đậu tương đen hữu cơ

Ý kiến độc giả

11:11 07/05/2012

Niềm tin & hạnh phúc (Chân Hiền Tâm)

(TG&DT) - Tôi nghiệm ra một điều, chỉ khi nào sống lại được với tâm đó, mình mới thật sự yên bình. Bởi sự yên bình đó bắt nguồn từ trong chính mình. Nó không lệ thuộc vào con người và thế giới bên ngoài, một thế giới với những hoàn cảnh, hiện tượng và con người rất dễ thay đổi.

Có quá lắm không khi tôi nói với các bạn rằng niềm tin chính là hạnh phúc, trao cho ai niềm tin chính là trao cho người đó hạnh phúc?


Khám phá ra hạnh phúc


Tôi lấy chồng 30 năm. Đủ thứ mặn ngọt chua cay ở đời. Không phải chỉ với đời, với người chung quanh mà ngay cả với chồng. Phật nói sống được với nhau nhất định có cái gì giống nhau, gọi là đồng nghiệp. Phật nói thì nhất định đúng. Nhưng cái thời chưa biết đạo, tôi và anh hình như chẳng có thứ gì như nhau. Tôi lãng mạn ướt át. Anh thực tế khô khan.


Tôi muốn những ngày lễ, anh tặng tôi một thứ gì đó thơ mộng, một nhành hoa, một quyển sách … nhưng anh chẳng bao giờ quan tâm đến những ngày lễ. Vì lễ thì một năm chỉ có vài lần, trong khi phải có một thứ gì đó cho tôi khi anh về nhà lại là thói quen muôn thuở của anh. Vì thế quà thì vô số nhưng thường thì một gói cốc, một miếng bánh mì, hay một bịt kẹo, cho phù hợp với một con người đơn giản và thực tế : Có thực mới vực được đạo. Có lẽ, tôi không thể nói yêu anh khi bụng kêu ột ột. Ừ, thực tế thế cũng tốt.


Suy tư cũng không như nhau. Mỗi lần có việc xảy ra, hai đứa cải nhau nhiều hơn là thuận. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Nhưng thuận thì ít mà nghịch thì nhiều. Tôi muốn để cái ghế bên này, anh lại muốn để nó bên kia. Tôi kỹ tánh, anh thì không. Thường nếu thuận là do một ổ bánh mì, anh thích ăn đầu này, tôi thích ăn đầu kia. Nhờ đó thành thuận. Thuận vì không phải giành giựt hay tranh cãi.


Sống như thế không thể gọi là hạnh phúc. Đó nhất định không phải là tiêu chuẩn hạnh phúc của lớp trẻ bây giờ. Nhưng ai hỏi tôi: “Mày có hạnh phúc không?” Tôi luôn trả lời có. Không phải tôi muốn che đậy. Tôi nói một cách rất thực lòng. Nhưng lý do, phải đến giờ này, sau 30 năm, tôi mới hiểu ra. Lý do? Đó là niềm tin. Tôi thấy hạnh phúc vì anh cho tôi niềm tin. Đơn giản chỉ là thế …


Chị hỏi tôi: “Nếu ai đó nói với em thằng Q đang lăng nhăng, em làm sao?”


Tôi khẳng định: “Ngay lúc này, chuyện đó không có”.


Chị hỏi vặn: “Em tin chồng vậy sao?”


Tôi gật đầu.


Chị hỏi tiếp: “Em tin chồng hay tin vào khả năng của em?”


“Tin chồng”.


Không phải chỉ ở chuyện tình cảm, chuyện tiền bạc cũng thế. Tôi luôn cảm thấy an lòng về anh. An lòng là nền tảng để có hạnh phúc. Có thể một tháng nữa, một năm nữa hay hai năm nữa, mọi thứ không còn như hiện nay. Đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Đủ duyên thì hợp, hết duyên liền tan. Một khi duyên đã hết, sẽ có rất nhiều sự cố xảy ra giúp cho cái duyên ấy tan rả, mình không nói trước được. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Chuyện hiện tại là tôi có niềm tin với chồng. Niềm tin đưa đến sự an lòng. Đó chính là hạnh phúc. Dù hạnh phúc đó chỉ là hạnh phúc duyên hợp ở thế gian. Nó không bền vững và chưa chắc đã dài lâu.


I. Tin vào đấng tối cao


Niềm tin mang đến sự an lòng, có lẽ vì thế mà chúng ta, đa phần đều có một đấng tối cao để tin.


Thế giới này là một thế giới đầy dẫy sự bất trắc, một cuộc sống không phải khi nào cũng theo ý mình v.v… Đó là điều mà ai cũng phải công nhận. Có những thứ mình cảm thấy vượt ngoài tầm tay của mình. Mình cảm thấy nhỏ nhoi và bất lực trước thế giới rộng lớn này. Đó là việc khiến ta phải đặt niềm tin vào một đấng tối cao. Bắt buộc là thế. Tôi tin Phật. Bạn tin vào đức Chúa trời v.v…. Niềm tin ấy khiến ta thấy vững lòng và an ổn. Ngay lúc an ổn đó ta có hạnh phúc.


Tôi không biết ở các đạo giáo khác thì sao, nhưng với đạo Phật, tin Phật không chỉ là mang hương hoa phẩm Phật đến cúng dường và cầu xin ngài ban phước. Tin Phật là tin rằng Phật có mặt khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có Phật … Nhưng muốn tiếp giáp được với ngài, chúng ta phải có một đời sống tâm linh tương ưng. Tương ưng nói đây, không đòi hỏi phải tương ưng trên toàn bộ, mà tương ưng trên từng niệm. Niệm nào, tâm bạn tương ưng với Phật, niệm đó bạn cảm ứng được với chư Phật, bạn nhận được sự hộ trì của chư Phật. Nếu tương ưng trên toàn bộ, bạn chính là Phật.


Muốn vậy chúng ta phải thực hành những gì Phật đã dạy. Tin Phật ta phải tin vào Tăng bảo và Pháp bảo. Tin Tăng bảo vì Phật không còn ở hiện đời, phật tử cần nương vào tăng để học hỏi và hiểu biết Pháp bảo. Pháp bảo, cạn là kho tàng giáo lý vô giá mà đức Phật để lại. Sâu chính là pháp thân của chính ta. Cho nên, tin Tam bảo cuối cùng cũng chính là để tin vào Pháp bảo. Tin để học hỏi. Học hỏi để thực hành. Thực hành để chứng nghiệm. Chỉ khi chứng nghiệm được những gì Phật đã dạy, như ngài Hàm Thị nói trong kinh Lăng Già Tâm Ấn: “Kinh Anh Lạc nói: ‘Chưa qua đạo đế khiến qua đạo đế …” ta mới là người bình an thật sự trong thế giới này. Tùy sự thực hành nhiều hay ít mà ta có sự an bình ít hay nhiều.


II. Tin Pháp


Tin pháp là tin vào những gì Phật đã nói trong kinh. Phật nói rất nhiều, dạy rất nhiều, nhưng đa phần tập trung khai mở để ta biết : Qui luật Nhân Duyên Nhân Quả đang chi phối thế giới này, rồi ứng dụng qui luật đó dạy người đời thoát khổ.


1. Tin Nhân duyên - Nhân quả :


Nhân duyên cũng là nhân quả, nhưng nó diễn bày đầy đủ và chi tiết hơn Nhân quả.


TIN NHÂN DUYÊN là tin mọi sự mọi vật trong thế giới này, đến và đi, được và mất v.v… đều có nhân duyên của nó. Không có gì tự nhiên mà có cũng như ngẫu nhiên mà mất.


TIN NHÂN DUYÊN là tin nhân dù giống nhau, nhưng nếu duyên khác đi thì quả cũng sẽ khác đi. Không nhất thiết nhân như thế sẽ đưa đến quả như thế . Như cùng làm một việc xấu mà người làm nhiều việc thiện sẽ có quả báo khác với người ít làm việc thiện hơn.


TIN NHÂN QUẢ là tin bất cứ một sự vật hay một hiện tượng nào xuất hiện ở thế gian đều bắt nguồn từ một cái nhân. Nói dễ hiểu, tin nhân quả chính là tin “Ở hiền gặp lành. Gieo gió gặt bão”.


TIN NHÂN DUYÊN là tin dù lỡ gieo gió rồi, mà chịu thay đổi, không gieo gió nữa thì bão sẽ giảm hoặc ngừng. Đại khái là vậy.


Niềm tin có thể bị phai lạt nếu có gì đó nghịch lý xảy ra trong đời sống của mình. Như thấy người tàn ác giàu có, người lương thiện lại nghèo hèn v.v... Nhưng nếu hiểu được Nhân quả rõ ràng và chứng nghiệm được nhân quả trong đời sống của  mình thì ta sẽ tin vào nhân quả nhiều hơn dù nghịch lý có xảy ra trước mắt. Niềm tin đó sẽ giúp ta tìm thấy sự an bình trong cuộc sống. An bình chính là hạnh phúc.


Thời còn lang thang ngoài chợ, có những ngày hàng ế kinh khủng. Ngày ấy niệm Phật thì biết rồi, nhưng Phật dạy làm gì để đời sống ta được vui vẻ hạnh phúc thì quả tình không biết gì hết. Không biết chút gì về kho tàng giáo lý mà Phật để lại cho hậu thế. Có điều, hễ khi nào ế mà đem tiền cho thiên hạ hay cúng dường Tam bảo thì ngày hôm sau tiền vô gấp đôi. Có những việc tính bỏ không làm. Nó cũng bắt mình làm cho được, để nhận lại cái quả đã gieo. Việc đó không chỉ xảy ra một hai lần để nói là ngẫu nhiên. Nó được lặp đi, lặp lại thường xuyên, khiến hình thành trong đầu mình một suy nghĩ: “Cho ra thì có lộc vô”. Thế là nó trở thành một loại định kiến trong đời sống của mình. Hễ khi nào không có tiền là nghĩ: “Cái nhân bố thí cúng dường của mình cạn rồi. Cần phải gieo tiếp”. Thấy ai nghèo khó cũng khuyên người ta bố thí cúng dường …


Sau này đến chùa, đọc học kinh sách của Phật mới biết Phật dạy: “Bố thí là nhân, giàu sang phú quí là quả”. Người tàn ác mà thấy cứ giàu có hoài là do cái nhân bố thí họ làm hoài. Ác gì ác, nhưng riêng cái nhân này vì được gieo liên tục nên nó trở thành một loại định nghiệp, vì thế họ cứ giàu mãi. Riêng cái nhân làm ác khi nào đủ duyên nó sẽ trổ quả. Hiện nay mình thấy có những con thú được thừa kế những gia sản kết sù cũng là một trong các dạng nói đây. Giàu có như thế thì cũng chẳng để làm gì!


Nếu sự giàu có chỉ là một loại bất định nghiệp, thì sự tàn ác sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cái quả giàu có kia v.v… Nhân quả chi li chuyển hóa rộng khắp, nói không thể hết. Đây chỉ nêu sơ sơ để hiểu mà có niềm tin với nhân quả.


Cho nên, làm ác hay hành thiện mà được quả báo liền tay là một trong những cái phước của mình. Nó giúp mình hiểu nhân quả thế nào. Niềm tin vào nhân quả của mình sẽ vững vàng hơn.


Tin vào Nhân quả thì :


1. Bình an  hơn với những được mất ở thế gian : Mọi thứ đều có nhân có duyên của nó. Đã gầy tạo nhân thì đủ duyên sẽ có quả để lãnh. Không gầy tạo nhân, thì dù đủ duyên bao nhiêu, quả cũng không đến với mình. Đây là lý do vì sao trong cùng một chuyến xe, mà khi gặp nạn, người thì không sao, người thì chết, người lại bị thương. Chẳng qua vì mỗi người đều có nghiệp riêng của mình. Ai gieo nhân nào thì có lại cái quả đó.


Biết vậy rồi, thì việc của mình chỉ là nghĩ thiện và làm thiện, không phải ngồi đó để lo. LO, chỉ làm cho sự việc xấu hơn. LO lại khiến đời sống của mình không hạnh phúc. Không phải lo lắng trong thế giới đầy bất trắc này là một thứ hạnh phúc rất lớn trong đời sống của mình.


2. Bình an hơn với chuyện thị phi : Chuyện thị phi là chuyện phải trái ở thế gian. Có nhiều chuyện ở thế gian khiến mình phải mất bình yên : Một đứa bé bị mẹ đánh đến trọng thương. Đứa thì bị quăng trong rừng khiến mất hẳn bộ phận sinh dục v.v… Đủ thứ chuyện trên đời khiến mình phải bức xúc, khó chịu.


Nắm được nhân quả, mình sẽ bình an hơn với những việc như thế. Mọi thứ đều có nhân duyên. Như những người hiện nay đang thực hành những việc đó, chính là họ đang gieo cái nhân để gặt những cái quả tương tự như thế trong tương lai. Những đứa bé kia cũng như thế, cũng từng gây cái nhân không tốt trong quá khứ, nên bây giờ mới bị như thế. Nói vậy, không phải là khuyên chúng ta bỏ mặc mọi thứ hay chỉ trích người bị nạn. Không phải. Phân tích là để người trong cuộc hiểu nhân quả, tránh không gây tạo những nhân ác. Người ngoài cuộc thì nên làm những gì có thể làm để giúp đỡ mà không khởi tâm bực bội, oán giận, nguyền  rủa, là cái nhân của ba đường dữ.


Với những chuyện thị phi, mà nhân vật chính là người thân của mình, thì việc hiểu nhân quả lại càng cần thiết. Hiểu biết đúng đắn, mình mới có định tỉnh, biết cái gì cần làm, biêt cái gì không nên làm.


Con gái mình làm đầu tắt mặt tối, nhưng được bao nhiêu cũng mang “đóng hụi chết” cho thiên hạ. Không hiểu nhân quả, mình sẽ bực bội, đau lòng rồi chửi con mình ngu v.v… Hiểu nhân quả thì mình bình an, vì biết mọi thứ đều có nhân duyên của nó. Có những nợ nần trong quá khứ cần phải thanh toán với nhau thì mới êm xuôi yên lòng. Hết nợ thì mọi thứ sẽ đâu vào đó. Cái mình có thể khuyên, là đừng để những việc như thế ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nó. Cũng khuyên nó “Đã không thể không cho thì nên vui vẻ mà cho, để nợ nần được thanh toán ngọt ngào, phước báu nếu có cũng thành đầy đủ” v.v… Nghĩa là, thứ gì thuộc đạo đức thì khuyên. Thứ gì không thuộc đạo đức thì thôi, không nên làm. Đừng để cái tôi và cái của tôi làm mờ ám tâm trí rồi khuyên con hành xử không đúng pháp.


Có người hỏi tôi: “Nghe nói đang rất phiền não về chuyện con dâu tranh giành nhà cửa hả?”. Cha, một dạng thị phi mà nhân vật chính lại là mình.


-  Chuyện đó nghe từ đâu?


- Từ một người tu hành chân chính, họ nói họ biết bà rất rõ.


Mô Phật! Trong đời, dễ có những chuyện như thế xảy ra. Không một chút khói mà vẫn có lửa mới ghê. Lại còn từ một người tu hành chân chính nữa mới dễ tin dữ! Không tỉnh thì mình sẽ nổi khùng, nước mắt đổ tá lã hay miệng sẽ hoạt động tích cực. Có người đã tự tử vì việc “không” hóa “có” này rồi.


Hiểu nhân quả rồi thì biết không có chuyện gì không có nhân duyên. Có rất nhiều nhân duyên để sự việc ấy xảy ra :


1/ Quá khứ mình cũng từng bịa chuyện và nói không đúng sự thật nên bây giờ có cái quả như thế.


2/ Vô tình tiếp tay truyền đi những tin đồn nhảm loại như thế, nên bây giờ bị quả báo.


Hai trường hợp trên, xét vào mình mà thấy có, thì thôi buồn phiền gì nữa mà không cười trừ.


3/ Đố kỵ, đụng chạm về quyền lợi v.v…


4/ Mình làm gì đó đụng đến ngã tướng của thiên hạ nên thiên hạ ghét, dựng chuyện lên nói cho bỏ đời. Cũng là một loại nhân quả mà mình phải chịu, phải chấp nhận khi làm việc. Công đức toàn mãn như Phật, lời nói nhu nhuyến như Phật còn không tránh được người phỉ báng vu cáo, huống là mình?


Thế giới này là như thế. Thứ gì cũng nằm trong thế tương đối. Vì thế, khi làm việc, mình chỉ có thể chọn phương án đỡ xấu nhất, không thể chọn cái toàn triệt. Đó là qui luật tất yếu ở cuộc đời này. Sống tà, bị thiên hạ ghét đã đành, nhưng chỉ ra cái tà cho thiên hạ biết mà tu, cũng bị ma tà ghét bỏ chứ không đơn giản. Thành ra, đã không làm thì thôi, còn đã làm thì ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng. Bị ảnh hưởng mà bình thản được thì nội lực thâm hậu, mất gì đâu mà sợ. Như gỗ quí chỉ có ở núi cao cứng chắc, còn ở đồng bằng chỉ có loại lúa thướt tha ẻo lã, đụng vào là gãy. Thành không có gì phải sợ mà không dám làm. Việc quan trọng là mình có bình thản được với những thứ như thế không thôi.


Như cái màn viết lách này, đụng chạm không phải ít. Cũng là chuyện bình thường thôi! Cái gì phù hợp với tâm thức và chỗ đứng của người thì người khen. Cái gì không phù hợp với tâm thức của người, dù cái đó có đúng với lý Phật nói chăng nữa, vẫn bị chê. Thành cùng một người, mà trước khen sau chê hoặc trước chê sau khen. Cùng một cuốn sách mà người thì khen, kẻ lại chê. Chỉ là chuyện thường ngày ở thế giới Ta bà. Đã có khen, ắt có chê. Đã có thương, ắt có ghét. Duyên khởi là thế. Không có chuyện một người khen thì tất cả đều khen. Một người chê thì tất cả đều chê. Thành cắm đầu cắm cổ chạy theo ba cái chê, khen, thương, ghét, là rất … rồ.


Lục Tổ dạy :


Thương ghét chẳng bận lòng
Duỗi thẳng hai chân ngủ


Câu này hay dữ lắm! Không cần phải hết đời mới có thể chiêm nghiệm được cái hay của câu nói đó. Chỉ cần một hai chuyện để so sánh là đủ để thấy câu nói đó tuyệt vời thế nào. Muốn hạnh phúc thì phải thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn được - mất, ưa - ghét kia. Thoát ra càng nhiều thì càng khỏe nhiều. Bình an và hạnh phúc càng nhiều.


Cho nên, đụng thì đụng mà viết thì vẫn viết. Cái gì cần viết thì viết. Cứ thẳng lưng mà viết chẳng có gì để bận lòng. Người đọc sách mình mà không có chữ nào vô đầu thì chịu, coi như không có duyên. Còn đọc mà bực đến nỗi phải mang sách ra treo tòn ten trước cửa như một kiểu “Cảnh cáo cho nó biết mặt”, thì biết mình có duyên với người đó sâu dày. Không phải chỉ mới đời này mà nhiều đời về trước đã có nhân duyên với nhau. Vô duyên thì chịu, chứ đã có duyên, dù nghịch bao nhiêu cũng có ngày thành thuận. Có gì đâu để bận lòng.


- Bình an nhờ sống thiện và làm thiện : Tin vào nhân quả thì mình sẽ sống thiện và làm thiện. Đó là điều chắc chắn. Sống thiện và làm thiện thì tâm hồn thảnh thơi, nghiệp xấu cũng giảm bớt, đời sống từ từ ổn định và tốt đẹp.


Làm việc thiện mà thấy không vui, vì mình để cái ngã của mình chi phối suy nghĩ và hành động của mình. Còn làm thiện đúng cách luôn mang đến niềm vui cho mình.


2. Tin mình có pháp thân thường trụ : Tin mình có pháp thân thường trụ là tin mình có đầy đủ đức tướng và trí tuệ của Như Lai. Cái này Phật nói ai cũng có, dù là người hay loài vật, dù là đạo Phật hay Thiên Chúa v.v… tất cả chúng ta đều có khả năng đó của Phật. Nhưng Phật thì dụng được nó mà mình thì không, vì mình mê mua bán, mê tiền, mê tình, mê tranh cãi v.v… đủ thứ mê. Mê các thứ đó nên người ta gọi mình là người mê. Mê nên không dụng được của hồi môn của mình như Phật


Ngày còn lang thang ngoài chợ, ngoài cái khổ đi sớm về khuya, còn có cái khổ bất an khi hàng lên hàng xuống, cái khổ buôn bán ế ẩm và một cái sợ … không nói ra đây được. Không ế ẩm thì căng thẳng. Căng thẳng nên đụng đâu cũng chửi. Cứ thế mà sống hòa bình với tham sân. Cứ như nó là chính mình. Đủ thứ cực khổ và lo lắng mà không biết.


Song làm mà thấy tương lai sáng lạng, thì cực bao nhiêu cũng không thấy cực. Đằng này, mất phương hướng! Đó là thứ mà tôi nghĩ chẳng có gì đáng sợ hơn trong cuộc đời mình. Người ta tự tử cũng vì đó. Bởi không tìm thấy lối thoát thì chết cho rồi chứ sống chi nữa.


Đang làm ăn ngon lành, sao nói không thấy lối thoát? Bởi nghiệm ra một điều : Mọi thứ vô thường. Hôm nay tiền còn đầy túi, ngủ dậy một đêm đã hết sạch. Cứ thế không phải một lần mà hai lần, ba lần. Nhưng để có tiền, có khi mình phải gây nghiệp. Trong cái vui chừng như ủ sẵn cái mầm khổ nạn. Trong cái mình được, có khi chứa đựng sự đau khổ của kẻ mất v.v... Nhân quả lại rành rành trước mắt, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ mình cho đến người, mọi thứ như bày hiện. Cái đáng sợ nhất là một khi đã đút đầu vào đó thì như con thiêu thân, thấy hơi tiền là mê, quên hết mọi chuyện. Khổ nạn chính từ đó mà ra.


Thế là người cứ rủ xuống như tàu lá chuối, không còn tinh thần để làm ăn. Cứ thế mà ngày qua ngày, sống trong dật dờ lo âu mà không biết cách nào để thoát ra và bám víu …


Trong lúc tuyệt vọng đó, vớ được cuốn kinh Pháp Bảo Đàn của Sư ông. Nó là pháp bảo của thiền tông. Ngày đó tôi có thể đọc được toàn bộ những gì kinh đã viết nhưng hiểu thì chỉ hai chỗ. Một, Tổ nói mình có cái tâm maha, nếu sống lại được với tâm đó thì mình sẽ không còn lo âu sợ hãi nữa. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mình cũng vẫn cứ an vui bình yên. Hai, Tổ nói người tại gia vẫn tu được. Nếu chịu tu thì vẫn có thể sống lại được với tâm đó. Ô la la, còn gì sung sướng bằng!


Tôi giống như kẻ sắp chết gặp thuốc tiên. Cảm giác lúc đó không thể diễn tả. Phải nói niềm tin mang an vui và hạnh phúc lại cho mình. Chỉ mới tin mình có cái tâm đó thôi, đã thấy mọi thứ hồi sinh. Nhưng từ tin đến khi sống được ít nhiều với nó là cả một chặn đường rất dài, huống là sống được hoàn toàn? Nhưng  niềm tin đã có, tức hướng đi đã định, thì dù cực khổ bao nhiêu, mình vẫn cảm thấy hạnh phúc.


Tôi nghiệm ra một điều, chỉ khi nào sống lại được với tâm đó, mình mới thật sự yên bình. Bởi sự yên bình đó bắt nguồn từ trong chính mình. Nó không lệ thuộc vào con người và thế giới bên ngoài, một thế giới với những hoàn cảnh, hiện tượng và con người rất dễ thay đổi. Và … một khi mọi thứ đã đủ duyên để thay đổi mà mình cứ muốn nó không thay đổi, thì không thể nào tránh khỏi khổ đau.


Phải sống lại được với tâm đó, để mọi thứ đến và đi mà mình không đến đi, mọi thứ sanh rồi diệt mà mình không sanh diệt. Không đến đi không sanh diệt mà vẫn đến đi vẫn sanh diệt . Đó chính là niết bàn của người tu …


Chân Hiền Tâm

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp