Chỉ chênh nhau 200 euro nhưng Trung tâm BTDTCĐ Huế đã để "vuột" mất cơ hội sở hữu một bức tranh, đồng thời cũng là một chứng tích quý giá về lịch sử và chính trị, do một vị vua yêu nước của triều Nguyễn sáng tác trong thời gian bị lưu đày.
Thời gian vừa qua, các nhà đấu giá cổ vật và tác phẩm nghệ thuật ở châu Âu và Bắc Mỹ liên tiếp rao bán nhiều món cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đã có nhiều tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham dự các phiên đấu giá với mong muốn sở hữu những cổ vật quý giá này nhưng phần lớn đều không thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó, việc thiếu thông tin về các cổ vật Việt Nam đã và đang được rao bán là một trong những nguyên nhân chính yếu.
Chuyên đề ANTG xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, người đã có hơn 15 năm "theo dấu" những cổ vật của Việt Nam hiện đang lưu lạc ở hải ngoại.
Từ bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi…
Ngày 24/11/2010, nhà đấu giá Drouot ở Paris (Pháp) tổ chức phiên đấu giá 228 tác phẩm nghệ thuật, gồm cả tranh và tượng. Trong đó có bức tranh sơn dầu Déclin du jour (Chiều tà) (ảnh 1), do Vua Hàm Nghi (1871-1944) vẽ vào năm 1915 trong thời gian ông bị thực dân Pháp bắt đi lưu đày tại Algeria. Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm của Vua Hàm Nghi được đem ra đấu giá, mặc dù sinh thời Vua Hàm Nghi, với bút danh là Xuân Tử (có tài liệu ghi là Tử Xuân), đã sáng tác nhiều tranh tượng và đã tổ chức triển lãm cá nhân tại Paris vào năm 1926.
Bức tranh có tên gốc là La Route De El Biar (Con đường của El Biar), kích thước 35x46cm, do Văn phòng SVV Millon & Associés ở Paris đưa ra đấu giá và được đặt giá là 1.000euro. El Biar là một địa danh ở Alger, nơi tọa lạc của biệt thự Gia Long mà Vua Hàm Nghi đã ở trong suốt thời gian ông bị lưu đày ở Algerie.
Theo đánh giá của nhà phê bình Việt kiều Đặng Tiến, thì “Chiều tà” là một bức tranh đẹp, "có cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, kín đáo, trầm buồn, u uẩn. Một thế giới yên tĩnh và gợi cảm". Trong khi ông Alexandre Millon, đại diện nhà đấu giá Drouot thì cho rằng: "Đối với họ (người Việt), bức tranh có một giá trị thiêng liêng, vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật". Có lẽ vì thế nên phiên đấu giá này đã thu hút khoảng 20 người Việt, trong số hơn 200 người đến tham dự phiên đấu giá này. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) rất muốn mua bức tranh này nên đã ủy quyền cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tham gia đấu giá.
Do giá đặt cho bức tranh “Chiều tà” chỉ 1.000euro nên đã thu hút nhiều người quan tâm đấu giá. Tuy nhiên, sau khi có người trả giá đến 2.000euro thì cuộc đấu giá chỉ còn là một cuộc đua tay đôi giữa hai người phụ nữ Việt Nam, trong đó có một người là đại diện cho Trung tâm BTDTCĐ Huế và đã trả đến 8.600euro thì chấp nhận nhường quyền mua bức tranh này cho một người giấu tên, tham gia đấu giá qua điện thoại, với giá 8.800euro (cộng thêm 26% lệ phí trung gian, đưa giá sau cùng vào khoảng 11.088euro, tương đương 14.780 USD).
Như vậy, tuy chỉ chênh nhau 200euro nhưng Trung tâm BTDTCĐ Huế đã để "vuột" mất cơ hội sở hữu một bức tranh, đồng thời cũng là một chứng tích quý giá về lịch sử và chính trị, do một vị vua yêu nước của triều Nguyễn sáng tác trong thời gian bị lưu đày.
Đánh giá về sự kiện này, trong một bài viết đăng trên báo Thể thao Văn hóa ngày 5/12/2010, họa sĩ Trịnh Cung nhận xét: "Bức tranh là một chứng tích lịch sử của nhà Nguyễn thời bị thực dân Pháp xâm lược. Những vị vua yêu nước, bất khuất như Hàm Nghi, Duy Tân và những anh hùng dân tộc khác bị người Pháp bắt đi lưu đày đến bỏ thây xứ người, trong số họ ít ai để lại những sáng tác trong thời gian bị lưu đày giống như Vua Hàm Nghi. Những bức tranh ông đã vẽ trong giai đoạn này là vô cùng quý giá. Nó đã làm chúng ta bồi hồi xúc động khi nghe và thấy bức tranh qua báo chí; chắc chắn chúng ta sẽ phải rưng rưng nếu được đối diện trực tiếp với tác phẩm đầy nỗi niềm này… để tìm hiểu về cuộc đời một chí sĩ, một nghệ sĩ đặc biệt. Cho nên, thật hụt hẫng, đây là một cơ hội hy hữu khi chúng ta đã không "cung nghênh" và đưa được tác phẩm này về trưng bày ở các bảo tàng tại Việt Nam"…
… đến bộ tranh về lễ phục tế Nam Giao của Nguyễn Văn Nhân
Khoảng giữa tháng 4/2011, tôi nhận được e-mail của TS. Piere Baptiste, quản thủ sưu tập Đông Nam Á của Bảo tàng Quốc gia Guimet về Nghệ thuật châu Á (Bảo tàng Guimet) ở Paris (Pháp) báo tin Eric Chaim Klein Bookseller, một nhà sách ở Santa Monica (California, Mỹ), đang rao bán một bộ tranh về triều Nguyễn với giá 35.000USD. Kèm theo thông tin là địa chỉ website giới thiệu về bộ tranh này và một bức thư do bà Laurent Mazzotti, đại diện của Eric Chaim Klein Bookseller gửi cho TS. Piere Baptiste.
Nội dung bức thư như sau: "Nhận thức rõ những đóng góp quan trọng của Bảo tàng Guimet cho các chương trình hỗ trợ việc bảo tồn và phát triển hàng năm của các bảo tàng ở Việt Nam, nên chúng tôi gửi đến ông sự lưu ý về một sưu tập gồm những bức tranh duy nhất minh họa chi tiết lễ phục mà vua quan và binh lính của triều đình An Nam mặc trong lễ tế Nam Giao, với các màu sắc rất sinh động và trung thực. Những bức tranh này chưa từng xuất hiện, độc đáo và hiếm gặp, đã được một người tên là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12/1902. Những bức tranh này miêu tả các chi tiết khác nhau của từng loại trang phục của những người tham gia lễ tế.
Chúng tôi tin rằng tư liệu này thực sự là một di sản lịch sử. Nó đã được thực hiện vào năm 1902, đúng 100 năm sau ngày triều Nguyễn được thiết lập. Chúng tôi bày tỏ mong muốn rằng Bảo tàng Guimet có thể quan tâm để mua lại các bức tranh này. Nếu không, thì chúng tôi vô cùng biết ơn việc (ông) sẽ gửi lời đề nghị này đến các tổ chức, cá nhân khác, vì chúng tôi tin rằng việc này có một vai trò quan trọng trong các bảo tàng hay trong thư viện công cộng cũng như trong các sưu tập tư nhân".
TS. Piere Baptiste cũng gửi kèm cho tôi 7 bức ảnh chụp lại một số bức trong bộ tranh này và nhờ tôi thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của bộ tranh này.
Theo chỉ dẫn của TS. Piere Baptiste, tôi đã truy cập vào website của Eric Chaim Klein Bookseller và tìm được những thông tin chi tiết về bộ tranh này: Bộ tranh được đặt tên là Grande Tenue de la Cour d'Annam (Lễ phục của triều đình An Nam) (ký hiệu: Book ID: 11638), do ông Nguyễn Văn Nhân, Biên tu Hàn lâm viện triều Nguyễn đã nghỉ hưu, vẽ vào năm 1902, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Vua Gia Long (1802 - 1820) khai sinh vương triều Nguyễn.
Theo miêu tả của Eric Chaim Klein Bookseller thì "Bộ tranh này gồm 54 bức, được bọc trong chiếc túi vải lanh màu be, bên ngoài có dán tấm nhãn ghi những dòng chữ viết tay đề tháng 12/1902. Những bức tranh họa đầy ấn tượng bằng màu nước, miêu tả triều thần và binh lính trong lễ phục tế Nam Giao. Những bức này có ghi chú bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước và phẩm hàm của những nhân vật trong tranh. Phông nền của hầu hết các bức tranh này được thể hiện với gam màu nâu sáng, còn các họa tiết khác thì được thể hiện bằng nhiều màu sắc khác nhau và rất sắc nét… Tình trạng của các bức tranh đều tốt và đây là những bức tranh độc đáo, với những minh họa tuyệt vời bằng những sắc màu sống động". Ngoài thông tin trên còn có những lời giới thiệu ngắn gọn về lễ tế Nam Giao ở Việt Nam thời Nguyễn và ý nghĩa của lễ tế Nam Giao, cùng với 3 bức ảnh chụp một số họa phẩm trong sưu tập này.
Trong số 7 bức ảnh do TS. Piere Baptiste gửi cho tôi, ngoài 1 bức chụp chiếc túi bằng vải lanh bọc bộ tranh và 1 bức chụp chiếc nhãn dán ngoài chiếc túi vải có ghi dòng chữ Hán (phiên âm): Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất (Sắc phục của hoàng phái từ thiên tử đến tôn thất) và dòng chữ Pháp: Grande Tenue de la Cour d'Annam/ par Nguyễn Văn Nhân/ Biên-tu du Hàn-lâm en disponibilité/ Hué. Decembre 1902 (Lễ phục của triều đình An Nam, do Nguyễn Văn Nhân, Biên tu Hàn lâm viện đã hồi hưu vẽ, tháng 12/1902), các bức ảnh còn lại chụp 5 trong số 54 bức của bộ tranh này, thể hiện các chi tiết trang trí, kiểu thức và màu sắc các bộ lễ phục của vua, triều thần, hoàng thân, bồi tế và binh lính mặc khi tế Nam Giao. Trên các bức tranh này đều có các chữ Hán và chữ Pháp chú giải nội dung của bức tranh và chức tước, phẩm hàm của những nhân vật được miêu tả trong tranh.
Bức thứ nhất miêu tả nhà vua (có lẽ là Vua Thành Thái, trị vì từ năm 1889 đến năm 1907), đang ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hòa, hai bên có hai viên Thái giám và hai vị Hiệp lĩnh thị vệ đứng chầu, phía dưới có dòng chữ Hán: Đại Nam hoàng đế sắc phục tại vị và một số chữ Hán khác ghi chức danh của những nhân vật trong tranh là Hiệp lĩnh thị vệ và Thái giám (ảnh 2). Bức thứ hai vẽ nhà vua mặc xiêm và long cổn, đi hia, đội mũ bình thiên, cùng các bồi tế, thị vệ và thái giám, đang chuẩn bị bước lên đàn tế Nam Giao (ảnh 3). Bức thứ ba vẽ hai người mặc lễ phục khác nhau, với hai sắc màu xanh dương và đỏ làm chủ đạo, đầu đội hai chiếc mũ tế khác nhau; hai chữ Hán Hoàng thân viết cạnh hai nhân vật này cho biết họ là những hoàng thân triều Nguyễn (ảnh 4). Bức thứ tư vẽ hai vị quan mặc lễ phục màu cam, đầu đội mũ ô sa ngồi đối diện nhau; các chữ Hán viết trên tranh là: Chánh nhất phẩm, Đông Các, Võ Hiển cho biết họ là quan Đông Các đại học sĩ và Võ Hiển điện đại học sĩ, hàm chánh nhất phẩm (ảnh 5).
Bức thứ năm vẽ hình con voi có phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long; một người quản tượng mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi và ba người lính đi bên cạnh con voi mặc binh phục, đội nón dấu, lưng thắt khăn với các màu sắc khác nhau; chữ Hán trên bức tranh này cho biết họ là những người lính thuộc Kinh tượng vệ, được gọi bằng các danh xưng: Hiệp quản, Dương, Binh và Thanh minh (ảnh 6).
|
Dù chỉ được xem 5/54 bức trong bộ tranh này, nhưng tôi nhận thấy đây là bộ tranh rất quý, phản ánh tường tận và miêu tả chi tiết lễ phục tế Nam Giao của vua quan, tôn thất, binh lính, voi (có thể có cả trang phục của ngựa)… tham gia lễ tế Nam Giao dưới triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu quý, nếu mua được thì chúng ta không chỉ sở hữu một nguồn tư liệu quý về triều Nguyễn, đồng thời, những thông tin liên quan đến lễ phục và nghi thức tế Nam Giao trong bộ tranh này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phục chế trang phục tế Giao và tái hiện chân xác các nghi thức tế Nam Giao, mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện trong các kỳ Festival Huế vừa qua.
Vì thế, ngay sau khi kiểm định thông tin và trả lời cho TS. Piere Baptiste biết nhận định của mình, tôi đã liên lạc với lãnh đạo Trung tâm BTDTCĐ Huế và đề nghị trung tâm này liên lạc với Eric Chaim Klein Bookseller để mua bộ tranh quý này. Đồng thời, tôi cũng cung cấp thông tin này cho báo Tuổi trẻ đăng tải với hy vọng nếu Trung tâm BTDTCĐ Huế không mua được bộ tranh này thì sẽ có tổ chức hay cá nhân người Việt Nam nào có thể bỏ tiền mua bộ tranh quý này để giữ gìn một di sản văn hóa và cũng là một nguồn tư liệu lịch sử quý hiếm cho Việt Nam.
Trung tâm BTDTCĐ Huế đã lập tức liên lạc với Eric Chaim Klein Bookseller để hỏi mua bộ tranh nhưng thật đáng tiếc là bộ tranh này đã được Eric Chaim Klein Bookseller bán cho một người mua ẩn danh tại Hội chợ sách New York vào cuối tháng 4/2011.
Bản thân tôi hiện cũng đang nhờ các đồng nghiệp trong ngành bảo tàng ở Mỹ và ở châu Âu "truy tìm" tông tích người đang sở hữu bộ tranh này, nhằm giúp Trung tâm BTDTCĐ Huế cơ hội chuyển nhượng, hoặc xin sao chụp (có trả tiền) bộ tranh quý này để phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục chế trang phục tế Nam Giao và tái hiện lễ tế Nam Giao ở Huế. Hy vọng điều này sẽ trở thành sự thật.
Theo Trần Đức Anh Sơn (Nguồn: antg.cand.com.vn)