Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, Đại lễ Phật đản là một trong những lễ hội văn hóa, thu hút mọi giai tầng xã hội tham dự, quan tâm. Hướng về Đại lễ Phật đản Liên hiệp Quốc được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta, thử ôn lại Đại lễ Phật đản 70 năm trước, xem đó như là một dấu son ghi dấu một chặng dường dài của quá trình Phật giáo du nhập và phát triển tại nước ta...
Hơn hai ngàn năm du nhập vào nước ta, từ nhiều thế kỷ trước, tùy theo bối cảnh xã hội mà Đại lễ Phật đản đã được tổ chức với những quy mô và hình thức khác nhau.
Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, Đại lễ Phật đản là một trong những lễ hội văn hóa, thu hút mọi giai tầng xã hội tham dự, quan tâm. Hướng về Đại lễ Phật đản Liên hiệp Quốc được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta, thử ôn lại Đại lễ Phật đản 70 năm trước, xem đó như là một dấu son ghi dấu một chặng dường dài của quá trình Phật giáo du nhập và phát triển tại nước ta...
Tại chùa Quán Sứ
Lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ hội quán Trung ương Hội Phật giáo năm 1938, cử hành suốt hai ngày, ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Tư như trong chương trình đã đăng.
Lễ mới tiến hành vào ngày mồng 7, có Ban Đồng sinh tăng, tức là các chú tiểu học sinh tuổi 12, 13 trở xuống ở trường Bồ Đề về làm khóa lễ mới thuần tiếng quốc âm do chư Tăng giáo thụ trường Bồ Đề soạn. Các em đọc kinh hát kệ, giọng đồng ấu thiên nhiên nghe dễ cảm người lắm.
Ngày mồng 8, Ban Hộ niệm có khóa lễ thuần Nôm mới soạn ra làm lễ, được giáo hữu nhiệt liệt hoan nghênh. Buổi chiều, có Ban Đồng sinh nữ mặc áo xiêm thiên nữ đóng làm bộ nhạc công Đế Thích, vừa hòa nhạc nhà Phật vừa hát những bài kệ tán Phật, rất êm ái nhịp nhàng. Buổi tối có lễ Tam quy của cụ Chánh hội trưởng Nguyễn và hàng trăm giáo hữu thiện tín cùng làm lễ thụ Tam quy. Lễ quy này theo nghi thức mới do các Đạo sư định ra rất giản dị, thực hợp với tâm lý khai minh của giáo hữu ngày nay, nên công chúng đều hoan hỷ. Lễ này có bài diễn giảng của cụ Chánh hội trưởng, dưới đây xin thuật về cuộc diễn giảng long trọng đó.
Vì có giấy mời, nên chư Tăng, các vị Đại lý cùng các ông các bà hội viên ở các chi hội có lòng sốt sắng về việc làm chùa hội quán Trung ương về dự lễ nghe giảng rất đông. Chư hậu ở Hà Nội và ở các hạt nhà quê xa đều có mặt.
Đúng 3 giờ chiều, cụ Hội trưởng danh dự tới, làm lễ Phật xong Ngài ngồi ghế chủ tọa về phía Tây trước Phật đài, tiếp hàng ngồi có các Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Đình Quỳ và Phan Đình Hòe, Tổng đốc Thái Bình Nguyễn Hữu Tiệp, Án sát Bùi Ngọc Hoàn và nhiều quan khách. Đối diện về phía Đông có các vị đại đức: cụ Trung Hậu, cụ Tế Cát, cụ Hương Tích, cụ Bằng Sở, cụ Chánh Hội trưởng và nhiều vị Hòa thượng khác. Kế đến hai dãy ghế ngồi hướng vào Phật điện, nam nữ ngồi hai bên. Đầu dãy ghế bên nam có các vị thân hào Hoa kiều, ông chủ hiệu Đồng Lợi và hơn 20 vị nữa.
Theo xuống, các vị Đại lý các chi hội, chư hậu Hà Thành và địa phương đều ngồi chật ních cả. Ngoài ra các hội viên Tăng Ni thiện tín ở Hà Nội nhường chỗ cho hội viên xa, đều đứng ngoài chỗ nào cũng đông như nêm. Trước Phật điện, hương hoa sực nức, vàng son chói lọi cùng với ánh sáng đèn điện, ánh sáng nến lóng lánh choáng lộn cả mắt người trông. Dưới mấy cái bảo cái lớn, những giải phướn ngũ sắc phất phới bay. Mấy nghìn người đệ tử đều ngồi im phăng phắc để tĩnh niệm công đức Phật Tổ trước giờ nghe diễn giảng. Dứt một hồi chuông êm ái từ bi, Hòa thượng Trung Hậu - Chánh Giám viện đứng lên cảm ơn cụ Võ Hiển đã phát tâm vì Phật pháp đến dự lễ Phật đản và diễn giảng cho giáo hữu về việc khởi công làm Hội quán Trung ương hôm nay. Hòa thượng có bài chúc từ do sư ông Tố Liên đọc thay. Sư ông đọc trước máy phóng thanh, giọng rất cảm kích. Đoạn, cụ Hội trưởng danh dự lên diễn đàn, đại khái ngài nói: "Ngài rất lấy làm có hy vọng lớn cho tiền đồ Hội Chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ, vì ngài đã để ý xem xét công việc của Hội làm trong ba năm nay. Công việc chấn hưng có hai phương diện là tinh thần và hình thức phải tiến hành đều nhau mới được". Về tinh thần, ngài xét thấy “các vị Tăng đồ, cư sĩ và Ban Trị sự, trong ba năm nay mở ra nào Ban Khảo cứu, nào ra báo, in sách, nào cải cách nghi lễ, nào diễn giảng khắp từ Trung ương đến các địa phương, chăm chỉ đem những giáo lý chân chính và thiết thực với đời người mà khuyến hóa cho nhân tâm thế đạo. Như thế kể cũng đã gần đủ có cơ quan để làm về việc tinh thần.
Còn về hình thức tức là việc trù lập chùa Hội quán Trung ương Hà Nội đây, chính cũng lại là một sự cần thiết không thể trì hoãn được. Vì có hình thức xứng đáng thì cái tinh thần hoạt bát kia mới có chỗ dựa. Vậy ngôi chùa Trung ương hội quán mà Hội Phật giáo sẽ dựng lên ở đất cố đô văn vật đây là một nơi đại biểu cho nền tôn giáo cả nước, một nơi cơ quan Tổng hội chung của một giáo hội lớn như Hội Phật giáo, cho hội viên toàn xứ tới lui, lẽ tất nhiên là phải trù cho có cái thể thế xứng đáng. Cho nên Hội định một dự khoản cho ngôi chùa mới ấy là 10 vạn đồng. Cứ tình thế kinh tế xứ ta hiện nay đối với một khoản tiền 10 vạn, kể cũng là to thực, nhưng đem so với những giáo đường các nước mà ngài đã từng trông thấy thì chưa thấm vào đâu. Phàm việc đã quyết thì làm, đã làm thì phải làm ngay. Có làm thì các nhà phúc thiện, các giáo hữu người ta trông thấy mà phát tâm vào. Phải lập ra Ban Hưng công có Tăng với tại gia cùng giúp việc. Việc thu chi phải cho rất minh bạch để người ta tin cậy và vững lòng phát tâm. Thu được bao nhiêu cũng cứ làm, do phần quan yếu trước mà tiến hành cho đến hoàn thành”. Còn về phần ngài nay đã về dưỡng nhàn có nhiều thì giờ, ngài sẽ thường xuyên đến đôn đốc việc làm chùa, ngài sẽ hết lòng vào việc công đức lớn lao này cho thành tựu. Lời cụ nói trước máy truyền thanh, vang ra rõ ràng và khoan thai, dứt khoát từng tiếng, người đứng ngoài cũng nghe rõ và hoan hỷ ý kiến quả quyết của ngài.
Nói xong ngài bắt đầu đề cúng 500 đồng. Cụ Chánh Hội trưởng lại giở các bức họa đồ kiểu chùa trình cụ Võ Hiển để các giáo hữu xem. Cụ Chánh hội trưởng đọc lời văn phả khuyến ở quyển sổ phả khuyến sẽ phát đi để công chúng thêm nức lòng về việc phúc. Việc diễn giảng đến đấy là kết thúc, cụ Chánh hội trưởng giới thiệu và trình với cụ Võ Hiển, quan khách, giáo hữu biết ông chủ Hào, một vị chủ khách sạn Đồng Lợi, Hà Nội có cúng cho Hội một ngôi chùa lớn có đủ tam quan tiền đường, hành lang, nhà tổ, ở ngoài cửa ô về phía chùa Tú Uyên, mà chùa sở còn tốt đẹp cả. Quan khách giáo hữu đều tán thành công đức.
Cuộc cung nghinh Phật Tổ rất long trọng
Chi hội Phật giáo Tế Xuyên (sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám) huyện Nam Sang (Lý Nhân) Hà Nam, cử hành đại lễ phụng nghi Phật Tổ giáng sinh vào ngày thứ năm, mồng 6 tháng Tư âm lịch.
Dự cuộc rước Phật Tổ tới 3.000 người, một phần do các chư Tăng các chùa cổ động các dân làng đem hết các đồ thờ ở đình đi rước, một phần nhờ có quan Giáo thụ Hoàng Hanh và ông Thư ký Phụng, các ông giáo đôn đốc các học sinh các trường làm đèn dự thi. Nhất là ông Trưởng giáo trường Cầu Không, ông Hương sư trường Yên Trạch, trường Mai Xá, hơn một tháng trời ngoài thời gian học ra lại dạy các học trò học những bài kinh quốc âm của Hội Phật giáo Trung ương để sung vào Ban Đồng nam Đồng nữ cầm đèn đi rước. Tất cả 250 cái đèn làm đủ các thứ như: hoa sen con đồng, long ly quy phượng, có nhiều cái đèn con quy, con cá hóa long, cổ làm lò xo cử động được, ai xem cũng khen là mỹ thuật. Học sinh phần nhiều túng thiếu, nhưng hết sức trổ tài, nhiều đèn làm phí tới bảy tám hào bạc.
Tối mồng bốn, học sinh các trường rước đèn vào chùa Tú Yên là trụ sở của sư ông Thái Hòa làm lễ. Đến 3 giờ chiều ngày mồng sáu lại bắt đầu rước từ chùa Mai Xá vào đến chợ Cầu Không, rồi rước lên chùa chốn tổ Tế Xuyên, là trụ sở của Hòa thượng Tế Cát, cuộc rước đi dài tới 2 cây số, đủ các thứ âm nhạc múa rồng, một cỗ Long đình kết thuần hoa tươi, trong để tượng Đức Bản sư, sáu đồng tử đội mũ kiều kết hoa mặc áo mũ tiên bê đồ lạc cúng, trong khi đi học sinh cầm đèn, các hội viên các tín lão đều đồng thanh đọc bài ca tán Phật Thích Ca Muôn năm một hội Hoa đàm của ông Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, đọc dứt hai câu lục bát, lại tiếp câu niệm Phật nghe vang động cả một góc trời. Đi qua các làng đều có bày hương án bái vọng, 6 giờ tối thì rước tới chùa Tế Xuyên, chư Tăng lên cúng Phật, đồng tử dâng lục cúng, các hội viên làm lễ, rồi đến các học sinh dâng đèn đọc ca. Sau đó đến cuộc diễn giảng về lịch sử Đức Thích Ca giáng sinh, rồi đến phát thưởng, số tiền phát phần thưởng đèn này do tiền quyên của hội viên và thiện tín chứ không trích ở quỹ Hội. Mãi 10 giờ đêm mới rước về, vì các đèn đều thắp nên trông rất ngoạn mục, một cuộc rước không phí tổn bao nhiêu mà rất long trọng, tưởng từ xưa tới nay ít thấy ở chốn thôn quê.
Mong rằng các chi hội Phật giáo ở thôn quê khác đối với ngày Đại lễ Phật Tổ giáng sinh này cũng nên tổ chức cuộc rước như thế, để cho Phật giáo có ảnh hưởng với nhân dân, ở thôn quê biết cách tổ chức thì cuộc rước rất đông và rất dễ, bởi vì làng nào cũng có đình có chùa, sẵn đồ sẵn người đi rước.
Theo tục lệ thôn quê từ trước tới nay mỗi khi có rước sách đình đám gì thì lễ vật rất tốn kém, trong khi ăn uống lại phân ra giai cấp. Đại để như đàn em cầm cờ khiêng kiệu thì ngồi cỗ bé, đàn anh chỉ tay năm ngón lại ngồi cỗ to, lấy phần nhiều, đàn em cho thế là bất mãn, rồi sinh ra tranh giành ngôi thứ kiện cáo. Nay đem thuyết bình đẳng của Phật ra mà thi hành vào cuộc đón rước thì đàn em rất tán thành, nghĩa là chỉ tỏ lòng thành kính thôi, chứ không ai ăn uống gì cả. Nếu đâu đâu cũng tổ chức cuộc rước Phật như thế, rồi sau nhân đó mà đem áp dụng vào những ngày đình đám rước thần, thì đỡ tốn kém biết bao.
Theo Đuốc Tuệ số 85 ra ngày 15-5-1938
Nguyễn Đại Đồng
Nguồn link: http://www.buddhistedu.org/viet/phat-phap/lich-su-phat-giao/322-le-phat-dan-70-nam-ve-truoc