Gần đây tôi đọc được trên trang nhà:
http://tongiaovadantoc.com/c1043/20130221170430440/thu-ngo-gui-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam.htm Thư ngỏ gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam của Nguyễn Sâm, và 11 ý kiến của đọc giả trong nước và ngoài nước về Thư Ngỏ này.
Bức thư đi vào các trọng điểm của Ki Tô Giáo nhưng quá xúc tích, ngắn gọn, không lạ đối với những người đã từng nghiên cứu về Ki Tô Giáo, về Thánh Kinh, nhưng tôi e rằng đại chúng không có nhiều người nắm được hết những vấn đề trong đó. Rất khó có hi vọng được Hội Đồng Giám Mục giải thích những thắc mắc của tác giả Nguyễn Sâm. Bởi vì chính các ngài cũng chỉ tin như các con chiên của các ngài, chứ đâu có biết rõ Thánh Kinh viết những gì. Các ngài chỉ được dạy những đoạn chọn lọc lấy ngoài ngữ cảnh trong Thánh Kinh để truyền đạo và mê hoặc tín đồ chứ các ngài có bao giờ làm một cuộc phân tích tổng hợp cuốn Thánh Kinh. Các ngài bị sách lược mê hoặc của giáo hội hoàn vũ nhồi sâu vào đầu óc những điều giáo hội dạy, rồi cứ cha truyền con nối, mê hoặc lại tín đồ bằng huyền thoại “cứu rỗi” của Chúa Giê-su, về một cuộc sống đời đời trên thiên đường sau khi chết, cái mà Mục sư Ernie Bringas gọi là “Một-cái-bánh-vẽ-trên-trời” (A-pie-in-the-sky).
Các ngài không biết rằng trong thế giới Tây phương, chính các bậc lãnh đạo trong Ki Tô Giáo đã không còn tin vào những chuyện lừa dối của giáo hội mê hoặc tín đồ. Điển hình là Linh mục James Kavanaugh đã viết bài Huyền Thoại Cứu Rỗi (The Salvation Myth) trong cuốn Một Linh Mục Hiện Đại Nhìn Vào Cái Giáo Hội Đã Lỗi Thời Của Mình (A Modern Priest Looks At His Outdated Church) [Xin đọc:http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN36.php ]. Về huyền thoại “cứu rỗi” của Giê-su Linh mục Kavanaugh viết:
Đó là một chuyện độc ác không thể tưởng tượng được của thời bán khai (It is a primitive tale of unbelievable cruelty). Tôi chấp nhận sự kiện là Giê-su đã chết, và ngay cả đã bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không thể chấp nhận huyền thoại về cái chết của ông ta là để chuộc tội cho tôi. Huyền thoại “cứu rỗi” trong Tân Ước chỉ là một cách diễn giải. Đó là một huyền thoại của thời bán khai, bản chất của nó giống như những huyền thoại của các dân tộc bán khai ở khắp nơi, nhưng nó hoang đường và ác độc hơn hầu hết các huyền thoại khác (But it is more unbelievable and more cruel than most myths). Tôi không muốn được “cứu rỗi” hay rửa sạch tội lỗi trong máu của bất cứ ai. Tôi được cứu khỏi cái gì?
Tại sao một linh mục lại có thể bác bỏ niềm hi vọng chính của các tín đồ? Bởi vì ông ta là một người lương thiện. Ông ta biết rõ là giáo lý của giáo hội, và ông ta đã từng dạy như vậy cho các con chiên của ông ta trong nhiều năm, là con người cần phải được cứu vì hai lý do: con người sinh ra là mang trên người cái tội “tổ tông”, và con người sinh ra trong tội lỗi, làm mồi cho hàng ngàn cám dỗ dơ dáy đẩy con người lìa xa Gót của họ. Con người phải đối diện với và không tránh khỏi được sự chết. Chỉ có Gót của họ mới cứu được họ. Nhưng trên thực tế, không có con người nào lại tội lỗi, độc ác như chính Gót của họ, và nhất là, với kết quả của khoa học ngày nay mà Tòa Thánh đã phải cúi đầu chấp nhận, thì không làm gì có cái gọi là “tội tổ tông”.
Không chỉ có vậy, Giám mục Tin Lành John Shelby Spong cũng nhận ra vai trò “cứu thế” của Giê-su không còn giá trị trong thế giới ngày nay nên ông ta viết trong cuốn
“Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Thay Đổi Hay Chết” (Why Christianity Must Change or Die), xuất bản năm 1998, một chương về đề tài:
“Giê-su Như Là Đấng Cứu Thế: Một Hình Ảnh Cần Phải Dẹp Bỏ” (Jesus As Rescuer: An Image That Has to Go], http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN37.php, mở đầu bằng câu:
Đôi khi, cái cây chết cần phải đào xới lên và vứt bỏ nó đi để lấy chỗ cho cây mới có cơ hội mọc lên. Đối với câu chuyện về Giê-su, hành động trên (đào xới lên và vứt bỏ) thật là tối cần thiết và cấp bách (vital and urgent). Không có bất cứ một hình ảnh nào dùng để giải thích về nhân vật Giê-su đáng được tồn tại. Hình ảnh hiển nhiên nhất để loại bỏ trong đầu óc tôi có lẽ cũng là cái hình ảnh cổ xưa nhất về mọi diễn giải về Giê-su. Đó là cái hình ảnh của Giê-su như là “đấng thần linh cứu thế” (the divine rescuer).
Tôi không hiểu các ngài trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có biết đến những sự thật này hay không, hay có biết nhưng không dám nói cho tín đồ biết, như Russell Shorto, sau khi tổng kết những nghiên cứu về Giê-su trong Tân Ước của các học giả Tây phương trong vòng 200 năm nay đã viết trong cuốn Sự Thật Của Phúc Âm (Gospel Truth) như sau:
Điều quan trọng nhất là, tác động của quan điểm khoa học ngày nay đã khiến cho các học giả, ngay cả những người được giáo hội Ca-Tô bảo thủ cho phép nghiên cứu, cũng phải đồng ý là phần lớn những điều chúng ta biết về Dê-su chỉ là huyền thoại… Các học giả đã biết rõ sự thật từ nhiều thập niên nay – rằng Dê-su chẳng gì khác hơn là một người thường sống với một ảo tưởng – họ đã dạy điều này cho nhiều thế hệ các linh mục và mục sư. Nhưng những vị này vẫn giữ kín không cho đám con chiên biết vì sợ gây ra những phản ứng xúc động dữ dội trong đám tín đồ. Do đó, những người còn sống trong bóng tối là những tín đồ Ki Tô bình thường.
[Most important, the impact of the scientific perspective is having now that even scholars working under a conservative Catholic imprimatur agree that much of what we know of Jesus is myth… Scholars have known the truth – that Jesus was nothing more than a man with a vision – for decades; they have taught it to generations of priests and ministers, who do not pass it along to their flocks because they fear a backlash of anger.
So the only ones left in the dark are ordinary Christians.]
Rất có thể, vì những lợi ích tinh thần và vật chất cá nhân, các ngài cần nuôi dưỡng trong họ một niềm tin mà từ niềm tin đó họ phải tuyệt đối tuân phục các ngài vô điều kiện, và cũng từ đó mà các ngài có thể ngự trị trên đầu óc của đám tín đồ đáng thương.
Thư Ngỏ của người Công giáo tỉnh ngộ Nguyễn Sâm cho chúng ta thấy trong não trạng, tư duy của một số tín đồ đã thay đổi và dũng cảm đối diện với sự thật. Chúng ta đã biết trước đây đã có những người Công giáo tỉnh ngộ như Charlie Nguyễn, Phạm Hữu Tạo, Gs Nguyễn Mạnh Quang, BS Nguyễn Văn Thọ, Trần Tiên Long và rất có thể có nhiều nữa nhưng còn e ngại không lên tiếng. Hi vọng Thư Ngỏ của Nguyễn Sâm sẽ mở ra một phong trào đi tìm sự thật về các tôn giáo, và giới trẻ không còn e ngại, nói ra những ý nghĩ của mình khi biết đến những sự thật. Nên hiểu rằng, sự thật nằm trong những cuốn Kinh và giáo lý của tôn giáo chứ không phải những chuyện thế tục của một số cá nhân trong tôn giáo.
Bởi vì khi ta nói về chuyện vô đạo đức của vài cá nhân trong tôn giáo thì chúng ta phải đặt câu hỏi: những hành động phi đạo đức, hay những điều mê tín đó bắt nguồn từ đâu, có trong giáo lý, kinh điển của tôn giáo không, chứ không thể lên án một tôn giáo qua hành động của các cá nhân trong tôn giáo đó.
Tôi lấy hai thí dụ đối chiếu. Giả thử có một ông sư có những hành động vô đạo đức, thí dụ như gian dâm, việc này không phải là không có, nhưng chúng ta cần đặt câu hỏi là: chỗ nào trong kinh điển Phật giáo dạy hành động vô đạo đức hay gian dâm. Nếu không có thì hành động của ông sư không liên can gì đến Phật Giáo, vì Phật Giáo, từ kinh điển đến giáo lý không dạy như vậy. Vậy những người toan tính đưa ra một số hành động tiêu cực hay vô đạo đức của một số tăng sĩ Phật Giáo để tổng quát hóa về Phật Giáo, điều mà chúng ta thấy trên vài diễn đàn, là có mục đích đen tối đối với Phật Giáo chứ không phải là tìm hiểu vấn đề trong lãnh vực học thuật.
Mặt khác, trường hợp linh mục đi giết người ngoại đạo, và điều này xẩy ra nhiều trong lịch sử Công giáo qua các cuộc Thánh Chiến , các tòa án xử dị giáo, các vụ tra tấn và thiêu sống phù thủy v…v.., và trong thời cận đại ở Croatia trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Linh mục cắt cổ, thiêu sống người Chính Thống giáo, kể cả phụ nữ và trẻ em, chúng ta cần đặt vấn đề: hành động của những linh mục đó bắt nguồn từ đâu, trong Thánh Kinh có dạy như vậy không. Chúng ta có ngay câu trả lời trong Cựu Ước cũng như Tân Ước là có..
10 thắc mắc Nguyễn Sâm đặt ra cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam rất nghiêm chỉnh và có cơ sở. Tôi tin rằng đó cũng là những thắc mắc, và có thể có nhiều hơn nữa, của rất nhiều người, những người đã biết ít nhiều về Ki Tô Giáo. Tôi cũng đề nghị Nhà Nước cho mang cuốn Thánh Kinh ra Quốc Hội nghiên cứu, phân tích nội dung, và đưa ra một quyết định hợp lý là cuốn Thánh Kinh có hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam không, có nên cho bày bán công khai trong quần chúng không. Giới trí thức và phụ mẫu học sinh Hồng Kông đã làm việc này. Sau đây tôi xin bàn chút ít về thắc mắc số 1 của Nguyễn Sâm:
Các cuốn kinh Cựu Ước lưu hành hiện nay là y như nguyên bản được Giáo hội Mẹ khẳng định là, Chúa Trời đọc cho ông Mai-sen viết từng chữ từng lời nên không bao giờ sai, hay là bị ngụy tạo sửa đổi qua lịch sử như, Hoàng đế Constantine (315-230 CE),trong thế kỷ thứ 4, triệu tập hội nghị viết lại Thánh Kinh theo quan điểm của nhà vua và theo tình hình chính trị, chiếm hữu và duy trì thuộc địa?
Đúng là Giáo hội đã dạy là Moses đã được Gót mạc khải để viết lên 5 cuốn đầu của Cựu Ước thường được biết là Ngũ Kinh. Và sự thực là giáo hội Công giáo có cả một trường phái ngụy tạo (school of forgery) những văn kiện để phục vụ cho những mục đích thế tục của Giáo hội. Vì vậy trong Tân Ước chúng ta thấy chính Chúa Giê-su cũng tin rằng Ngũ Kinh là do Môi-se viết. Mục sư Tin Lành Nguyễn Hữu Ninh cũng tin và giảng: Bộ kinh điển Cựu Ước gồm các phần chính sau đây: Ngũ Kinh Môi-se – Torah: 1. Sáng Thế Ký; 2. Xuất Ai-cập Ký; 3. Lê-vi Ký; 4. Dân Số Ký; 5. Phục Truyền Luật Lệ Ký...
Nhưng cả Chúa lẫn giáo hội đến con chiên đều sai lầm trầm trọng, vì chẳng có cái gì có thể gọi là “Ngũ Kinh – Môi-se”. Chứng minh?
Trước hết, tất cả các học giả nghiên cứu Thánh Kinh, ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Ki Tô, trong đó có Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, một người Công giáo đạo gốc trong 30 năm khoảng thiếu thời, đều đồng thuận ở một điểm: Ngũ Kinh (5 sách đầu trong Cựu Ước) không phải là do Môi-se viết mà là do nhiều người khác nhau, thuộc nhiều môn phái khác nhau, viết trong khoảng thời gian 400 năm, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 6 trước thời đại thông thường ngày nay (B.C.E = Before Common Era), hay Trước Tây Lịch (TTL) trong khi Môi-se sống trong khoảng thế kỷ 13 TTL. Các môn phái khác nhau đó là :
- Môn phái Yahwistic (viết tắt là J) vì gọi Gót là Jehovah.
- Môn phái Elohistic (viết tắt là E) vì gọi Gót là Elohim.
- Môn phái Deuteronomic (viết tắt là D) viết sách Deuteronomy.
- Môn phái Priestly (viết tắt là P) viết sau khi dân Do Thái đi lưu đày (sau 500 TTL).
Thứ nhì, Mục sư Rubem Alves đã đặt vấn đề trong cuốn Protestantism and Repression, trang 63:
Ai viết Ngũ Kinh? Câu trả lời của giáo hội Ki Tô lịch sử cho câu hỏi trên là khẳng định: "Moses viết". Nếu Moses không hề viết Ngũ Kinh (theo những kết quả nghiên cứu của các học giả. TCN)
thì các tông đồ (Paul và John) đã sai lầm khi họ nói rằng Moses viết. Nếu họ sai lầm trong vấn đề này thì làm sao chúng ta có thể tin họ khi họ nói về những vấn đề như thiên đường và đời sau? Nếu Moses không viết Ngũ Kinh thì Giê-su đã nói láo hay sai lầm khi ông ta nói rằng Moses viết. (John 5:46 - Luke 24:27 - Luke 16:31). Nếu Giê-su thực sự không biết ai viết, tuy rằng ông ta nói rằng ông ta biết, làm sao chúng ta có thể tin ông ta được khi ông ta nói những chuyện trên trời?
(Who wrote the Pentateuch? The response of the historical Christian Church to that question is definite: “Moses wrote them”. If Moses did not write the Pentateuch, then the apostles (e.g., Paul and John) made a mistake when they said that he did. If they erred on this matter, how can we believe them when they deal with truths concerning heaven and the future life? If Moses did not write the Pentateuch, then Jesus lied or erred when he said Moses did. If Jesus did not know this, though he said he did know, how can we believe him when he talks about the thing of heaven?
Những kết quả nghiên cứu trên là trong lãnh vực học thuật trí thức, một lãnh vực mới phát triển trong vài thế kỷ gần đây. Cho nên chính giáo hội cũng phải chấp nhận kết quả nghiên cứu này. Và trong lãnh vực này chúng ta thấy có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu rất chi tiết về cuốn Thánh Kinh, về lịch sử Giáo hội Công giáo, về lịch sử các Giáo hoàng, về các tín lý trong Công giáo, và nhất là về nhân vật Giê-su trong Tân Ước.
Tôi nghĩ Thư Ngỏ thiếu một thắc mắc quan trọng:
11. Tại sao giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn lệ thuộc Vatican? Trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chắc chắn là có nhiều vị đạo đức và có trí tuệ hơn những vị ở Vatican, xét đến những hoạt động mờ ám vô đạo đức của giới chăn chiên trong Vatican, những xì-căng-đan gần đây về các linh mục loạn dâm với sự bao che của Vatican, từ giáo hoàng trở xuống, và những phanh phui trong Vatileaks, vậy tại sao cứ phải lệ thuộc vào Vatican. Không đến thẳng được với Chúa hay sao mà phải đi qua ngả Vatican?
Cuối cùng tôi muốn nói đến ý kiến của một độc giả về Thư Ngỏ.Hầu hết đều ca tụng sự dũng cảm của Nguyễn Sâm và tỏ lời tri ân tác giả Nguyễn Sâm. Nhưng có một vị nhắc đến Mục sư Nguyễn Quang Minh và viết khen đề nghị của Mục sư Minh: “Chẳng phải Kinh mà cũng chẳng phải Thánh, Cựu Ước chỉ là cuốn sách Cách trí thời tạo thiên lập địa của người Do thái mà thôi, và ông đề nghị nên bỏ Cựu Ước chỉ theo Tân Ước và Chúa Giê-su.”
Đề nghị của Mục sư Nguyễn Quang Minh là muốn “chạy làng”, áp dụng sách lược “quan sát chọn lựa” (selective observation) và “khẳng định theo thiên kiến” (confirmation bias), vì không có cách nào có thể bỏ Cựu Ước mà chỉ theo Tân Ước. Không có Cựu Ước thì làm gì có Tân Ước. Thứ nhất: Giê-su là con ông Gót ở trong Cựu Ước. Thứ nhì, “Huyền thoại cứu rỗi” về Giê-su cũng bắt nguồn từ Cựu Ước. Cái chết của Giê-su là để “chuộc tội” cho con người, để con người làm hòa với Gót trong Cựu Ước. Không có Cựu Ước thì tất cả câu chuyện về Giê-su trong Tân Ước đều sụp đổ. Và thứ ba, Giê-su sinh ra để hoàn thành những luật của cha ông ta trong Cựu Ước, một vài luật đã được Nguyễn Sâm nêu ra trong Thư Ngỏ. Giê-su khẳng định trong Tân Ước, Matthew 5: 17-18:
Các ngươi đừng tưởng ta đến để phá luật [của Cha ta] hoặc các lời tiên tri [trong Cựu Ước]; ta đến không phải để phá, mà để hoàn thành. Vì ta nói thật cùng các ngươi, cho đến khi trời đất không còn nữa, một chấm một nét cũng không được ra ngoài luật cho đến khi tất cả đều hoàn thành.
Do not think that I came to destroy the Law or the Prophets. I did not come to destroy but to fulfill. For assuredly, I say to you, till heaven and earth pass away, one jot or one little will by no means pass from the law till all is fulfilled.]
Tôi là một Phật tử chính cống, nhưng xin ngả mũ chào người Công giáo tỉnh ngộ Nguyễn Sâm, và mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ còn thấy xuất hiện nhiều Nguyễn Sâm nữa.
Trần Chung Ngọc
Ngày 5 tháng 3 năm 2013.