Hoằng pháp và hộ pháp đi đôi với nhau. Hoằng pháp chính là hộ pháp và ngược lại, việc bảo vệ Phật pháp cũng chính là tạo điều kiện, môi trường để Phật pháp phát triển. Đây chính là con đường chúng ta phải đi để đền ơn công đức vô lượng, vô biên của Chư Phật đối với chúng ta.
Theo quan điểm của Thượng tọa: Muốn hoằng pháp có hiệu quả phải kể đến một chuỗi yếu tố: Học – hành – hoằng – hộ. Mà “Hộ” là đỉnh cao của hoạt động phật sự (ý thức cao cấp của một người làm việc phật sự). Và người nào hiểu, ý thức được vấn đề hộ pháp thì được gọi là người trọn vẹn về công đức phật sự.
Nói bảo vệ đạo pháp tức là chúng ta bảo vệ ba điều:
- Một là cái vô hình - là niềm tin, sự hiểu biết về đạo Pháp trong lòng của mọi người. Thường, người chống đạo là họ làm cho ta mất niềm tin, không còn tin hiểu Phật pháp nữa. Cho nên chúng ta phải bảo vệ cái vô hình đó.
- Thứ hai là ta bảo vệ tổ chức và cơ sở vật chất của đạo. Tổ chức gồm có: Giáo hội Tăng đoàn; cơ sở vật chất gồm có: Chùa, kinh điển, kinh sách, v.v… Điều họ muốn là ta mất luôn Giáo hội, chùa chiền bị đập phá, tượng Phật bị phá bỏ, cho nên cái thứ hai này ta phải bảo vệ.
- Điều thứ ba là bảo vệ để đạo Phật được phát triển, được tồn tại muôn đời đó là bảo vệ sự tu hành của đại chúng.
Nên biết, sự chống phá đạo Phật xuất hiện từ hai nguồn: Một là động cơ cá nhân; hai là có tổ chức. Động cơ cá nhân là người này bỗng nhiên có cái tự ái, phiền não, ganh tị, tham vọng cá nhân, tự quậy, làm cho đạo Phật bị tai tiếng xấu.
Thượng tọa dùng nhiều ví dụ để chứng minh cho cái động cơ cá nhân nhưng góp phần phá đạo này. Và khẳng định: Cái phá đạo đáng sợ nhất là có tổ chức, tức sự phá hoại Phật giáo rất bài bản và có sự chỉ huy của những thế lực ở phía sau.
Nói rằng các thế lực đều dựa vào một tôn giáo nào đó và có một số thế lực chính trị xuất thân từ tôn giáo đó đi ra. Cho nên rời bỏ tôn giáo ra mà làm chính trị là không được, vì vậy các nhà chính trị đều dính tới tôn giáo. Mà tôn giáo nhiều quá, do đó người của thế lực chính trị tôn giáo này thì tìm cách diệt các tôn giáo kia.
Trong các thế lực chính trị liên quan tới tôn giáo đó, đạo Phật không có liên quan tới thế lực chính trị, nên đạo Phật là mồi béo bở để cho các đạo khác tiêu diệt.
Những quốc gia đạo Phật truyền thống từ xưa như: Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều là đối tượng cho các đạo khác thôn tín - thay bằng đạo của họ - và một số nơi đã thay rất tốt, ví dụ Hàn Quốc, hiện tại có 80% dân số theo đạo Tin lành. Còn Phật giáo của Hàn Quốc là núp về rừng về núi ẩn tu, không truyền bá được nữa. Nguyên nhân được tìm thấy là do Tăng sĩ Phật giáo không có ý thức về việc truyền đạo, trong khi ngoại đạo đã và đang có ý đồ cải đạo chúng ta.
Tương tự, nhìn ngược lại lịch sử, sở dĩ Pháp xâm chiếm Việt Nam thành công là do một phần lỗi đạo mình không truyền bá kịp thời. Cũng vậy, vào thế kỷ thứ VIII đến thứ XXIII, có nhiều cuộc chống phá tấn công giết hại Phật giáo khắp Ấn độ và Trung Á, chỉ vì Chư tăng từ bi bất bạo động mà cho đến giờ này Phật giáo cũng không hồi sinh được, thậm chí các di tích Phật giáo cũng bị bọn chúng bắn súng triệt hạ luôn. Bây giờ, nếu chúng ta tiếp tục đi theo vết xe đổ đó thì ta sẽ không bảo vệ được Phật pháp, cũng như không bảo vệ được đất nước mình.
Chúng ta có nghĩ, trước những chiến dịch cải đạo ồ ạt của ngoại đạo như hiện nay, Phật giáo Việt Nam rồi sẽ như thế nào trong 20 - 40 năm nữa, khi chúng có sự tổ chức bài bản với những kỹ thuật tinh vi, hiểm độc, thành thạo giết người, nguồn tài chính hỗ trợ dồi dào, và có một lực lượng tự nguyện lăn xả vào hoạt động cải đạo một cách cuồng tín. Sợ nhất là chúng kết hợp vừa động cơ cá nhân và vừa có tổ chức là đạo Phật có nguy cơ bị xóa sổ. Để hiểu điều này, Thượng tọa dẫn ra nhiều ví dụ chứng minh về những thủ đoạn tinh vi tàn bạo của giặc làm cho đạo Phật tê liệt để mọi người nhận biết mà cảnh giác.
Từ xưa lẫn nay, chúng ta thấy ý đồ của những thế lực chống đạo Phật cực kỳ tàn bạo và được xem như một công thức, tức là đầu tiên chúng nói xấu đạo Phật, sau đó đập hết chùa chiền, đốt kinh sách, giải tán tăng đoàn, giết hại tăng sĩ. Cho nên, khi ta nghe ai nói xấu đạo Phật, nói xấu Chư tăng thì phải hiểu họ là người lót đường để có một thế lực sát thủ phía sau tới giết tăng sĩ, đập chùa chiền, chứ đừng tưởng họ mở miệng nói xấu, mình cãi lại là xong.
Nhân đây, Thượng tọa lệt kê một loạt những thủ đoạn chống phá Phật giáo rất quen thuộc, thường là:
- Chúng lập ra những giáo phái na ná đạo Phật để lôi kéo tín đồ Phật giáo và có đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp để chuyên rủ rê, thêu dệt, quảng cáo cho vị giáo chủ đó.
- Chùa nào đông người là chúng cài người xâm nhập chiếm cảm tình rồi rỉ tai nói bậy cho huynh đệ ghét nhau, thầy trò phản nhau và cay độc nhất là chúng rỉ tai tuyên truyền ngầm để mọi người mất hết niềm tin với đạo. Do đó, khi thấy ai tác động ta, ta phải hết sức cảnh giác. Ngoài ra, thấy ai là người bị lay động thì ta phải nhanh chóng cứu người đó liền, để họ được vững đạo tâm trở lại.
- Chúng bôi nhọ hình ảnh các vị cao Tăng, các vị Thánh và cả Phật. Và người càng có uy tín, có tài, có vị trí, có tiếng tăm chừng nào, càng là đối tượng để họ chống phá chừng nấy.
- Một thủ đoạn chống phá nữa là gây ly gián, họ kích một cái là chùa này chống chùa kia, thầy này chống thầy kia. Đó là cái vô tình ta làm công không cho giặc. Tất cả mọi cơ hội họ đều tranh thủ lợi dụng để đánh vô Phật, đánh vô Pháp, đánh vô Tăng, nếu không tỉnh táo mình lọt bẫy liền. Và ta càng ganh tị thì càng cô độc, còn nếu mình ủng hộ các chùa thì sau này mình có phước, chùa mình sẽ đông phật tử, mình làm gì cũng có người ủng hộ. Cho nên khi nghe ai nói xấu ta phải nói vô để chặn đứng cái ly gián liền, như vậy mà có phước, sau này mình thành công trong phật sự của mình.
- Chúng cài người sâu vào giáo hội Phật giáo để làm tê liệt mọi hoạt động phát triển Phật giáo.
- Chúng mua chuộc những phần tử hủ hoá trong chính quyền để gây khó khăn cho Phật giáo, cho tu sĩ và cho các hoạt động phật sự.
Do vậy, để tránh sự hao tổn cho đạo Phật, chúng ta phải biết tự bảo vệ bản thân mình bằng cách cảnh giác không tin ai và ráng tinh tấn tu hành, nhiếp tâm trong thiền định cho bằng được để làm chủ tâm hồn mình, chứ đừng chỉ tu nơi cái miệng (tụng kinh giỏi; thuyết pháp hay). Ngoài ra, chúng ta còn phải ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin bôi nhọ, chia rẽ. Phải bảo vệ lẫn nhau trên cả bầu trời Phật giáo này, không cho ai tách ra để bảo vệ sự hoà hợp đoàn kết trong đạo Phật. Nên nhớ “Đạo” là vô giá mà biết bao nhiêu thành phần đang từng ngày từng giờ muốn phá vỡ. Cho nên, ta phải giữ chặt lòng mình, đừng bao giờ để bất cứ điều gì khiến ta phản bội đạo pháp, phản bội thầy tổ và phản bội dân tộc.
Sau đây là những phương sách bảo vệ đạo pháp sao cho có hiệu quả được Thượng tọa gợi mở:
- Thứ nhất là tinh tấn tu hành. Bổn phận chúng ta là tu, đừng rời bổn phận này. Tu tới khi nào tâm thoát được danh lợi, sắc dục.
- Thứ hai, phải phát nguyện tuyệt đối trung thành với đạo, với thầy tổ và với tổ quốc, không bao giờ phản bội.
- Thứ ba là cầu nguyện Chư thiên Hộ pháp bảo vệ đạo Pháp, diệt trừ những âm mưu phá đạo quanh mình.
- Thứ tư, mặc dù ai mình cũng thương nhưng ta phải cảnh giác với tất cả những ai có biểu hiện bất thường, ví dụ người đẹp, người giàu có, người tài giỏi… tự dưng tìm tới mình họ đẩy đưa bóng gió; người ngọt ngào, hay hứa hẹn, có ý chiếm cảm tình riêng; người hay kích động, tức họ nói những câu khiến mình giận hờn, tự ái, hơn thua, đố kỵ với người khác, thậm chí làm cho mình tự nhiên khởi tham vọng; hoặc họ dựng lên những đạo sư giả hiệu rồi cho người đi khắp nơi ca ngợi để lôi kéo tín đồ, v.v… Gặp những trường hợp này ta phải tinh ý vượt thoát chiếc bẫy giăng sẵn khá tinh vi đó, còn không nếu ta lọt bẫy rồi thì bị chúng khống chế suốt đời.
- Thứ năm, ta kiên nhẫn giải thích, chứng minh cho chính quyền thấy sự chân chính của Phật giáo – từ xưa tới nay trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo đã và đang đồng hành cùng dân tộc và GHPGVN ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong sự đồng hành cũng như phát triển đất nước. Và bằng cái đạo hạnh chân tu của mình, ta làm cho chính quyền phải ủng hộ đạo Phật cao độ.
- Thứ sáu, ta phải bảo vệ những người tốt. Ví dụ nghe có người tốt bị trù dập, bị nói xấu thì chính mình phải đứng ra bênh vực, đó là ta bảo vệ đạo Pháp, vì nói xấu người tốt là họ phá mất sức mạnh của đạo Phật. Nên biết, sức mạnh của đạo Phật nằm ở những bậc chân tu hiền tài.
- Thứ bảy, ta vạch mặt những kẻ trà trộn phá đạo, công khai người đó ra cho mọi người biết khi đủ chứng cứ, đồng thời ta tiếp cận, thuyết phục họ đừng phá đạo nữa. Đây là cuộc chiến âm thầm dai dẳng, ta phát hiện và tiếp cận từng người để vô hiệu hoá họ. Đành rằng đạo Phật rất từ bi, nhưng cũng phải nghiêm khắc trước sự tàn bạo không thể cảm hóa được. Còn nếu ta từ bi để rồi không còn tồn tại một đạo Phật cho mọi người tu hành nữa thì thật là thảm kịch của nhân loại.
Do vậy, Chư tăng phải tập võ, rèn luyện thể lực để tự bảo vệ cho mình trước nếu như có xãy ra biến cố gì trong chùa. Thiết nghĩ, vũ lực nếu dùng sai thì đó là thú tính, nhưng ngược lại vũ lực dùng đúng thì lại là anh hùng vì bảo vệ được đạo pháp. Mà ta có đạo đức thì ta sẽ sử dụng vũ lực rất thích hợp, không bao giờ mình dùng vũ lực biến thành bạo lực thú tính. Cho nên, ai bảo vệ Phật pháp cũng là anh hùng như các anh hùng bảo vệ đất nước vậy.
- Thứ tám, để nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, ta phải khéo lập một ngân quỹ lớn để dùng cho mảng hoạt động hoằng pháp Phật giáo này, đồng thời phải có cơ chế quản lý, giám sát minh bạch nguồn tài chính đóng góp được và phải nguyện lòng tiền quỹ đó không phải cá nhân mình mà của Phật nên chỉ để làm việc Phật. Có những vị tăng ni dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, về nơi xa vắng (Vùng sâu vùng xa) để đóng góp sức mình xây dựng Phật pháp thì tâm huyết đó thật là đáng quý, đáng được hỗ trợ về kinh tế tài chánh cho vị đó có điều kiện hoạt động (muốn làm gì cũng được), còn không họ phải tự bươn chải hết sức vất vả, do đó việc giáo hóa không hiệu quả.
- Thứ chín, ta phải ráng sức để truyền bá chánh Pháp tới bất cứ nơi nào có người chưa biết Phật pháp để định hình đạo Phật trong lòng dân tộc thì mới không ai chống phá được. Theo đó, những gia đình ở chung quanh chùa là một đối tượng rất đặc biệt và cũng là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong việc giáo hóa của người xuất gia. Nếu tất cả những gia đình chung quanh chùa đều được cảm hóa theo Phật thì sẽ tạo nên từng khu vực Phật giáo ấm cúng vững mạnh.
Mà như thế chùa cũng được bảo vệ lại bởi những tín đồ thân yêu của mình. Đó chính là thành quách vững chắc xây dựng từ tấm lòng của mọi người. Cho nên, việc tiếp xúc gặp gỡ để gieo duyên hóa độ với những gia đình cư sĩ chung quanh chùa là một yêu cầu bức thiết của tăng ni, nhất là trong tình hình hiện nay các tôn giáo bạn cũng có chủ trương bao bọc chùa bằng tín đồ của họ. Còn ta, thầy trụ trì phải dạy dỗ, giáo dục những người phật tử đã biết đạo trở thành những người truyền bá, làm sao càng mỗi năm rất nhiều người mới về chùa mình quy y.
Do vậy, việc tổ chức thăm viếng các gia đình cư sĩ là một thái độ vừa tích cực của đạo Phật, vừa chứng tỏ đạo Phật không quan liêu, không ở một chỗ để chờ chúng sinh đến với mình. Năng lực hoằng pháp của tăng ni cũng bắt đầu từ việc tiếp xúc thăm viếng này. Cho nên, hễ còn người nào xung quanh chùa mà chưa biết đạo là mình tìm tới nhà đó giáo hoá, không để sót gia đình nào hết. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đem giáo lý đến cho người mà không nhận đem về những phiền lụy ràng buộc của thế gian. Đây là bản lĩnh của một tu sĩ mà ta phải giữ suốt đời, nhưng muốn như vậy, ta phải có công phu tu hành thật sự tinh tấn để có được một nội tâm vững vàng, tốt đẹp, thánh thiện. Và chúng ta phải tu cho tốt, tự nhiên mới có sức lan toả. Thế nên, trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp Phật giáo, muốn hoằng pháp hiệu quả dòi hỏi phải có cái gốc tu là vậy.
- Điều cuối cùng để ta bảo vệ được Phật pháp là hãy yêu thương, ủng hộ, giúp đỡ nhau tu học và làm phật sự trong cái tình linh sơn cốt nhục như Chư tổ đã dạy. Đồng thời, ta phải giữ vững tinh thần này để xây dựng GHPGVN vững mạnh và phát triển đạo Pháp.
Tóm lại, Chư tăng, ni ngoài việc tu trì còn phải là một nhà hoằng pháp, hộ pháp đắc lực để bảo tồn phật pháp trên cuộc đời này. Trên đây là những chia sẻ về quan điểm hộ pháp của TT.Thích Chân Quang vừa mang tính trung thực, vừa là những kinh nghiệm và khuyến tấn cho nhau để cùng hiểu biết. Điều quan trọng là người tăng sĩ phải tu để đạt đến chỗ cảm hóa được người khác thì việc hoằng pháp – hộ pháp mới hiệu quả.
Nói về tinh thần hộ pháp, Phật giáo sẽ rất biết ơn những ai dám chiến đấu chống lại kẻ ác để bảo vệ Phật pháp, nhất là những cư sĩ của Phât giáo. Chúng ta phải đứng lên với sự dứt khoát can đảm không gì làm lung lay được để bảo vệ sự tồn tại muôn đời cho một Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo của thế giới nói chung.
Tuệ Đăng