HÌNH THÁI TỔ CHỨC
Có người nghĩ rằng, Phật giáo vốn là một chân lý bất di bất dịch, không cần phải canh tân; nói như vô thưởng vô phạt thế thì PG cần gì phải tổ chức. Trong thời đức Phật còn tại thế, Phật cũng lập một giáo đoàn, giáo hội, tuy không quy mô ban bệ, chỉ cần 4 vị trở thành một Giáo Hội, không nặng về cơ cấu tổ chức hành chánh, bởi lẽ xã hội lúc bấy giờ chưa có nhiều nhu cầu hội đoàn, đời sống còn đơn giản, các tập đoàn trong xã hội chỉ là những tôn giáo và các doanh nhân độc lập, chưa kết thành tập thể.
Suốt nhiều thập kỷ, PG phát triển theo tông môn; sinh hoạt tông môn mang tính cơ chế hệ tộc gia phong, vì thế, ngoài sự liên kết chặt chẽ tình cảm, còn mang nặng truyền thống giáo hoá, hành đạo chuyên biệt của môn phái. Mỗi môn phái, tuy sắc thái tôn chỉ đặc thù nhưng không hề chướng ngại chống chọi nhau, vì thế PG phát triển thật ôn hòa và đồng bộ. Nhưng, từ khi PGVN đi vào hệ thống hoá tổ chức, các tông môn vẫn duy trì sắc thái cá biệt của mình, ít nhiều vẫn bị chan hoà, chi phối lẫn nhau, vì thế, trong tổ chức vẫn gặp phải những lỏi chỏi vì cơ chế PG không có giáo quyền, không có chế tài, đưa đến hệ quả trì trệ, dẫn theo những trì trệ trệ tha hoá của những thành viên bị chi phối bởi cái chung, pha loãng cái riêng của từng tông môn; để rồi, ngày nay, tại VN phần lớn không ai biết mình đang hành trì pháp môn nào, do tính hoà nhập pha trộn đó mà cố HT T. Thiền Tâm đã khởi xướng Thiền Tịnh Mật viên dung.
Qua những hiện tượng bất cập trong PGVN, những nhà có trách nhiệm, nhất là chư tôn túc và hàng hậu học, kể cả giới bạch y đang kêu ca, báo động, đòi hỏi một sự thanh lọc, canh cải, xét lại phương cách giáo dục, truyền bá, tổ chức, hành trì, nhất là nội lực và phẩm hạnh của tu sĩ trước nhu cầu cấp bách của xã hội hoá trong thế giới đa nguyên hiện nay.
Canh tân thế nào và canh tân cái gì?
Nhu cầu trước mắt của một tổng thể PGVN là tổ chức Giáo Hội PGVN. Nhiều người tâm huyết đưa ra nhiều mô hình cho một ngôi nhà chung, nhưng từ cơ bản vẫn chưa giải quyết những bất đồng để cái chung đó mang tính thống nhất và hiệu quả của thống nhất.
Gần đây, một tài liệu phát tán trong cộng đồng PG tại TP HCM đưa ra mô hình và hiến chương cho một Tổng Giáo Hội PGVN, nhưng còn quá nhiều thiếu sót, họ dựa trên mô hình tổ chức của GHPGVNTN trước 1975, thay đổi một vài danh xưng, thêm bớt vài vụ và tổng vụ… nhưng chưa đủ tầm vóc của một GH mang tầm vóc quốc gia. Hiến chương thì quá đơn giản. Nhất là yếu tố pháp nhân của từng GH và nguyên tắc thống nhất các GH.
Sau 1981, một GHPGVN ra đời, được coi là GH duy nhất đại diện cho PGVN, trên nguyên tắc là vậy, nhưng thật tế không thể! điều nầy quá rõ, hậu quả đưa đến cái bất toàn cho hiện tại. Một phần trách nhiệm bắt nguồn từ cơ quan chủ quản Tôn giáo của nhà nước, nóng vội, chủ quan và áp đặt, thiếu tôn trọng các đối tượng và đối tác để hình thành một PG chung. (Đổ Trung Hiếu là một ttrong những người tạo hậu quả khó khăn cho nhà nước và PG hiện nay). Còn GHTN, trên danh xưng tồn tại bởi hào quang quá khứ, nhưng thực tế không có thực lực, không có quần chúng và không có nhân sự. Phương thức đấu tranh trên 30 năm tự đưa mình vào thế bế tắt bị động, ngày càng suy giảm nội lực, biểu lộ cái bất toàn qua phản ứng và hành xử, giảm uy tín của một tầm vóc mà quá khứ đã có. ( thậm chí người lãnh đạo tối cao có những ngôn ngữ nóng nảy, không tương xứng vai trò lãnh đạo. Nhân sự thừa hành thiếu đĩnh đạc, nông cạn, ồn ào và bộp chộp; đó là sự hổ thẹn cho PGVN chứ không thể hãnh diện với lời lẽ thiếu ái ngữ nơi một tu sĩ lãnh đạo một tôn giáo. Còn GHPG hợp pháp thì không chứng tỏ bản lãnh quyết định của mình trước nhiều yêu cầu cấp bách; không có sáng tạo để cởi trói hoặc không dám đưa ra một sáng tạo, sợ mích lòng bề trên đưa đến lung lay chiếc ghế danh lợi đang có.
Do những bế tắc của tình trạng PGVN hiện nay, rất nhiều người nhiệt tâm với đạo mong muốn có sự chuyển mình để PG có sức sống theo kịp toàn cầu hoá mà đất nước đang bị cuốn hút vào quỷ đạo chẳng đặng đừng! vì thế có nhiều sáng kiến, mỗi sáng kiến chỉ thể hiện một khía cạnh khả dĩ, nhưng toàn bộ không thể khả thi.
Thử phân tích mô hình của một Tổng GH đã nêu trên:
Trước nhất là danh xưng, Tổng GH có nghĩa chấp nhận có nhiều GH hiện hữu. Nhiều GH có nghĩa có đủ yếu tố pháp lý và pháp nhân theo luật pháp hiện hành. Nhưng nhà nước hiện nay chỉ chấp nhận GHPGVN là GH duy nhất của PGVN. Có người nghĩ rằng, không cần lệ thuộc pháp lý, từ lâu các tông môn hệ phái vẫn tồn tại, duy trì và hiện hữu; tông môn hệ phái là chi phần của một GH. Nói đến GH là nói đến một tổ chức bao gồm nhiều hệ phái, điều hành sinh hoạt theo nguyên tắc hành chánh. Một tổng GH có nghĩa gồm nhiều GH chứ không phải có nhiều hệ phái. Muốn có một tổng GH là các GH phải đủ yếu tố pháp nhân, nhưng hiện nay, ngoài GHPGVN hiện tại, GH nào đủ yếu tố pháp nhân? Không đủ yếu tố pháp nhân thì dựa vào cơ sở pháp lý nào để cùng ngang cấp ngồi với nhau bàn chuyện Tổng GH? Đó là mới đặt vấn đề pháp nhân; chưa nói đến quan điểm bất đồng để có thể ngồi lại , ví dụ:
Quý ngài lãnh đạo GH hiện nay xem những vị bên GHTN là tay sai ngoại bang, hay ít ra là đi chệch hướng quyền lợi dân tộc, tiếp tay cho ngoại bang và những thành phần quá khích. Nhưng thật tâm quý ngài vẫn ngại uy tín và tài năng của đối lực đe doạ quyền lợi của mình. Không muốn ngồi chung nói chuyện với GHTN.
Quý ngài lãnh đạo GHTN thì tự hào cho mình là GH truyền thống dân lập, không làm tay sai như GH đương nhiệm, hãnh diện giữ vững lập trường trước sau như một, không ngồi chung với kẻ khom lưng, nhưng thực chất cái gọi là lập trường kiên định đó chỉ để thoả mãn tánh cố chấp hận thù mà không đem lại lợi ích gì cho PG, đưa tập thể vào bế tắc, để bên ngoài lợi dụng tung hô. Nếu thật tâm vì sự tồn vong cho PG thì phải tìm cách cởi trói những bế tắc trên 30 năm nay. Nếu bảo rằng ai cột, người ấy mở nghe cũng đúng đấy, nhà nước VN nhiều lần đã tạo điều kiện để nội bộ PG tìm lối thoát, nhưng những cơ hội vàng đó đã bị hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, tự mình bít lối để tồn tại một hào quang đối lập số một tại VN, một hư danh vừa tổn hại cho thực lực PG, vừa trì trệ bước tiến của dân tộc.
Muốn có một Tổng GHPG nói trên, phải có những GH đủ tư cách pháp nhân, muốn những GH đủ tư cách pháp nhân, phải cho đăng ký sinh hoạt GH; hiện nay nhà nước mới công nhận sáu Tôn giáo lớn, nghĩa là các tôn giáo có tín đồ, có cơ sở đang sinh hoạt, về phía Ban Tôn Giáo chính phủ vẫn một mực không chấp nhận GHTN là một thực thể, chẳng những thế, GHTN trong nước càng ngày tự mình càng xa rời quần chúng, đánh mất tình cảm của giới trí thức bởi văn phong ngôn cách của giới lãnh đạo và cán bộ của GHTN, bị đánh giá thấp dưới mắt các nhà chiến lược chính trị; và quần chúng phật tử thất vọng trước một tập thể lãnh đạo thiếu linh động.
Xét như thế, GHTN làm sao cùng vào bàn với GH hiện nay để làm nên cái gọi là Tổng GH, một lối thoát cho PGVN? Nghĩ rằng bất hợp tác để lên án nhà nước VN về vấn đề Tự Do Tôn Giáo, đối với nhà nước, có GHTN hay không cũng chẳng quan trọng, nhưng quan trọng là GHTN tồn tại để làm gì, có lợi gì cho PGVN và cho bản thân GHTN, vì GHTN chịu hoá giải hay không thì nhà nước vẫn là một thực thể, đang tồn tại và bắt tay với quốc tế, tại sao GHTN không thương mình mà đòi nhà nước phải thương mình?
Ý kiến một Tổng GH như thế là một thiện ý, nhưng người đưa ra mô thức đó không nắm vững những mắc mứu về lý cũng như tình hiện nay trong PGVN. Chư tôn túc cổ thụ PGVN hiện nay đều ngang cơ, ngang tầm, không ai đủ uy tín và uy đức vượt trội để làm mắc xích kết nối những mảng rời của tổng thể PGVN hiện nay, biến PG thành một tổng lực đạo đức và giáo dục, trả PG trở về một thể năng trí tuệ, tâm chứng góp phần xây dựng dân tộc như Lý Trần. PG không thể là một lực lượng tôn giáo thế tục đe doạ tính an nguy của một thể chế. Đoàn kết PG không chỉ là ý thức trách nhiệm của các chức sắc PG, mà còn là bổn phận của nhà nước và sự đoàn kết của tín đồ.
Năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh về, mọi người hy vọng có luồng gió mới cho đạo Phật do uy tín và tầm vóc của Thiền sư trên trường quốc tế và tình đồng đạo đối với quốc nội mà từ lâu mọi người đã dành sẳn.Thế nhưng, trước ma lực không muốn có sự đoàn kết trong PG, từ mọi phía, họ đã khích động vào ý thức chính trị hẹp hòi của các nhà lãnh đạo PG trong nước, biến tình đồng đạo thành chướng đạo, biến tình cảm thành ác cảm, một sự phá vỡ ngoạn mục và thành công, để PG VN chông chênh mãi đến nay, quần chúng áy náy đau buồn, nhưng các chức sắc PG vẫn bình chân như vại. Thêm vào đó, một số tu sĩ chống đối ngầm Thiền sư vì đố kỵ uy tín nhưng quên nghĩ đến tiền đồ của đạo Phật.
Có người nghĩ, muốn Canh Tân PG, trước tiên Canh Tân tổ chức GH, mô hình một Tổng GH như thế không thể thành tựu. Đó là giải pháp bất khả thi. Ta hãy tìm xem các giải pháp khác trong loạt bài Canh Tân PGVN tiếp theo.
MINH MẪN
06/6/07