Hạnh tri ân
Lệ thường, vào mỗi buổi sáng trước khi đi khất thực, Ðức Xá-Lợi-Phất đều rảo quanh một vòng khắp Trúc Lâm tịnh xá. Nơi nào mà chỗ ở, chỗ nghỉ, chỗ ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm... chưa được sạch sẽ, chưa được cất đặt gọn gàng; Ngài bỏ công ra để dọn dẹp, quét tước. Ngài còn để ý những rác rưởi chỗ này, chỗ kia; để ý những y áo phơi phóng chưa được ngay ngắn, để ý cả những dấu tích nấu nướng bừa bãi trên những đám cỏ xanh...
Xong công việc, bao giờ cũng đã khá trưa Ngài mới ôm bát rời tịnh xá. Ðôi khi với mồ hôi còn nhễ nhại, Ngài vẫn chậm rãi, tự tại từng bước. Tuy thế, Ngài thường đi bát không lâu, chỉ đứng năm, bảy nhà là đã đầy vật thực. Chỉ mấy hôm mà cả kinh thành Vương-Xá, không ai là không biết đến Ngài. Họ kỉnh mộ và tôn sùng vị Ðại Ðệ Tử ấy.
Theo thông lệ, sau khi nhận vật thực, bao giờ Ngài cũng đọc một bài kinh phúc chúc ngắn gọn, nói vài ý Pháp gieo duyên rồi bước chân sang nhà khác. Ngài để tâm bình đẳng, không kể người giàu kẻ nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ. Ai cúng dường vật thực đến Ngài cũng cảm thấy tâm mình hoan hỷ, vui tươi trọn ngày.
Ðức Xá-Lợi-Phất đi bát sau mà thường về sớm. Bổn phận đầu tiên của Ngài là tìm dâng một ít vật thực lên Ðức Thế Tôn, Ðại Ðức Assaji - tức là vị thầy dẫn dắt Ngài vào Ðạo Bất Tử, sau đó Ngài mới tìm đến một cội cây để dùng ngọ, rồi đi kinh hành.
Sau buổi trưa, Ðức Phật thường có một thời Pháp ngắn gọn. Ðôi khi Ðức Phật truyền Tam Quy, Ngũ Giới cho người mới nhập đạo. Thỉnh thoảng Ngài cũng ban lễ xuất gia nếu được thỉnh nguyện. Riêng Chư Tăng thì dịp này có vị đến xin Ðức Thế Tôn đề mục phù hợp tâm tánh mình. Có vị Ðức Phật lại nói thêm Pháp khi thấy tinh thần họ đạt đến trình độ có thể bước lên thành quả cao hơn v.v... Những lúc như vậy, bao giờ Ðức Xá-Lợi-Phất cũng im lặng hầu sau lưng Ðức Phật, Ngài không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào về tất cả cách thức giáo giới, về trường hợp của tất cả tỳ-khưu.
Buổi chiều, nếu Ðức Phật thuyết pháp đến cho hàng cư sĩ tại gia thì Ðức Xá-Lợi-Phất cũng phải có phận sự lắng nghe tất cả, ghi nhận tất cả. Một là để học hỏi phương pháp giáo huấn của Ðức Phật, hai là nắm bắt những chi tiết cao và thấp, rộng và sâu của Giáo Pháp. Ðôi khi Ðức Phật bảo Ngài thuyết lại cho hội chúng đông đúc cư sĩ tại gia nghe, và lần nào Ngài cũng trọn hảo chức năng của mình.
Hôm kia, thì giờ rảnh rỗi, Ngài liền tìm cội cây khuất vắng, tự nghĩ:
"- Ta và hiền đệ Mục-Kiền-Liên xuất gia chưa được bao lâu mà đã được Ðức Tôn Sư tấn phong Ðại Ðệ Tử. Ðiều ấy dẫu là đặt đúng ngôi vị với lời đại nguyện xưa, mọi người đa phần hoan hỷ nhưng làm sao tránh khỏi những dị nghị này kia trong tâm những kẻ phàm phu? Nếu họ ganh ghét, đố kỵ thì ta không thể cảm hóa họ được. Vậy việc trước nhất phải làm, ngoài việc xuất nhập dễ dàng chín bậc thiền, ta phải còn làm cho sung mãn Tứ Vô Lượng Tâm, phát triển toàn hảo ba mươi Ba-La-Mật. Mong nhờ uy lực Ba-La-Mật, bóng mát Tứ Vô Lượng Tâm mà tất cả các vị tỳ-khưu còn phàm phu sẽ được an lành, dễ nghe lời dạy bảo."
Nghĩ thế xong là Ðức Xá-Lợi-Phất nhập thiền. Sau khi xuất nhập thuần thục chín bậc thiền Ngài nhập Ðại Bi Ðịnh, làm cho vững chắc Ðại Bi Ðịnh, làm cho Tâm Ðại Bi tẩm mát no đầy cả châu thân cho đến tận lỗ chân lông - rồi Ðại Bi Tâm tràn đầy mát mẻ cả không gian xung quanh... Ðến đây Ðức Xá-Lợi-Phất chợt hiểu tại làm sao mà Ðức Thế Tôn cảm hóa được Dìghanakha nơi động Heo ngày nọ. Quả thật, Ðại Bi Tâm nếu được an trú sung mãn thì nó dễ dàng chuyển dịch Từ, Hỷ và Xả. Tướng của nó là bốn mà tánh chỉ một. Tánh là trú tâm mà tướng là hướng đến đại dụng. Pháp nào cũng từ nguyên tắc này mà ra cả! Ðức Xá-Lợi-Phất không chỉ tu tập từng ấy. Thỉnh thoảng Ngài trú "không định", càng ngày càng kiên cố; và đây thường là chỗ cư ngụ, chỗ nghỉ ngơi, an dưỡng của Ngài. Trong sinh hoạt thường nhật, Ngài dùng Tuệ quán từng giây khắc một, cho nên những thọ, tưởng, ý, thức, trí dầu có nhỏ nhiệm, vi tế cách mấy cũng hiển hiện trước Ngài một cách rõ ràng và trong sáng. Như một tấm gương trong suốt, không một mảy bụi; những ảo giác, ảo cảnh, ảo tưởng vừa chỉ mới lóe hiện đã được nhìn thấu suốt, toàn vẹn; không gì đánh lừa được Ngài...
Buổi tối, vào canh một, Ðức Phật thường để dành thì giờ cho vị tỳ-khưu nào tự do thỉnh cầu rọi sáng những mối nghi hoặc của mình, những điểm khó hiểu, phức tạp trong Giáo Pháp. Ðôi khi Ðức Thế Tôn thuyết pháp những đề tài do Ngài tự chọn. Nếu sau đó có những nhóm tỳ-khưu từ phương xa đến thì Ðức Phật bảo Ðức Xá-Lợi-Phất thuyết lại. Và lúc nào Ngài cũng được Ðức Phật và đại chúng tán thán, ca ngợi.
Khoảng giữa canh hai, khi Ðức Thế Tôn giáo giới cho Chư Thiên và Phạm Thiên, cũng là lúc Ðức Xá-Lợi-Phất tìm chỗ vắng lặng của mình để thiền tọa hoặc đi kinh hành. Trước lúc đi nghỉ - nghiêng lưng một lát thôi - Ðức Xá-Lợi-Phất luôn luôn nhớ đến chỗ của Ðại Ðức Assaji trong tịnh xá hay ở phương nào để quay đầu về hướng đó. Cho chí sau này, trên đường hoằng pháp, theo chân Ðức Bổn Sư; đêm nghỉ tại thị trấn, làng mạc, rừng sâu, nghĩa địa..., chỗ có mái che hay không có mái che, Ðức Xá-Lợi-Phất vẫn giữ thông lệ như vậy, quay đầu về phương hướng mà vị thầy đầu tiên của mình đang cư ngụ.
Có một số tỳ-khưu còn phàm phu, xấu bụng, xấu miệng, biết chuyện ấy, họ dè bỉu, bàn tán như sau:
- Cái ông Xá-Lợi-Phất đã là Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật, là Bậc Tướng Quân Chánh Pháp, là Bậc Thượng Thủ của Giáo Hội... mà đêm đêm vẫn lễ bái các phương trời! Thế ra, đã là một bậc A-La-Hán rồi mà vẫn chưa bỏ được những tà kiến ăn sâu, mọc rễ về tập quán tôn sùng những vị Phạm Thiên của ngoại đạo ư?
Ðức Phật biết rõ trí tuệ và đức hạnh của đệ tử mình, nên vào dịp thuận tiện nhất, Ngài tuyên bố minh bạch trước Tăng chúng rằng:
- Xá-Lợi-Phất, Trưởng tử của Như Lai không bao giờ lễ bái các phương! Này các thầy tỳ-khưu! Hãy tôn kính và đừng mạo phạm đến việc làm của những bậc vô nhiễm, không còn bụi cát. Xá-Lợi-Phất, đệ tử của Như Lai chỉ lễ bái đến ai mà nhờ đó, ông ta tìm thấy Pháp Bảo Bất Tử. Người mà ông ta đảnh lễ chính là Ðại Ðức Assaji trong nhóm năm ông Kiều Trần Như. Xá-Lợi-Phất rất biết ơn thầy, rất biết ơn người dẫn đạo đầu tiên cho mình.
Này các thầy tỳ-khưu! Hạnh tri ân là một phẩm chất tốt đẹp, cao quí - các thầy nên lấy Xá-Lợi-Phất mà soi gương!
Thường những lúc như vậy là cơ hội tốt để Ðức Phật dạy dỗ Chư Tăng, giáo giới Chư Tăng. Ðức Phật thuyết một số câu chuyện của đời Ngài trong nhiều kiếp quá khứ liên hệ với chủ đề. Ðức Phật kể về một kiếp nọ, chính Ngài mang ân một người, chỉ vì người đó cho Ngài một cắc bạc thôi, mà Ngài đã làm nên sự nghiệp. Một kiếp khác, chỉ vì muốn nghe một câu kệ chỉ đường về thiên giới mà Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Rồi Ðức Phật tóm tắt như sau:
- Này các thầy tỳ-khưu! Chỉ một cắc bạc mà Như Lai đã nhớ ơn trọn đời! Chỉ nghe một câu kệ mà Như Lai đã đem đổi mạng sống. Vậy thì sao chúng ta không biết ơn, không lễ bái ông thầy, vì nhờ ông ấy, ta có được cơ hội đi vào căn nhà Pháp Bảo? ân đức của người cho ta Pháp mầu giải thoát tối thượng hơn tất cả mọi loại ân đức trên đời này.
Minh Ðức Triều Tâm Ảnh
Huế 1996