đậu tương đen hữu cơ

Chấn hưng Phật giáo

13:14 29/04/2011

Bài 2: Canh tân Phật giáo (Minh Mẫn)

(TG&DT) - Canh Tân là vấn đề luôn được cân nhắc cho mọi tổ chức, mọi sinh hoạt và mọi ngành nghề trong cuộc sống. Bởi vì mọi vật luôn biến thiên theo thời gian và không gian.

  NGUYÊN NHÂN RẮC RỐI


 

Cuộc chiến VN trước 1975 đạt đến đỉnh điểm quyết định. Mặc dù chính quyền miền Bắc lúc bấy giờ hao binh tổn tướng khá nhiêù qua những chiến đoạn mùa Hè Đỏ Lửa, Mậu Thân, Lam Sơn Hạ Lào, nhưng dốc toàn lực khi thấy rằng chính quyền Mỹ lúng túng trước sách lược VN và ý định giải trừ chiến tranh lạnh với Liên Xô, Trung Quốc.


 

Một số thành phần trí thức và tu sĩ Kito giáo cũng thấy được mối đe dọa từ miền Bắc, linh mục Trần Hữu Thanh, Nguyễn Ngọc Lan, Đinh Bình Định.. đứng ra hô hào chống tham nhũng, thanh lọc và củng cố miền Nam, tổ chức nhiều lực lượng chính trị, trong đó lực lượng người Nùng của linh mục Hoàng Quỳnh, cơ sở  tại giáo xứ An Bình, mong cưú vãn chế độ; ngược lại linh mục Phan Khắc Từ, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung… lại hoạt động những phong trào dưới chiêu bài  xã hội làm nhộn nhịp thêm trong tình thế nhiều hoảng loạn; ví dụ phong trào Cứu Đói, thật tế miền Nam bấy giờ có ai đói đâu; Cải thiện chế độ Lao Tù…làm căng thẳng tinh thần quần chúng,  giữa lúc chiến tranh gia tăng khốc liệt.



Hằng ngày tin binh sĩ tử thương, thất trận dồn dập trên các trang nhật báo; Sinh viên, học sinh, các sư xuống đường liên miên. Lực lượng PG đấu tranh, có ni sư Huỳnh Liên, không trực thuộc cuộc đấu tranh của PG Ấn Quang, mà liên kết với bà Ngô Bá Thành của Mặt Trận; Tình hình chính trị miền Nam bấy giờ như quả bóng đang căng; Nguyễn văn Thiệu càng ngày càng lâm vào bế tắc, thế nhưng ông ta vẫn cố bám vào ngôi vị Tổng Thống đến khi Mỹ  cắt viện trợ hoàn toàn, tinh thần binh sĩ miền Nam xáo trộn, không còn cưú vãn, và bị áp lực nhiều phía, ông ta mới chấp nhận ra đi.

 


 PG  Ấn Quang bấy giờ tiến thoái lưỡng nan; cuộc đấu tranh ngày càng lún sâu vào chính trị; chính phủ miền Nam từ thập niên 1966 - 1974, muốn xoa dịu PG, nhường một số ghế trong chính quyền. Trần Quang Thuận làm bộ trưởng Bộ Xã Hội. Vũ Văn Mẫu và liên danh Hoa Sen có các ông Nguyễn Duy Tài, Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn, vào quốc Hội, nhưng tất cả cũng chỉ phụ thuộc vào nhân sự đầu tàu Kito giáo, như chủ tịch Thượng Hạ nghị viện đều là người của GH Kito đưa ra,  tỉnh trưởng, quận trưởng cũng là tín đồ Kitô giáo, các cấp chính quyền đều bị các linh mục, các thành phần dư đảng Cần Lao chi phối; Thậm chí nhân sự đại diện PG trong các cấp chính quyền cũng tùy hứng hoạt động mà không theo chủ trương của GH Ấn Quang, hay nói cách khác, GHPG lúc bấy giờ, ngoài việc chống đối , không có một kế sách, một  chiến lược rõ ràng, không đào tạo nhân sự thực thi chính sách của GH khi tham chính, vì thế, những nhân sự được GH đưa vào chính quyền, lại là người thụ hưởng cá nhân, hoặc công bộc chế độ chứ không đóng góp gì cho PG đáng kể. Lúc bấy giờ PG Ấn Quang vừa đối đầu vừa hợp tác, có nghĩa đối đầu để có một vị trí trong chính quyền chứ không phải chống đối vì cuộc chiến nồi da xáo thịt. Đã đi lệch mục đích ban đầu.


