đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

18:45 27/11/2014

Công giáo La Mã

Vấn Đề công giáo Việt Nam là một vấn đề quan trọng cần được nhận định kỹ lưỡng nếu ta muốn tìm ra một lối thoát êm đẹp cho sự đoàn kết tôn giáo.
Công giáo từng được xem như là một tôn giáo do người Tây Phương, nhất là người Pháp Lang Sa truyền bá vào Việt Nam, vì vậy trong suốt lịch sử truyền bá của Công giáo ở Việt Nam, ý niệm về Thiên Chúa giáo của người Việt Nam, luôn luôn được kết hợp với ý niệm về những người da trắng đã đến xứ này để thăm dò, buôn bán, chinh phục và thiết lập nền đô hộ. Điều này là một điều không may đã xảy tới trong lịch sử và một số người Công giáo Việt Nam có ý thức đã từng cố gắng để xoá bỏ ấn tượng ấy trong lòng người Việt.

Sự thật thì như nhiều người nhận thấy, hiện nay trong lòng Giáo hội Công giáo có rất nhiều phần tử yêu nước, có rất nhiều người đang thao thức niềm thao thức chung của dân tộc Việt Nam. Điều ấy là một niềm phấn khởi cho tương lai, và cũng chính vì tin tưởng ở con đường sáng sủa đó mà một số những vấn đề cần được lặp lại, một lần cho tất cả, để xua đuổi tất cả những bóng ma quá khứ cứ lẽo đẽo theo dõi và quấy phá hiện tại.

Những lỗi lầm căn bản bắt đầu từ một số những nhà truyền giáo ngoại quốc và chính sách lợi dụng tôn giáo của Tây Phương. Vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết nếu không được đem ra phân tích. Và vì vậy, ở đây, tôi nghĩ cần nói qua các sự kiện ấy một lần để trên nhận định về các kinh nghiệm quá khứ, những người Việt Nam Công giáo và không Công giáo có thể mở được một con đường tương lai, con đường của cộng tác và thông cảm. Đã có những sự cố gắng ấy về phía những người Công giáo cũng như về phía những người không công giáo để thiết lập đối thoại, cảm thông và hợp tác thì không có lý do gì mà ta không tin tưởng ở sự hoàn thành nhiệm vụ ấy của lớp người trẻ tuổi.

Thật ra lỗi lầm căn bản ở chỗ những nhà truyền giáo trong các thế kỷ trước đã lợi dụng giới thương gia và chính trị gia trong ý hướng truyền giáo của mình và do đó đã bị giới thương gia và chính trị gia lợi dụng trở lại. Mặt khác, những nhà truyền giáo ấy đã vụng về đả kích trực tiếp những tôn giáo có mặt tại Việt Nam với một thái độ khá cuồng tín khiến cho phản ứng địa phương bùng dậy mãnh liệt để đến lỗi phải lâm vào tình trạng bị xua đuổi và đàn áp, và cuối cùng phải nhờ đến sự can thiệp từ bên ngoài của các giới thương mại và chính trị, những giới luôn luôn muốn lợi dụng và chinh phục.

Vị giáo sĩ Công giáo đầu tiên vào truyền giáo tại Việt Nam; theo Khâm - Định Việt sử Thông Giám Cương Mục, tên là Ignace, đến tỉnh Nam Định bằng đường thuỷ năm 1533. Năm 1596, một giáo sĩ khác người Tây Ban Nha là Diego Avarte đến xin được phép vua Lê truyền giáo ở Đằng Ngoài. Sau đó vị giáo sĩ này cũng được chúa Nguyễn cho phép vào truyền giáo ở Đàng Trong. Nhưng sau đó, vì chiếm hạm của Tây Ban Nha tới cửa Hàn nên chúa Nguyễn sinh nghi liền đuổi giáo sĩ Diego Avarte về. Đến năm 1615, giáo sĩ Francoi Brezoni và bốn người khác thuộc dòng Jesuites lại xin được phép vào truyền đạo ở Đàng Trong. Tuy vậy phải đợi đến khi Hội Truyền Giáo Đàng Trong (1615) và Hội Truyền Giáo Đàng Ngoài (1626) được thành lập, công cuộc truyền giáo mới phát triển mạnh. Công trình truyền giáo lớn lao nhất là do giáo sĩ Alexandre  de Rhodes thực hiện. Giáo sĩ này cũng là một học giả. Cha sinh tại Avignon năm 1591 vào tu dòng Jésuites năm 1612. Bảy năm sau, Cha đi Goa và ở lại đó hai năm rưỡi trước khi đi Malacca và Macao. Đáng lý Cha được Toà Thánh La Mã chỉ định tới truyền giáo tại Nhật Bản, nhưng vì Nhật Bản hồi đó cấm đạo Thiên Chúa nên Cha phải tới Việt Nam. Năm 1625 thì Cha tới Đàng Trong Việt Nam. Năm 1627, Cha được phép ra Đàng Ngoài truyền giáo và nhờ tài ngoại giao, chiếm được cảm tình của Chúa Trịnh.
theo Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hoá Sử Cương

Năm 1630, Cha bị Chúa Trịnh tống xuất khỏi miền Bắc vì bị nghi ngờ có những liên hệ chính trị với Tây Phương. Trong khoảng thời gian ấy, Cha đã khảo sát kỹ càng về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý của nước ta để mách bảo cho các nước Âu Châu. Từ năm 1630 đến 1640 Cha đã trở về dạy thần học tại College dés Jesuites ở MaCao và sau đó trở lại Đàng Trong Việt Nam. Năm năm sau, Cha lại bị Đàng Trong tống xuất. Cha trở về Ma-Cao, rồi Âu Châu. Cha trở về tới La Mã  năm 1649, rồi về Paris. Sau một thời gian hoạt động, Cha thành lập được Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc ( Sociéte des Missions Etrangefres ) năm 1652. Các Linh Mục và Giám Mục của hội này đươc phái sang Việt Nam càng lúc càng đông, và thế lực của Giáo Hội Pháp ở Việt Nam trở thành mạnh mẽ hơn thế giáo hội của bất cứ một nước Tây Phương nào khác.

Đào Duy Anh viết: "Khoảng năm 1680-1682, ở Đàng Trong có đến 600.000, ở Đàng Ngoài đến 200.000 tín đồ  Cơ Đốc Giáo. Tuy nhiên, cuộc truyền giáo không phải là dễ dàng thuận tiện luôn đâu. Vì các giáo sĩ thường đem đường cho nhà đế quốc và thường can thiệp đến nội chính bản xứ, cho nên nhà cầm quyền ta Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài thường có lệnh cấm chế và bách sát các giáo đồ'' (Việt Nam Văn Hoá Sử Cương , Quan Hải Tùng Thư, 1938). Về Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc (Sociétes des Missions Etrangefres) ở Ba Lê, Charles Maybon đã viết trong cuốn Histoire Moderne dupayd'Annam (Paris 1920) như sau :

"Lịch sử Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc gắn chặt với lịch sử truyền bá ảnh hưởng của Pháp ở Đông Dương; một trong những người sáng lập hội là Palu đã nối liền những sợi dây liên lạc đầu tiên giữa hai triều đình Việt -Pháp. Vị giáo sĩ lỗi lạc nhất của hội là Giám mục Adran đã chính thức thắt chặt các mối liên hệ đó: Sự hoạt động của các hội viên đã dẫn tới các cuộc võ trang can thiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Vua Gia Long, trên con đường bôn ba gian truân lưu lạc, đã được giáo sĩ Pigneau de Béhaine giúp đỡ để dựng lại nghiệp Đế. Giáo sĩ Pigneau  đã vận động tiếp tế quân sự và khí giới từ Tây Phương sang để giúp Nguyễn Ánh. Vua Gia Long sau khi lên ngôi (1802), nhớ ơn các giáo sĩ, mới để cho họ tự do truyền đạo. Nhưng từ năm 1817 về sau, nhận thấy phong trào truyền giáo liên kết với phong trào khuếch trương thế lực chính trị thực dân, vua bắt đầu lo sợ. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, thì phong trào chống Cơ Đốc Giáo đã bắt đầu phát triển. Vua Minh Mạng là người sùng tín Nho học, rất tôn trọng nguyên tắc Trung Hiếu, sự tế tự thần thánh và sự thờ phụng tổ tiên. Tín ngưỡng Phật giáo dung hợp một cách dễ dàng với các sinh hoạt đó, nhưng tín lý và nếp sống của Cơ Đốc Giáo thì chống đối lại. Từ vua chí quan, ai cũng nghĩ rằng Cơ Đốc Giáo là một "tà đạo'' " làm bại hoại cả nền văn hoá cổ truyền của đất nước''. Vua Minh Mạng khi hạ dụ cấm đạo nói : "Đạo rối của người Tây làm mê hoặc lòng người ta. Giáo Sĩ Gia Tô làm là vạy nhân tâm, phá hoại mỹ tục, thật là một mối hại lớn cho nước nhà'' (Dụ cấm đạo lần thứ nhất. Đào Trinh Nhất trích dẫn trong Việt Nam Tây Thuộc Sử, Sài Gòn, 1937). Ban đầu vua Minh Mạng dùng những biện pháp ôn hoà như tập trung các giáo sĩ Pháp lại ở Kinh Đô để nhờ dịch sách sử học Tây Phương để hạn chế hoạt động của họ. Nhưng sau  vì có nhiều vụ xảy ra, như vụ tàu Thétís trước khi rút khỏi Đà Nẵng đã bí mật để lại một giáo sĩ tên là Rogerot (1825), vụ giặc Lê Văn Khôi bùng nổ ở Nam Kỳ (1833) trong đó có bàn tay của một giáo sĩ Pháp tên là Marchand nhúng vào, vua Minh Mạng bắt đầu dùng những biện pháp khắc khe hơn. Những cuộc đàn áp xảy ra. Những giáo sĩ vẫn can đảm, hoặc công khai hoặc bí mật.

Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đều chia chung một niềm lo ngại. Bởi nếu không thận trọng thì đường nào cũng mua vào tại hoạ cho đất nước. Yêu sách thị trường và thuộc địa ở Tây Phương lúc này trở nên rất mạnh mẽ, và việc phải xảy đến đã xảy đến. Các chiến hạm ghé đến Đà Nẵng can thiệp về việc bắt giam giáo sĩ. Rồi chinh phục bắt đầu. Mãi cho đến khi Pháp chinh phục xong Việt Nam thì vấn đề cấm đạo mới được chấm dứt, và từ đấy Cơ Đốc Giáo mới thực sự được tự do truyền bá. Liên hệ giữa tôn giáo và chính trị không phải là một việc mới; ở khắp nơi trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, liên hệ ấy đã có tự những ngày xa xưa nhất.

Ác cảm mà những nhà truyền giáo Tây Phương gây ra đối với dân chúng và các tông giáo cổ truyền Việt Nam đã được phát xuất từ những chống đối về văn hoá, tín ngưỡng và chính trị. Nếu ta đọc thử những bài giảng mà các giáo sĩ Tây Phương dùng để truyền đạo thì chúng ta sẽ thấy rõ rệt nguyên do của những chống đối thuộc phạm vi văn hoá và tín ngưỡng. Và nếu ta duyệt lại những liên hệ lịch sử tôn giáo và chính trị Tây Phương ở các nước Đông Á thì ta sẽ thấy ngay nguyên do những chống đối về chính trị.

Trong Phép giảng Tám ngày do giáo sĩ Alexandre de Rhodes soạn dùng cho các nhà truyền giáo Tây phương ở Việt Nam, giáo sĩ Alexandre de Rhodes phân tích và bài bác tín ngưỡng Việt Nam trong đó có tín ngưỡng Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo.

Về đạo Phật chẳng hạn, bài giảng nói về nguồn gốc Phật giáo như sau :

"Chúng ta hãy bắt đầu nói đến đạo này mà nguồn gốc ở Ấn Độ. Sự sai lầm của đạo này biểu lộ ra ngay tức khắc từ chính nguồn gốc của nó.

Vào khoảng 3.000 năm sau khi tạo thiên lập địa, ở Ấn Độ có một ông vua tên là Timphan có một người con rất thông minh, nhưng rất kiêu ngạo, người này lấy con gái độc nhất của một ông vua lân bang, rồi một mình đi tu, không được vợ con chấp thuận. Ông ta tu theo ma thuật, không biết để được người ta khen ngợi hay để có thể tranh luận dễ dàng hơn với các lão tà đạo. Ông học theo các lão Alala và Calala và đứng giữa hai lão này. Hai lão bèn dạy cho ông đạo Vô Thần và đặt tên cho là Thích Ca.

"Khi ông ta muốn đem cái đạo Vô Thần ấy, cái đạo nghịch thường ấy dạy cho người ta ai cũng xa lánh ông. Thấy vậy, ông ta cùng với hai lão kia dạy một thứ đạo mới đầy dẫy những chuyện hoang đường để níu kéo một ít đệ tử. Ông ta dạy thuyết luân hồi và sự thờ cúng các thần tượng, cho mình là thần tượng cao nhất trong các thần tượng, làm như ông ta là đấng tạo hoá, là chúa tể trời đất... Bằng những câu hoang đường và những câu phù chú, ấn quyết, ông ta bắt thiên hạ phải điên cuồng đến độ buộc họ phải chấp nhận sự thờ cúng các thần tượng, hứa hẹn cho kẻ nào thờ cúng thần tượng, dù kẻ đó ngày hôm nay là kẻ hà tiện nhất sẽ được tái sanh làm con vua nhờ luân hồi... Còn đối với các đồ đệ thân tín, ông dẫn họ đến vực thẳm của vô thần ... Tất cả đều từ hư không mà ra, rồi trở lại về hư không.

"Đạo ấy có hai mặt. Mặt ngoài là sự thờ cúng vô luân các thần tượng, với vô số những câu chuyện hão huyền, các bài hát phù chú, nó lôi kéo dân chúng vào sự thờ cúng thần tượng nhảm nhí, phạm vào vô lượng tội ác. Mặt thứ hai, mặt trong, còn tệ hại hơn nhiều, đó là nọc độc. Cho nên Khổng Tử, người thông thái nhất của dân Tàu, gọi sự thờ cúng thần tượng là đạo của bọn mọi rợ ...''.

Về Phật giáo ở Trung Hoa, Alexandre de Rhodes viết: "Các người có thể hỏi: tại sao sự thờ cúng thần tượng đó có thể truyền bá ở Trung Hoa, bởi vì sự thờ cúng đó phát sinh ở Ấn Độ, xứ mà người Trung Hoa coi như là một xứ thô lỗ dã man? Người ta trả lời rằng người Trung Hoa dĩ nhiên văn minh hơn các bộ lạc Ấn Độ nhiều về lĩnh vực khoa học và tâm linh cũng như về lĩnh vực thể xác. Trước hết, người Ấn Độ rất ngu dốt về các khoa học, sau đó về sự chăm sóc thể xác. Họ thường ở trần, ở lổ (...) Khổng Tử có báo trước trong sách của ông ta rằng phải đi tìm một vị thánh tại đất phương Tây. Vua Trung Hoa Hán Minh Đế đọc được sách đó đã nghe được lời khuyên của Thượng Đế đi tìm đạo chân chính tại miền Đại Tây. Chính vì vậy mà nhà vua mới sai một ông quan lớn nhất triều đình đi tìm. Sau một cuộc hành trình dài mấy tháng, ông quan này đến Ấn Độ, xứ mà người Trung Hoa cho là phương Tây. Nhưng mà đây chưa tới được nửa đường của Đại Tây. Vì quá mệt mỏi và vì đường đi quá khó khăn, ông ta không muốn đi xa hơn nữa. Ông ta bèn hỏi thăm xem ở Ấn Độ có một thứ đạo nào để mang về cho vua Trung Hoa chăng. Người ta mới nói với ông quan đó về thứ đạo vô luân của Thích Ca. Ông quan sung sướng mang đạo đó về từ phương Tây vĩ đại''.

Đó là một sự cố tình ghép Cơ Đốc giáo vào "giấc mộng thấy người vàng'' của vua Hán Minh Đế kể lại cho các quan nghe rằng mình nằm mộng thấy một người vàng, các vị đã nói tới đạo Phật ở Tây vực. Và phái đoàn của vua gồm có mười tám vị, trong đó có hai ông Thái Hâm và Vương Tuân. Phái đoàn này (năm 67 sau Tây Lịch) đã được phái qua Ấn Độ rước hai vị tăng sĩ là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan về dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương và mười sáu cuốn kinh khác.

Mở đầu chương bác bỏ giáo lý đạo Phật. Alexandre de Rhodes viết: "cũng như đốn một cây cằn cỗi và nguy hiểm, ta làm đổ xuống cùng một lần tất cả các cành của nó: một khi tên Thích Ca da đen và nói láo kia bị hạ xuống, rõ ràng tất cả những câu chuyện hoang đường về thần tượng do ông ta đặt ra cũng chẳng còn chút giá trị nào nữa...''

Truyền đạo như thế với ngữ phong như thế tuy có thể chinh phục mau chóng được một số tín đồ (những người không hiểu biết gì về đạo Phật mà đọc những dòng trên thì không thể nào thương đạo Phật cho được), nhưng cũng dễ tạo ra những chống đối mãnh liệt. Đó quả thật là mầm mống nguy hiểm của những xung đột tôn giáo. Không những đối với đạo Phật cả đạo Khổng và đạo Lão cùng những hình thức tín ngưỡng khác ở Việt Nam, Phép Giảng Tám Ngày cũng dùng ngữ phong tương tự.

Đào Duy Anh, sau khi nhận xét rằng ảnh hưởng của Cơ Đốc Giáo ở Việt Nam không đáng kể đã nêu ra lý do: Dân ta phần nhiều cho rằng Cơ Đốc Giáo không thừa nhận sự sùng bái tổ tiên là trái với luân lý và văn hoá cố hữu của ta, cho nên đem lòng kỳ thị. Vua Minh Mệnh hạ dụ cấm đạo nói: "Đạo rối của người Tây làm mê hoặc lòng người, giáo sĩ Gia Tô làm tà vạy nhân tâm, phá hại mỹ tục, thật là một mối hại lớn cho nước nhà''. Đại khái thái độ của phần nhiều người Việt Nam, nhất là của lớp nhà Nho đối với Cơ Đốc Giáo là như thế cả. Trong số người theo Cơ Đốc Giáo (thời ấy) một phần rất lớn là vì lợi mà theo chứ không phải vì tín ngưỡng sâu xa. Cho nên người ta có thể nói rằng ảnh hưởng tinh thần Cơ Đốc Giáo đối với dân ta lại còn ít hơn những thành tích thực hiện nữa'' (Đào Duy Anh,"Việt Nam Văn Hoá Sử Cương Quan Hải Tùng Thư").

Đào quân đã thấy được những nguyên nhân thuộc phạm vi văn hoá tín ngưỡng, nhưng ông đã không đề cập đến những nguyên nhân thuộc phạm vi chính trị. Dân tộc Việt Nam đã có trên ba nghìn năm lịch sử và đã chiến đấu oanh liệt nhiều phen để bảo vệ nền độc lập của mình chống lại sự xâm lẫn và uy hiếp của Bắc phương. Ý thức về độc lập của Quốc gia rất mạnh: tinh thần yêu nước đã là lợi khí căn bản để chiến thắng ngoại xâm, đánh bại được nhiều phen quân đội Mông Cổ và Trung Hoa. Sự tin tưởng cho rằng Cơ Đốc Giáo là đạo của người Tây phương do người Tây phương đem sang để chinh phục Việt Nam, tuy chỉ dựa trên những điều nghi kỵ, nhưng đã là một thực tại chính trị vô cùng quan trọng. Trên thực tế, có rất nhiều điều khiến cho lòng nghi kỵ của người Việt càng ngày càng tăng thêm. Sự nghi kỵ ấy bắt đầu ngay từ vua quan triều Nguyễn xuống dần cho đến dân chúng ít học. Các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức cùng các Nho thần và sĩ thứ đều có lòng nghi ngờ các giáo sĩ; cho rằng họ có liên lạc với đế quốc xâm lược. Người dân quê Việt Nam thiếu căn bản nhận thức, nghĩ rằng đạo Phật và đạo Nho là đạo của người Việt và đạo Cơ Đốc Giáo là đạo của người Pháp. Mà hễ theo đạo Cơ Đốc Giáo là theo Pháp. Đã đành quan niệm  như thế là sai lầm, nhưng hầu hết các điều kiện chính trị, xã  hội và văn hoá của thời ấy đều dắt dẫn người dân quê Việt Nam đi đến một quan niệm như thế. Mà đâu phải chỉ có người dân quê mới nghĩ như vậy. Sự kiện người Pháp nâng đỡ giáo hội Cơ Đốc Giáo một cách quá rõ rệt và công khai sau khi đã chiếm cứ Việt Nam làm thuộc địa đã khiến cho niềm tin ấy càng ngày càng vững mạnh. Nếu một người  ngoại quốc đến thăm Việt Nam, người đó sẽ thấy rằng ở các đô thị, nhà thờ và trường học Công Giáo chiếm những địa thế ưu thắng. Công cuộc truyền giáo của các  giáo sĩ Công giáo không bị hạn chế bởi luật lệ. Cho đến nỗi gần ba năm sau cuộc cách mạng 1945, sau khi người Pháp trở lại Việt Nam, mà di tích của sự kỳ thị tôn giáo ấy vẫn còn được ghi trong đạo dụ số 10 ký ngày 6 tháng 8 năm 1950. Đạo dụ này ấn định quy chế hiệp hội, và theo đó, chỉ riêng hội truyền giáo Cơ Đốc là không bị những điều của quy chế ràng buộc mà thôi.

Trích Hoa Sen Trong Biển Lửa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp