đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

09:00 07/11/2011

Đạo Phật & dòng sử Việt: Cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam chống chính thể độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, 1963

(TG&DT) - Cuộc vận động kéo dài 6 tháng, từ 8-5-1963 đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, thì Hội đồng Quân nhân Cách Mạng làm cuộc đảo chính, lật đổ chính thể độc tài gia đình trị nhà Ngô; giải phóng cho toàn dân sau 9 năm phải (nép mình) sống quằn quại khổ đau dưới một chế độ hà chính, lạc hậu, lỗi thời.
Những diễn biến của cuộc vận động:


- Ngày 06/ 5/ 1963, Nhà Ngô ra thông điện cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Đại lễ Phật đản PL 2507


- Ngày 08/ 5/ 1963, hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử tổ chức cuộc rước Phật lớn từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm, và tối hôm đó có cuộc biểu tình tại đài phát thanh Huế: yêu cầu đài này cho truyền thanh buổi lễ nhưng không được đài chấp thuận; khoảng 10 giờ hơn thì xảy ra cuộc đàn áp do chính quyền sở tại chủ động làm chết 8 người và nhiều người bị thương...


- Ngày 09/ 5/ 1963, Tổng trị sự Giáo hội Tăng Già Việt Nam họp khẩn gửi kháng thư cho Tổng thống Diệm phản đối việc cấm treo cờ Phật giáo và việc đàn áp đẫm máu đêm 8 tháng 5 tại Huế


- Ngày 10/ 5/ 1963, 5 tập đoàn Phật giáo Trung phần (Huế) ra Tuyên ngôn chống lệnh treo cờ Phật giáo của Chính phủ và yêu cầu 5 điểm


- Ngày 25/ 5/ 1963, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam triệu tập 10 Giáo phái, Hội đoàn thành lập Ủy Ban Liên phái Bảo Vệ Phật Giáo và ra tuyên ngôn

 

CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM CHỐNG CHÍNH THỂ ĐỘC TÀI GIA ĐÌNH TRỊ NGÔ ĐÌNH DIỆM, 1963


Dưới đây là những tài liệu lịch sử cuộc “vận động đòi Bình đẳng và Tự do Tôn giáo” do Phật giáo Việt Nam phát động: chống chính quyền nhà Ngô ra lệnh “cấm treo cờ Phật giáo” trong mùa đại lễ Phật đản PL năm 2507, ngày trăng tròn rằm tháng tư năm Quí Mão (8-5-1963).


Cuộc vận động kéo dài 6 tháng, từ 8-5-1963 đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, thì Hội đồng Quân nhân Cách Mạng làm cuộc đảo chính, lật đổ chính thể độc tài gia đình trị nhà Ngô; giải phóng cho toàn dân sau 9 năm phải (nép mình) sống quằn quại khổ đau dưới một chế độ hà chính, lạc hậu, lỗi thời. Đạo Dụ số 10 có tính cách kỳ thị tôn giáo, bất công vốn là sản phẩm dân cáo chung.


Bấy giờ xin mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu Những diễn biến của cuộc vận động do Phật giáo Việt Nam chủ động, được ghi lại từ những tài liệu chính xác của văn phòng Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo:


Những diễn biến của cuộc vận động

Các Văn bản chính

Dư luận quốc tế và báo chí


Vào mùa Phật đản PL năm 2507 nhằm ngày trăng tròn rằm tháng 4 năm Quí Mão (8-5-1963); trước đó hai ngày, tổng thống Ngô Đình Diệm ra thông điện số 9195, ngày 6 tháng 5 dương lịch 1963, “cấm treo cờ Phật giáo”. Thì chiều ngày 14 tháng 4 âl (7-5-1963), lực lượng cảnh sát thành phố Huế, theo lệnh khẩn từ Sài gòn điện ra, đã tỏa đi các chùa các tư gia Phật tử có treo cờ Phật giáo, bắt phải hạ xuống… trong lúc đồng bào Phật tử cả nước đang hân hoan sửa soạn dựng cổng chào, chăng đèn, kết hoa để cúng dường ngày Đức Phật Đản Sinh.


Lệnh cấm treo cờ của chính phủ rõ ràng có tính cách miệt thị, một sự xúc phạm trắng trợn đối với một tôn giáo lớn của dân tộc đã có chiều sâu và bề dày hai nghìn năm lịch sử, mà đại đa số người Việt, nếu không muốn nói là 80% dân số toàn quốc đều có mang trong người họ dòng máu truyền thống tín ngưỡng Đạo Phật từ nhiều đời nay. Lệnh cấm treo cờ, tuy có một số ít người (vì nhát gan) phải tuân theo, nhưng đại đa số cương quyết bất phục tòng.


Qua sáng ngày hôm sau, tức ngày rằm tháng tư âl (8-5-1963), khoảng 6 giờ 30, một cuộc rước Phật vĩ đại của hàng trăm ngàn người diễn hành từ chùa Diệu Đế đi qua các ngả đường cố đô Huế kéo về chùa Từ Đàm, với các biểu ngữ mang những dòng chữ:


KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN

CỜ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ KHÔNG THỂ BỊ TRIỆT HẠ

PHẬT GIÁO ĐỒ NHẤT TRÍ BẢO VỆ CHÍNH PHÁP DÙ PHẢI HY SINH

YÊU CẦU CHÍNH PHỦ THI HÀNH CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BÌNH ĐẲNG

CHÚNG TÔI KHÔNG TỪ CHỐI MỘT HY SINH NÀO

PHẢN ĐỐI CHÍNH SÁCH BẤT CÔNG GIAN ÁC

ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TÔI BẮT BUỘC TRANH ĐẤU CHO CHỦ TRƯƠNG TÔN GIÁO BÌNH ĐẲNG.


Tại chùa Từ Đàm, trụ sở của Hội Phật giáo Trung phần – Thừa Thiên, một lễ đài nguy nga, được dựng lên trước sân chùa. Chư vị tăng, ni và quần chúng tụ tập trước Lễ đài để đón mừng đoàn người rước Phật. Cả rừng người im lặng. Cuộc lễ chính thức được cử hành, dưới sự chủ lễ của nhị vị tôn đức: Hòa thượng Tịnh Khiết, hòa thượng Giác Nhiên, cùng chư vị thượng tọa, đại đức tăng, ni đồng bào Phật tử các giới… Những tiếng tụng kinh vút cao xen với tiếng chuông trống bát nhã và bầu trời trong sáng tạo cho buổi lễ thêm bội phần trang nghiêm long trọng.


Nhưng… buổi tối hôm đó, đoàn người hiền lành từ các nơi lũ lượt kéo tới đài phát thanh, yêu cầu đài này cho truyền thanh cuộn band của Tổng Trị Sự TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM –theo lệ hàng năm đều có buổi truyền thanh – nhân đại lễ Phật Đản và cũng là ngày kỷ niệm 13 năm thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng (năm nay) đài này không những không cho phát thanh (cuộn band đã ghi âm) và… khoảng 21 giờ cùng ngày, chính quyền sở tại do thiếu tá ĐẶNG SĨ, phó tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, chỉ huy một lực lượng quân đội cảnh sát, mở cuộc đàn áp dã man làm tám (8) người chết, trong đó có các em đoàn viên Gia Đình Phật Tử và nhiều người bị cảnh sát quân đội đánh đập mang trọng thương… những tiếng la khóc, chửi rủa lũ quỉ mang lốt người – bởi “chúng” đã đánh mất hết nhân tính?!… Chỉ trong khoảnh khắc (mà) một thảm cảnh hỗn loạn đã diễn ra trước mắt hàng vạn người, kể cả những người ngoại quốc từng theo dõi sự vụ.


Bàng hoàng xúc động trước cảnh thảm sát tàn bạo, phi nhân, một nho sĩ đất thần kinh ngậm ngùi viết trong bài văn tế “Anh linh các Phật tử đã bỏ mình vì chính pháp”.


“…Nào xe tăng, nào thiết giáp, nào xe cứu hỏa chạy tuôn tràn cán nát sinh linh;

Nào súng trường, nào lựu đạn, nào nước vòi rồng bắn tung bừa đoàn người đạo hạnh.

“Bao thể phách chia lìa trăm mãnh vỡ, đầu bay mất, cánh tay rơi, lá cờ Phật  vẫn cầm, một lòng son sắt…;

Những anh hồn hội tụ một vầng sao, ngực vỡ toang, thân ngã gục, lòng hướng về Đức Phật, lấy máu đền ơn!”

