Tại sao phải Canh Tân?
Trong cuộc sống dịch biến, nhà Phật gọi là Vô Thường, không một cái gì, dù là vô hình đến hữu hình, từ tinh thần đến vật chất, có thể tồn tại một hình thái nhất định, luôn bị chi phối, nghĩa là phải biến dạng, thay đổi. Các tổ chức, thể chế chính trị cũng thế, để tồn tại, thích nghi với thời cuộc, phải thay đổi danh xưng, thay đổi sách lược, cải tổ nội bộ. v.v…
Sau 1963, để thích ứng với tình hình mới, các tập đoàn PG kết hợp thành một hình thái mới, gọi là GHPGVNTN, là lẽ tất yếu!
Sau biến cố 1975, PGVN thay đổi tổ chức, cải biến danh xưng, cho thích nghi với xã hội mới, cũng là điều dể hiểu và hợp lý, nhưng cách thức tiến hành đã vướng vấp nhiều điều phi lý, bất cập.
Sau 1975, GHPGVNTN, chống đối, bất hợp tác với tổ chức mới vì yêu sách quyền lợi cho tổ chức mình, đòi hỏi hành xử trên nguyên tắc pháp lý, nhưng thái độ hành xử, phong cách đối kháng không thích ứng với tình thế của mỗi giai đoạn, là sai và còn nhiều phi lý từ cơ bản Pháp nhân..
Kiểm điểm thực tại Càng ngày GHTN càng đánh mất chinh nghĩa, nhập nhằng giữa tôn giáo và chính trị. Sai lầm khi tham gia Liên Tôn Chống Cộng, bị các linh mục quá khích lạc dẫn; kêu gọi Mỹ cấm vận và không bang giao với VN; để Võ Văn Ái thao túng GHTN; Đưa Không Tánh tham gia nhóm 8406 làm tà lọt, tống đạt thư văn tài liệu chống Cộng và chống Thiền sư Nhất Hạnh trên mạng; Năm 2005, vì quan điểm sai lầm, không tiếp TS Nhất Hạnh, làm mất cảm tình giới trí thức Phật tử và bị giới hiểu biết đánh giá thấp về ý thức chính trị của hàng lãnh đạo GHTN; Thiện Minh Bạc Liêu thành lập Câu Lạc Bộ cựu Tù Nhân CS, mang màu sắc chính trị; GHTN lớn tiếng mạt sát Nhà nước bằng thái độ sân si, đánh mất hậu thuẩn lớn với quốc tế mà thời Ngô vốn đã có.
Chẳng những thế, trong nội bộ làm suy giảm niềm tin đồng đội, TT Tuệ Sĩ phải rút lui; gần đây nhất, một số cơ sở hải ngoại cũng không tin vào sự ồn ào của GHTN do các tổ chức chính trị thổi phồng. Gia Đình Phật Tử VN (GĐPTVN), một tổ chức lâu đời của PG, có mặt trước khi GHTN có mặt, xây dựng một hệ thống và giáo trình giáo dục thanh thiếu niên khá hoàn chỉnh, Ban Hướng Dẫn có trình độ, có tu tập, sau 1975 vẫn tồn tại lây lất để góp phần giáo dục con em Phật tử, bị bắt buộc phải đăng ký chính thức tham giai GHTN, tạo một khó khăn không cần thiết cho đoàn thể Thanh thiếu niên Phật tử như vậy; Lê Công Cầu được chỉ định làm Trưởng BHD trong khi đẳng cấp còn là đàn em của các anh chị trong BHD đương nhiệm, nghĩa là vượt quyền hệ thống GĐPTVN và phủ nhận luôn GĐPTVN hải ngoại!, dĩ nhiên các em không chống đối, nhưng nổi buồn sâu xa mà từ lâu GĐPTVN vẫn sùng phụng các ngài, xem các ngài như một thần tượng khả kính, bổng chốc, bị các ngài đưa vào thế bí, bơ vơ trong cộng đồng PGVN hiện nay, các ngài tự đánh mất một lực lượng nồng cốt trung kiên như thế, cánh tay đắc lực mà đoàn thể Thanh thiếu niên PG đã từng góp phần không nhỏ bảo vệ PGVN, đã thành một đứa con vô thừa nhận.( các em vẫn trung thành với các ngài, đã không gia nhập Phân Ban của Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ thuộc GHPGVN hiện nay, giờ đây, chính các ngài buộc các em lăn lóc bụi đời, không nơi nương náu, không có điểm tựa, chính các ngài đã xoá sổ GĐPTVN và làm tan nát nội bộ chứ không phải Nhà nướcVN hay Thiền sư Nhất Hạnh như các ngài đã vu kết!
