Về phương diện thiện căn, cố nhiên “nghiệp” không ăn được cá thịt là một nghiệp lành. có thể do cháu đã huân tập hạnh ăn chay trong nhiều đời trước nên hiện tại dù không ý thức nhưng vẫn giữ được những thói quen cũ. Tuy nhiên, ăn chay chỉ là cách nuôi dưỡng và thể hiện lòng từ
HỎI:
Con của tôi không biết vì lý do gì mà từ khi biết ăn không thể ăn cá thịt nhưng ăn được tất cả các thực phẩm chay. Tôi là Phật tử nên tìm hiểu kinh sách và có người giải thích là căn chủng của cháu như vậy cũng tốt, ăn chay từ nhỏ sẽ hiền lành, có thiện căn nhưng tôi sợ cháu suy dinh dưỡng và kém thông minh… Tuy tôi có tập cho cháu ăn cá thịt nhưng không thể vì ngửi mùi là lắc đầu mà ăn vào thì nôn mửa. Dù cháu không bụ bẫm những vẫn phát triển bình thường, thế nhưng tôi cứ lo. Xin cho tôi những lời khuyên.
ĐÁP:
Việc trẻ em dị ứng với cá thịt tuy không nhiều nhưng không phải là hiếm. Có thể do đặc điểm cơ thể của cháu dị ứng hoặc chưa quen mùi, vị các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Đa phần sau một thời gian làm quen các cháu sẽ ăn được nhưng cũng có vài trường hợp phải đợi đến lúc lớn lên mới có thể thích nghi, cá biệt có vài người không thể thích nghi nên ăn chay suốt đời. Tất cả các biểu hiện của trẻ trong hiện tại phản ánh rõ nét tập khi của chúng. “Ngửi mùi cá thịt thì lắc đầu mà ăn vào thì nôn mửa” chứng tỏ cơ thể cháu không thể hấp thụ và trong tâm ý không ưa thích.
Đối với vấn đề dinh dưỡng cho cháu khi không ăn được các thức ăn động vật, theo chúng tôi, rất đáng quan tâm vì trẻ cần nhiều dưỡng chất để phát triển.Hiện tại có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em ăn chay.
Trước hết là chỉ số thông minh IQ, theo sách Food for Life của Neal Barnard, các nghiên cứu và đo lường chỉ số thông minh của trẻ em ăn chay đều trên mức trung bình(116). Vì thế, không có gì phải lo lắng về ảnh hưởng trí thông minh khi trẻ con ăn chay. Bởi những thực phẩm dinh dưỡng cao, cần thiết cho sự thông minh không phải cá thịt mà chính là lúa mạch, đậu nành, cà rốt, rong biển, mè, cam, chanh, quýt, bưởi và mật ong v.v… Về sự phát triển cơ thể, các nghiên cứu cho thấy trẻ em ăn chay ban đầu phát triển chậm hơn, nhưng sau đó sẽ phát triển nhanh, bắt kịp với tầm vóc của các trẻ ăn uống bình thường.
Theo nghiên cứ của American Dietetic Association (DDA),việc ăn chay rất lành mạnh và có đủ chất bổ dưỡng khi được hoạch định đúng cách. Vì thế, xây dựng một thực đơn về dinh dưỡng cho trẻ là việc cần làm. Bạn cần đưa cháu đến các trung tâm dinh dưỡng để được các nhà chuyên môn hướng dẫn cụ thể, nhất là về các thức ăn thực vật có chức năng thay thế các thức ăn động vật. Đơn cử như chất đạm có nhiều trong đậu nành, rau đậu, các loại hạt, trứng và sữa…
Trong khi tập cho con bạn làm quen với mọi thức ăn, tuyệt đối với bạn không nên ép buộc quá khắt khe. Vì một khi cơ thể và tâm lý chưa sẵn sàng tiếp nhận thì mọi sự áp lực chỉ có tác dụng ngược lại. Mặt khác, bạn cần cho cháu ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng mà không gây “dị ứng” như trứng và sữa đồng thời từng bước tiếp xúc và làm quen dần với các thức ăn động vật. Sau một thời gian dài thì cháu sẽ thích nghi được với mọi loại thực phẩm.
Đối với trẻ em, theo Phật giáo, việc tập ăn chay (trong những ngày trai) là cần thiết để trau dồi đạo đức, tăng trưởng lòng từ nhưng tối cần vẫn là sự phát triển thể chất và tinh thần bình thường.
Về phương diện thiện căn, cố nhiên “nghiệp” không ăn được cá thịt là một nghiệp lành. có thể do cháu đã huân tập hạnh ăn chay trong nhiều đời trước nên hiện tại dù không ý thức nhưng vẫn giữ được những thói quen cũ. Tuy nhiên, ăn chay chỉ là cách nuôi dưỡng và thể hiện lòng từ, đa phần những người ăn chay từ nhỏ sẽ hiền lành hơn, song để khắc phục tính ác nơi con người thì ăn chạy chỉ trợ duyên, không phải là nhân tố quyết định.
Theo Tổ tư vấn/GiacNgo.Vn