 

Tăng sĩ trẻ không thể tách rời hoạt động của GH ẠQ, vì vậy bị lệnh Tổng động viên, phải nhập ngũ, chỉ có tu sĩ thuộc GHPGVNTN của Việt Nam Quốc Tự mới được cấp giấy hoãn dịch; Chư ni trẻ ở Dược sư, Huê Lâm, Từ Nghiêm.. buộc phải tham gia biểu tình, không còn thời gian tu học. Một số vị rút khỏi GHTN để thành lập GH mới, cũng không khá hơn trong việc giáo dục, đào tạo tu sĩ, bị  không khí chính trị nóng bỏng chi phối; so với tu sĩ các dòng của Kito giáo, PG bấy giờ chông chênh, khó tìm một vị thế an trụ. Nếu GH bên Việt Nam Quốc Tự hay bất cứ GH tông môn nào đủ bản lãnh thiên hướng chuyên tu cho tăng chúng, hoặc đào tạo đồ chúng theo thiền môn quy củ của chư Tổ, chắc chắn PGVN không bị trống chân như căn nhà bị nước ngầm xâm thực.


 

Nếu những bậc cao tăng lúc bấy giờ như HT Trí Tịnh, HT Thanh Từ, HT Thiền Tâm, HT Thiện Hòa, HT Bửu Huệ…can đảm khởi xướng phong trào chuyên tu, chắc chắn không ít tu sĩ hưởng ứng khi quá mỏi mệt vì đấu tranh, và như thế, tuy không chính thức làm cuộc canh tân, nhưng thật sự đã canh tân PG trong một trong một xu thế bị kiêu binh tồn đọng sau hào quang thành tựu 1963 của GHPGVNTN Ấn Quang; Riêng GH Việt Nam Quốc Tự, HT Tâm Châu cũng không có lực lượng tăng sĩ hậu thuẩn như Ấn Quang, chỉ một số ít người Bắc di cư và chính quyền bấy giờ ủng hộ, thay vì tách rời Ấn Quang, Ngài có thể thành lập đạo tràng hay một viện chuyên tu để ổn định tăng sĩ, HT Tâm Châu lại an phận chức Viện trưởng VHĐ một cách hữu danh vô thực, để rồi danh tiếng một thời bị mai một trong cuộc sống vô vị!


 

Khi cuộc chiến kết thúc vào 30/4/1975, PG một số tỉnh thành tham gia tiếp đón bộ đội, một số hòa vào dòng người chạy nạn vô Sài Gòn hoặc vượt biên; Ban Đại diện PG các nơi chờ đợi sự điều động, chỉ thị hoặc hướng dẫn của GH Trung Ương, nhưng tại Ấn Quang, sau khi HT Trí Quang đề nghị TT Dương Văn Minh đầu hàng để tránh đổ máu nhân dân và binh sĩ hai bên một cách vô ích; các HT, TT lãnh đạo GH Trung Ương, mỗi vị  suy tư một cách khác nhau, nhưng một cách giống nhau là đứng trước tình hình mới, GH không biết ứng xử thế nào, chờ thái độ của chính phủ Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam VN đối xử với tôn giáo ra sao; Nghĩa là GH chỉ có thái độ đấu tranh trong lúc chiến tranh, không có một kế sách cho thời hậu chiến, hay ít ra chuẩn bị tư thế trong buổi giao thời; có người bảo rằng GHTN chỉ thành lập để đấu tranh chứ không phải phát triển PG, đào tạo tu sĩ và hướng dẫn quần chúng tu tập, vì thế không giữ được tầm vóc và sắc thái liên  tục của một tôn giáo trong mọi tình huống, như Kitô giáo!



Một số tín đồ người Bắcdi cư đã  đến các Ngài mong tìm được một sự trấn an, chính các Ngài cũng không an, HT Tâm Châu, HT Huyền Vi, HT Giác Đức, HT Mãn Giác đã ra di, vài tháng sau đó, HT Hộ Giác, HT Tắc Phước, HT Huyền Tôn, TT Thiện Nghị, TT Chơn Điền,… đều tìm cách ra nước ngoài, không thiếu tu sĩ bỏ mình nơi biển cả, trong đó có TT Viên Đức, tu Mật Tông ở Thủ Thiêm; không thể bảo vì lý do kinh tế, cũng không thể nói tỵ nạn chính trị, vì các Ngài không can hệ đến chính trị, một lý do duy nhất là vì an ninh cuộc sống, một số chùa bị trưng thu, một số tu sĩ bị bắt, hầu hết đều nằm trong vòng kềm tỏa khắc nghiệt của chính sách Quân quản lúc bấy giờ.


 

Trong tình hình mới, khi nước nhà thống nhất, chính phủ miền Bắc và Mặt trận Giải Phóng Miền Nam VN tổ chức Hiệp Thương để thống nhất quản lý, thống nhất tiền tệ, thống nhất kinh tế, thì Tôn giáo, các hội đoàn miền Nam trước đây cũng được thống nhất vào Mặt Trận Tổ Quốc; Riêng PG, giai đoạn trung chuyển để kết hợp giữa PG miền Bắc và PG miền Nam, HT Minh Nguyệt được lệnh thành lập Ban Liên Lạc PG Yêu Nước, sau đó HT Trí Hải, HT Đức Nhuận ( miền Bắc) vào Nam để gặp chư tôn Đức GH Ấn Quang , đặt vấn đề thống nhất PG, nhưng các Ngài không giải trình rõ mô hình ngôi nhà chung PGVN mà quyền hạn và sự độc lập của GH cần phải có như PG miền Nam trước đây, vì thế, chư tôn đức trong GH Ấn Quang, một số không chấp nhận, một số ngần ngại thiếu dứt khoát, một số tham gia GH mới.



Riêng HT.Trí Thủ chấp thuận tham gia, nhưng yêu cầu Nhà nước cho GHPGVNTN Ấn Quang tổ chức một Đại Hội  lấy biểu quyết của Đại Biểu, nếu tham gia, GHTN có một sự giải thể công khai và hợp pháp; nhưng do tính chủ quan, nóng vội phía Ban Tôn Giáo và Mặt Trận, xem thường yêu sách của GH Ấn Quang, vượt nguyên tắc, Đổ Trung Hiếu, tức Mười Anh, phó Ban Tôn Giáo TP lúc bấy giờ, cả quyết với  HT.Trí Thủ: Ôn yên tâm, ổn cả rồi, không cần tổ chức Đại Hội, các Ngài thỏa thuận cả rồi!



HT.Trí Thủ không chuyên về nguyên tắc pháp lý, cả tin lời hứa của Mười Anh.



Tuy nhiên, năm 1977, HT Tổng Thư Ký VHĐ, T. Quảng Độ triệu tập Đại hội kỳ 7, cũng là đại hội bất thường, để quyết định đường lối mới của GH Ấn Quang.



HT Minh Nguyệt và HT Thiện Hào, vừa chấm dứt chiến tranh, vội vã vào Ấn Quang thăm chư vị tôn túc lãnh đạo GH; HT Thiện Hòa, trưởng Ban Tài Chánh GH Ấn Quang nói: Mời  hai HT tham gia GH, chúng tôi sẽ đề bạt các thầy trong một trọng trách của GH. Nhưng khi Đại hội 7 hoàn mãn, HT Quảng Độ đã loại trừ hai Ngài, gây hố ngăn cách bước đầu mà GH đang đối mặt trước nhiều khó khăn sắp tới; liền sau đó, hai HT được nhiệm vụ thành lập Ban Liên Lạc PG Yêu Nước.


 

Chuyện gay cấn giữa GH Ấn Quang và Nhà nước trong buổi giao thời ngày một căng thẳng; Ban tôn  giáo tuy liên hệ  thành công một số giáo phẩm Ấn Quang ngã về mình; khi HT Minh Châu đồng ý tham gia GH Nhà nước, cơ sở 2 của Viện Đại Học Vạn Hạnh ở Nguyễn Kiệm được trả lại làm chổ dung thân cho HT viện trưởng. HT Trí Thủ tuy cá nhân gia nhập tổ chức PG  Nhà nước, Ban Tôn Giáo vẫn xem như GHTN Ấn Quang mặc nhiên sáp nhập Nhà nước, vì HT Trí Thủ nguyên là Viện Trưởng VHĐ lúc bấy giờ.  



HT Tổng Thư Ký VHĐ, T.Quảng Độ dùng lý để  đối kháng, không chấp thuận, vì cá nhân HT Viện Trưởng VHĐ không đủ tư cách giải quyết bức tử GH, cần có cuộc Đại Hội khoáng đại để lấy biểu quyết của đại biểu. Trong lúc nhùng nhằng chưa ngã ngũ, Ấn Quang vẫn còn là văn phòng GHPGVNTN; cô nhi viện Quách Thị Trang, phía sau Việt Nam Quốc Tự, TT NHật Thiện tự động cho phòng Công Nghiệp UBND Q.10 mượn làm cơ sở sản xuất mây tre lá, mặc dù cơ sở đó đã hiến cúng cho GH; để chuẩn bị ngày lể khai  trương, phòng Công Nghiệp Q.10 cho người thay bảng mới, một số em cô nhi vội báo cho Viện Hoá Đạo, HT Quảng Độ nghĩ là Nhà nước tiếp quản cơ sở, vì không được TT Nhật Thiện thông báo cho GH biết. Một cuộc tranh chấp nổ ra giữa GH và  chính quyền TP; Thông tư, thông cáo từ văn phòng VHĐ lên án gay gắt chế độ. Một sự ngộ nhận gây ra không phải vô tình của TT Nhật Thiện, làm cho Ấn Quang và Nhà nước thêm ngày một ngăn cách vì thành kiến và mặc cảm.


 

Canh tân lần thứ 3: Gọi là canh tân cũng chưa chính xác khi mà GHPGVN do Ban tôn giáo và Mặt Trận Tổ Quốc thành lập, khung sườn gần giống với GH cũ, chỉ chuyển đổi vài danh xưng và thay vì Tứ Chúng lãnh đạo, GHPGVN chỉ duy nhất chư tăng điều hành, bổ cử mà không thông qua bầu bán.



Canh tân là sự đổi mới về tổ chức và tính hiệu quả, nhưng thật tế đi ngược lại những gì đã có, nó trì trệ và phát sanh nhiều tệ nạn trong cơ cấu tổ chức, hệ thống lãnh đạo và  bản chất cán bộ tu sĩ, đưa đến tiêu cực phổ biến trong các tầng lớp tu sĩ.



Thống nhất các hệ, giáo phái PGVN trong một GH là điều tất yếu, hẳn nhiên là để Nhà nước dễ quản lý, đồng thời PG hoạt động theo một nề nếp có tổ chức, có hiệu quả hơn, đoàn kết hơn; Nhưng do cách thống nhất thiếu tế nhị trong bước đầu, cứ nghĩ với quyền lực trong tay, Nhà nước dễ dàng điều động các sư như từng làm ở miền Bắc; Các tông môn giáo phái đã ký tên tham gia GH mới, cá nhân Ấn Quang không tham gia cũng chẳng sao, hai vị HT Quảng Độ, HT Huyền Quang không thể chống lại một tập thể lớn, do chủ quan đó mà Nhà nước tiến hành thành lập GHPGVN vào năm 1982, để dọn sạch sự cản trở, năm 1980 -1981, các thành phần nhân sự và lãnh đạo GH Ấn Quang đều bi quản thúc hoặc đi tù. HT Q. Độ đã cho tẩu tán con dấu GH, nhà kế cận đi vượt biên, ấn tín VHĐ đã hoàn toàn thất lạc.


 

Đây là giai đoạn 3, PGVN chuyển mình theo xu thế mới, ra đời một tổ chức mới; Ban tôn Giáo cứ ngỡ đã thuận buồm xuôi gió, đến khi, HT.Đôn Hậu viên tịch, một bản di chúc làm xôn xao PG, mở đầu cho một cuộc trổi dậy của GHTN Ấn Quang cũ, nay  gọi là PGTN Thanh Minh, vì văn phòng VHĐ đã dời về Thanh Minh Thiền Viện, đường Trần Huy Liệu.Q.3. TP H.C.M.



Sau khi hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, 1985, VN mở cửa thị trường, cơ chế quản lý thông thoáng hơn, vấn đề tôn giáo cũng được cân nhắc tương xứng với tầm vóc một GH mà trước kia bị xem như những hội đoàn! Nhà nước ít can dự vào nội bộ những chuyện vặt vảnh, phần lớn trao quyền quyết định nội vụ cho các chức sắc tôn giáo; chính vì thế, cơ cấu tổ chức GHPGVN mang tính phong kiến, gia trưởng, đã đưa đến một số chức sắc GH lạm quyền, kiêm nhiệm, tha hoá, tiêu cực, phe nhóm, bất tài, cậy thế… làm cho tổ chức PG trì trệ, hủ hoá. Những tu sĩ có uy tín, có khả năng bị dìm ẩn, gây khó khăn, hoặc bị kích động chống đối, bôi xấu, kết án lẫn nhau. Không ai có thể đoàn kết PG thật sự giữa thế giới đang hoà nhập và đất nước chuyển mình thăng tiến.


 

Trong tinh thần dân chủ của nhà Phật, Tăng – Ni -thiện nam –tín nữ đều có bổn phần đóng góp xây dựng ngôi nhà chung của Như Lai, nhưng Hiến chương của GHPGVN qua 25 năm vẫn tồn đọng cửa quyền độc tài, ni chúng và tín đồ chỉ biết gọi dạ, bảo vâng, không có quyền đóng góp tài năng, sáng kiến cho GH. Vì thế, hàng cư sĩ đã quây lưng lại với GH, vì trách nhiệm đều do các sư đảm đương.  



Bất cứ tổ chức nào, cơ chế, chính sách cũng chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định, buộc phải sửa đổi cho thích hợp tình hình mới, riêng PGVN, một tổ chức lạc hậu, lỗi thời, không  được xét lại phương sách hoạt động, cơ cấu tổ chức; Đây là di chứng sai lầm của cơ chế bao cấp do Nhà nước áp đặt để vào những thập niên trước đây, do lối mòn đó, cấp lãnh đạo PG không muốn thay đổi, vì thụ động hay vì sợ ảnh hưởng quyền lợi cá nhân?.



Nhưng PG trì trệ, kéo theo một đất nước trì trệ, vì thế, Nhà nước nhiều lần muốn cải thiện PG, nhưng không biết khởi sự từ đâu. Một hạt cát nhỏ nằm trong con ngươi của PGVN, đó là GHTN, dù muốn dù không, về pháp lý, đó là một thực thể cần giải quyết ổn thỏa; cho dù qua 30 năm ngoài vòng pháp luật, Nhà nước không chấp nhận, cũng không thể phủ nhận những khó khăn từ GHTN tạo nên mà GH hải ngoại đã hỗ trợ trong nước làm áp lực với chính quyền. Dẫu sao GHTN vẫn là một cơ phận của cộng đồng PGVN.


 

Về phương diện GHTN, các Ngài bảo: ai gút người ấy mở, có nghĩa tình trạng bế tắt PG hiện nay do giải quyết sai lầm bước đầu của Nhà nước, phải do Nhà nước chủ động tháo gở. Những cán bộ nông nổi đốt giai đoạn bước đầu đã không còn  tại chức. Thế hệ kế thừa không hiểu được nút rối từ đầu, do đó không thể quy trách cho họ; Đấu tranh vì quyền lợi PG là điều đúng, nhưng lợi dụng thế lực chính trị để đạt yêu cầu là phương tiện sai. Tinh thần kiên nghị là tốt, nhưng thiếu linh động trong phương cách đấu tranh để đạt yêu cầu là thất bại; có những lúc đối đầu, đôi khi cũng cần hoà hoãn để không bị kẻ xấu kích động cho họ hưởng lợi, để rồi thiệt thòi vẫn là PG.



Khi HT Huyền Quang tuyên bố: Nhà nước ra văn bản giải thể GHTN, các ngài sẳn sàng quy ẩn chuyên tu, chưa có văn bản giải thể, tức GHTN còn tồn tại, các ngài không thể phủ nhận trách nhiệm trước lịch sử, hiện giờ HT quá mệt mỏi trong cuộc đối đầu vô vọng, ngài giao trọn quyền cho HT.Quảng Độ điều hành, xin được gác kiếm.



Nhưng Nhà nước VN cũng không thể đơn phương làm chuyện vô lý: Nhà nước không chấp nhận GHTN thì làm sao ký văn bản giải thể; ký văn bản giải thể tức chấp nhận sự tồn tại pháp nhân của GH. Nếu chấp nhận GHTN là đi ngược chủ trương của Nhà nước. Vì thế, vấn đề không giải quyết theo nguyên tắc hành chánh, mà đôi bên, mặc nhiên thỏa thuận thế nào đó để chấp nhận một phương án chung cuộc.



Thời gian qua, nhiều bậc tôn túc muốn đứng ra hoà giải, nhưng không đủ tầm vóc hợp pháp; Nhận được sai lầm trong quá khứ của mình, Nhà nước cũng tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau, nhưng một số chống đối kích động chia rẽ. Chuyến đi về Bắc của HT H.Q là một ví dụ điển hình, bước đầu cảm thông nhưng rồi ra chẳng thông cảm nhau vì phía sau là những thế lực ngầm ngăn cản!



Chuyến thăm quê của Thiền sư Nhất Hạnh, năm 2005, dịp  này Ngài cũng muốn dung hòa để PGVN hòa hợp, vượt qua những bế tắc, thế nhưng, sự ý thức chính trị phiến diện và sự khích động, tô vẽ từ ngoài, tạo nên một tự ái chính trị vô lý, anh em đồng đạo đã quay lưng lại nhau như  một lên án tiếp tay cho  kẻ thù.



Vâng, những thất bại cho sự đoàn kết đó, PG không lợi gì, kể cả dân tộc, mà chỉ có lợi cho kẻ hoạt đầu chính trị và ngoại giáo mà thôi; Để ý đồ chia rẽ PG thành công, họ tạo một cái nhìn thiếu thiện cảm về TS Nhất Hạnh, HT H.Q khi được hỏi: Tại sao HT không tiếp TS NHất Hạnh? Ngài đáp;  Ổng dắt bồ về để phá hoại hạ tầng cơ sở GHTN tại Huế!



Còn HT Q. Đ được hiểu , tiếp TS N.H là lọt vào âm mưu của  Nhà nước; Nếu là nhà chính trị lão luyện, dĩ kế tựu kế, cứ việc giao tiếp để tạo thế đứng mà bấy lâu bị phủ nhận, để có thể tiến tới một lối thoát mới mà từ lâu bị bế tắc, nhưng vì bị kích động từ mọi phía, cùng với tính bộc trực và thiếu cố vấn, Ngài không tiếp Thiền sư Nhất Hạnh.



Cũng thế, chào đón chuyến về VN lần thứ hai vào mồng 4 tết Đinh Hợi của Tăng thân Làng Mai, hàng loạt bài chống đối, xuyên tạc trên mạng cũng như ấn phẩm truyền tay tại VN để phá vỡ sự đoàn kết PG mà  chỉ có ngoại đạo và các thế lực chính trị mới mong muốn như thế, rất tiếc, một số tu sĩ Huế, vì cạnh tranh uy tín và sợ mất quyền lợi, đã làm thay việc đó cho ngoại đạo, vẫn mang danh tướng chủng tử Như Lai, thử hỏi, ai làm được như TS Nhất Hạnh  và Thiền sư Thanh Từ, với tầm vóc quốc tế, cho PGVN hiện nay?


 

Thật sự, trong giới tu sĩ cũng như tín đồ PG, trong chính quyền cũng như dân tộc, quá mệt mỏi vì truyền thống chống đối, đấu tranh của GHTN, hoặc sự rạn nứt trong cộng đồng tu sĩ, sự xuống cấp đạo đức của một số tăng ni trẻ hiện nay, mà hậu quả do nền giáo dục sau thập niên 1964 về sau; Một trì trệ PG do cơ cấu tổ chức thiếu dân chủ của GHPGVN hiện tại,  PG cần có 1 cuộc canh tân để bắt kịp mức tiến hoá của xã hội và nhân loại; Một giáo phái Shiah và Sunni của Hồi giáo đem lại tang thương cho loài người thì sự  kiên cường bất khuất đem lại gì cho GHTN, cho PGVN đang cần đoàn kết để tồn tại và phát triển; sự chia rẽ đem lại lợi gì cho cộng đồng PGVN mà quá khứ từng là điểm son của dân tộc.



Phải chăng Canh Tân PG hiện nay là việc tối cần,cấp lãnh đạo PG cũng như Nhà nước VN cần phải xem như một vấn đề cấp thiết hậu WTO cho dân tộc vươn lên!


 

                                                                               MINH MẪN

                                                                                   13/02/07

 

                                                                     

 TG & DT: Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Không nhất thiết phản ánh quan điểm của TG & DT

Bình luận (1)

Gậy ông đập lưng ông những kẻ bỏ mồi bắt bóng đều phải bị hậu quả như vậy . Tu hành mà còn Tham Sân Si muốn làm Quốc Giáo sẳn sàng phá hoại hậu phương để cầu Vinh , nhưng mạc cưa gặp mướp đắng thì đúng Ý trời   .
Tra van Si ( 20/10/2018 16:37:10)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp