túc các bang, các nghệ sĩ. Chương trình văn nghệ đậm tính văn hóa dân tộc. Một vài Phật tử từ các quốc gia khác cũng có mặt. Điều lạ , không những Phật tử đóng góp mà cả những người không phải Phật tử cũng chung tay góp mặt. Cô Thanh Trúc phóng viên và chị Hương Liên Công giáo là những người gây quỹ khá thành công cho chùa hội.
Từ khi khánh thành đến nay, chùa luôn có những lớp giảng hàng tuần do chư Tăng nơi khác đảm nhiệm, thỉnh thoảng có các khóa tu. Ngày 06/8/2011 cũng đã tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế Bạt Độ do Ban kinh sư chùa Trúc Lâm, Atlanta đảm trách. Lễ hội Vu Lan trên dưới 600 người tham dự khá thành công. Càng ngày chùa Hoa Nghiêm càng khởi sắc, số người ra đi cũng có mà số người đến với chùa cũng không thiếu.
Đặc biệt, chùa từng cung đón các danh Tăng thạc đức như Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Đ.Đ Thích Nhật Từ, tháng 10 sẽ nghinh tiếp đoàn T.S Thích Nhất Hạnh; Các thầy trẻ có năng lực, có kiến thức và có nhân cách như thầy Tâm Thiện, thầy Đạo Quảng cũng từng lai đáo Hoa Nghiêm để sinh hoạt cùng Phật tử.
Hiện nay, chùa có chiều ngang mà thiếu bề sâu, khó khăn cho việc đậu xe vào mỗi dịp lễ lớn. Nhất là ngôi chùa mang danh Hội Phật Giáo Mỹ châu vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, cần phải có một diện tích tương xứng để việc sinh hoạt thuận lợi hơn.
Chùa hội còn phải đối đầu khó khăn về nợ ngân hàng như thế, huống nữa cá nhân một vị thầy đứng ra lập chùa chắc không tránh khỏi lo toan mọi điều. Có những vị bôn ba lập chùa, cũng có vị thích nhập chúng để chuyên tu học và hoằng pháp, có vị không thích trụ trì mà duyên đưa đẩy vẫn phải đảm trách, có vị lại không những thủ đắc một ngôi mà còn vài ngôi khác nhau để rồi luôn quanh quẩn việc cơm áo gạo tiền hàng tháng, không còn tâm trí tu tập.
Thiết nghĩ, mỗi quận một ngôi chùa là đủ, không như ở Việt Nam tình trạng lạm phát đua nhau xây chùa, có những nơi trong Saigon, hai chùa đâu lưng nhau hoặc cách nhau không quá 50m.
Nhu cầu tín ngưỡng trong và ngoài nước giống nhau, ở hải ngoại chùa vẫn là cái gì thiêng liêng đối với những kẻ tha hương, chỉ nơi đó họ mới gửi gắm tấm lòng thương nhà nhớ quê. Có những người cách hàng chục cây số, đánh xe đến chùa vào mỗi cuối tuần như một thói quen, đến nơi, họ không vào dự lễ, không nghe thầy giảng mà cứ lòng vòng ngắm cảnh để thư giản tâm hồn sau một tuần vất vả, nhưng số như thế cũng không nhiều.
Ai cũng nhận mình Phật tử mà ít ai hiểu giáo lý nhà Phật. Vì thế, lập chùa đã khó mà khó nhất vẫn là giúp cho quần chúng hiểu được giáo lý Phật Đà để kiếp người còn lại có ý nghĩa hơn. Làm sao để những người đến chùa có cảm hứng thâm nhập giáo lý mà không chỉ là cảm tình viên.
Gây quỹ, tổ chức lễ lộc không khó, nhưng khó là biến ngôi chùa từ bao công sức và tâm huyết của quý vị đã được hình thành, nó đạt được mục đích hóa giải tâm linh cho những ai đến chùa (chưa nói chùa chủ động đem Đạo đến cho mọi người) hơn là chỉ sinh hoạt bề mặt nổi. Điều nầy đòi hỏi chùa phải có một chương trình chuyên tu và lớp giáo lý chuyên sâu hàng tuần để có cơ sở đi vào đời sống tâm linh hầu chuyển hóa những bức bách trong cuộc sống thường nhật.
Hầu hết trong cũng như ngoài nước, sinh hoạt của chùa mặt nổi nhiều hơn chiều sâu, vì thế, quần chúng đến với chùa chỉ để tụng niệm nghi lễ, ngoài ra ít ai nắm vững giáo lý và pháp hành để tự chuyển hóa chính mình. Lúc về chiều, ai cũng muốn “mái chùa che chở hồn cô lữ”. Trên đất khách, phần lớn các tướng tá, cán bộ viên chức lưu vong, hoặc có vị xuất gia, hoặc có người làm một tín đồ thuần khiết. Cũng có vị tự nhận mình là Phật tử mà chẳng bao giờ hoặc ít khi đến chùa, chỉ gặp Tam bảo lúc lâm chung tang chế.
Về phía các chùa, ai đến với chùa thì chùa tiếp, ngoài ra không chủ động tạo duyên để những tâm hồn có thiện cảm có dịp thâm nhập. Tính thụ động của chư Tăng từ lâu đã bỏ lỡ những cơ hội giúp cho nhiều người muốn đến với đạo. Ngay cả một thiếu tướng không quân từng là Thủ Tướng chế độ miền Nam trước 1975, tự nhận mình là Phật tử, khi nằm xuống, cộng đồng Tăng sĩ trong và ngoài nước không hề có một lời phân ưu; mặc dù quá khứ họ làm gì, như thế nào, mình nên trân trọng một hương linh con Phật, một lời phân ưu đủ an ủi kẻ quá cố cũng như người còn sống, về tâm linh cũng như tâm lý đều lưỡng lợi.
Như vậy, làm chùa không chỉ là nơi để quần chúng đến mà còn là cơ sở vận dụng mọi thời cơ để đến với quần chúng. Sự hy sinh của quý cư sĩ can đảm đứng ra vay nợ mà không vì quyền lợi cho riêng cá nhân nào, đó là tấm lòng cao cả khi tạo dựng một ngôi chùa, chẳng những thế, về lâu về dài, Ban quản trị tiếp tục đối đầu rất nhiều khó khăn về chi phí hàng tháng cũng như công nợ trường kỳ. Hội còn phải tổ chức các khóa tu, khóa giảng và lễ lộc hàng năm. Một chùa hội như thế có lợi cho vị trụ trì hoặc Tăng chúng lưu trú chỉ chuyên lo tu tập, mọi việc khác Ban quản trị phải lo. Nhưng mặt khác, hội tinh tế để chư Tăng không bị mặc cảm là ông từ giữ chùa. Đây không phải lần đầu chùa hội xuất hiện, tại Mỹ cũng có vài nơi, ở Việt Nam xa xưa cũng từng xuất hiện chùa hội, chùa làng.
Chùa hội và chùa tư có cung cách khác nhau, nhưng cái chung vẫn là điểm để Phật tử gửi tâm hồn nương cỏi Phật; Hy vọng Hoa Nghiêm sẽ tích cực trong việc hoằng truyền giáo pháp đến rộng rãi cộng đồng Kiều bào, có như thế , không những uy tín càng tăng, mà hiệu quả của một ngôi chùa hiện hữu mới tương xứng với những tấm lòng khai sơn của quý Phật tử.
MINH MẪN
24/8/2011