Vậy tại sao Phật giáo nắm trong tay một giáo lý tuyệt vời như thế mà Phật giáo có số tín đồ đứng sau nhiều tôn giáo khác, bản thân người Phật tử có thể bị cải đạo.
Những ai đã từng tìm hiểu và học hỏi giáo lý nhà Phật đều phải thừa nhận rằng giáo lý nhà Phật là cao siêu, vi diệu, khoa học và là chân lý chắc thật không thể nghĩ bàn.
Gần 3 thiên niên kỷ đã trôi qua, dù khoa học có phát triển đến mấy, điều kiện xã hội có thay đổi thế nào thì giáo lý nhà Phật chưa từng phải sửa sai, chưa từng phải xét lại chưa từng phải diễn giải lại cho phù hợp với thời đại mà Giáo lý nhà Phật vẫn luôn luôn là chân lý.
Vậy tại sao Phật giáo nắm trong tay một giáo lý tuyệt vời như thế mà Phật giáo có số tín đồ đứng sau nhiều tôn giáo khác, bản thân người Phật tử có thể bị cải đạo.
Phải chăng chúng ta đã hiểu, vận dụng và thực hành giáo lý nhiều khi còn chưa đúng, chưa linh hoạt như bản chất thật của giáo lý Phật đà? Dưới đây là đôi điều tác giả ghi nhận từ những cuộc trò truyện với một số thầy và phật tử và thực tế các vụ việc được Phattuvietnam.net đưa tin trong thời gian qua.
Từ bi hỷ xả nhưng cần có Trí, Dũng
Chúng ta thực hành lòng từ bi hỷ xả mà thiếu trí tuệ soi đường chỉ lối.
Phật dạy chúng ta lấy lòng từ bi yêu thương để biết tha thứ bỏ qua lỗi lầm, tội lỗi của người khác. Dùng lòng từ bi để cảm hóa, lấy sự hỉ xả tha thứ để cho người có cơ hội sửa sai, phục thiện. Lòng từ bi hỷ xả sẽ có tác dụng nếu người gây tội lỗi được giáo hóa, nhận diện lỗi lầm, sám hồi hồi đầu.
Lòng từ bi hỷ xả cũng không có nghĩa là thờ ơ với cái xấu, bỏ mặc cái xấu hoành hành. Từ bi hỷ xả còn là biết chỉ ra cái xấu, đấu tranh với cái xấu, ngăn chặn cái xấu để không có cái nó sảy ra và tái diễn. Nếu không lòng từ bi hỷ xả sẽ bị kẻ xấu lợi dụng và vô hình chung lại tiếp tay cho cái xấu.
Chính vì thế mà trong mỗi ngôi chùa miền bắc đều có 2 vị hộ pháp khuyến thiện nhưng cũng có trừ ác.
Đã xuất hiện những việc làm bất thiện của tôn giáo khác như việc Mục sư người Singapore nói xấu Phật giáo trên kênh truyền thông, nhóm mục sư người Hàn cầm loa xông vào chùa Tào Khê để dụ dỗ cải đạo, nhóm ngoại đạo Việt nam dải truyền đơn cải đạo vào chùa, hay việc đưa tin thất thiệt và ép buộc cải đạo một “vị chân tu” trước khi chết ở Sài Gòn vừa qua.
Hay những việc vẫn còn nóng bỏng như đặt tên Đức Phật cho quán rượu, quán spa vừa qua mà hiện bay Funky Buddha Bar tại Hà Nội vẫn chưa được giải quyết.
Những việc làm như trên thì Phật giáo chúng ta không thể vì từ bi hỷ xả mà im lặng đứng nhìn hay bỏ qua.
Phật giáo không nói xấu tôn giáo khác cũng không chủ trương cải đạo tín đồ các tôn giáo khác. Phật giáo cũng không cho phép các tôn giáo khác được xúc phạm, tung tin thất thiệt, giành giật tín đồ một cách xấu xa, thủ đoạn. Đó cũng là cách Phật giáo thể hiện lòng từ bi hỷ xả đối với Phật tử của mình và trước cái xấu.
Việc đưa tin và ép buộc một vị chân tu cải đạo ở Sài Gòn như vừa qua nếu không được đại đức Thích Thanh Thắng đấu tranh, làm rõ sự thật, phơi bày mưu đồ xấu xa của họ thì chắc hậu quả của nó thật ghê gớm đối với niềm tin, tâm lý tình cảm của Phật tử cũng như ngăn chặn nhiều vụ “chân tu cải đạo” nữa trong tương lai.
Nếu dư luận Phật giáo không lên tiếng mạnh mẽ như thời gian vừa qua, thì sẽ còn bao nhiêu người vô tình hay cố ý lạm dụng hình ảnh Phật giáo cho mục đích kiếm lời ở những nơi không phù hợp.
Vô thường và thời kỳ mạt pháp: Không phải là buông xuôi
Có lần tác giả đã hỏi nhà sư và Phật tử rằng: tại sao Phật giáo thời Lý Trần được coi quốc giáo mà giờ đây PGVN không còn là quốc giáo? Tại sao tín đồ Phật giáo dễ bị cải đạo vậy? Tại sao Phật giáo tại Hàn Quốc lại suy yếu để ngoại đạo chèn ép thế?
Thì nhận được câu trả lời: Vô thường mà, thời kỳ mạt pháp mà.
Câu trả lời đó lâu nay như một câu cửa miệng của Tăng Ni, Phật tử khi nói về sự suy yếu của Phật giáo. Câu trả lời đó khiến người ta mất niềm tin vào đạo, tạo tâm lý bi quan về tương lai của Phật giáo.
Đúng, Vô thường là chân lý. Vô thường chỉ ra rằng mọi sự vật và hiện tượng không có một thực thể cố định, bất biến mà nó do các nhân duyên tạo thành. Sự tương tác của nhân duyên tạo thành nó khiến cho sự vật và hiện tượng biến đổi không ngừng. Và Phật giáo cũng biến đổi theo sự vô thường đó.
Không phải Phật giáo sinh ra đã thịnh hành hay suy thoái. Sự thịnh suy của Phật giáo không phải do giáo lý đã trở nên lạc hậu không phù hợp. Bởi vì cũng giáo lý ấy mà hiện nay Phật giáo tại Hàn Quốc và một số nước theo Phật giáo đại thừa lại suy thoái, trong khi Phật giáo tại Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan vẫn đang thịnh hành.
Mỗi khi chứng kiến sự suy thoái của Phật giáo mà chúng ta quy kết do vô thường và đang ở thời kỳ mạt pháp là chúng ta đang ngụy biện và né tránh trách nhiệm, đổ thừa cho hoàn cảnh.
Tăng bảo là những người thay Phật hoằng truyền Phật pháp tại thế gian. Do vậy sự hưng thịnh của Phật giáo phụ thuộc rất nhiều vào Tăng bảo. Điều đó đã được kiểm chứng thời đức Phật còn tại thế và Phật giáo thời Trần .
Sự thịnh suy của Phật giáo tuân theo quy luật nhân quả. Phật giáo được hưng thịnh khi có một tăng đoàn hòa hợp; tất cả các quý thầy đều giữ gìn giới đức phẩm hạnh, tinh tấn tu hành; đều là những người năng động, xuất gia có lý tưởng, dám dấn thân hoằng dương Phật pháp và phụng sự chúng sinh.
Phật giáo có nhiều bậc cao tăng đắc đạo, đạo cao đức trọng có uy tín để có tiếng nói cảm hóa được quần chúng, thu hút được Phật tử, không chỉ vậy còn có thể giáo hóa được chính quyền, tầng lớp trí thức, doanh nhân để họ hiểu đạo và hộ trì phật pháp như Triều đình Lý Trần, như vua ASOKA, như trưởng giả Cấp Cô Độc và ngày nay là các chính phủ Sri Lanka và Thái Lan.
Phật giáo được hưng thịnh khi tất cả Phật tử, người dân tinh tiến tu tập, hành trì theo đúng chính pháp.
Khi nào Phật giáo hội đủ được các yếu tố đó thì sẽ hưng thịnh, ngược lại sẽ bị suy yếu.
Vô thường hay thời kỳ mạt pháp không phải để nói về sự suy yếu của Phật giáo như một quy luật, như là một sự tất yếu khách quan, hay là xu thế không thể cưỡng được. Thừa nhận như thế là chúng ta đang bi quan, buông xuôi chấp nhận Phật giáo suy thoái.
Thừa nhận như thế là chúng ta đang đầu hàng hoàn cảnh, phó mặc cho hoàn cảnh thay vì chủ động tìm ra nguyên nhân nào khiến cho Phật giáo suy yếu để khắc phục nó, loại bỏ nó.
Thừa nhận như thế là chúng ta đang thờ ơ trước việc cải đạo, chấp nhận “ thua cuộc” trước sự tấn công cải đạo tín đồ Phật giáo của các tôn giáo khác.
Tùy duyên không phải là bị động, phó mặc cho hoàn cảnh
Trong một lần giảng sư về chùa quê giảng pháp, Phật tử sau khi được nghe những lời pháp thoại đầy ý nghĩa nên mong muốn lại được đón giảng sư về lần nữa. Giảng sư trả lời cái này thầy không hứa trước, cũng tùy duyên thôi. Câu trả lời làm Phật tử khắc khoải chờ mong không biết bao giờ lại đủ duyên để được đón thầy về. Đây là một ví dụ về việc tùy duyên.
Thay vì thầy nói tùy duyên sao thầy không hứa năm sau, năm sau nữa hoặc một thời gian cụ thể nào đó thầy thu xếp sẽ về. Một khi thầy đã hứa, là thầy đã đưa ra một kế hoặc một mục tiêu, một cam kết thì thầy sẽ cố gắng thực hiện điều đó.
Lâu nay tăng ni và Phật tử chúng ta khi nói về một Phật sự nào đó chúng hay nói cái đó tùy duyên thôi. Nói như thế là chúng ta không tha thiết với việc đó. Nói như thế là chúng ta đang né tránh việc đó hoặc thoái thác việc đó một cách khôn khéo. Và khi đã nói tùy duyên thì làm sao có động lực, có trách nhiệm, có trăn trở để làm cho nó có đủ duyên mà thực hiện.
Chúng ta nói tùy duyên là chúng ta đang phó mặc cho hoàn cảnh, để cho hoàn cảnh chi phối dẫn dắt.
Chúng ta nói tùy duyên là chúng ta đang phủ nhận cái nhân tố chủ quan, chủ động của mình mà để cho yếu tố khách quan, hoàn cảnh quyết định điều đó.
Chúng ta nhiều khi lạm dụng chữ tùy duyên đã tạo một Phật giáo có sức ì, trì trệ không năng động, không chủ động, không dám nghĩ không dám làm và không dám chịu trách nhiệm.
Thay vì chúng ta trông chờ cho nó đủ duyên sao chúng ta không tích cực chủ động gieo duyên, tạo duyên cho Phật sự đó có đủ điều kiện để sớm thành tựu như ý. Giống như chúng ta vẫn nói không gieo thì lấy đâu gặt, không gieo hôm nay thì ngày mai gặt gì.
Đặc biệt trong công cuộc hoằng pháp hiện nay như ví dụ trên mà chúng ta vẫn có thái độ tùy duyên trông chờ hoàn cảnh thì e rằng chúng ta sẽ chậm chân và tụt hậu so với các tôn giáo khác. Thử nhìn lại việc tín hữu Tin lành họ len lỏi khắp nhà ga, bến tầu, bến xe, công viên trường học bệnh viện để truyền đạo, họ chủ động làm quen, giảng giải đạo của họ rồi tặng sách cho người khác để lôi kéo vào đạo.
Mỗi một năm giáo hội của họ đề ra một mục tiêu cụ thể là tổ chức được bao nhiêu buổi truyền giảng vào thời gian nào ở đâu, và mỗi một năm có được bao nhiêu người vào đạo. Sau đó là họ tổng kết những khó khăn hay thuận lợi để đúc kết cho kế hoạch lần sau.
Phật giáo Việt Nam vẫn cứ thụ động bị động theo kiểu tùy duyên trong việc hoằng pháp thì có lẽ một lúc nào đó trở thành một Hàn Quốc thứ hai thì lúc đó chúng ta có còn tùy duyên được nữa không?
Nguyễn Hữu Đức
Còn nữa
Nguồn link: http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/16814.html