Nghiệp là gì?Nghiệp từ đâu mà có?
- Nghiệp là thói quen do ta thực hành liên tục một công việc nào đó trong một thời gian dài. - Nghiệp đến từ ba chỗ: thân, miệng và ý.
Giải thích sơ lược mười nghiệp lành.
- Không sát sinh: Không làm tổ hại đến người và vật.
- Không trộm cướp: Không lén lấy hay dùng sức mạnh cướp đoạt những gì không thuộc sở hữu của mình nếu người không cho.
- Không tà dục: Vợ chồng chính thức mới được ăn ở nhưng phải có tiết độ, không lang chạ, ngoại tình.
- Không nói dối: Nói đúng sự thật.
- Không nói thêu dệt: Không trau chuốt lời nói, không thêu hoa dệt gấm, không ngọt ngào đường mật để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ họ làm những điều sai quấy.
- Không nói lưỡi hai chiều: Không có ác tâm, không dùng lời trái ngược để gây chia rẽ giữa những người bạn, người thân.
- Không nói lời hung ác: Không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, tủi đau…
- Không tham muốn: Không tham muốn năm món dục lạc: Tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
- Không giận hờn: Luôn giữ sự bình tỉnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý, nghịch lòng.
- Không si mê: Biết phán đoán rành rẽ, nhân định rõ ràng đúng đắn, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không tin tà thuyết, không mê tín, dị đoan.
Ích lợi của việc tu tập mười nghiệp lành?
1. Cải tạo thân tâm: Hoán cải thân tâm con người trở nên tốt đẹp hơn.
2. Cải tạo hoàn cảnh: Hoàn cảnh cũng như tấm gương lớn phản ảnh tất cả những cử chỉ, hành động, đời sống của mỗi người. Nếu ta cười thì tấm gương cười lại; Nếu ta khóc thì tấm gương khóc lại. Cũng thế, nếu ta làm việc lành giúp ích đồng loại, cứu vớt chúng sanh, thì hoàn cảnh đối với ta sẽ trở thành cảnh giới tốt đẹp.
3. Chánh nhân thiên giới: Gieo nhân tốt để được sanh lên cõi trời hưởng phước lạc đầy đủ.
4. Căn bản Phật quả: Mười nghiệp lành có công năng ngăn ngừa các hành vi độc ác, làm cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh nhờ đó con gnười mới tháot ly sanh tử, chứng quả Niết bàn. Nếu đem công đức này hồi hướng cho toàn thể chúng sanh, thì sẽ được Phật quả. Ư4
Bố thí nhiếp là gì? Có mấy loại bố thí?
- Bố thí nhiếp: Dùng sự bố thí để nhiếp phục những người chung quanh, để họ cảm phục mà gần gủi mình để mong cầu học đạo giải thoát.
- Bố thí có 3 loại:
1. Tài thí: Đem tiền của mà bố thí, giúp đỡ đồng loại, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình thoát khỏi khổ đau vật chất như đói ăn, thiếu mặc, không nơi nương tựa.
2. Pháp thí: Đem giáo pháp quý báu của Phật ra giảng dạy cho mọi người tùy theo sự hiểu biết của mình, để đem lại lợi lạc cho người. Phát tâm in kinh ấn tống, sang chép băng giảng cho mọi người cũng được xem là bố thí pháp.
3. Vô úy thí: Đem cái không sợ mà bố thí cho chúng sinh, giúp cho những người quanh ta có được sự bình tỉnh, an ổn về tinh thần, không hoang mang lo lắng, sợ hãi bởi sự tác động của tự thân hay do từ bên ngoài đem đến.
Ái ngữ nhiếp là gì?
Ái ngữ nhiếp là tùy theo căn tánh của chúng sanh dùng lời hòa nhã, êm dịu mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn khiến họ sinh lòng cảm mến rồi từ đó theo ta mà học đạo. Người Phật tử muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chánh, trước tiên phải áp dụng cho được pháp "Ái ngữ", nghĩa là luôn luôn và trong mọi trường hợp, phải dùng lời dịu dàng, êm ái trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi người đang ở trong cảnh khổ, thì những lời khuyên giải, vỗ về lại càng vô cùng quý báu, vì có thể thoa dịu được nỗi đau và làm cho người sinh lòng cảm kích khó quên.
Lục hòa là gì? Kể ra và giải thích sơ lược.
- Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Lục hòa gồm có 6 điểm sau đây:
1. Thân hòa đồng trú (Thân hòa cùng ở): Cùng nhau ở dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, cùng nhau tu tập dưới một mái chùa, hôm sớm có nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học hành. Khi đã chung đụng hằng ngày như thế thì phải hòa thuận với nhau, không được chia phe phái, ỷ mạnh hiếp yếu, mạnh ai nấy được.
2. Khẩu hòa vô tránh (Lời nói hòa hợp không tranh cãi nhau): Giữ gìn lời nói cho được ôn hòa, nhã nhặn; trong mọi trường hợp không được rầy rà, cãi cọ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn cãi cho ra lẽ, thì tuyệt đối phải dùng lời lẽ ôn tồn, hòa nhã mà bàn luận.
3. Ý hòa đồng duyệt (Ý hòa cùng vui): Phải có tâm ý vui vẻ hòa hiệp trong khi giao tiếp, chung sống với nhau. Trong một tập thể, mọi ý kiến phải được bàn bạc, thống nhất trên tinh thần hòa hợp, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Muốn được vậy phải thực hành hạnh hỷ xả.
4. Giới hòa đồng tu (Giới hòa cùng nhau tu tập): Trong bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng đều phải có kỷ luật, qui củ hẳn hoi. Trong đạo Phật, mổi người tùy theo cấp bậc của mình mà họ lãnh ít hay nhiều giới luật để tu tập. Khi cùng chung sống để tu hành mọi người phải tuyệt đối giữ gìn giới luật mà mình đã lãnh thọ. Cùng một cấp bậc thì thọ giới và giữ giới như nhau.
5. Kiến hòa đồng giải (Thấy biết giải bày cho nhau cùng hiểu): Trong khi cùng nhau học hành, tu tập mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điều gì, phải giải bày, chỉ bảo cho người khác cũng được hiểu như mình.
6. Lợi hòa đồng quân (Lợi lộc cùng chia đều cho nhau): Những người cùng ở chung nhau, cùng tu tập trong một nơi chốn thì tài lợi, vật thực phải cùng nhau chung hưởng, không được chiếm làm của riêng hay giành phần nhiều về mình. Đối với người Phật tử còn ở ngoài thế tục thì có tài lợi nên "tùy phận chia sớt cho nhau".
Ích lợi thiết thực của việc tu tập theo "Lục hòa" là gì?
- Lục hòa nếu được áp dụng triệt để thì trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, anh em đều được hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày một thịnh đạt; quốc gia được thái bình thịnh trị, thế giới được hòa bình an lạc.
- Người Phật tử nếu áp dụng đúng đắn pháp "Lục hòa" thì sự tu học mau được tiến bộ, con đường giác ngộ, giải thoát sẽ đến gần hơn.
Ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu theo quan niệm đạo Phật?
Để việc báo hiếu được đầy đủ, trọn vẹn, người Phật tử cần phải chú ý đến cả hai phương diện: vật chất và tinh thần.
1. Báo hiếu về vật chất: Chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ các nhu cầu ăn uống, áo quần, giường chiếu, chỗ nghĩ ngơi, không để cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ theo khả năng tốt nhất của mình. Song người Phật tử phải sáng suốt, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ như sát sanh, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ được sung sướng trong vật chất. Báo hiếu về vật chất dù có đầy đủ đến mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ làm cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong kiếp này mà thôi. Cái vui vật chất là vui giả tạm, vui trong sanh tử luân hồi. Vì vậy chỉ báo hiếu về vật chất thôi thì chưa đủ.
2. Báo hiếu về tinh thần: Là làm cho tinh thần cha mẹ đươc nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Phật tử phải khuyên cha mẹ quy y Tam bảo và tin nhân quả tội phước, bố thí phóng sinh, làm các việc lành, giữ gìn ngũ giới và tu nhân giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh mà đời sau cũng được nhiều phước báo và sanh trong cảnh giới an lành tốt đẹp.
Người đời thường tham muốn những gì?
Người đời thường tham đắm năm món dục lạc là:
1. Tài: tiền tài, của cải vật chất.
2. Sắc: sắc đẹp.
3. Danh: danh vọng
4. Thực: ăn ngon
5. Thùy: ngủ nghỉ
Theo Phật học Phổ thông