Liệu các đơn vị GĐPT như thế, tồn tại dưới tập thể áo lam, có được tiếp tục sinh hoạt đoàn thể hay phải sinh hoạt theo quần chúng bình thường không có tổ chức, không có anh chị hướng dẫn, nếu thế, đây là điểm son nổi bậc của GHTN, GH truyền thừa có công xoá sổ GĐPTVN thay cho Nhà nước từng mong muốn mà chưa đạt được?!
Làm sao đòi hỏi tính Pháp nhân khi GHTN bị chia đôi vào thời Thiệu Kỳ, chỉ có VNQT của HT Tâm Châu là hợp pháp. Trên cơ sở nào để nhà nước giải quyết sự tồn tại như thế, hiện nay, nếu tự thân các Ngài không tìm cách hoà nhập một cách linh động mà xã hội cảm nhận được sự thoải mái dể chịu, không tạo vết thương cho đất nước, không cấn cái về pháp lý, không làm tổn thương cho hàng triệu tín đồ PGVN đang cần sự sáng suốt đoàn kết từ các bậc Thầy!
Vô số những sai lầm trong cung cách lãnh đạo đã đưa GHTN vào bế tắc, để rồi HT Huyền Quang phải quy sơn ẩn tích vì quá mỏi mệt và bị vượt quyền. Không trách những sai lầm đó vì không ai cố vấn cho các ngài, đồng thời các ngài cũng không tin vào cố vấn nếu không cùng quan điểm chống Cộng cực đoan như vậy! Thật sự các ngài quá cô đơn giữa bầy tôi thừa hành ăn theo, hành xử tuỳ tiện, thiếu trình độ, làm giảm uy tín PGTN và tạo sự bực bội cho các ngài; Các ngài nghĩ rằng các Ngài phải mạnh mẽ chống Cộng để PG khỏi mang tiếng là thân Cộng, nhưng thật tế bao nhiêu người không chống, cũng chả ai bảo họ là Cộng Sản, vì thế các Ngài lọt vào quỹ đạo của những tổ chức cực đoan chính trị, làm vật lót đường, tạo một vết đen trong lịch sử PGVN hiện nay.
Nếu dùng lý để đối chọi nhau, cuộc đối đầu không bao giờ chấm dứt. Thiếu thiện chí, sự cảm thông, và tầm nhìn chiến lược, tất cả đều bế tắc.
GHTN đã thế, GHPGVN hiện tại cũng va vấp sai lầm không ít, phần lớn sai lầm do cung cách tuỳ tiện của cán bộ trong GH; Chư tôn túc trung ương cứ nghĩ một tổ chức GHPGVN như thế là ổn, nhưng các ngài không thấy được nhiều mặt hạn chế tiêu cực mà cách 25 năm trước không có, ngay cả Hiến Chương của ngày ra đời GH cũng không còn thích hợp với đà tiến hóa của đất nước hiện nay.
Hiến chương đưa đến tình trạng độc đoán, phong kiến, trái với tinh thần dân chủ của nhà Phật; trách nhiệm PG hiện nay nằm trong tay chư tăng, còn chư ni và thiện nam tín nữ không có một trọng trách quyềt định trong tổ chức; nguyên tắc tổ chức đã bị lỗi thì sự vận hành bị treo máy là chuyện tất yếu, đáng ra 26 năm có mặt, GHPGVN phải đạt một kỳ tích giữa lòng dân tộc thái bình, ngược lại, tầm hoạt động yếu dần, ảnh hưởng PG bị thu hẹp trước sự lớn mạnmh của tôn giáo bạn, với tình trạng nầy, PGVN không bao lâu nữa sẽ đi vào con đường thụ động của PG Nam Triều Tiên và bị động như PG Thái Lan trước tinh thần quá khích của Hồi giáo.
Đừng nghĩ rằng PGVN hiện nay có vài trăm học vị Tiến sĩ, có khoảng 30.000 ngôi chùa và gần 40.000 tu sĩ, đã đạt hơn PGTN trước 1975; thống kê không nói lên được thực chất của vấn đề; Cơ cấu giáo dục và cơ sở giáo dục, hệ thống Hoằng pháp và cán bộ Hoằng pháp có bề mặt nổi nhưng chưa giải quyết được tính âm trì của lực lượng PGVN hiện nay; không lấp được khoảng cách xa dần quần chúng vì những tệ hại của những thành phần biến chất; Một tăng đoàn Làng Mai, một lượng số tu sĩ chân tu của hệ thống Trúc Lâm Thiền Viện, một chỗ an trú cho tín đồ Tịnh độ của chùa Hoằng pháp, một nghệ thuật thuyết giảng vào lòng quần chúng của Phật Quang Núi Dinh, cũng chưa đủ cho PG lấy lại phong độ của quá khứ và chưa tạo cho đại bộ phận xã hội VN vững tin vào sự chân thành của tu sĩ hiện tại; Những tăng sĩ du học trở về cầm mãnh bằng Cao học, Tiến sĩ vẫn không thay đổi được thực trạng, hoặc thiếu khả năng, hoặc bị khống chế bởi tổ chức . Một số ít vị có tâm, có tầm, không thoát khỏi sự đố kỵ nội bộ, bị áp lực từ nhiều phía, nhưng cố gắng làm được một số việc cần thiết, có lợi cho cho xã hội trong giáo dục, văn hoá, từ thiện và nghệ thuật, những vị như thế thật ít ỏi, hình như có một không hai hiện nay!
Sai lầm quá khứ và thiện chí hiện nay Chủ thuyết Marx triển khai tại VN, tất cả hội đoàn tôn giáo phải được vào tổ chức chung để quản lý, vì Nhà nước nghĩ rằng, tất cả phải phục vụ cho XHCN; Tôn giáo chỉ là phương tiện dân vận, huy động quần chúng hưởng ứng và thực hiện chính sách của đảng và nhà nước, ngoài nhiệm vụ đó, tôn giáo không thể phát triển, và không cần phát triển, Kito giáo được sự bảo kê của tòa Thánh, các tôn giáo khác như Phật, Khổng, Lão, đã không bảo toàn được lực lượng; Các chức sắc giáo phẩm phải phục vụ cho tôn giáo của Nhà nước quy định, ai không thích ứng, tự mình chọn con đường đào thải của guồng máy xã hội lúc bấy giờ; Các cơ sở thờ phượng, đình chùa miếu mạo phần lớn bị san bằng hoặc trưng dụng; Đó là sai lầm lớn của một học thuyết xem nhẹ tổ chức tâm linh; dưới mắt Duy Vật, tôn giáo là hiện tượng đảo ngược xã hội khách quan, mang tính phản động từ tiềm thức, là một trở lực của sự tiến hoá khoa học. Quan niệm nầy đúng một phần với Thần học, riêng PG, hoàn toàn sai;
Đạo đức tôn giáo cũng bị xem là sản phẩm của Phong kiến, tư sản, chính vì thế mà hậu quả thiếu đạo đức, ngoài xã hội cũng như trong học đường, ngày nay trở nên tệ hại. Ngoài vật chất, tín ngưỡng tâm linh là tố chất tối cần để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Xã hội phương Tây, vật chất sung mãn, tín ngưỡng Thần học không đáp ứng đủ nhu cầu tâm linh, vì thế tự tử, bắn giết, thác loạn phạm pháp trở thành cơm bữa.
Sau khi mở cửa, nhà nước nghiêm túc nhận định lại giá trị của từng tôn giáo, nhưng cũng chỉ trên mặt học lý, có cởi mở và thoáng hơn, đưa đến tình trạng dễ dãi, phát sinh nhiều tệ nạn mới trong Phật giáo, trong đó mê tín nơi quần chúng và cửa quyền trong chức sắc GH phát sanh. Những hình thái mê tín mà trước đây bị lên án, nay được coi là truyền thống tín ngưỡng dân gian, văn hoá dân tộc, tự do phát triển!
Các tỉnh phía Bắc, thiếu cán bộ PG có trình độ Phật học, không hướng dẫn quần chúng sinh hoạt đúng tinh thần PG, từ đó,Tứ Phủ, đồng bóng, vàng mã, xin xăm bói quẻ phát triển nơi Thiền môn; chùa, sư không biết hầu Đồng, sẽ bị quần chúng xa lánh!
Các tỉnh phía Nam, múa Rỗi, một biến dạng của Tứ phủ ít tràn lan nơi cửa chùa, chỉ xuất hiện trong dân chúng tư gia; nhưng hình thức mê tín khác vẫn tồn tại, một số sư duy trì vì cuộc sống; một bộ phận quần chúng Phật tử hiểu đạo và các sư có trí thức cũng phát triển được một hình thái PG trong sáng hơn, tuy nhiên, vì quyền lợi, một số sư nương PG tìm lợi nhuận dưới hình thái khác, một dạng kinh doanh tín ngưỡng, áp phe quyền lực, lạm dụng chức quyền sách nhiễu tu sĩ, vẽ vời với tín đồ kém hiểu biết…
Một ít sư cán bộ GH biến chất, câu kết với một số cán bộ tha hóa theo kiểu đôi bên cùng có lợi mà chỉ có tu sĩ và tín đồ phải gánh chịu những khó khăn khi hữu sự, lúc cần đến sự ký nhận của GH , hay xin phép chỉnh tu cơ sở…như TP HCM, Bình Phước… tại Đồng Tháp, chính quyền thao túng với các sư bê tha làm đình trệ Phật sự tỉnh, những thành phần tốt trong BTS không hợp tác với phần tử xấu, chính quyền làm áp lực buộc họ giao lại con dấu, hồ sơ cho những kẻ có hậu thuẫn từ chính quyền, Ban tôn giáo và Mặt trận tỉnh làm thỉnh nguyện thư xin Trung ương giáo hội bổ cử người theo ý họ…
Một số địa phương xa, quen thói bao cấp,chính quyền quản lý cả thùng công đức, bán vé vào cửa nơi danh lam thắng cảnh; sai khiến, cấp phát lương thực cho sư, xem sư như một ông từ giữ chùa cho Nhà nước. Nếu sư không đồng ý, sẽ không được địa phương cho cư trú;
Các chức sắc GH phần lớn không muốn thay đổi cơ chế sinh hoạt hiện nay, vì sợ ảnh hưởng quyền lợi cá nhân, cho dù GH chỉ còn là cái vỏ. Những nhân sự GH đều có ô dù riêng, chổ dựa riêng, vị thế chức sắc trong GH đã ngầm xác định thành phần lý lịch bản thân, ngoài xã hội cũng như trong PG, địa vị là món quà đáp đền ơn nghĩa đã có công đóng góp với cách mạng trong quá khứ, vì vậy quyền lợi họ quan trọng hơn quyền lợi PG. Những tu sĩ có khả năng, không chịu dưới sự chi phối của họ, thường bị áp lực, dè xiểm và bị hạn chế khả năng đóng góp!
GH không có khả năng điều động tu sĩ về nhiệm sở vùng sâu, vùng xa thiếu tiện nghi vật chất, các tu sĩ hoàn tất học trình, thường thích ở lại thành phố, một số ít vị chân tu, ngán ngẩm sự tha hoá của tu sĩ thị thành, họ về lại chùa quê thầy tổ để an thân tu tập, họ không có quyền tự do hoằng hoá vùng quê khi không được GH bổ cử.
Ngay cán bộ được GH chỉ định, một số địa phương,chính quyền không chấp nhận cho cư trú, cũng phải khăn gói trở về, thường là do người được bổ cử, không biết điều với GH và chính quyền địa phương; một số cán bộ chính quyền vùng xa, còn bảo lưu tính bao cấp chuyên chế, xen vào nội bộ PG mà Ban Trị Sự sợ mất chức quyền, đành phải im lặng, không dám lên tiếng bênh vực quyền lợi cho PG, cho tu sĩ của mình.
Chẳng những thế, Chánh Đại Diện còn hùa theo địa phương để triệt hạ chùa chiền như quận 2, chùa Nam Đào, vì địa phương thấy được giá trị to lớn của khu đất mà chùa đang tọa lạc. Cứ như thế, giữa cán bộ GH và chính quyền sở tại chỉ thấy quyền lợi mà không cần lòng dân. Dĩ nhiên đây là cá biệt chứ không phải chính sách, tuy chẳng đẹp gì cho đất nước!
Tất cả những tệ nạn đã và đang có trong PGVN hiện nay, song hành với các tệ nạn trong xã hội, phát xuất từ cội nguồn quản lý sai lệch, xem PG chỉ là một cơ chế tổ chức trong xã hội chứ không phải là một thể cách Tâm linh!
Nhà cầm quyền muốn giải quyết bế tắt PGVN hiện nay, muốn bù đắp cái gì đó để sửa sai trong buổi giao thời 1975, cũng như trong quá khứ khi PG bị xóa sạch gần hết, chỉ còn vài biểu tượng. Nhà nước đã nhận thấy vấn đề, họ quay về với dân tộc, tôn danh văn hoá truyền thống dân tộc, trong đó có PG và tín ngưỡng dân gian, họ không biết bắt đầu từ đâu để khôi phục tín ngưỡng truyền thống có nề nếp, đạt hiệu quả, để xã hội có đủ những nguyên trạng như các quốc gia trong khu vực, hổ trợ, giúp đỡ các chức sắc GH hiện tại, càng tạo thế ỷ lại, cậy quyền của một số cán bộ PG; hoặc tỏ thiện chí với thành phần dị kiến bằng sự khẩn thiết, để rồi từ bế tắt nầy phát sanh bế tắt nọ, họ đâm ra lúng túng.
Nhà nước hiểu rằng, một đất nước phồn vinh, để bắt kịp đà tiến hoá thế giới, phải cần một xã hội đồng bộ và ổn định, không chỉ an ninh chính trị, còn cần ổn định tâm lý tôn giáo, nhất là PG còn chông chênh, rạn nứt.
Nhà nước tạo điều kiện để HT Huyền Quang hoà nhập với sinh hoạt tôn giáo hiện tại, nhưng kết quả không như mong đợi. Nhà nước mời Ts Nhất Hạnh về làm nhịp cầu cảm thông cho các bất đồng trong PG, cũng bị những cực đoan phá vỡ. Cũng như trong quá khứ, qua trung gian một vài chức sắc PG cũ để gỡ bí, cũng không thành, phải chăng vận mệnh PGVN phải như vậy hay do tính cố chấp bảo thủ của cấp lãnh đạo PG mà PGVN phải u uẩn chiều Thu?
Nhà nước đã ra Bạch thư tôn giáoChính sách thông thoáng hiện tại, ngoài 6 tôn giáo được chấp nhận sinh hoạt hợp pháp, Nhà nước cho đăng ký tiếp những tông môn hệ phái mà Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Tịnh Độ cư sĩ đang được xét duyệt nay mai, phải chăng đây là lối thoát cho những ai đứng ngoài GHPGVN, chuyển mình hợp lệ, vượt qua những cấn cái lâu nay, để hoà nhập vào sự phát triển PG nói chung mà trên 30 năm nay tự mình trì trệ, bế tắt!
Nhà nước cố gắng tạo nhiều nhịp cầu, mở nhiều lối thoát, liệu PG có bắt kịp thời cơ để thăng tiến, liệu các thành phần đối đầu có nắm lấy cơ hội để mở đường sống cho tổ chức mình hay vẫn một mực chấp nhận chết trong tức tưởi cô đơn!
Về quan điểm giải tỏa những mắc mứu nội bộ PG thì như thế, việc nới tay cho các hình thái sinh hoạt cộng đồng, có lúc dễ dãi quá mức, lắm khi khó khăn đến độ vô lý thể hiện tính bất nhất của cán bộ và thống nhất của chính sách.
Một số thị thành trùng tu cơ sở tôn giáo không nằm trong quy hoạch tổng thể đô thị, mỹ quan thành phố và văn hoá PG, tính dể dãi của nhà nước và tự phát của tu sĩ PG kém trình độ mỹ thuật, dẫn đến hao tốn kinh phí vô ích mà không đạt tầm vóc cần thiết, ngược lại, một số địa phương xa, như Daklak chẳng hạn, các chùa trên 40 năm, chùa Liên Trì, xuống cấp trầm trọng, chỉ xin trùng tu chứ không tái thiết quy mô, thế mà vẫn không được chấp thuận, 800 hộ dân PG đành bấm bụng nhìn cảnh hoang phế của ngôi Tam Bảo, cách đó không xa, một nhà thờ chỉ có 300 hộ dân, kinh phí trên 3 tỷ, đã hoàn tất hoành tráng. Những nơi cần giúp, không giải quyết thỏa đáng, tạo hiểu lầm chán nản trong quần chúng, người Phật tử có cảm tưởng bị thiên vị, đâu còn chí công vô tư! Những khó khăn đó, hoặc do sự e dè trách nhiệm lâu dài, hoặc cán bộ chức quyền muốn vòi vĩnh, hoặc vì thành kiến tôn giáo, hoặc chứng tỏ uy quyền của chức năng…Bảo rằng không đủ thủ tục hành chánh hay các nguyên nhân pháp lý, thật ra giúp quần chúng có nơi thờ phượng, sinh hoạt tôn giáo, những lý do trên đây không phải là việc bế tắc.
Nhà nước cũng như quần chúng PG không muốn tình trạng trì trệ của PGVN hiện nay, muốn chỉnh đốn, họ cũng không biết bắt đầu từ chổ nào; duy trì nhân sự và ban bệ cũ thì không những không cải thiện mà còn nát bét như tương; kiêm nhiệm quá nhiều chức mà không chức vụ nào hoàn thành, trong khi rất nhiều tu sĩ và cư sĩ có năng lực khoanh tay đứng nhìn tiền đồ PG đang rệu rã.
Hiện trạng PG, trong cơ cấu tổ chức, trên nói dưới không nghe, tuy nề nếp tông môn vẫn còn tôn ti trật tự.Một số BTS, BĐD có thay đổi, hoán chuyển nhân sự, nhưng không đủ can đảm trọng dụng nhân sự trẻ có năng lực, không biết dùng trợ lý phụ tá giỏi, không tận dụng cư sĩ có năng lực, không có óc sáng tạo, làm theo lối mòn. GH nầy cứ như chỉ dành riêng cho tăng sĩ. Những nhân sự có tài, không dám vượt quyền và áp dụng sự sáng tạo trong công việc, vì không dám qua mặt các Ôn, chưa được các Ôn cho phép hoặc không dám biểu lộ tài năng, sợ tạo thành kiến, đố kỵ, ganh ghét nơi đồng sự…
Thay đổi, bổ sung nhân sự chưa phải là liệu pháp nếu Hiến chương không được điều chỉnh, vì Hiến chương là khuôn thước chỉ đạo để hành hoạt, là mô hình để vận hành. Một tổ chức mạnh không chỉ có năng lực mà luận cương, đề án, Hiến chương phải thoáng, hoàn chỉnh, thể hiện tính dân chủ tác động sự hiệu quả của tổ chức bề rộng lẫn bề sâu.Một Hiến chương GH trên 25 năm trở nên lỗi thời, không thích hợp với đà tiến của xã hội, tự mình đi lùi nếu không nói là ngăn trở mọi tiến hoá của tập thể. Chức sắc đầu ngành thuộc hàng trưởng lão luôn cản trở công việc vì tính thụ động bởi tuổi tác và năng lực cống hiến.
Canh tân PG có cần thay đổi Hiến chương, có cần thay đổi nhân sự, có cần làm mới tổ chức nếu không giải tỏa mọi chông chênh trong cộng đồng PG?
Canh tân PG có cần sự hổ trợ từ luật pháp, có cần sự góp tay của tăng sĩ, cư sĩ, ni giới từ trong và ngoài nước?
Canh tân PG có cần phải canh tân tổ chức hay canh tân con người?
Đó là vấn đề cần đặt ra cho PGVN hiện nay.
MINH MẪN
09/03/2007