Tập thơ này, được hoàn thành vào dịp cả nước kỷ niêm ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, gồm năm Chùm thơ với tựa đề: “Học Đạo”; “Bụt Nơi Ta”, “Chân Như”, “Diệu Giác” và “Vô Vi”; mở đầu với bài “Thiền Duyệt” và chia tay với bài “Thời Gian”.
Mỗi Chùm thơ đều chia làm 3 Cặp thơ, như mỗi ngón tay có 3 đốt (đầu, giữa và cuối), để dễ nhớ xin gọi là: cặp Khai, cặp Giải và cặp Kết. Mỗi Cặp chỉ có 2 hoặc 3 bài thơ ngắn. Cặp 2 bài gọi là “cặp đôi” hoặc “cặp đối”, cặp 3 bài gọi là “cặp bình hòa” hoặc “cặp chân vạc”. Như vậy, mỗi Bài thơ không thể tách khỏi các bài khác trong cùng một cặp thơ. Mỗi Cặp thơ không tách ra khỏi Chùm thơ. Mỗi Chùm thơ lại liên kết với bốn Chùm thơ kia thành đủ… “năm ngón tay” nhịp nhàng trong một “bàn tay Phật pháp”. Bàn tay Phật pháp lại buông nắm thảnh thơi, tùy duyên mà… điều phục tâm ý cùng đãi người tiếp vật.
Phật pháp vốn không lời. Ngôn từ đặt ra chỉ là phương tiện mô tả hay chuyển tải nhận thức (một cách gần đúng hoặc sai) về đối tượng. Bởi “Khai quyền thì phương tiện có muôn pháp, hiển thật thì hội ngộ về một tâm”; “Diệu lý của Phật pháp chẳng dính dáng gì đến văn tự ngôn ngữ, bặt hết mọi hý luận, bản tế trong lặng tròn đầy, ba đời chư Phật cuối cùng đành ngậm miệng không lời, nhiều đời chư tổ rốt ráo cũng im hơi lặng tiếng. Nên Đức Thế Tôn giơ cành hoa chỉ cho đại chúng, ngài Ma-ha-ca-diếp khế hội mỉm cười, thầy trò bốn mắt nhìn nhau, huệ nhãn chiếu sáng lẫn nhau, thầm lặng ấn tâm, phó pháp truyền y nối vị Tổ” (trích lời Thiền Sư Chân Nguyên).
Những bài thơ này thường sinh ra bất chợt, như cảm tác từ nội tâm thấm ít nhiều Pháp vị, nên tạm gọi là “thơ thiền”; lại dùng nhiều “pháp ngữ” của nhà Phật để biểu đạt, nên hẳn còn có nhiều chỗ cần chú giải, kính mong quý độc giả lượng thứ và góp ý.
Tác giả hoan hỷ xin được chuyển tập thơ nhỏ này đến các Phật tử cùng các bạn yêu thơ gần xa.