đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

18:40 27/07/2011

Đạo Phật và dòng sử Việt: Đệ Nhị Tổ - Tôn Giả Pháp Loa (1284 – 1330)

(TG&DT) - Đêm ấy, ngài về phòng nhập thiền, tâm trí bị dao động mạnh với bao ý nghĩ vụt hiện, vụt tắt; quá nửa đêm, nhân thấy hoa đèn lụi, ngài chợt đại ngộ. Sáng mai, ngài lên trình chỗ sở ngộ và được Giác Hoàng ấn chứng.

Tôn giả tên là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ VI (1284), quê làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cha  là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Tương truyền: Có lần mẹ ngài nằm mộng thấy một vị thần trao cho thanh bảo kiếm, bà vui vẻ nhận, sau đấy thì mang thai – Bà đã tám lần sinh con gái, nên lần mang thai ngài, bà dùng thuốc trụy thai, nhưng không công hiệu- Khi sinh ngài, người ta cảm thấy mùi thơm bay khắp nhà thì cho là điềm lạ. Cha mẹ lấy làm mừng lắm, đặt tên là Kiên Cương. Ngài bẩm tính thông minh dĩnh ngộ, học một biết mười, tuy tuổi mới tròn hai mươi nhưng sức hiểu biết đã đạt tới đỉnh cao: không chỉ tinh thông Phật học mà cả Nho, Lão cũng rất am tường. Ngài từ nhỏ đến lớn không hề nói lời xấu ác, biết trọng đức hiếu sinh, tuyệt đối không dùng các thứ thịt cá. Gia đình vốn tin Phật từ nhiều đời nên, năm 21 tuổi, ngài ngỏ ý xin đi tu, được cha mẹ chấp thuận.


Niên hiệu Hưng Long XII (1304), Giác Hoàng và đoàn sứ giả du hành tới các nơi thôn dã để hoằng pháp, bố thí và khuyên dân phá bỏ những miếu thờ thần không chân chính, hướng tâm vào các việc phúc thiện, có ích lợi cho chính bản thân và cho xã hội… Đoàn sứ giả lúc tới huyện Nam Sách, ngài tìm đến yết kiến Giác Hoàng cầu xin được đi xuất gia. Giác Hoàng hoan hỷ chấp nhận, đặt tên là Thiện Lai, và dạy: "Kẻ này có tuệ nhãn, ắt sau này làm long thịnh cho Phật pháp!", rồi cho đi theo hầu về chùa Long Động, làm lễ thế phát, thụ giới Sa di. Sau đó, Giác Hoàng gửi ngài tới tham học với Hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán. Ở đây, ngài chuyên nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, khi đọc phần chính tông, đoạn nói về A Nan bảy lần hỏi về cái "tâm" đến đoạn nói về "khách trần" thì bừng tỉnh, nhận ra là, "tính thấy vốn không sinh, diệt", ngài liền sở ngộ.


Một hôm, ngài về tham yết Giác Hoàng và trình kiến giải của mình bằng một bài tụng về "tam yếu" bị Giác Hoàng gạch bỏ đi cả. Đã mấy lần thỉnh cầu Giác Hoàng đều làm thinh, bảo: "Hãy tự mình tham khảo lấy". Đêm ấy, ngài về phòng nhập thiền, tâm trí bị dao động mạnh với bao ý nghĩ vụt hiện, vụt tắt; quá nửa đêm, nhân thấy hoa đèn lụi, ngài chợt đại ngộ. Sáng mai, ngài lên trình chỗ sở ngộ và được Giác Hoàng ấn chứng. Từ đó, ngài nguyện tu theo mười hạnh đầu đà và phát lời nguyện lớn: "Chư Phật và Bồ Tát, có những hạnh nguyện nào, tôi xin học và thực hành theo; dù chúng sinh khen hay chê, dù khinh hay trọng, dù bố thí hay cướp đoạt, khi mắt thấy, tai nghe cũng đều hỷ xả, khiến cho tất cả cùng bước lên nấc thang giác ngộ" (Chư Phật, Bồ Tát, sở hữu hành nguyện, ngã kim phụng trì; nhược nhất thiết chúng sinh, hoặc hỷ tán, hoặc khinh mạn, hoặc thí dự, hoặc xâm đoạt, xúc mục văn danh, tất giai xả chi, linh đăng giác địa) Trích Phát Nguyện Văn.


Niên hiệu Hưng Long XIII (1305), Giác Hoàng lập đại giới đàn cho ngài thụ Tỳ khưu và Bồ tát, và đặt pháp danh là PHÁP LOA. Qua những lần khảo chứng, nhân thấy ngài đã ngộ đạo, lại tinh thông kinh điển, Giác Hoàng cử ngài làm chủ giảng chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Năm 1307, ngài cùng với năm vị pháp hữu tới am Ngọa Vân cầu thỉnh Giác Hoàng dạy bộ Đại Tuệ Ngữ Lục. Tháng 5 năm đó, trên am Ngọa Vân, khi làm lễ bố (bá) tát xong, ngài được Giác Hoàng trao y bát và tâm kệ.


Niên hiệu Hưng Long XVI (1308), đúng ngày mồng một tết năm Mậu Thân, ngài chính thức được Giác Hoàng cử giữ chưa trụ trì chùa Báo Ân, và được suy tôn là Đệ Nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.


Sau khi ngài chính thức được cử làm lễ đệ nhị tổ lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, số người xin xuất gia và quy y học đạo có hàng vạn (riêng về tăng, ni xin làm đệ tử là 15.000 người, ngài phải nhờ hai vị sư huynh là Tông Cảnh và Bảo Phác về chùa Báo Ân dạy luật Tứ Phần cho các học tăng. Ngài Tông Cảnh trụ trì chùa Tiên Du và ngài Bảo Phác trụ trì chùa Vũ Ninh. Cả hai vị lúc ấy đã được triều đình tôn là quốc sư. Còn ngài thì nhận trách nhiệm giảng các bộ kinh lớn: Kim Cương, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Pháp Hoa và Niết Bàn, các bộ ngữ lục như: Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục… ngoài ra, ngài còn tới thuyết pháp cho tín đồ tại các chùa Quỳnh Lâm, Dưỡng Phúc, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng Viện và Kiến Xương phủ. Trong số các đệ tử kể trên, đắc pháp khoảng 3.000 người; số tự viện cũng được xây dựng rất nhiều, gồm 800 sở, dựng hai đài giảng kinh, xây 5 cây bảo tháp, đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Vua Anh Tông "nhân ngày lên làm thái thượng hoàng, đã cho đúc tượng đồng ba vị Phật A Di Đà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta" (theo VNPGSL trang 382).


Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang ghi con số bất động sản do triều đình và tín đồ cúng cho ngài để xây dựng Đại Tùng Lâm (ở hai chùa Quỳnh lâm và Báo Ân) số ruộng có hàng ngàn mẫu. Năm 1308, vua Anh Tông đã lấy 100 mẫu ruộng của riêng gia đình nhà Trần để cúng vào chùa Bảo Ân. Năm 1312, Anh Tông cúng dường năm vạn quan tiền để Pháp Loa bố thí cho người nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Pháp Loa từ chối không nhận. Vua lại sai lấy 500 mẫu ruộng từ Miện Như Trang cúng vào chùa làm bất động sản. Năm 1313, Anh Tông lại theo lời di chiếu của Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự Tam Bảo của mẹ cúng dường vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phụ để làm thêm chùa tháp. Cũng trong năm đó, hoàng thái hậu Bảo Từ cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Trước đất, hoàng thái hậu đã quy y tại chùa này. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũa họ Phạm cúng vào chùa. Năm 1317, tư đồ Văn Huệ Vương và công chúa Thượng Trân cúng dường tới 900 lạng vàng để đúc tượng Phật Di Lặc. Con trai của công chúa Nhật Trinh là cư sĩ Di Loan cúng dường 300 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa. Hoàng thái hậu Bảo Tử cúng dường 222 mẫu đất ở phủ An Hoa. Sau đó, tư đồ Văn Huệ Vương lại cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm. Lúc này điền địa cúng vào cho riêng chùa Quỳnh Lâm đã lên tới trên 1.000 mẫu. Chùa có tới 1.00 người tá điền làm ruộng…" (Sđd, trang 383).


Đại Tạng Kinh, lần đầu tiên, được ấn hành ở nước ta, gồm 5.000 quyển (theo Tam Tổ Thực Lục ghi là năm 1311, vua Anh Tông xuống chiếu cho khắc Đại Tạng Kinh và năm 1321, tôn giả Pháp Loa đã viết lời Bạt cho Đại Tạng Kinh đời Trần). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là "bản phó được khắc và in để lưu hành" (chắc là sao bản chính Đại Tạng Kinh 6010 quyển, đóng thành 587 tập, thỉnh  từ nhà Nguyên bên Trung Quốc. Công cuộc khắc và in Đại Tạng Kinh, khởi sự năm 1311, mãi tới năm 1329 mới hoàn thành. Sách Tam Tổ Thực Lục còn chép là vua Anh Tông sai khắc các tác phẩm của Giác Hoàng "Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mị Ngữ, Tăng Già Toái Sự và Đại Hương Hải Ân Thi Tập để vào Đại Tạng Kinh đời Trần".


Năm 1312, vua Anh Tông thỉnh ngài vào cung Tư Phúc giảng Đại Tuệ Ngũ Lục, vì trước đó, năm 1304, vua đã được Giác Hoàng truyền thụ Tại Gia Bồ Tát Tâm Giới nên lần này, vua ngỏ ý nhờ ngài chỉ dẫn cách thức thực hành "Hạnh Nguyện Bồ Tát" để giữ nước an dân và hộ trì Chính Pháp. Ngài đã biên tập cuốn Hộ Quốc Nhân Vương Nghi Quỹ để giúp vua Anh Tông quán triệt đường lối tu học và cách hành xử của các bậc đế vương sao cho có ích lợi đối với dân với nước. Qua năm sau, tức 1313, ngài phụng chiếu về trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm và đặt văn phòng trung ương của Giáo Hội ở đó.


Niên hiệu Đại Khánh thứ IV (1317), đời Trần Minh Tông, tháng 2, năm Đinh Tỵ, ngài bị đau nặng liền viết tâm kệ và lấy bộ pháp y của Giác Hoàng trao cho ngài khi trước để trao lại cho Huyền Quang, pháp khí và tích trượng thì trao cho Cảnh Nguyện, phất tử trao cho Cảnh Huy, gậy trúc trao cho Huệ Quán, pháp thư trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ân, mỏ vàng trao cho Huệ Chúc…, nhưng chỉ sau đó ít ngày, ngài được bình phục.


Năm 1318, thượng hoàng Anh Tông thỉnh ngài vào cung Thiên Trường giảng bộ Tuyết Đầu Ngữ Lục, sau khi khóa giảng kết thúc, Anh Tông tự tay viết 4 chữ "Phổ Tuệ Tôn Giả" kính dâng ngài (Vua Anh Tông đối với ngài thường khiêm tốn xưng là đệ tử). Quốc vụ thượng tể Quốc Chấn cũng thỉnh ngài vào phủ An Hoa giảng Đại Tuệ ngữ Lục. Cũng năm ấy, ngài còn trao giới Tại Gia Tam Quy cho công chúa Hoa Dương.


Năm 1320, đại vương Tuệ Nhân xin thụ Bồ Tát Tâm Giới, và Quốc Vụ Thượng Tể thụ giới Tại Gia Bồ Tát. Cách ba năm sau, năm 1323, Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đích thân đến chùa Báo Ân xin thụ Bồ Tát Tâm Giới, hoàng thái hậu Bảo Từ và công chúa Bảo Vân xin ngài giảng kinh Hoa Nghiêm.


Niên hiệu Khai Hựu năm đầu (1329), đời Trần Hiến Tông, ngài mở thêm cảnh ở Côn Sơn và ở Thanh Mai, tạo cho nơi đây thành danh lam thắng cảnh. Ngài có làm bài thơ đề là Luyến Thanh Sơn. Nguyên văn:


"Sơ sấu cùng thu thủy

Sàm nham lạc chiếu trung

Ngang đầu khán bất tận

Lai lộ hựu trùng trùng".

 

(Dòng thu gầy hun hút

Núi cao soi nước trong

Ngửng đầu nhìn bất tận

Đường trước nổi muôn trùng).

Nguyễn Lang dịch theo VNPGSL t1-


Niên hiệu Khai Hựu thứ 11 (1330). Ngày 5 tháng 2 năm Canh Ngọ, lúc ngài đang giảng kinh Hoa Nghiêm cho hàng ngàn người tới nghe tại viện An Lạc, bỗng cảm thấy trong mình khó chịu, ngài nhờ trưởng lão Bích Phong giảng tiếp. Đến ngày 11 thì bệnh thêm trầm trọng, Huyền Quang đứng hầu bên cạnh, thấy ngài ngủ mà nói ba tiếng "Hồng".


Huyền Quang liền thưa:

-Tôn giả nói mớ sao?

Ngài đáp:

-Ngủ thì nói mớ, chẳng ngủ thì chẳng nói mơ.

Huyền Quang hỏi tiếp:

-Thế nào là ngủ với thức, để khỏi mắc bệnh?

Ngài đáp:

-Ngủ với thức là một, bệnh cũng chẳng can gì tới ngươi, không bệnh cũng chẳng can gì tới ngươi.

Huyền Quang lại hỏi:

-Tại sao lại phát ra tiếng nói?

Ngài đáp:

-Khi nghe tiếng gió thổi trong cây thì sao?

Huyền Quang liền hỏi:

-Tiếng gió thổi trong cây không làm cho ai lầm, nhưng lời nói trong giấc mơ dễ khiến người khác hiểu sai.

Ngài nói:

-Kẻ si mê cũng có thể bị tiếng gió trong cây làm mê hoặc.

*****


Đến ngày 13, các đệ tử đưa ngài về viện Quỳnh Lâm tĩnh dưỡng. Ngày 1 tháng 3, thượng hoàng Minh Tông đích thân đến thăm và gọi ngự y tới chẩn mạch và cắt thuốc cho ngài, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, các đệ tử quì bạch: "Xưa nay các bậc đại ngộ, lúc sắp tịch, đều có những lời kệ để lại cho đời sau, sao riêng thầy không có?"


Ngài liền ngồi dậy, cầm bút viết bài kệ:


"Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh man khoan".


Tạm dịch:


Muôn duyên cắt đứt, một thân nhan

Trót nửa cuộc đời mộng thế gian

Hỡi các môn đồ đừng gạn hỏi

Bên kia trăng gió đẹp mênh mang.


Viết xong bài kệ, ngài định thần thị tịch, ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ, trụ thế 46 năm.


Sau khi được tin ngài tịch, thượng hoàng Minh Tông ngự bút truy tặng ngài là Tịnh Trí Đại Tôn Giả, đặt tên tháp là Viên Thông, và cúng mười lạng vàng để xây tháp; các đệ tử theo lời di chúc, rước nhục thể về nhập tháp tại núi Thanh Mai:


"Thùy thủ tuần hòa dĩ liễu duyên

Giác hoàng kim lũ đắc nhân truyền

Thanh sơn mạn thảo quan tàng lý

Bích thụ thâm sương xác thoát thiền

Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt

Hiểu mê trượng thất hữu vô yên

Tương đầu châm giới ta phi tích

Trác tựu ai chương lệ huyễn nhiên".

 

Trắng tay chẳng chút nợ trần mang

Đã có người truyền phép Giác vương

Giầy xếp trong quan, nghìn núi cỏ,

Ve ra ngoài xác, một cây sương.

Trăng đêm nương náu trong tăng viện,

Mù sớm ngăn che trước pháp đường.

Kim cổ cùng nhau nay vắng vẻ,

Viếng ai một khúc lệ đôi hàng.

Bản dịch Đinh Văn Chấp(tạp chí Nam Phong)


Ngót phần ba thế kỷ, từ khi đắc pháp đến lúc nhập diệt, ròng rã 24 năm, ngài đã làm tròn nhiệm vụ kế thừa sự nghiệp lãnh đạo Giáo hội Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do Giác Hoàng trao phó.


Về Cách Thức Nhập Thế Hành Đạo – Đối với tín đồ, - gồm đủ các tầng lớp trong xã hội, từ vua, quan đến thứ dân -, ngài luôn luôn gần gũi đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, thể hiện qua những buổi đàm kinh, thuyết pháp, khi ở triều nội, lúc ở các chùa viện…


Về Công Cuộc Kiến Thiết – Ngài đã xây dựng 800 chùa, tháp, nhất là mở Đại Tùng Lâm ở hai chùa Báo Ân, chùa Quỳnh Lâm, nhằm mục đích: đào tạo tăng tài, để sau ra hoằng dương Chính Pháp giáo hóa tín đồ.


Về Phương Diện Văn Học –Ngài đã trứ tác và chú giải các bộ kinh lớn, nhưng sự nghiệp quan trọng trong thời đại ngài là việc ấn hành bộ Đại Tạng Kinh, và việc tổ chức xây dựng giáo hội thống nhất Đạo Phật Việt. Công cuộc tiến hành còn đang dở dang thì ngài tịch. Đây quả là sự thiệt thòi, mất mát lớn lao chung cho đạo pháp và dân tộc!


Những tác phẩm do ngài trứ tác và biên khảo, gồm có:


Đoạn Sách Lục

Tham Thiền Yếu Chỉ

Kim Cương Trường Đà La Ni Kinh Chú

Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ

Bồ tát Tâm Kinh Khoa Sớ

Thạch Thật Mị Ngữ

Pháp Sự Khoa nghi

Lăng Già Kinh Khoa Sớ

Hộ Quốc Nhân Vương nghi Quĩ

Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ Lục…[258] 


 


[258] Phần lớn những tác phẩm trên đều đã bị thất lạc, hiện chỉ còn lại Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục do ngài biên tập, nhưng thi tụng về thiền ngữ của thượng sĩ Tuệ Trung là do Giác Hoàng khảo đính. Và một phần Đoạn Sách Lục; một phần Tham Thiền Chỉ Yếu in trong bộ Tam Tổ Thực Lục thế kỷ XVIII. Ngoài ra, còn lại ba bài thơ: một bài ca ngợi thượng sĩ Tuệ Trung, in trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, hai bài khác, thể Ngũ ngôn và Tứ tuyệt in trong Việt Âm Thi Tập và Trích Diễm Thi Tập.


HT. Thích Đức Nhuận

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp