2 / Chánh Tư Duy :
* Thứ 1 là ôn lại những điều gì mình đã học đã biết để chúng ta ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Thường chúng ta nghe nói người tu trong Đạo Phật là phải giữ Tâm thanh tịnh, yên lặng hư vô. Chúng ta cẩn thận nếu lúc nào cũng hiểu như vậy là chúng ta đã hiểu không đúng nguyên bản giáo lý gốc của Đạo Phật.
Vì sao như vậy ? xin thưa vì trong Bát Chánh Đạo để đạt được Tâm hư vô hoàn toàn tịch tịnh phải là giai đoạn cuối của Bát Chánh Đạo là Chánh Định. Những giai đoạn trước đó của Bát Chánh Đạo thì rất là động, đặc biệt là Chánh Tư Duy là phải đào sâu suy nghĩ.
Sau này có nhiều vị Thầy giảng dạy cho đệ tử mình vội vã, đi tắt như một người đệ tử mới vào Đạo đã dạy là đừng suy nghĩ, hãy để Tâm hư vô như vậy là đã mất căn bản của Đạo Phật.
Đúng ra là phải dạy cho đệ tử về Chánh Tư Duy là biết suy nghĩ đúng bởi suy nghĩ đúng sẽ dẫn đến hành động đúng , dẫn đến sự thanh tịnh, Tâm sẽ lắng đọng và không còn suy nghĩ loạn động nữa. Suy nghĩ đúng là suy nghĩ đẹp là đạo đức, vị tha, cao thượng, thánh thiện sẽ làm Tâm mình an Định. Còn nếu người nào mà không đi qua Chánh Tư Duy , suy gẫm chiêm nghiệm lời Phật dạy thì không có ngày Tâm được an Định hoàn toàn.
Nếu chúng ta vội vàng nhập Thiền Định để Tâm an Định hư vô thì một thời gian sau sẽ loạn động trở lại bởi Phước đã xài hết mà không được tích lũy.
Do đó con đường Bát Chánh Đạo mà Đức Phật vạch ra thật là chuẩn mực, thật là kỷ lưỡng,chúng ta không thể đốt giai đoạn, bẻ lệch sang đường khác được.
Chánh Tư Duy là một giai đoạn quan trọng trong Bát Chánh Đạo mà chúng ta phải ôn lại, phải thực hành mà không được bỏ qua.
Người mà có thiện căn lành khéo học giáo lý Đạo Phật thì nhiệt tình tâm huyết với Đạo, thiết tha tu đều giống nhau ở một điểm là khi đã học được điều gì rồi đều tìm cách ôn lại, suy gẫm, ghi khắc, thấm sâu trong lòng.
* Thứ 2 của Chánh Tư Duy là đem Đạo lý đã học đối chiếu với cuộc sống thực tế bên ngoài.
Chúng ta được học Tâm TỪ BI thương yêu bá tánh vạn hữu muôn loài thì xem mình đã yêu thương được chưa ? hoặc quán vô thường tất cả mọi điều đều thay đổi, bây giờ chúng ta nhìn vào cuộc sống xem cái gì tồn tại lâu, cái gì thay đổi nhanh chóng. Chúng ta đem Đạo lý vào thực tế cuộc sống của chính mình, chứ không qua những ví dụ của ông Thầy nữa.
* Thứ 3 là phải biết phản biện để thử thách Đạo lý vững chắc đến mức độ nào ?
Không phải chúng ta nghe Đạo lý của Đức Phật là mình tin liền. Chúng ta phải phản biện ngược lại để xem giáo lý của Ngài có hợp lý hoàn toàn trong mọi trường hợp hay không ? chúng ta có thể nghe các vị Thầy giảng rất hay nhưng nghe mà tin như vậy là người chưa biết gì về Chánh Tư Duy.
Người mà có Chánh Tư Duy thì dù các Vị Thầy có giảng thao thao bất tuyệt, lý luận chặt chẽ logic thế mấy nhưng sau đó đi về chúng ta sẽ suy nghĩ phản biện tìm ra lời giải đáp thỏa đáng sau khi đối chiếu với thực tế cuộc sống, đây cũng là bản lĩnh, Đạo lực của người tu.
Chẳng hạn trong Đạo Phật sau này chúng ta nghe triển khai về lý Không thì chúng ta thử suy nghĩ tư duy thì khi xem cái gì cũng là không thì Tâm người này sẽ không còn dính mắc với thế gian đây là điều lợi ích. Nhưng điều có hại là người này có thể trở thành người thờ ơ lãnh đạm vô cảm dửng dưng quay lưng với mọi người, có thể bị như vậy hay không, lần sau mình sẽ hỏi lại ông Thầy điều này.
Chúng ta nhận thấy mình sống với bao nhiêu con người xung quanh mình mà Đức Phật dạy là phải thương yêu, hóa độ bây giờ nếu áp dụng lý Không thì mình nhìn họ đều là giả tạm hư vô, vậy liệu mình có còn lòng từ bi thương yêu họ được hay không ?
Chúng ta không phải nghe Thầy nói điều gì là tin nấy, kể cả lời Đức Phật cũng cần phải xem xét thấu đáo vì nếu Đạo Phật là chân lý thì càng xem xét chân lý của Đạo Phật càng sáng ngời. Chỉ có những giáo lý không phải lời của Đức Phật thì khi chúng ta phản biện sẽ tìm ra chỗ hở, sai lệch. . Đây là những điều của Tâm suy nghĩ, tư duy, suy xét mọi mặt của một Đạo lý xem có hợp lý hoàn toàn không. Đức Phật có nói điều này trong kinh Kalama.
Chúng ta được Đức Phật dạy một Đạo lý thương yêu lý tưởng là thương yêu tất cả chúng sinh, thương yêu từ côn trùng nhỏ, loài người cho đến Chư Thiên, vạn hữu muôn loài.
Chúng ta phản biện là liệu tình thương yêu đó có thực tế hay không ? có áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày hay không ? Đa số chúng ta nhận thấy tình thương yêu đó không dễ dàng thực hiện.
Tại sao như vậy ? bởi vì mình thương yêu tất cả chúng sinh, mình muốn mọi người thương yêu lẫn nhau nhưng mà tất cả mọi người không hề thương nhau. Muôn loài cắn xé nhau, người này bóc lột áp bức hiếp đáp người kia v.v... Bây giờ chúng ta phải làm sao trong khi đôi tay mình thì nhỏ bé, mình không thể buộc mọi người dừng lại sự ác độc mà thương yêu nhau.
* Thứ 4 là Phát nguyện thành một quyết tâm để thực hiện Đạo lý mãi mãi. Lời phát nguyện cũng là một tư duy.
Từ đầu đến giờ chúng ta nói chuyện với nhau tư duy là gì, bây giờ chúng ta nói về Chánh Tư Duy.
Chánh Tư Duy là :
* Thứ 1 : Tư duy về Đạo lý, là những điều đã được đọc trong kinh điển, những điều nghe giảng từ các bậc Thầy và chúng ta nhớ, suy gẫm, suy nghĩ tư duy về các giáo lý đó.
* Thứ 2 : Suy nghĩ về điều THIỆN. Đạo lý và điều thiện gần giống nhau mà hơi khác. Đạo lý thì mênh mông đi từ cái thiện cho đến vào tâm linh, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.
Do đó Đạo lý là tổng quát rộng lớn, còn điều thiện thì nhỏ hơn thể hiện trong cách cư xử giữa người với người, người và vật, người với môi trường sống xung quanh. Điều thiện thì tầm vóc nhỏ hơn nhưng cụ thể, thực tế. Nếu chúng ta tư duy về Đạo lý thì tư duy rộng lớn cho đến các bậc Bồ Tát,A la Hán, các bậc Thánh đã chứng Đạo, tới pháp giới mênh mông, đến vô lượng kiếp luân hồi.
Tư duy về công việc cũng là Chánh Tư Duy, chúng ta suy nghĩ sắp xếp công việc phải làm để chu toàn bổn phận.
Thông thường chúng ta luôn giữ Tâm ở trạng thái thanh tịnh nhưng khi đụng chuyện, đối duyên tiếp cảnh mình có trí tuệ biết suy xét, giải quyết vấn đề thì đó là Chánh Tư Duy. Khi Chánh Tư Duy này phát triển sâu xa thì thành trí tuệ.
* Thứ 3 : Thanh lọc Tâm khỏi những suy nghĩ bất thiện. Trong khi chúng ta suy nghĩ về Đạo lý thánh thiện thì bên cạnh đó vẫn còn những suy nghĩ chen vào bất thiện như tham lam, sân hận, ích kỷ, ganh tỵ, đố kỵ v.v...vì vậy bên cạnh những suy nghĩ điều thiện tốt chúng ta phải thanh lọc loại bỏ những suy nghĩ sai, những suy nghĩ xấu, điều này chúng ta phải thực hiện hàng ngày thường xuyên. Chúng ta có ai dám nói mình không còn ý niệm xấu không ? vì vậy công phu tu tập thanh lọc Tâm là một công phu phải được thực hiện suốt cuộc đời mình.
Ở giai đoạn cuối của tiến trình Bát Chánh Đạo là Chánh Định khi đó Tâm bất động an tịnh hoàn toàn. Nhưng Chánh Định đó được đặt trên nền tảng của Chánh Tư Duy từ điều thiện thẩm sâu trong tâm hồn.
Trên nền tảng của một tâm hồn thuần thiện mà giáo lý Phật Đà đã ngấm sâu vào thì chúng ta mới đạt Thiền Định, đây là khuôn mẫu không thể đi khác được. Còn nếu chúng ta chưa có công đức, chưa có tâm hồn thánh thiện mà đã vội đi vào Thiền Định thì mình đã xây lâu đài trên cát mà không biết, có nghĩa là cái Định đó sẽ bị gẫy đổ bất cứ lúc nào, Tâm sẽ động loạn trở lại, thậm chí có thể bị điên loạn tẩu hỏa nhập ma. Do đó chúng ta lưu ý Tâm có thuần thiện, cũng có nghĩa là đã tạo vô số công đức rồi thì hãy nói đến an Định.
Trong nhà Thiền chúng ta nghe nói câu không thiện, không ác của Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi nói với người rượt theo mình giành y bát là : " Ngươi hãy bình Tâm, không nghĩ thiện,không nghĩ ác, đó là bổn lai diện mục của ngươi " trong Pháp Bảo Đàn Kinh.
Câu này đã bị hiểu sai rất nhiều đời vì đây là câu nói của bậc Tổ đã đắc Đạo nên phàm phu cứ nghĩ thiện ác như nhau. Chúng ta ở đây thấy rằng không nghĩ thiện vì điều THIỆN là điều đương nhiên phủ trùm trong tâm hồn, trong toàn bộ cuộc đời người tu. Không nghĩ ác là vì không chấp nhận một điều ác dù là nhỏ nhất. Khi ác nghiệp gây tạo thì lập tức luân hồi quả báo tái sinh lại tiếp diễn trong vô lượng kiếp mà không có đường ra.
Trong kinh Pháp Cú , ĐỨC PHẬT của chúng ta đã dạy :
" Tránh làm các việc ác
siêng làm các việc lành
Giữ tâm hồn thanh tịnh
Đó là lời Phật dạy "
Đây là lời dạy bảo, là giáo lý kinh điển muôn đời của Đạo Phật.
Trong phần Chánh Tư Duy của Bát Chánh Đạo này chúng ta cần hiểu một tâm hồn thuần thiện mới là nền tảng vững chắc trên đường tu.
Tâm thông thường của chúng ta chỉ sống theo cảm tính, đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, ai chọc thì mình giận, ai khen thì mình thích, ai giành giật của mình thì mình thù hận, ai hơn mình thì mình ganh tỵ v.v... đó là thói thường không đạo đức. Đó là những phản ứng rất bình thường, rất tầm thường của chúng sinh.
Ngày hôm nay khi chúng ta đã hiểu Đạo không được đi theo cái cảm tính tầm thường này nữa, không có phản ứng phàm phu như thế nữa mà phải là một tâm hồn tràn đầy Đạo lý thánh thiện. Muốn có tâm hồn tràn đầy Đạo lý thánh thiện thì chúng ta phải dùng Chánh Tư Duy. Chúng ta phải suy nghĩ thế nào mà suy nghĩ đó đưa tâm hồn chúng ta đến đức hạnh, an vui, tự tại thì suy nghĩ đó là đúng. Còn nếu suy nghĩ mà đưa chúng ta đến phiền não thì biết suy nghĩ đó sai lệch và phải loại bỏ.
Chúng ta lấy đạo đức và tự tại để đánh giá tư duy của mình có đúng hay không ? Nếu suy nghĩ mà làm tăng an vui, tự tại thì biết suy nghĩ của mình đúng. Nếu một lúc nào mà lòng chúng ta còn sân hận, phiền não là biết mình sai lệch cần phải thay đổi. Chúng ta dùng suy nghĩ để xây dựng đạo đức, công hạnh của mình cho kiên cố qua các hành động cụ thể san sẻ đến bá tánh, chứ không phải chỉ ngồi đó dùng ý niệm mà không làm gì hết. Chúng ta xây dựng tâm hồn mình luôn hoan hỷ, hòa ái, trầm lặng, thanh tịnh.
Đối với những chuyện không hay xảy ra thì mình phải trách mình trước chẳng hạn khi mình giao du với đời gặp sóng gió dữ dội ác liệt, gặp toàn người vu khống,thị phi, mưu hại mình thì đó là do duyên nghiệp xưa mình đã gây tạo nay đòi mình phải trả, chứ nếu mình phúc đức đủ đầy thì mình sẽ gặp quý nhân , mình sáng suốt biết chọn bạn hiền mà giao du, mình sẽ gặp các bậc thiện tri thức hướng dẫn, nâng đỡ theo duyên lành.
Trong Đạo Phật có những phép quán gọi là Chánh Tư Duy như Quán từ bi, quán vô ngã, quán vô thường v.v... Trong các Đạo lý thì có một Đạo lý vô cùng quan trọng đưa chúng ta đến bến bờ giải thoát an lạc đó là Đạo lý Vô Ngã mà Đức Phật đã dạy.
Chúng ta phải suy nghĩ về Vô Ngã một cách sâu sắc để hiểu tại sao Đức Phật nói cái TA này không có thật. Cái bản ngã, ngũ uẩn mà chúng ta do vô minh cứ bám chấp vào rồi lầm tưởng là có thật nhưng thật ra chỉ là hợp duyên. Cái chân Tâm mà chúng ta hướng đến thật ra cũng không có thật chỉ là sự lừa dối của bản ngã, khi đi sâu vào các mức Định thì Thân & Tâm biến mất không còn tồn tại nữa. Đây là con đường mà Đức Phật đã đi qua thủ đắc giác ngộ viên mãn tuyệt đối.
Chúng ta dùng chánh tư duy để diệt vọng Tâm, một người tu Thiền thì cái vất vả nhất là bị vọng tưởng có nghĩa là các suy nghĩ cứ khởi lên liên tục mà mình không kiểm soát được. Buổi đầu mình cũng phải dùng tư duy để diệt vọng tưởng sau này vọng tưởng chớm khởi lên mình tự động thấy vọng tưởng tan biến ngay.
* Mối tương quan giữa Phước và Tư Duy :
Người có đức độ, có phước lành thì dễ có tư duy chánh thiện đúng.
Người bị nghiệp nặng dễ có những suy nghĩ xấu trong Tâm. Người mà đời trước tinh cần tu tập hay giúp người thì đời này trong Tâm mình những tư tưởng thiện đúng hay hiện ra nhẹ nhàng, hể suy nghĩ cái gì thì đều là điều tốt, điềm lành.
Còn người nào các đời trước hay làm điều ác thì hiện đời trong Tâm hay khởi lên các ý nghĩ xấu ác. Do đó khi nào chúng ta thấy các suy nghĩ xấu hiện lên trong tư tưởng thì phải sám hối vì biết nghiệp quá khứ thúc đẩy. Lúc đó phải tinh tấn tu hành, tích phúc hành thiện nhờ phúc này mà chuyển nghiệp của mình.
Khi tư tưởng xấu đi đến cùng cực thì thành ác nghiệp sẽ bị bệnh tâm thần phá hư bộ não, hành vi rối loạn , tác sự sơ cuồng . Tư tưởng xấu nhiều quá mà mình không biết được đó là xấu thì đó là nghiệp quá nặng dễ đọa ác đạo. Còn tư tưởng xấu khởi lên mà mình biết trong Tâm mình đang có tư tưởng xấu là người này còn thiện căn.
Một giáo lý sai lầm tà đạo sẽ giết biết bao thế hệ, một giáo lý đúng chánh pháp cứu cả thế gian.
* Tư duy, lời nói và hành động :
Nguyên tắc khi chúng ta nghĩ điều gì thì sẽ nói ra điều đó nhưng chưa chắc đã thực hiện làm được.Do đó chúng ta thấy khoảng cách giữa suy nghĩ đến việc làm là rất xa. Hể nói thì mình mắc lỗi hay khoe do đó Phước tự nhiên sẽ giảm, Phước giảm nhiều quá thì khó thực hiện. Dân gian có câu : " Nói trước bước không tới ", chúng ta sẽ phân tích điều này qua phần Chánh Ngữ của Bát Chánh Đạo.
Chúng ta đừng tưởng rằng mọi tư tưởng, suy nghĩ là của mình. Đừng tưởng tôi suy nghĩ thì mọi điều suy nghĩ là của tôi. Có khi có những tư tưởng bên ngoài tác động vào mà chúng ta không hề hay biết bởi vậy Đức Phật nói về Đạo lý Vô Ngã rất chuẩn xác.
Đức Phật đã nói : " Tâm này không phải của Ta, ý nghĩ này không phải của Ta, Ngũ Uẩn này không phải của Ta... "
Có những khi chúng ta nổi quạu vô cớ do các Vong linh tác động vào Tâm. Có khi chúng ta suy nghĩ ra những điều rất sâu sắc, cao thượng hoặc phát minh sáng tạo ra một điều rất đẹp nào đó không ngờ là do Chư Thiên, Bồ Tát, các bậc Thánh đã tác động, gia hộ vào Tâm của mình, chứ không phải của mình. Điều quan trọng là chúng ta đã gieo nhân gì mà nay được Chư Phật, Bồ Tát gieo vào lòng mình những tư tưởng tốt. Chúng ta đã gieo nhân xấu gì đó mà để các Hương linh tác động vào Tâm những tư tưởng bất thiện, chứ không có gì tự nhiên cả, điều quan trọng là chúng ta có trí tuệ biết cách gieo nhân lành.
Chúng ta cũng nghe Đức Phật nói : " Tâm dẫn đầu các Pháp... " cho nên Chánh Tư Duy là chuẩn bị cho một nội tâm thuần thiện, chân chính để thực hiện các chánh tiếp theo. Chánh Tư Duy cũng bổ sung cho Chánh Kiến. Chánh Kiến là những Đạo lý chúng ta học được, nhờ Chánh Tư Duy đào sâu mà mình hiểu sâu sắc hơn về giáo lý Phật Pháp. Chánh Kiến là cơ sở để chúng ta tư duy, nếu chúng ta khéo tư duy thì sẽ tìm ra nhiều dữ liệu mới phong phú. Chúng ta cẩn trọng với lý luận cho rằng không thiện, không ác mà phải sáng suốt thấy rằng chúng ta đang sống giữa thế gian cần tỉnh thức để tránh tạo nghiệp ác mà tạo Phúc lành như Đức Phật đã dạy.
Khi nói chuyện, trao đổi với nhau về Chánh Tư Duy là chúng ta nói chuyện về nội tâm của mình. Mà chúng ta thấy rằng cái Tâm của mình buổi đầu khi chưa biết Đạo lý Phật Pháp thì nặng như một trái núi, như một vũng bùn đầy tham lam, ích kỷ, thù hận, hơn thua...nhưng nay chúng ta biết Phật Pháp, được soi sáng bởi ánh sáng Phật Pháp nhiệm mầu từ bên ngoài chiếu sáng tâm hồn chúng ta thì chúng ta biết đem gốc sen Phật Pháp trồng lên vũng bùn. Thế là từ vũng bùn lầy trở thành hương hoa thơm ngát tươi đẹp, chuyển hóa Đạo Tâm chúng ta thánh thiện, thăng hoa.
Chúng ta thấy Tâm mình trước đây như biển khơi đầy sóng gió nay chúng ta có con thuyền Phật Pháp vững chắc rong ruỗi trên chiếc thuyền bình an đó. Chúng ta thấy trước đây Tâm mình như một rừng hoang chằng chịt trong đó đầy gai góc, đầy ác thú hung hiểm nhưng Phật Pháp đã cho chúng ta một lối mòn để dắt chúng ta ra khỏi khu rừng rậm đó về được nơi yên bình. Điều sau cùng mà chúng ta mơ ước là chúng ta đi trọn con đường Bát Chánh Đạo để Tâm chúng ta tan ra không còn là mình nữa, để trở thành toàn thể Pháp giới bao la, thành tất cả chúng sinh, thành tất cả vũ trụ.
3 / Chánh ngữ :
- Tất cả các phương tiện truyền thông được gọi là ngôn ngữ như : lời nói, chữ viết, điệu bộ, ký hiệu v.v.... Mục tiêu của ngôn ngữ là trình bày quan điểm, truyền bá tư tưởng, biểu lộ cảm xúc, thiết lập sự liên lạc.
Chúng ta đã biết tất cả các chánh trong Bát Chánh Đạo đều nhằm tạo công đức tu tập cho đến chánh cuối cùng là chánh thứ 8 là Chánh Định. Khi Chánh Định viên mãn thì ta đạt trí tuệ giác ngộ giải thoát của Diệt Đế.
Chánh Ngữ là lời nói, chữ viết của ta về bất cứ vấn đề gì phải mang đến lợi ích cho người và mình tích lũy được công đức tu tập. Chúng ta xác định mục tiêu này cho rõ khi học hỏi đến Chánh Ngữ.
Chúng ta thấy việc vào được Thiền Định sâu xa không phải là việc đơn giản, đó là chuyện của cả một cuộc đời. Muốn vào Định chúng ta phải tạo vô số công đức làm nền tảng sau cùng mới tiến vào Chánh Định sâu thẳm.
Chánh Ngữ bao gồm :
* Không nói lời ác ngữ là không lăng mạ người khác, không nói dung tục, không nói dối. Chúng ta nên nói thật vì sự thật có sức mạnh, có giá trị thường đem lại kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên cũng có trường hợp lời nói thật gây ra đổ vỡ, đau khổ, tổn hại đến người khác. Có thể chúng ta biết nhiều hơn nhưng đừng nói hết những gì mình biết về cuộc đời, về con người. Có những sự thật không nên nói sẽ gây thiệt hại, tổn thương còn đa phần nên nói sự thật.
* Không nói những điều làm tổn hại nhân phẩm người khác, gây mất đoàn kết trong Đạo Phật, không nói những điều làm người ta chia rẻ tình cảm giữa người và người với nhau.
Chúng ta biết tình thương là chất liệu của cuộc sống. Chúng ta sống trên đời này ai cũng thèm khát khao tình thương lắm. Nếu mình đang ở một chỗ ồn ào đông đúc, mình muốn rút lui vào một chỗ thanh vắng và mình nghĩ như vậy sẽ dễ chịu. Không đâu khi mình vào một nơi chỉ có mình với ta thì bổng nhiên cái cảm giác cô độc sẽ xuất hiện.
Tại sao như vậy ? Xin thưa là do thiếu tình thương, thiếu sự tương quan giao tiếp giữa người với người để ít ra mình biểu lộ được sự quý mến với nhau. Tình thương yêu cần lắm, cần như ăn uống thở vậy. Chúng ta mãi lo toan thỏa mãn những nhu cầu vật chất mà quên mất tình thương. Sống mà cô độc không tình thương thì cái chết đến chậm hơn trong tâm trạng ray rứt đau khổ. Chúng ta biết con người sống trên đời cần tình thương vì vậy đừng bao giờ phá vỡ tình thương con người với nhau. Chúng ta thường mắc cái bệnh hay vô tình nói xấu sau lưng người khác cho nên chúng ta cần cẩn trọng trong lời nói để tránh gây tổn hại người khác.
* Không nói lời khoe khoang. Khoe khoang có nghĩa là khoe cái hay của mình có , hay là khoe cái nhiều hơn cái mình có để làm cho người khác phải thán phục mình. Khi khoe khoang là trong Tâm mình muốn đi tìm sự nể phục của người khác. Khi mình muốn người khác nể phục mình thì thường hậu quả ngược lại là người ta coi thường mình, chán ghét mình do nhân quả. Ngược lại người mà khiêm tốn, có Đạo Tâm thì ít nói về mình, làm nhiều mà nói ít dần dần được nhiều người quý mến, mình chỉ muốn phục vụ mọi người chứ không muốn ai nhớ tới mình. Người sống phụng sự hy sinh như vậy dù không muốn gì cả nhưng lại được công đức lớn về sau.
Chúng ta nguyện lúc nào cũng thích quý kính người khác, quý kính được ai mình quý kính liền và trong Tâm không mong cầu người khác quý kính mình. Nếu trong Tâm mình có ý là người khác phải nể trọng mình , mình coi thường người khác thì sau này sẽ mắc quả báo, mình sẽ bị rơi vào giá trị hèn hạ, bị người khác coi thường.
Người mà ở chỗ đông người biết sống thầm lặng, vững vàng thì dễ có Phước được người khác quý trọng. Còn người nào ở chỗ đông người hay làm nổi, phá phách xả rác, nghịch luận , bài bác thì ta biết người này có cái bệnh phô trương ta đây để tìm sự chú ý, thán phục của những người xung quanh. Đây là tâm lý bệnh hoạn vì đối với Đạo Phật không đòi hỏi điều đó nơi chính mình mà phải biết sống vì người khác, biết mang an vui, lợi ích, hạnh phúc đến cho tha nhân.
Chúng ta nhìn sâu vào bên trong tâm hồn của mình đây là điều bên ngoài khó đánh giá. Chúng ta phải can đảm sâu sắc, tinh tế nhìn sâu vào tâm hồn mình xem là mình muốn người khác chú ý quan tâm đến mình hay là mình quan tâm thương yêu đến người khác. Chúng ta sửa lật ngược lại cho được điều này thì mới có công đức trong Tâm, tội hay Phước là ở chỗ này là cách sống vị kỷ cho mình hay vị tha vì bá tánh.
Trong vi phạm Chánh Ngữ về GIỚI thì dùng lời nói để mưu hại, lừa gạt người thì tội lớn nhất.
Không Hý Luận có nghĩa là trong các cuộc trao đổi về Phật Pháp không nói đùa giỡn cợt bừa bãi , thái độ ngông nghênh mất trang nghiêm mà chỉ nói những lời nói đàng hoàng, đường bệ, đỉnh đạc. Đó là tư cách của một bậc chân tu khi nói ra lời nào thì phải vững chắc có giá trị lời đó.
Sau này các Vị Tổ đời sau có kiến giải thêm về hý luận là không nói những điều vô ích mà làm người khác bận tâm lắng nghe mà không có giá trị gì hết. Chúng ta thấy có những người bị mắc bệnh nói nhiều không có ý nghĩa gì làm hao tổn thời gian, tâm trí người khác bị Tổ gán là hý luận.
Chúng ta đã nói qua những lỗi của Chánh Ngữ bây giờ xác nhận thế nào là Tà Ngữ . Khi nói tà ngữ là đã nghiêm trọng vì lời nói sai, bẻ cong, lật ngược Đạo lý Phật Pháp và đưa đến hậu quả tổn hại cho những người xung quanh.
Một trong những tà ngữ là giảng không đúng Phật Pháp. Nếu đã là một Vị Thầy được nhiều người lắng nghe, tin phục, đón nhận mà giảng không đúng làm cho bao nhiêu người tu tập trật, không mang đến kết quả, làm công đức đổ vỡ thì người Thầy giảng sư này mang tội rất nặng bởi đã giết chết tâm hồn người khác, gây ra cả mối họa cho thế hệ.
Chẳng hạn Đạo Phật đặt trên nền tảng luật nhân quả mà Vị Thầy này bác bỏ nhân quả hay hiểu sai nhân quả thì mắc đọa. Như sự tích ông già chồn trong Phật Gíao ai cũng biết khi ông ta nói rằng : " Người tu đắc đạo rồi thì không còn bị chi phối bởi luật nhân quả nữa ". Ông ta bị đọa 500 kiếp làm thân chồn vì câu nói sai lệch này.
Một điều chúng ta hay nghe thuyết giảng mà hiểu không đúng nữa là chấp lý Không , có nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng, mọi thứ đều là không hết. Việc chấp không làm người ta bác bỏ nhân quả, quay lưng với tha nhân, không giúp đỡ ai hết vì cho đó là phước nhân thiên, là cõng nghiệp của người khác, chỉ vị kỷ lo tu tập cho bản thân mình làm tăng trưởng bản ngã. Việc hiểu nghĩa Không như vậy làm người đó không tạo công đức, không giúp người và làm Đạo Phật thụ động suy giảm yếu dần.
Trong bài Bát Nhã Tâm Kinh có câu bất hủ : " Sắc tức là không, không tức là sắc.." mà hầu hết các ngôi chùa, Thiền Viện đều tụng nói về sự rốt ráo của Tâm giải thoát.
Chúng ta cần hiểu chính xác lại câu kinh này. Không ở đây không phải là cái trống vắng của một cái gì đã có trước rồi nay lại biến đi. Không cũng không phải là ngược lại với cái có hay là sự trống rỗng. Không ở đây là tính chân thật của vạn pháp, của mọi sự vật. Là cái rổng lặng trong cái tràn đầy, là cái tĩnh lặng của cái sống động, là cái bất động trong sự chuyển động, là cái thiên thu bất biến trong cái chuyển biến liên tục, là cái thường hằng vĩnh cữu trong cái vô thường của dòng thời gian.
Bây giờ chúng ta nói những Chánh Ngữ căn bản :
Thứ 1 là đừng để lời nói của mình làm phiền lòng người khác.
Câu này nghe đơn giản nhưng khó thực hiện. Mình nói thế nào mà làm trong Tâm người khác xuất hiện sự xao động buồn phiền là mình mang tội mất Chánh Ngữ. Thường thì mình chỉ nói cho đã miệng do đó mình phải cẩn trọng trước khi nói để không tạo bất thiện nghiệp.
Ông bà ta có câu : " Lời nói không mất tiền mua , lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau "
* Sự im lặng cũng là một Chánh Ngữ :
Chúng ta im lặng đúng vào lúc phải im lặng đó là biết cách tu tập. Lúc mọi người cần im lặng mà mình cứ nói mãi, nói linh tinh không có ý nghĩa thì làm phiền lòng người khác. Người mà biết kiểm soát, kềm chế được mình thường là người có trí tuệ. Nói nhiều quá mà không có ý nghĩa gì thì cũng là lỗi vì bắt người ta phải nghe nhiều mệt và hậu quả là người ta sẽ xa lánh mình.
* Khi mình làm phiền lòng người khác thì phải biết xin lỗi, khi mình nhận sự giúp đỡ của người khác thì phải biết cảm ơn. Tránh sự chê bai, chỉ trích người khác bởi sẽ gây ra cảm giác khó chịu, buồn bực, tức giận, xung động ở người nghe. Người mà hay chê cũng giống như rãi nỗi buồn cho cuộc đời này thì cuộc đời sẽ có lúc mang đến những nỗi buồn cho mình.
Mình nên nhìn thấy điều tốt của người khác và khen thành thật bởi lời khen là một sự khuyến khích cần thiết mang niềm vui và làm cho họ tiếp tục phát huy điều tốt này.
