Trong bài phỏng vấn, vị trụ trì còn nói: “Nhà chùa sẵn sàng nghe ý kiến đóng góp và không chủ quan, nếu có hội thảo khoa học cho rằng sư tử để đây được thì nhà chùa sẽ để. Còn nếu không được thì nhà chùa sẽ tặng chùa khác vì đây là do tiền của cá nhân tôi bỏ ra mua chứ không phải của Phật tử đóng góp”. Thực tế, việc đặt sư tử đá kiểu mẫu Trung Quốc tại Một Cột và nhiều di tích khác đã bị giới nghiên cứu văn hóa phê bình từ lâu. Cụ thể ở đền Đô (Bắc Ninh), người ta đã lắng nghe sự góp ý của giới nghiên cứu văn hóa và đem đôi sư tử đá Trung Quốc ấy bỏ đi, trả lại không gian trong sạch vốn có cho ngôi đền. Do đó, không cần phải hội thảo khoa học gì cả, chỉ cần vị trụ trì có một chút ít hiểu biết văn hóa tối thiểu thì sẽ đưa ngay những thứ rác văn hóa ấy ra khỏi ngôi chùa Một Cột kèm theo một lời xin lỗi mọi người, đó mới là “nhà chùa sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp”.
Một đời vị trụ trì qua đi sẽ chẳng có nghĩa gì, nhưng những di hại về sự ngộ nhận văn hóa sẽ để lại đến muôn đời sau. Tổ tiên người Việt trong khi tiếp nhận tinh hoa văn hóa bên ngoài nhưng đều ý thức giữ lại hồn cốt của người Việt. Vì thế từ trong điêu khắc, kiến trúc, thẩm mỹ đều có bàn tay sáng tạo với nhận thức rất rõ về văn hóa, dân tộc của mình.
Có thể nói, những yếu tố văn hóa lạ xuất hiện ồ ạt trong các ngôi chùa Việt trong những năm gần đây một lần nữa cảnh báo đối với chúng ta. Đặc biệt, các loại đồ thờ cúng, tượng Phật Đài Loan, Trung Quốc sản xuất công nghiệp xuất hiện tràn lan trong các chùa và tư gia Phật tử. Vì vậy, thiết nghĩ, các ban, ngành chuyên môn của Giáo hội cần phải có những chiến lược văn hóa, cụ thể cho từng giai đoạn, nếu không khi các vị trụ trì, và các thí chủ đi nước ngoài về sẽ mang theo đủ các loại “phong cách Tây - Tàu” hỗn độn du nhập vào. Tại sao không thể sản xuất những mẫu tượng và đồ thờ cúng mang phong cách truyền thống Việt Nam?
Sự lệ thuộc trong đời sống văn minh đã là một điều đáng xấu hổ. Sự lệ thuộc trong văn hóa còn di hại nhiều hơn, vì đó là sự lệ thuộc lộ ra sự kém cỏi nhất của một dân tộc. Dân tộc ấy sẽ chẳng còn gì nếu không có văn hóa của riêng mình. Nô lệ văn hóa là vong bản, mà vong bản thì sẽ dẫn đến mất nước. Và người ta sẽ còn nhắc nhiều đến những con người “vong bản” khi họ cứ nhắm mắt, cụp tai để mặc cho tiếng gọi của đồng tiền sai sử. Sự dễ dãi, chiều lòng theo những xu hướng phô trương, khoe mẽ, được núp dưới những mỹ từ “công đức” luôn đánh lừa mọi người, khiến cho họ lệ thuộc đến mức đánh mất cả chính mình, đánh mất văn hóa của dân tộc mình. Đáng tiếc thay, đất nước không có chiến tranh, không có áp đặt văn hóa, thế mà từ những việc làm vô ý thức, tự nô lệ mình như vậy, nhưng một số người vẫn vào hùa với nhau để nói rằng đó là “làm tốt cho đất nước”.