1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trên tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật thì hết thảy mọi người, mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng như nhau, đặc biệt là quyền bình đẳng về tri thức giác ngộ, giải thoát đưa con người đến niết bàn - an lạc- Hạnh phúc. Đồng bào các dân tộc miền núi nước ta tuy có các nền văn hóa riêng nhưng đều hòa nhập trong một nền văn hóa Việt Nam. Phật giáo đã hiện diện ở các tỉnh vùng núi phía bắc nước ta có lịch sử lâu đời gần giống như Phật giáo ở vùng đồng bằng; chỉ có điều những trang tư liệu lịch sử Phật giáo đối với từng vùng miền đã bị thất lạc hoặc chưa có người liệt kê lại mà thôi. Kể từ đời nhà Lý, những chính sách khuyến khích tín ngưỡng Phật giáo vùng miền núi phía Bắc đã được vương triều nhà Lý nhiệt tình ủng hộ. Cũng vậy, các chi châu, tù trưởng vùng miền núi phía Bắc qua các triều đại phong kiến cũng hết sức ủng hộ tín ngưỡng Phật giáo thông qua những di chỉ chùa, miếu thờ Phật được tìm thấy ở Tuyên Quang, Hà Giang, Cao bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh …
Xét vấn đề từ góc nhìn Văn hóa - Tập quán - Tín ngưỡng xã hội thì đồng bào dân tộc ít người ở miền núi nước ta là đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn, bởi vì đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ đều thiếu thốn. Mấy năm gần đây, nhờ sự phát triển kinh tế chung của cả nước nên đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có sự cải thiện.
Tuy nhiên đời sống tín ngưỡng tâm linh tôn giáo của họ vẫn còn nhiều vấn đề tạo ra những lỗ hổng cho một số giáo phái nước ngoài đã tổ chức truyền đạo mạnh mẽ ở các vùng đồng bào dân tộc ít người. Các đạo này đã tiến hành nghi lễ “rửa tội” cho một số lượng người khá lớn, đồng thời biến nhiều thôn bản vùng miền núi phía Bắc trở thành những xóm đạo mới trên vùng núi cao.
Thậm chí có những thôn bản ở Lai châu, Điện biên, Yên bái… đã biến thành vùng tín đồ toàn tòng với hầu hết là con chiên ngoan đạo. Nếu nhìn nhận vấn đề trên tính tổng thể tín ngưỡng tâm linh của mọi người dân trên đất nước Việt Nam thì vấn đề này đang trở nên hết sức không bình thường.
Sự xuất hiện một số vùng đồng bào dân tộc ít người là những lãnh địa tôn giáo tách biệt, các định chế của tôn giáo bị thổi phồng, sự quan tâm thiếu đầy đủ của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự khống chế về tư tưởng của những kẻ xấu là điều rất dễ nhận thấy ở những nơi này.
Thậm chí một số vùng ở miền núi phía Bắc có người H`mông đã chịu sự chi phối của những Giáo hội Tin Lành, Công giáo có trung tâm ở nước ngoài. Từ lâu nay các lãnh địa tôn giáo vùng miền núi phía Bắc đã tồn tại và phát triển và ngày càng tạo ra khoảng cách hòa nhập cộng đồng và trở thành một thách thức về thể chế đối với các cấp chính quyền địa phương.
|
Vùng núi phía Bắc |
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhìn thấy trách nhiệm của mình trong việc hoằng pháp đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Nửa đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam tự thân lâm vào hoàn cảnh suy yếu, việc hoằng pháp cho tín đồ ở vùng cư dân truyền thống theo đạo Phật, nhất là ở vùng nông thôn còn chưa thực hiện tốt nữa là nghĩ đến hoằng pháp ở vùng miền núi phía Bắc xa xôi.
Kể từ năm 1981, mặc dù Phật giáo đã chấn hưng trở lại nhanh chóng, nhưng đối tượng hoằng pháp là đồng bào dân tộc ít người miền núi vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Đây là thời gian các giáo phái có trung tâm ở nước ngoài âm thầm truyền đạo ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và kết quả truyền đạo của họ hôm nay chúng ta đều đã thấy.
Trong những năm gần đây, việc truyền đạo từ các tôn giáo có trung tâm ở nước ngoài lại được đẩy mạnh. Nếu mấy chục năm trước, việc truyền đạo còn do các giáo sĩ, tín đồ là người nước ngoài đảm nhiệm thì ngày nay các tín đồ, người địa phương mới theo đạo cũng góp phần quan trọng trong việc truyền đạo.
Tình hình như trên đã làm cho sự hiện diện của Phật giáo ở nhiều tỉnh biên giới miền núi phía Bắc đã trở thành tôn giáo thiểu số. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo Việt nam, bởi Phật giáo chưa từng đối mặt với vấn đề là trở thành tôn giáo thiểu số ở cấp độ vùng liên tỉnh với diện tích rộng lớn như ở vùng núi phía Bắc nước ta hiện nay.
Tình trạng Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở vùng núi phía Bắc nước ta hiện nay được diễn ra song song với nguy cơ làm mất ổn định xã hội. Từ những sự thay đổi dần dần về lượng sẽ dẫn đến sự biến chuyển về chất là điều mọi người chúng ta không thể không nghĩ đến.
Do đó việc đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp và xây dựng tổ chức Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại vùng đồng bào dân tộc ít người miền núi là yêu cầu cấp bách, không chỉ riêng đối với Phật giáo mà còn là đối với tất cả mọi người Việt Nam đang mong muốn một cuộc sống yên bình với sự ổn định xã hội, thống nhất và toàn vẹn đất nước.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI TỔ CHỨC PHẬT GIÁO Ở CÁC TỈNH VÙNG NÚI PHÍA BẮC
2.1. Vấn đề nhân sự và tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở vùng núi phía Bắc
Rất nhiều tăng ni ở miền xuôi có tâm lý ngại khó, ngại khổ khi phải công tác ở vùng miền núi phía Bắc. Điều này rất dễ hiểu, bởi lẽ quá trình tu tập của tăng ni thiếu sự tương trợ của đồng nghiệp. Việc An cư kết hạ hàng năm gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra một số tăng ni sau khi tốt nghiệp chỉ nghĩ tới bản thân mình, hơn là nghĩ tới mọi người.
Họ muốn ở lại thành phố hoặc những nơi trung tâm ở đồng bằng bởi cuộc sống ở đây dễ dàng hơn, được phật tử tôn trọng cúng dường hơn. Trong khi đó vùng miền núi phía Bắc xa xôi kia có bao nhiêu là khó khăn có thể viện dẫn: nào là dân trí thấp, nào là điều kiện vật chất nghèo nàn, nào là giao thông đi lại khó khăn… khiến cho cuộc sống của người xuất gia sẽ vất vả hơn nhiều so với vùng xuôi.
Do ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt ở mỗi vùng đồng bào dân tộc rất khác nhau, nên việc hòa nhập tăng ni với đồng bào dân tộc là rất khó khăn, bởi vì hầu hết các tăng ni trong Giáo hội là người kinh cho đến nay chưa có các tăng ni là người dân tộc.
Do tình hình an ninh chính trị vẫn còn đôi khi thiếu ổn định tại địa phương, đã gây ra sự xáo trộn về xã hội và tín ngưỡng. Các tranh chấp dân sự về đất đai, hệ thống thôn bản - dân tộc tự ý đặt ra các định chế hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng riêng… tất cả những nguyên nhân này đều có thể tác động tới việc tổ chức, nhân sự và hoạt động phật sự trên địa bàn dân tộc miền núi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Các “đạo lạ” phát triển khá mạnh và phần đông là người dân tộc có truyền thống tôn thờ đa tín ngưỡng nguyên thủy mang tính bản địa, nên công tác hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là rất khó khăn và phải hết sức tế nhị tại địa phương, thậm chí ở một số vùng phải đề phòng có sự xung đột sắc tộc và tôn giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có phương pháp đãi ngộ cụ thể để khuyến khích tăng ni lên phục vụ tại vùng núi phía Bắc cũng như vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.
Việc bổ nhiệm tăng ni về các vùng miền núi phía Bắc hiện nay vẫn chỉ là mang tính tự phát và tính thông thường. Điều này có nghĩa là ở đâu có chùa và có nhu cầu thỉnh tăng ni về trụ trì thì mới có quyết định bổ nhiệm hay thuyên chuyển sinh hoạt Phật giáo, mà chưa có kế hoạch điều phối đồng bộ và thống nhất từ phía Giáo hội Phật giáo Việt nam.
2.2. Vấn đề trùng tu tôn tạo cơ sở chùa chiền và hoằng pháp cho phật tử
Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra một thực tế là ở những nơi thành thị thì chùa chiền mọc lên rất nhiều, nhưng ở nơi vùng sâu, vùng xa như các tỉnh miền núi phía Bắc thì chỉ lác đác, thậm chí cả vùng không có một ngôi chùa nào cả, khiến cho công tác hoằng pháp Phật giáo gặp nhiều khó khăn.
Các hội Phật tử ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang phát triển khá mạnh, còn ở các tỉnh Cao bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu thì chưa có nhiều, bởi vậy công tác hoằng pháp trước tiên phải gây dựng các hội Phật tử tại địa phương, đồng thời tạo mối gắn kết giữa các địa phương Phật giáo phát triển với các địa phương chưa có sự góp mặt của Phật giáo.
Các di tích của nhiều ngôi chùa cổ ở vùng núi phía Bắc gần như trong tình trạng phế tích vì quá xuống cấp. Bên cạnh đó điều kiện kinh tế của địa phương, các nguồn lực công đức xây dựng, tu bổ chùa hầu như không có; trong khi kinh phí xây dựng chùa vượt quá khả năng thực hiện của địa phương. Thông thường do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, nên kinh phí xây chùa ở miền núi thường đội lên cao gấp từ 2 đến 3 lần kinh phí xây dựng chùa ở miền xuôi do bị đội giá về vận chuyển và nhân lực xây dựng.
Hầu hết các dân tộc vùng miền núi phía Bắc thường chỉ quen tiếp cận đội ngũ thầy Tào, thầy mo, đạo công, sư công là người cùng dân tộc mình, còn việc tiếp cận đội ngũ tăng ni là khá mới mẻ, thậm chí một số dân tộc còn thấy xa lạ về vấn đề này.
Các phương tiện phục vụ công tác hoằng pháp còn quá thiếu và nhiều nơi gần như không có phương tiện, các kênh thông tin truyền thông qua truyền hình và mạng internet thường bị ngắt quãng do chia cắt địa hình hoặc địa phương ấy rơi vào vùng lõm, không có trạm tiếp sóng.
Công tác dạy và học ở các Học viện Phật giáo, các trường Trung cấp Phật học thường chỉ nặng về nghiên cứu Kinh, Luật, Luận trong kho tàng Kinh điển của nhà Phật mà chưa có tổ chức những chuyến đạo tràng hoằng pháp di động ở vùng miền núi cho các sinh viên sắp tốt nghiệp và ra trường, để họ nghĩ đến vai trò và trách nhiệm mình cần phải hoằng pháp ở những nơi này.
3. KẾT LUẬN
Nhìn lại toàn bộ các vấn đề đang đặt ra cả về nhân sự và tổ chức; về trùng tu tôn tạo cơ sở chùa chiền và hoằng pháp cho phật tử ở vùng núi phía Bắc nước ta hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta nhận thấy khá nhiều vấn đề nan giải cần phải có định hướng và phương pháp, kế hoạch từ phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam; sự dấn thân của tăng ni trẻ vì sự nghiệp hoằng dương chính pháp tới đồng bào phật tử vùng sâu vùng xa và hải đảo, cũng như sự hợp tác, giúp đỡ của nhiều bộ, ban, ngành từ phía nhà nước.
Dân tộc và tôn giáo là hai vấn đề có những đặc trưng riêng về lý luận và thực tiễn quản lý, đây là hai vấn đề mang tính toàn cầu, gắn với sự ổn định và phát triển của nhân loại nói chung và của từng quốc gia nói riêng. Dân tộc và tôn giáo cũng là hai vấn đề mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để gây mất ổn định chính trị, kìm hãm sự phát triển của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng.
Các hoạt động phật sự ở vùng núi phía Bắc trong quá trình quản lý và tổ chức các hoạt động liên quan đến nội dung dân tộc và tôn giáo cần thận trọng, quán triệt và vận dụng các nguyên tắc cơ bản về dân tộc và tôn giáo của Đảng và nhà nước vào thực tiễn địa phương.
Có như vậy, công tác quản lý các hoạt động phật sự liên quan đến nội dung dân tộc và tôn giáo ở địa phương mới đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.
Hòa thượng Thích Gia Quang
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 2 năm 2014