Điều quan trọng trong Bát Chánh Đạo mà ĐỨC PHẬT dạy chúng ta là lời nói phải mang lại lợi ích cho mọi người thì mới tạo thành CÔNG ĐỨC . Khi tu tập Chánh Ngữ chúng ta nói những lời lợi ích mới nói, nếu không thì im lặng. Chúng ta nói như thế nào, làm sao để cho Đạo lý hiện diện trong cuộc đời này. Mọi người xung quanh mình khi nghe mình nói, khi thấy mình sống lần lần trở thành người tốt thánh thiện. Người mà muốn truyền giảng Đạo lý Phật Pháp cho bá tánh thì phải có đức độ lớn, có sứ mạng hoằng pháp thì mới thực hiện được. Người không có Đức mà trình bày Đạo lý chỉ vì ngã mạn sẽ bị phản cảm, mọi người chê ghét.
* Lời nói thì ít tốn sức nhưng tạo tội hay Phước còn hơn lao động chân tay. Chúng ta cẩn thận về lời nói, bài viết, sách vỡ mà mình truyền bá vì sẽ tạo hiệu quả lớn trong cuộc đời này. Có những vĩ nhân, danh nhân mà lời nói của họ với trí tuệ sáng suốt khéo léo có thể thay đổi quan niệm văn hóa của thế giới. Nếu chúng ta khuyến khích người khác làm điều tốt phước thiện thì mình được hưởng 1/4 công đức. Còn người ta làm điều tốt mà mình biết được mà khen ngợi tán thán thì mình hưởng 1/10 công đức đó.
Khi ta nói chuyện với mọi người thì tránh lối nói chuyện khó hiểu, bí hiểm quá làm cho người nghe phải động não suy nghĩ, ngơ ngác hay buồn ngủ thì không phải là Chánh Ngữ. Chánh Ngữ là nói mà người nghe hiểu được rõ ràng, thoải mái.
* Tương quan giữa tư tưởng và lời nói :
Một nhà hiền triết đã nói : " Suy nghĩ kỷ những điều mình muốn nói, nhưng đừng nói hết những điều mình nghĩ. "
Một nội tâm tốt thánh thiện sẽ cho ra lời nói tốt, do vậy chúng ta phải huân tập Chánh Tư Duy để tạo một nội tâm tốt. Người mà có nội tâm xấu thì dù có dùng lời nói tốt thì thời gian rồi sẽ phơi bày, không thể che đậy được. Người có trực giác thông minh nhạy bén sẽ nhận ra liền.
Thái độ khi nói cũng là một ngôn ngữ. Người nói ít mà làm nhiều là người có Đạo lực. Người nói nhiều, làm ít thì Tâm còn vọng động. Người nói nhiều mà không làm gì cả là người gian dối. Người mà hay nói sớm thì bị trở ngại việc làm.
4/ Chánh Nghiệp :
Có 3 nghiệp chính mà trong Đạo Phật nói đến là : nghiệp ý nghĩ, nghiệp lời nói và nghiệp hành động của thân. Chúng ta đã học về Chánh Tư Duy là nghiệp của Tâm, Chánh Ngữ là nghiệp của lời nói và hôm nay là Chánh Nghiệp là nghiệp của hành động.
Lạ kỳ một điều là khi nói đến chánh nghiệp hay còn được gọi là nghiệp của thân thì lại bao gồm hết toàn bộ các nghiệp khác vào trong đó luôn. Nghiệp này bao trùm cả thân khẩu ý luôn đến chỗ này thì không còn phân biệt nữa. Khi nói đến Chánh Nghiệp rồi thì bao trùm tất cả mọi hành vi của chúng ta mà gây nên nhân quả nghiệp báo về sau này.
Sỡ dĩ nói chữ Nghiệp của hành động bao gồm hết là vì để có hành động chúng ta phải có ý nghĩ trước, phụ theo là lời nói.
Chúng ta thấy một hành động để thành một cái nghiệp thường có tác ý và lời nói đi theo. Khi chúng ta học về chánh nghiệp thì kỳ thực bao nhiêu nghiệp trên đời từ phàm phu cho đến của Thánh đều nằm trong Chánh Nghiệp này.
Có Chánh Nghiệp thì có tà nghiệp. Tà nghiệp là các nghiệp sẽ mang chúng sinh đi về 3 ác đạo là : Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh.
Còn Chánh nghiệp là những nghiệp thiện đưa chúng sinh đi về cõi Trời hay đi về Thánh Quả giải thoát. Còn cõi người, cõi Atula là cõi không thuần thiện, không thuần ác. Như cõi người chúng ta không phải là tốt lành lắm bởi chúng ta có thiện, có ác, có sung sướng, có đau khổ.
Cõi Atula cũng vậy là cõi tương đối sung sướng vì các Vị đó có công lao với đất nước nhưng Tâm thì không thuần thiện hoàn toàn cho nên mầm mống đau khổ, ganh tỵ, vị kỷ vẫn còn. Cõi Thần linh này mà kinh điển Ấn Độ gọi là cõi Atula hay cõi các Vị Thần linh.
Chúng ta ai cũng biết cõi ác đạo là : Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh. Cõi thiện đi về cõi Trời hay Thánh Quả giải thoát. Còn cõi trộn lẫn giữa thiện và ác là :cõi người và cõi Atula.
Chúng ta biết Đức Phật thuyết giảng Bát Chánh Đạo là một hệ thống tu tập hoàn chỉnh, là con đường với 8 điều chánh đưa chúng ta về Thánh Quả giải thoát. Trong bài kinh Magandiza , Đức Phật đã nói lên bài kệ :
" Không bệnh lợi tối thắng
Niết Bàn lạc tối thắng
Bát Chánh đường duy nhất
Đến bình an bất tử "
Như vậy khi chúng ta học Bát Chánh Đạo là chúng ta học con đường đi đến Thánh Quả giải thoát và Chánh Nghiệp này là một trong những bước quan trọng trên con đường đi đến an lạc giải thoát.
Chúng ta cần nhớ là Đức Phật dạy Chánh Nghiệp chứ không phải là Vô Nghiệp. Chúng ta y cứ vào lời nguyên thủy của Đức Phật là chuẩn xác nhất. Chúng ta học rất nhiều kinh điển hệ phát triển sau này nhưng đều hiểu chánh nghiệp là vô nghiệp.
Chúng ta thấy có một khỏang cách rất xa giữa lời dạy nguyên thủy của Đức Phật và lời của Chư Tổ sau này.
Theo Bát Chánh Đạo của Đức Phật thuyết giảng thì Chánh Nghiệp mới đưa đến giải thoát an lạc viên mãn, còn vô nghiệp thì không đưa đến giải thoát bởi chánh nghiệp thì làm vô số việc phúc thiện cho bá tánh, có tạo công đức trong vô lượng kiếp , còn vô nghiệp không làm gì cả, quay lưng với cảnh khổ của bá tánh , chỉ tu tập vị kỷ bản thân do đó không tạo công đức.
Hầu hết sau này chúng ta cứ tưởng rằng vô nghiệp là đưa đến giải thoát bởi cho rằng vô nghiệp là giữ giới, không làm điều ác, tự tu cho chính mình sẽ đưa đến giải thoát. Việc cho rằng tránh duyên xá lánh mọi người , nhập thất, tụng kinh, yên tu thiền thì mới giải thóat, điều này đã gây khập khểnh trên đường tu.
Đạo Phật trên con đường của Bát Chánh Đạo muốn đi đến giải thoát viên mãn thì ngoài việc tu tập cá nhân , phải làm vô số việc phước thiện, tạo vô số công đức trong cuộc đời cho bá tánh thì mới đi đến giải thoát viên mãn được. Có nghĩa là Phước – Tuệ song tu.
Trong vô lượng kiếp chúng ta lăn trôi đã tạo rất nhiều nghiệp và đã thọ ơn không biết bao nhiêu người xung quanh mình, chúng ta đã thọ nhận quá nhiều của cuộc đời do đó theo nghiệp duyên chúng ta phải trả lại cho cuộc đời những gì mình đã nhận.
Người có lòng từ bi thương yêu bao la vô bờ bến thì sẽ dấn thân vào đời làm vô số việc phúc thiện. Người không có lòng từ bi do Tâm vị kỷ, hẹp hòi thì chỉ lo yên tu cho chính mình do đó mà thiếu công đức, bị nghiệp cũ quá khứ đòi nên Tâm sẽ loạn động.
Chúng ta cần nhớ lời Đức Phật dạy là chánh nghiệp mới đi đến giải thoát vì có tạo công đức, còn vô nghiệp thì không đưa đến giải thoát. Đức Phật là bậc chánh đẳng chánh giác đã giác ngộ giải thoát mà còn bị nạn kim thương, mã mạch, tức là vẫn thọ quả báo như thường. Nạn kim thương là chân Ngài bị mũi kiếm đâm lủng. Nạn mã mạch là Ngài phải ăn lúa ngựa hết ba tháng. Hoặc như dòng họ Thích Ca bị Vua Lưu Ly tàn sát nhưng Đức Phật Thích Ca không thể ngân chận được quả báo tai họa này.
Sau này một số nơi dạy các thiền sinh bỏ hết tất cả chuyện đời, rủ bỏ hết trách nhiệm với gia đình chỉ biết có Chánh tinh tấn đi đến Thiền Định mà không biết tạo lập công đức làm nền tảng nên rơi vào vô nghiệp. Điều này làm chúng ta không đi đến giải thoát, Tâm loạn động do thiếu công đức, do bị nghiệp cũ đòi và làm cho Đạo Phật thụ động suy yếu , do không dấn thân hoằng pháp , và không giúp đời giúp người.
Ngày hôm nay chúng ta học lời Phật dạy biết chánh nghiệp là làm vô số việc phúc thiện, tạo lập vô số công đức cho bá tánh mà cho đi như không, không thấy mình làm gì cả, đây là nền tảng đi đến an lạc giải thoát.
Vì vậy từ đây chúng ta xác định lại con đường tu tập từ thẩm sâu trong tâm hồn mình mà nghĩ rằng chúng ta chĩ nghĩ rằng mình giữ thảnh thơi rảnh rang, không làm gì hết, không bận Tâm chuyện đời, không cảm xúc trước nỗi khổ niềm đau của tha nhân, trước những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ kém may mắn mà chỉ dồn sức tu cho mình mới giải thoát thì hãy điều chỉnh, sửa lại cách tu này dùm bởi đã đi không đúng với Bát Chánh Đạo của Đức Phật.
Chánh Nghiệp là một trong 8 bước của Bát Chánh Đạo. Mục tiêu của chánh nghiệp là tạo công đức để đi đến giải thoát viên mãn. Không có công đức thì không có sự giải thoát, có công đức thì mới có sự giải thoát. Đó là chân lý , là lời Phật dạy qua mọi thời đại.
Chúng ta có thể đi trên các pháp môn khác nhau như hơi thở thiền, niệm Phật, trì chú v.v...nhưng để Tâm được thanh tịnh thì chúng ta phải có công đức, chứ không phải cố giữ cho Tâm mình không loạn động là được Tâm thanh tịnh. Chúng ta cứ nghĩ là để đạt được Tâm thanh tịnh thì không bận tâm đến chuyện đời, không xúc cảm trước chuyện đời.
Đây là cách suy luận dễ hiểu, dễ thấy nhưng không ngờ lại sai, chúng ta kiểm chứng việc tu tập với thực tế sẽ nhận ra điều này. Nhiều người đã thực hiện như vậy rồi ngồi Thiền nhiều năm và kết quả là Tâm vẫn loạn động bất an.
Tâm đạt được thanh tịnh là do yếu tố công đức bí mật chi phối. Chính yếu tố bí mật của công đức mà chúng ta không nhìn thấy được lại là yếu tố làm cho Tâm mình thanh tịnh. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực làm rất nhiều việc thiện, vất vả lo cho con người thì khi vào Thiền rất dễ an Định. Chúng ta hãy thực hiện và sẽ thấy điều vi diệu này qua lời dạy của Đức Phật.
Để đi đến mục tiêu giải thoát chúng ta phải có nhiên liệu, nhiên liệu chính là tạo ra Công Đức và để tạo ra công đức chúng ta thực hiện Chánh Nghiệp này trong Bát Chánh Đạo.
Việc tạo công đức rất quan trọng trên đường tu của chúng ta để vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại, nhiếp được Tâm, rồi vượt qua ngã chấp.
Có 3 điều chúng ta phải đối mặt khi tu tập :
* Thứ 1 là trở ngại về hoàn cảnh : Chúng ta không bị hoàn cảnh kinh tế khó khăn bứt ngặt thì mới tu tập được. Chúng ta không thể ngồi Thiền mà chiều nay trong nhà không có gạo ăn, cả nhà đói nheo nhóc. Khi nghịch cảnh khó khăn đến mà chúng ta có công đức thì sẽ có điều kiện thuận lợi, sắp đặt mọi việc ổn thỏa để dễ tu.
* Thứ 2 là chính công đức làm Tâm chúng ta dễ nhiếp trong thanh tịnh an lạc.
* Thứ 3 là công năng của công đức làm chúng ta vượt qua được lầm lỗi.
Chúng ta đừng tưởng những lầm lỗi chúng ta bỏ qua được dễ dàng , muốn bỏ là bỏ được .
Chẳng hạn mình có tính nóng nảy ai nói vài câu trái ý là mình phản ứng gay gắt , sừng sộ lên liền . Mình biết tánh này xấu nên bỏ đi nhưng khi mình đụng chuyện vẫn nổi nóng . Mình sẽ không ngờ rằng những việc như làm công quả ở chùa , thấy người nghèo cơ nhỡ mình động Tâm bố thí , san sẻ , mình thúc liễm thân tâm do vậy mà khi đụng chuyện tự nhiên Tâm từ giữ cho mình an tịnh , có một sức mạnh bí mật trong Tâm giữ cho mình không sân , đó chính là công đức . Vì vậy mà nói chính công đức cũng giúp ta vượt qua được lỗi lầm . Trong cuộc đời này nếu ta thấy một người sân hận , lầm lỗi thì ta biết rằng họ thiếu công đức . Khi ta hiểu được điều này thì ta thấy thương họ chứ không phải là cứ trách cứ họ hoài .
Chúng ta lưu ý một điều về tác dụng phụ của công đức là tạo ra quả báo sung sướng hưởng thụ ở cõi Trời và cõi người . Khi chúng ta tu tập Bát Chánh Đạo , thực hành Chánh Nghiệp là siêng năng gây tạo công đức nhưng tất cả công đức đó không dồn hết vào Phước tâm linh để ta tu hành mà phản ứng phụ là bị hưởng Phước . Trên cõi Trời thì ta muốn gì được nấy ngay lập tức bởi khi các Chư Thiên ở đây khi còn ở cỏi người đã tạo Phước quá lớn , đã làm vô số việc phúc thiện cho mọi người .
Người đã tạo Phước lớn nếu tái sinh vào cõi người thì tất sinh ra nơi giàu có , quyền thế , từ khi mới chào đời đã có người hầu kẻ hạ , thức ăn hảo hạng bậc nhất , mặc thì mặc đồ đắc tiền đẹp , đi thì có xe cộ đưa rước . Mình muốn không hưởng cũng không được bởi ngay khi mới chào đời còn nhỏ thì mọi người xung quanh mình buộc mình phải hưởng theo phần Phước mà mình đã gây tạo trong quá khứ . Đây là phản ứng phụ của Phước đã không dồn hết vào nội tâm của mình mà lại tản một phần ra bên ngoài hoàn cảnh làm cho mình quá sung sướng hưởng thụ . Đây là nhược điểm của công đức nhưng chúng ta đành phải chịu vì đó là nguyên lý , là quy luật của Phước . Sau này khi chúng ta ngộ Đạo thì biết cách khước từ bớt đi quả báo giàu sang mà dành Phước để thăng tiến về mặt tâm linh , Đạo Qủa . Đây là phước vô lậu.
Nếu chúng ta thiếu lý tưởng giải thoát an lạc , không nhận ra cuộc đời này là cõi tạm thì khi quả báo sung sướng vật chất hiện ra chúng ta sẽ chìm đắm trong sự hưởng thụ hoài và chúng ta không còn công đức để đi đến an lạc giải thoát nữa . Do đó chúng ta cần xác định mục tiêu là giải thoát an lạc viên mãn . Người biết tu Chánh Nghiệp thì từng giờ , từng phút biết gây tạo công đức . Trong khi chúng ta tạo vô số công đức , làm vô số việc phúc thiện cho đời , cho người thì chúng ta phải chuẩn bị bản lĩnh tu hành để khước từ bớt quả báo hữu lậu .
Trong khi ta tu tập Chánh Nghiệp thì cũng tu tập Thiền Định , giữ giới , phát nguyện , sống đời đơn giản để khi quả báo của Phước đến mình khước từ bớt sự sung sướng quá sức có thể làm hỏng cả đời tu . Người có trí tuệ thì biết cách sử dụng Phước để hành Đạo , độ sinh giáo hóa , làm việc Phật sự . Ngày nào khi quả báo của Phước đến làm cho ta có quyền lực , giàu có thì mình chỉ xem là phương tiện , là công cụ để giúp ích cho đời , cho Đạo , cho bá tánh , chứ không như phàm phu là tô điểm cho bản ngã của mình .
Chánh Nghiệp gồm những điều gì ?
* Thứ 1 giữ giới là Chánh Nghiệp . Gíơi là Chánh Nghiệp nhưng thuộc loại không làm . Đây là những điều quy định của Đức Phật về những sai phạm không được làm gọi là giữ giới . Trong 13 năm đầu Đức Phật giáo hóa chúng sinh Ngài chưa lập ra giới cấm . Các Vị Tỳ Kheo lúc đó biết điều gì đúng nên làm , điều gì sai nên tránh . Sau 13 năm thì Tăng Đoàn tăng lên rất đông , có rất nhiều người gia nhập trong đó có một số người sai phạm trong đời tu nên Đức Phật phải chế ra giới luật với những điều ngăn cấm . Việc giữ giới như vậy được gọi là Chánh Nghiệp .
Chúng ta cần thấy Gíao Pháp là gốc và giới là ngọn . Sau thời Đức Phật có những vị sau này giảng dạy đề cao giới luật quá là mọi người lầm tưởng rằng giới là gốc . Bởi vậy mới có người nói " Thà chết chứ không để phạm giới " . Câu nói này nghe thì hay nhưng ta phải xét từng trường hợp cụ thể khi vận dụng giới vào đời tu .
Chúng ta đã nghe mẩu chuyện này được kể là có 2 vị Tỳ Kheo đi đường khát nước quá thì gặp vũng nước . Theo luật của Đức Phật lập ra thì thời đó mỗi lần uống nước thì phải lọc , phải lấy vải lượt rồi chế nước qua lọc rồi mới uống vì trong nước có trùng , nếu uống không lọc như vậy sẽ uống luôn trùng . Một Vị Tỳ Kheo khát quá nên cứ uống rồi đi tiếp , còn Vị Tỳ Kheo kia không chịu uống vì không lọc được nên cuối cùng đi đường vì khát nước quá mà chết dọc đường . Câu chuyện kể ca ngợi đề cao Vị Tỳ Kheo nhịn khát chịu chết mà giữ được giới ...Chúng ta nghe câu chuyện này mà thấy có vẻ thái quá vì trong 13 năm đầu Đức Phật đâu có lập ra giới để đến nỗi chết vì khát mà được xem là cao siêu ???! Sau này người ta dựng câu chuyện như vậy để xem giới là gốc thì không còn đúng với tinh thần nguyên thủy của Đạo Phật nữa .
Chú thích: Bài này do đạo hữu Trung Lâm & Diệu Hiền gửi cho TG & DT, không thấy ghi nguồn tư liệu?