Tổ chức chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng (Campaign for Tibet) cho biết Tsering Gyal vị tu sĩ trẻ 20 tuổi đã tẩm xăng biến thân làm ngọn đuốc tại Quả Lạc, tỉnh Thanh Hải.
Sự việc nhà sư Tây Tạng tự thiêu vào ngày thứ hai 11/11/2013. Cảnh sát Trung Quốc tức khắc đến hiện trường can thiệp, dập lửa và đưa nhà sư Tây Tạng vào bệnh viện, nhưng nhà sư Tây Tạng đã an nhiên thị tịch trong một thách thức đối với quy định của Trung Quốc, trên đường đến bệnh viện Tây Ninh, Tây Bắc Trung Quốc. Nhà sư Tây Tạng đã trút hơi thở vào lúc 11 giờ địa phương hôm thứ ba ngày 12/11/2013.
Một nhà sư Tây Tạng biểu tình phản đối trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève - Reuters
Nhục thân của sư Tsering Gyal được đưa về tu viện Akyong để cử hành Tang lễ, có hàng trăm chư Tăng các Tự viện gần đó tới lo tang lễ.
Từ năm 2009 đến nay đã có hơn 120 người Tây Tạng mà đa số là Tu sĩ, các vị này dung hình thức đấu tranh bất bạo động tuyệt đối này để phản kháng chính sách đàn áp Tôn giáo, văn hóa của Bắc Kinh tại Tây Tạng và các tỉnh có đa số dân Tây Tạng sinh sống như Tứ Xuyên, Thanh Hải và Cam Túc.
Bất lực trước phong trào tự thiêu ngày thêm lan rộng, chính quyền Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp trấn áp tinh vi hơn như sự trừng phạt thân nhân có con em tự thiêu, ngưng tài trợ trường học có học sinh tham gia biểu dương tinh thần hy sinh của những người tự thiêu, bắt buộc cảnh sát ở các tỉnh thường xảy ra tự thiêu phải trang bị bình chửa cháy.
Người dân Tây Tạng không những lên án chính sách đàn áp tự do tôn giáo, họ còn còn tố cáo chính sách phân biệt đối xử của Bắc Kinh ưu đãi người Hán, kiểm soát kinh tế Tây Tạng. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, vào đầu tháng 10 vừa qua, một người dân Tây Tạng từ chối treo cờ Trung Quốc nhân dịp Quốc Khánh Trung Quốc, nên người này bị ở tù. Tiếp theo, nhiều người Tây Tạng biểu tình đòi thả người bị bắt giam vì tội không treo cờ Trung Quốc. Công An nổ sung giải tán làm 60 người biểu tình bị thương.
Thích Vân Phong