Ngày 9 tháng 5-1963, tòa hành chính tỉnh Thừa Thiên ra thông cáo số 3168. Nguyên văn:


THÔNG CÁO CỦA TÒA HÀNH CHÁNH TỈNH THỪA THIÊN



“Theo chương trình lễ Phật Đản tại Huế, tối ngày 8-5-63 lúc 20 giờ có một cuộc múa bông tại chùa Từ Đàm, nên đồng bào đến đợi xem rất đông. Nhưng đến phút chót, không có cuộc múa bông như đã định và một số phỏng chừng 3.000 người đã từ chùa Từ Đàm kéo đến Đài Phát thanh Huế yêu cầu Đài cho phát thanh ngay một phóng sự truyền thanh về buổi lễ Phật đản cử hành hồi sáng. Lời yêu cầu đột ngột này lẽ cố nhiên không được thỏa mãn vì ra ngoài chương trình phát thanh do Ban Tổ chức Lễ Phật Đản đã ấn định.


“Trong lúc Đại diện Chính quyền và vị Thượng Tọa Hội trưởng Hội Phật Giáo Trung Phần đang thảo luận để tìm cách thỏa mãn lời yêu cầu của tín đồ Phật Giáo thì đối phương đã len lỏi trong đám đông xâm nhập Đài Phát Thanh, đập phá các cửa, ném đá và chất nổ vào Đài Phát thanh làm sập trần, vỡ nhiều cửa kính gây thiệt mạng cho 7 đồng bào và gây thương tích cho 1 đồng bào với 5 binh sĩ có nhiệm vụ giữ trật tự tại Đài Phát Thanh.


“Trước hành động dã man của đối phương, cơ quan công lực buộc lòng phải dùng lựu đạn cay mắt và vòi phun nước để giải tán kịp thời, ngõ hầu bảo vệ sinh mạng của đồng bào. Sau đó đồng bào đã lần lượt giải tán và trật tự đã được tái lập vào lúc 24 giờ.


“Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên rất đau đớn trước sự việc đáng tiếc trên và xin ân cần kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh sáng suốt, vạch mặt chỉ tên bọn Việt Cộng phá hoại và triệt để tuân theo kỷ luật quốc gia nhất là trong giai đoạn khẩn trương hiện tại.


“Để bảo vệ sinh mạng cũng như quyền lợi của đồng bào, Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên nghiêm cấm mọi cuộc tụ họp, bắt đầu từ o giờ sáng ngày 09-5-63 cho đến khi có lệnh mới.


Huế, ngày 9 tháng 5 năm 1963

Tỉnh trưởng tỉnh Thừa thiên, Thị trưởng thành phố Huế

NGUYỄN VĂN ĐẲNG


Chiều ngày 9 tháng 5-1963, văn phòng Tổng Trị Sự GIÁO HỘI TĂNG GIÀ VIỆT NAM nhận được một văn bản 5 trang chữ đánh máy trên loại giấy pelure mỏng và một cuộn band ghi âm việc xảy ra tại đài phát thanh Huế đêm 8-5-63, do Phật giáo Trung phần nhờ một sĩ quan không quân chuyển tới[296]


Tổng trị sự giáo hội trung ương liền triệu tập cuộc họp khẩn vào lúc 19 giờ cùng ngày (9-5), đã quyết định 3 việc:

1. Gửi kháng thư cho tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối việc cấm treo cờ Phật giáo và việc chính quyền mở cuộc đàn áp Phật giáo đêm 8-5-1963.


2. Giáo hội ấn định “tuần nhị thất” ngày 21-5-1963 sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho 8 Phật tử đã hy sinh vì đạo trong một cuộc biểu tình tại đài phát thanh Huế.


3. Đồng thời quyết định: sau buổi lễ cầu siêu là cuộc rước bài vị cá canh linh tử vì đạo của chư tăng, ni giáo hội từ chùa Ấn Quang tới chùa Xá Lợi  


Và, ngày 10-5-1963, một cuộc Meeting lớn cửa chư vị tăng, ni và toàn thể đồng bào Phật tử Thừa Thiên (Huế) diễn ra tại chùa Từ Đàm. Bản Tuyên Ngôn mở đầu cuộc vận động đòi quyền “BÌNH ĐẲNG và TỰ DO TÔN GIÁO” của năm cấp Trị sự Phật giáo Toàn Quốc – Trung phần và Thừa Thiên được công bố.


(Nguyên văn bản Tuyên  Ngôn):


“Đã từ nhiều ngàn năm tăng và tín đồ Phật giáo trên thế giới cũng như trong nước vẫn trung thành với tôn chỉ: Từ bi, Vị Tha và Như Thật của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.


Phật giáo đến đâu đều đem lại một không khí an lành ở đó. Điều ấy lịch sử đã chứng minh.


Và, đã từ nhiều năm nay Phật giáo đồ bị khủng bố, đàn áp khắp nơi, chúng tôi vẫn nhẫn nhục, đương nhiên không phải hèn yếu mà vì ý thức những nỗi đau khổ, tang tóc của hoàn cảnh dân tộc hiện tại. Nhưng đau đớn thay, một số người đã lợi dụng quyền hành gây ra không biết bao nhiêu tang tóc đối với tăng và tín đồ Phật giáo khắp trong nước, đối xử một cách bất công với một Tôn giáo có hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Từ hành động này đến hành động khác, thậm chí đã chà đạp lên quyền lợi thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ: Cờ Phật giáo quốc tế bị triệt hạ. Quyết định này đã trái hiến pháp và ngang nhiên vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Trước những hành động bất công đó, bắt buộc tăng và tín đồ khắp trong nước chúng tôi phải đứng dậy tranh đấu cho lý tưởng của mình.


Sự kiện xảy ra 3 ngày nay chính phản ánh tinh thần đó. Máu đã chảy, nhân mạng đã bị hy sinh, một lần nữa, chúng tôi cương quyết đề đạt những nguyện vọng dưới đây lên chính phủ, yêu cầu thực thi 5 điểm:


YÊU CẦU CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA THU HỒI VĨNH VIỄN CÔNG ĐIỆN TRIỆT GIÁO KỲ CỦA PHẬT GIÁO.


YÊU CẦU PHẬT GIÁO PHẢI ĐƯỢC HƯỞNG MỘT CHẾ ĐỘ ĐẶC BIỆT NHƯ CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO THIÊN CHÚA ĐÃ ĐƯỢC GHI TRONG ĐẠO DỤ SỐ 10.


YÊU CẦU CHÍNH PHỦ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG BẮT BỚ, KHŨNG BỐ TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO.


YÊU CẦU CHO TĂNG, TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO ĐƯỢC TỰ DO TRUYỀN ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO.


YÊU CẦU CHÍNH PHỦ ĐỀN BỒI MỘT CÁCH XỨNG ĐÁNG CHO NHỮNG KẺ BỊ CHẾT OAN VÔ TỘI VÀ KẺ CHỦ MƯU GIẾT HẠI PHẢI ĐỀN BỒI ĐÚNG MỨC.


Những điều trên đây là những nguyện vọng tối thiểu và thiết tha nhất của toàn thể tăng và tín đồ Phật giáo trong cả nước. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến khi nào những nguyện vọng hợp lý được thực hiện.


Làm tại Huế, Phật lịch 2.507, ngày 10-5dl-1963.

Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam

Hòa thượng TỊNH KHIẾT (ký tên)

Hội Trưởng Tổng trị Sự

Thượng tọa T. TRÍ QUANG (ký tên)

Hội trưởng ban Trị sự, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên

Thượng tọa T. THIỆN SIÊU (ký tên)

Trị Sự trưởng Tổng trị sự Giáo hội Tăng già trung Phần

Thượng tọa T. MẬT NGUYỆN (ký tên)

Trị sự trưởng ban Trị sự giáo hội Tăng già Thừa Thiên

Thượng tọa T. MẬT HIỂN (ký tên)

 


[296] khoảng 2 giờ 30 chiều ngày 9-5-1963, hòa thượng THIỆN HÒA, Trị sự trưởng Tổng trị sự Giáo Hội Tăng Già Việt Nam cho người mời tôi qua chùa Ấn Quang gấp. Vào lúc 3 giờ kém 15 phút, tôi tới gặp hòa thượng Thiện Hòa tại phòng của Người, và được hòa thượng cho biết: Tổng trị sự giáo hội vừa mới nhận được văn thư và một cuộn band ghi lại cuộc đàn áp Phật giáo đồ do chính quyền Huế chủ động. Nói đến đấy thì Hòa thượng bỏ lửng câu chuyện và dẫn tôi tới phòng hòa thượng  Thiện Hoa. Nhân phòng hòa thượng Thiện Hoa có sẵn máy cassette cho mở cuộn band cùng nghe, đồng thời tôi đọc bản văn do Phật giáo Trung phần tường trình về vụ xảy ra tại đài phát thanh Huế đêm ngày 8-5-1963. Xem xong văn thư tôi lấy máy chữ đánh giấy triệu tập cuộc họp khẩn vào lúc 19 giờ cùng ngày (9-5). Cuộc họp Tổng Trị Sự đưa đến quyết định 3 việc, như đã ghi.



HT.Thích Đức Nhuận


Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp