Vừa qua, vào lúc 14 giờ 30 ngày 25/2/2012, Pháp sư Hoài Thiện - trụ trì chùa Bảo Tích, Giang Tây, Phương trượng nhiệm kỳ đầu chùa Trung Hoa - Nepal, kiêm Phó Thư ký Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, nhận lời cung thỉnh của tín chúng cư sĩ quang lâm Hội Quán Văn Hóa Từ Duyên Phước Huệ - Bắc Kinh, chia sẻ tỉ mỉ về chùa Trung Hoa Lâm Tì Ni Nepal - quê hương của đức Phật.
Buổi nó chuyện này do bà Đồng Phượng Anh - Tổng Cán sự trang http://www.fjnet.com chủ trì.
Trước hết, Pháp sư Hoài Thiện chia sẻ với mọi người từ cách tiếp xúc Phật pháp, nhận thức Phật pháp cho đến nhân duyên xuất gia làm Tăng. PS Hoài Thiện nói, PS tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Quảng Tây vào thập niên 60, năm 1985 đảnh lễ Pháp sư Bửu Đàm (1925-15.9.2008) - chùa Thượng Phong làm thầy, và thọ giới cụ túc cùng năm dưới sự giám sát của Trưởng lão Bổn Hoán, Trưởng lão Nhất Thành và Trưởng lão Phật Nguyên.
Xét thấy PS Hoài Thiện có khả năng về mặt kiến trúc, thiết kế tự viện, cho nên vào năm 1995, PS được Hiệp hội Phật giáo TQ vời đến thiết kế cải tạo Tháp viện và địa cung tháp Phật Nha. Năm 1996, được phái đến Nepal, tham gia công tác thiết kế xây dựng chùa Trung Hoa. Tháng 5 năm 2000, Pháp sư Hoài Thiện được Cục sự vụ Tôn giáo Quốc gia và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc bổ nhiệm làm Phương trượng nhiệm kỳ đầu chùa Trung Hoa - Nepal.
Pháp sư Hoài Thiện nói, Lâm Tì Ni Nepal là nơi Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, cũng là cái nôi văn hóa văn minh của nhân loại. Đồng thời Nepal cũng là láng giềng hữu hảo của Trung Quốc. Báo đáp ân Phật, hoằng dương chánh pháp, chấn hưng nơi đức Phật đản sinh, đó là trách nhiệm chung của cộng đồng Phật giáo Trung Quốc. Năm 1986, Đức Ban Thiền Erdeni Kat Gyaltsen - Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo TQ, Phó Ủy viên Hội Ủy viên thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, đại biểu Chính phủ TQ và Phật giáo Trung Quốc, nhận lời kiến lập một ngôi tự viện Trung Quốc tại Lâm-tì-ni. Sau đó, cố Hội trưởng Triệu Phác Sơ đặt tự hiệu ngôi tự viện này là "chùa Trung Hoa".
Tháng 5 năm 1995, sau khi điều tra, HHPG TQ đã biết Pháp sư Hoài Thiện góp nhiều công sức vào việc thiết kế thi công ngôi tự viện này, bèn cùng với Hội trưởng Triệu Phác Sơ đích thân thẩm tra và quyết định vời PS Hoài Thiện về công tác trong HHPG TQ, bố trí cho PS hai nhiệm vụ quan trọng, một là duy tu (sửa chữa) địa cung tháp Phật Nha và bao gồm thiết kế trang tàng; hai là thiết kế phương án và xây dựng chùa Trung Hoa - Nepal. Từ đó, Pháp sư Hoài Thiện chính thức kết duyên với chùa Trung Hoa.
(Trang Tàng (装藏): khi thiết kế địa cung chừa một khoảng trống, đợi lúc khai quang, vị trụ trì và những bậc cao tăng đem các thánh vật đã gia trì như kinh chú, xá lợi, bột xá lợi, đất, nước, hoa cỏ thất trân bát bảo, ngũ cốc, cam lộ hoàn, ma ni hoàn cùng những loại kim thuộc... để vào địa cung phong kín lại - Theo Baidu)
Thời tiết ở Nepal rất xấu (nhiệt độ cao nhất có khi đạt đến 54 độ), giao thông lại bất tiện, thiết bị viễn thông cũng không tiên tiến... , lúc đầu khi thiết kế tự viện ai cũng đều biết rõ việc này. Tuy đối mặt với nhiều điều bất lợi, nhưng Pháp sư Hoài Thiện vẫn kiên quyết qua lại chùa Trung Hoa, mỗi lần đi là 16 năm. Khi nói đến điều này, nụ cười hiền lành luôn nở trên nét mặt của PS Hoài Thiện, PS nói, đức Phật nhập niết bàn đã hơn 2500 năm, có thể ngày nay của hơn 2500 năm sau nữa, mình không thể đoán được Phật pháp, tự viện như thế nào. Nhưng bây giờ, tự mình được đổ sức lực ra vì Phật, thật là đáng quý, đáng trân trọng biết bao !
"Sanh ra trước Phật hay sau Phật cũng đều là một cái nạn", đến quê hương đức Phật trưởng dưỡng đức nghiệp, kiến lập Thánh địa, được ở bên Phật, còn gì hạnh phúc hơn. Bao nhiêu năm qua, rất nhiều bậc cao tăng nằm mơ để cầu, cho đến không sợ đường xa vạn lý đến Tây thiên cầu pháp thỉnh kinh, triều bái Thánh địa, chiêm ngưỡng Phật tích. Họ bất kể đầu còn hay mất, máu nóng rắc đường, gan óc lẫn vào bùn đất, cũng quyết không thối chí. Còn tôi (PS Hoài Thiện) có được nhân duyên như vậy, phụng hiến sức lực cho quê hương đức Phật, đúng như Hội trưởng Triệu Phác Sơ đã nói "Ô nha phản bộ" (乌鸦反哺 dụ cho đem hiếu tâm phụng dưỡng bậc trưởng bối) là sự nghiệp thiên thu vĩ đại, công đức vô lượng.
Pháp sư Hoài Thiện nói lần đầu đến Nepal khi tiếp xúc với mọi người, liên lạc với các nhà tu khổ hạnh Hindu thật là lúng túng, lại trải qua nhiều cuộc tranh luận về phong cách kiến trúc tự viện. Nhưng tin vào Phật lực, đức nhẫn chính mình, cuối cùng ngôi chùa cũng hoàn thành, sừng sững trên mảnh đất cằn cổi, trang nghiêm hùng vĩ trên đất nước Nepal.
Pháp sư Hoài Thiện sau khi về nước, thân mang nhiều trong bệnh, tuy đã phẫu thuật xong, nhưng vẫn để lại nhiều di chứng. Hiện nay, PS dùng hết sức mình tôn tạo Phật tượng, trang nghiêm Phật đường, tâm từ bi của PS khiến cho mọi người vô cùng cảm động.
Sau đó, Pháp sư Hoài Thiện đã tổ chức hoạt động rút thăm trúng thưởng, người trúng thưởng sẽ được tặng quyển "Phật Đà Cố Hương Trú Tích Ký" do Pháp sư Hoài Thiện trước tác, và sẽ ký tên lưu niệm. Buổi nói chuyện được kết thúc trong những tiếng ngợi khen, trong tràng pháo tay không ngừng của tín chúng.
Chùa Trung Hoa - Nepal, là ngôi tự viện Phật giáo đầu tiên được xây dựng tại nước ngoài với danh nghĩa Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Chùa này tọa lạc trong khuôn viên Lâm Tỳ Ni - nơi đản sinh của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, phong cách kiến trúc dựa theo cung điện nhà Thanh TQ, là dùng nhiều loại vật liệu hiện đại và truyền thống, nhưng phỏng theo kiến trúc cổ điển, tổng diện tích 25600 m2, dự án diện tích giai đoạn 1 là 19200 m2, diện tích xây dựng 2988 m2, hoàn thành vào năm 2000.
Thanh Như (dịch)
Theo: PGTQ
Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/quocte/18172.html