Vua tên là Khâm, đản sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ VIII (1258), con trưởng thượng hoàng Thánh Tông và hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Năm 16 tuổi, được lập làm Thái tử, vua có ý từ chối, xin nhường cho em nhưng không được vua cha chấp thuận. Vua bản tính thông minh, học rộng, đa tài, đọc hết các sách sử thế gian; về Phật học, cũng rất tinh tường, thường cùng các vị tôn đức trong thiền gia giảng cứu Thiền học; nhất là được sự giáo huấn của ngài Tuệ Trung Thượng sĩ, nên vua am hiểu Phật pháp đến chỗ uyên áo. Năm vua 21 tuổi, được thượng hoàng truyền ngôi và lấy hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên (1279). Tuy ở ngôi chí tôn, vua vẫn giữ mình thanh tịnh, ban ngày làm việc triều chính, đêm về nghỉ ở chùa Tư Phúc trong nội thành.
Vua trị vì mười lăm năm (1279 – 1293). Quốc sử ghi: "Vua giáng sinh có được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung (tức hai bà phi) đều cho là lạ, gọi là "Kim Tiên đồng tử" (sách Tam Tổ Thực Lục gọi là "Kim Phật"); ở vai bên trái có một nốt ruồi đen, cho nên cố thể cáng đáng được việc lớn. Vua lên ngôi năm 21 tuổi, trị vì 14 năm, đến niên hiệu Trùng Hưng thứ IX (năm Quí Tị) thì nhường ngôi cho con là Anh Tông. Cách mấy năm sau vua xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, rồi sau ra tu ở núi Yên Tử và băng ở am Ngọa Vân. Nhân Tông là một vị vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng làm vẻ vang đời trước. thực là vị vua hiền của nhà Trần…"
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư –
Niên hiệu Trùng Hưng thứ IX (1293), vua truyền ngôi cho con là thái tử Thuyên (tức vua Trần Anh Tông), rồi về Thiên Trường làm thái thượng hoàng 6 năm, để dạy con cách quản trị việc nước.
Niên hiệu Hưng Long thứ III (1295) vua dời đến ở hành cung Vũ Lâm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đây là năm đầu tiên khởi sự "thực tập xuất gia", vua có làm bài tgơ Vũ Lâm Thu Vãn:
"Hoa kiều đảo ảnh trám khê hành
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.
Tịch tịch thiên sơn, hồng diệp lạc,
Thấp vân hòa lộ tống chung thanh"
CUỐI THU Ở HÀNH CUNG VŨ LÂM
Con khe dìn ngược bóng cầu
Hắt lên một vết sáng màu tà dương.
Núi non lặng trút là hường,
Móc dầm mây ướt đưa đường tiếng chuông.
Bản dịch Giản Chi-
Vua chỉ ở hành cung Vũ Lâm trong thời gian ngắn, rồi trở lại quê hương ở Thiên Trường (Nam Định), mở Vô Lượng Pháp Hội tại chùa Phổ Minh "bố thí tiền của, vải vóc, vật thực và trợ cấp cho những nơi mất mùa nghèo đói…"
Niên hiệu Hưng Long thứ VII (1299(, vua cho dựng thảo am ở ngọn Tử Tiêu, núi Yên Tử, lấy pháp danh là Hương Vân Đại Đầu Đà, hiệu là Đại Hương Hải Ấn Thiền Sư. Vua là người sáng lập pháo thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, hoàn toàn mang trái tim, khối óc và hơi thở Việt nam, và cho lập chùa Long Động (ở bên nuí) để độ tăng và giảng dạy Chính Pháp. Số học chúng tới xin thụ giáo đông có hàng ngàn.
Cũng trong năm 1299, vua Anh Tông sắc cho ấn hành cuốn "Phật Giáo Pháp Sự Đạo Tràng Công Văn Nghi Thức" để phổ biến trong toàn quốc, ghi dấu ngày thượng hoàng Nhân Tông xuất gia.
Niên hiệu Hưng Long thứ XII (1304), vua lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng, rồi cùng với đệ tử là tôn giả Pháp Loa và mười đồ đệ đi khắp nẻo thôn quê giảng pháp, khuyên dân bỏ mê tín, hủy dâm từ, thực hành giáo lý Thập Thiện, với mục đích xây dựng một xã hội đạo đức "nhân gian tịnh độ".
Sau đó Giác Hoàng trở về chùa Sùng nghiêm, ở Linh Sơn, mở khoá dạy thiền:
Mở đầu Pháp hội, ngài nói: Đức Thích Ca Văn Phật, vì một đại sự nhânn duyên, thị hiện xuống cõi đời, ròng rã ngót nửa thế kỷ "hoằng pháp độ sinh", nhưng Phật vẫn tự nhận là "chưa hề nói một chữ…"
Nay ta lên ngôi tòa này, chẳng biết phải nói gì với các ngươi?
Một vị tăng đứng dậy, chắp tay bạch:
- Thế nào là Phật?
Ngài đáp:
- Chấp theo lối cũ là không đúng.
Lại nói tiếp:
- Thế nào là Pháp?
Ngài đáp:
- Chấp theo lối cũ là không đúng.
Hỏi tiếp:
- Thế nào là tăng?
Ngài đáp:
- Chấp theo lối cũ là không đúng.
Lại hỏi:
- Cứu cánh sẽ ra sao?
Ngài đáp:
- Tám chữ
Cuối năm 1304, vua Anh Tông cung thỉnh Giác Hoàng về kinh đô Thăng Long xin thụ Bồ Tát Giới Tại Gia. Năm 1306, Giác Hoàng vào tu trong am Ngọc Vân, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ.
Niên hiệu Hưng Long thứ XVI (1308), ngày 1 tháng giêng năm Mậu Thân, Giác Hoàng chính thức ủy cử tôn giả PHÁP LOA, đảm nhận chức trụ trì chùa báo Ân, ở Siêu Loại (Bắc Ninh).
Tháng 4 Giác Hoàng đích thân tới chùa Vĩnh nghiêm ở Lạng Giang (Bắc Giang) chủ trì và giảng Truyền Đăng Lục và bảo quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ tại đây.
Sau ngày làm lễ "tự tứ", kết thúc ba tháng hạ, Giác Hoàng trở lại núi Yên Tử, và cho hết những tịnh nhân xuống núi, chỉ giữ lại mười vị thị giả theo ngài lên ở trên am Tử Tiêu và giảng riêng Truyền Đăng Lục cho tôn giả Pháp Loa. Giác Hoàng dạo khắp các hang động, lúc quá mệt, vào nghỉ ở Thạch Thất. Bảo Sát bạch:
- "Tôn Đức xuân thu đã cao, mà xông pha mưa nắng lỡ khi nóng, lạnh bất thường thi mệnh mạch Phật pháp biết nương tựa vào đâu?"
Giác Hoàng bảo:
- "Thời tiết đã đến, ta chỉ còn đợi ngày viên tịch nữa thôi".
Ngày 5 tháng 10, bỗng có gia đồng của chị là công chúa Thiên Thụy lên tâu rằng:
- "Công chúa bị đau nặng, chỉ mong được diện kiến Tôn Đức trước khi nhắm mắt".
Giác Hoàng bùi ngùi than:
- "Thời tiết mà thôi vậy!"
rồi xuống núi cùng với một thị giả đi hầu. Ngày mồng mười thì tới kinh, thăm chị xong, ngày rằm lên đường về núi, đêm nghỉ ở chùa Siêu Loại. Sáng dậy đi bộ ghé ngang qua chùa làng Cổ Châu, và đề bài thơ:
"Thế số nhất tức mặc,
thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thăng xuân".
Dịch:
Kiếp người một hơi thở!
Tình đời đôi mắt buồn…
Cung ma nhiều rối rắm
Cõi phật vui nào hơn.
Ngày 17, nghỉ ở chùa Sùng Nghiêm, núi Linh Sơn, hoàng thái hậu Tuyên Từ thỉnh về am Bình Dương phó trai. Giác Hoàng vui vẻ nói: "Đây là buổi cúng dường cuối cùng"!
Ngày 18 lại lên đường, tới chùa Tú Lâm, ở ngọn An Sinh, Giác Hoàng bị nhức đầu, bảo hai vị tỳ khưu Tử Doanh và Hoàn Trung rằng: "Ta muốn lên đỉnh Ngọa Vân mà chân yếu quá, không thể lên nổi, phải làm sao?" -Hai vị tỳ khưu bạch: "Hai chúng con xin đỡ ngài đi". Vừa đến am Ngọa Vân, Giác Hoàng cãm ơn hai vị và nói: "quí vị xuống núi tu hành đi, chớ coi thường sinh tử".
Ngày 19, Giác Hoàng bảo thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu, núi Yên Tử, gọi Bảo Sát đên gấp.
Ngày 20, Bảo Sát đeo tay nải ra đi, đến Doanh Tuyền bỗng thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua núi Lỗi thì dừng lại. Bỗng nhiên nước dâng lai láng, cao đến vài trượng, khi nước rút xuống, thấy hiện hai con rồng, đầu như đầu ngựa, ngóa cao hơn một trượng, hai mắt sáng như sao, chỉ trong khoảnh khắc, rồi biến mất. Chiều tối, Bảo Sát phải nghỉ lại ở sườn núi, đêm chiêm bao thấy hiện những điềm bất thường.
Ngày 21, Bảo Sát đến am Ngọa Vân. Giác Hoàng trông thấy cười và nói: "Ngươi sao đến chậm thế? Ta sắp đi đây. Trong Phật Pháp có điều nào còn ngờ thì hãy nói gấp đi".
Bảo Sát thưa: "Khi đại sư Mã Tổ bệnh, vị viện chủ hỏi: Những ngày gần đây Tôn Đức thế nào?" Mã Tổ bảo: "Ngày thấy Phật, đêm thấy Phật. Vậy ý ấy thế nào?"
Giác Hoàng lớn tiếng: "Ngu đế và Tam hoàng là vật gì?"
Bảo Sát nói: "Hoa nở sum suê màu rực rỡ, tre phương nam với gỗ phương bắc phải hiểu thế nào?"
Giác Hoàng nói: "Ngươi là kẻ ngu".
Bảo Sát liền thôi.
Suốt mấy hôm trời đất mù mịt tối tăm, gió bảo nổi lên, mưa tuyết làm ướt đẫm cây cỏ; vượn, khỉ liệng quanh am gào khóc thê thảm, chim núi cùng hót giọng buồn rầu…
Ngày 1 tháng 11, vào lúc nửa đêm, tự nhiên trời quang mây tạnh, sao sáng đầy trời. Giác Hoàng gọi Bảo Sát:
"-Bây giờ là giờ gì?"
Bảo Sát thưa: "Giờ tý".
Giác Hoàng đưa tay vén màn nhìn ra ngoài và nói: "Đã đến giờ ta đi đây".
Bảo Sát hỏi: "Tôn Đức đi đâu bây giờ?"
Giác Hoàng nói bài kệ:
"Nhất thiết pháp bất sinh,
Nhất thiết pháp bất diệt.
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu dã".
(Các pháp vốn không sinh
Các pháp vốn không diệt
Nếu hiểu rõ như thế
Chư Phật thường hiện tiền…
Chẳng đi đâu mà cũng chẳng lại đâu cả).
Bảo Sát hỏi thêm: "Còn khi bất sinh bất diệt thì sao?"
Giác Hoàng bỗng nhiên xoè bàn tay và nói:"Đừng có ngủ mơ".
Nói xong ngài nằm trên tòa sư tử mà hóa, trụ thế 51 nămTôn giả Pháp Loa rước ngọc thể lên hỏa đàn. Tương truyền: "Khi đó có hương thơm tỏa ra và thấy những tiếng nhạc ở trên trời, mây ngũ sắc tụ lại thành hình cái tàn để che nơi hỏa thiêu Thượng hoàng Nhân Tông.
Tôn giả Pháp Loa thu nhặt ngọc cốt: ngoài xương (ngọc cốt) còn thấy những xá lợi ngũ sắc. Sách Tam Tổ Thực Lục ghi là sau khi hỏa thiêu có thu nhập được 3.000 xá lợi. Nhưng sách Tam Tổ Hành Trạng ghi là có 1.000 xá lợi. Sau lúc đó thì vua Trần Anh Tông và đình thần đến núi Yên Tử để chịu tang. Theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược HT Mật Thể ghi: vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về an thổ ở Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, lấy tên là "Huệ Quang Kim Tháp" và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật". trong sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép: tên thụy hiệu của Thượng hoàng Nhân Tông là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hoá Dân Long Từ Hiển Huệ Thánh Văn Thần Vũ nguyên Minh Huệ Hiếu Hoàng Đế".
Louis BEZACIER trong bài "Le Stupa du Phổ Minh Tự" nghiên cứu những tài liệu Tam Tổ Thực Lục, Tam Tổ hành Trang, Trúc lâm Tông Chỉ, Nam ông Mộng Lục và Tan Tổ Hành Trạng thì lễ táng của Trần Nhân Tông được tổ chức tại Hà Nội. Nhưng theo sách Nam ông Mộng Lục thì lễ hỏa táng ngọc thể của Trần Nhân Tông được tổ chức ở gần am Ngọa Vân.
"Trong lễ tang có hoàng tử Oanh (cũng gọi là Mạnh), lên 9 tuổi, đứng ở gần vua Anh Tông. Sách Nam Ông Mộng Lục chép là xá lợi của Thượng hoàng Nhân Tông đã bay đến ẩn trong áo của một hoàng tử con vua Trần Anh Tông và chiếu sáng lên. Vua Anh Tông quỳ lạy xin tuân lệnh, sau khi đó thì ánh sáng của xá lợi biến đi. Vua Anh Tông đã chọn vị hoàng tử đó làm đông cung thái tử. Sách Tam Tổ Thực Lục cũng kể sự việc này và có ghi là vua Trần Anh Tông đã khóc và không còn nghi ngờ các xá lợi. Vua Anh Tông truyền để ngọc cốt trong bảo tháp xây trên lăng của Thượng hoàng Nhân Tông và những xá lợi chia làm hai phần đựng trong bình đựng di cốt. Sau lễ tang, ngọc cốt được đem chôn ở Đức Lăng, một phần xá lợi đặt ở tháp trong lăng (nhưng đặt ở kim tháp trong chùa Vân Yên trên núi Yên Tử).
"Các tài liệu trên đều không ghi ngày tháng cử hành lễ tang, Thượng hoàng Nhân Tông, nhưng trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập VI, có ghi tháng 9 âm lịch, mùa thu năm 1310, an táng linh cửu Nhân Tông ở Đức Lăng, phủ Long Hưng, tỉnh Hưng Yên ngày nay.
"Như vậy theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì Thượng Hoàng Nhân Tông mất ở chùa núi Yên Tử vào tháng mười một âm lịch năm Mậu Thân (1308) và mãi tới tháng chín âm lịch năm Canh Tuất (1310) mới làm lễ an táng linh cữu ở Đức Lăng, nghĩa là linh cữu của Thượng hoàng Nhân Tông được an táng.
"Trong sách Tam Tổ Thực Lục chỉ ghi có hai nơi chôn ngọc cốt và xá lợi Thượng hoàng Nhân Tông là tháp Đức Lăng và tháp ở chùa Vân Yên, mà không nói phần xá lợi thứ hai được để ở đâu. Theo L. BEZACIER thì phần xá lợi này phải để ở tháp xây ở trước chùa Phổ Minh, làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định"
Theo Việt Sử Tiêu Án: "Khi rước di hài vua Nhân Tông về táng ở Đức Lăng, lúc tử cung (quan tài của vua gọi là tử cung) sắp đưa ra, người xem đông chật cả cung, phải dùng đến lính ngự lâm để mởi lối đi cũng không được. Vua (Anh Tông) sai Trịnh Trọng Tử dẹp mở đường. Trọng Tử đến sân rồng gọi đạo quân Long Dực hát khúc long ngâm, dân chúng kéo đến đó xem; cung điện mới rộng chỗ đi được, lại lấy những câu hát ở dọc đường, phổ vào khúc hát, làm cho có tiếng hát liền mãi, không cần phải truyền bảo gì, mà khi đi lên, đi xuống, quanh chuyển, không có lo nghiêng lệch nữa. người đời bấy giờ khen là có xảo tứ.
"Xá lợi của vua Nhân Tông chia làm hai phần: một đưa về táng ở Đức lăng, một để ở tháp Yên Tử. Có thầy Tăng chùa siêu Loại là Trí Không đốt tay cháy từ bàn tay đến cánh tay, cứ ngồi nghiễm nhiên, không đổi sắc mặt. Vua Anh Tông hỏi, trả lời rằng: "Thần đốt đèn đó". Lửa tắt, thầy về tăng viện ngủ kỹ, đến khi thức dậy chỗ phỏng lên đều khỏi cả. Đến lúc xá lợi vua Nhân Tông đưa để ở bảo tháp, thầy liền lên núi hầu hạ" (Sđd trang 225, 226).
Những tác phẩm do Giác Hoàng sáng tác gồm có:
Chữ Hán:
Tăng Già Toái Sự.
Thạch Thất Mị Ngữ.
Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục.
Trúc Lâm Hậu Lục.
Đại Hương Hải Ấn thi Tập.
Chữ Nôm:
Cự Trần Lạc Đào Phú và
Đắc Thú Lâm Tuyền Thánh Đạo Ca.
Ngoài ra, ngài còn là tác giả bài Thượng sỉ Hành Trạng (viết về cuộc đời của Tuệ Trung Thượng sĩ) in ở sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục.
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn ít bài thơ của ngài làm điển hình:
Thiên Trường Vãn Vọng
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý qui ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Cảnh Chiều Ở Thiên Trường
Mờ mờ thôn trước, thôn sau,
Như không, như có trong bầu tịch dương,
Trâu theo sáo mục về chuồng,
Ruộng bên, từng cặp trắng buông cánh cò…
Bản dịch Giản Chi.
Lạng Châu Vãn cảnh
Cổ tự thê lương thu ái ngoại
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Nguyệt minh sơn tĩnh bạch điểu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.
Cảnh Chiều Châu Lạng
Lạnh lẽo chùa quê bóng mịt mờ
Thuyền ngư lẽo đẽo, tiếng chuông đưa.
Nước quanh, non tĩnh, con cò liệng,
Gió tạnh, mây in, lá đỏ thưa.
Ngô Tất Tố dịch
XUÂN HIỂU
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ qui
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi.
BUỔI SỚM MÙA XUÂN
Thức dậy nhìn ra cửa
A, xuân đã đến kìa!
Có đôi bươm bướm trắng
Đậu cành hoa phất phơ…
Tạm dịch
XUÂN VÃN
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
Như kim kham phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
XUÂN MUỘN
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng.
Ngô Tất Tố(TVLT tập II, q. th, trang 464)
NGUYỆT
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư.
Thụy khởi hâm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.
TRĂNG
Đèn song chếch bóng, sách đầy giường,
Đêm vắng sân thu lác đác sương.
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,
Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương
Đào Phương Bình(TVLT, t.2, q. thg)
ĐẠI LÃM THẦN QUANG TỰ
Thần quang tự liểu hứng thiên u,
Sanh thỏ phi ô thiên thượng du
Thập nhị lâu đài khai họa trục,
Tam thiên thế giới nhập thi mâu.
Tục đa biến thái vân thương cẩu,
Tùng bất tri niên tăng bạch đầu.
Trừ khước trụ hương tham Phật sự,
Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.
CHÙA THẦN QUANG TRÊN NÚI ĐẠI LÃM
Chùa vắng Thần Quang, hầu nhã hứng,
Chơi mây, thỏ ngọc, quạ vàng đưa.
Lâu đài chín cõi bày tranh vẽ,
Thế giới ba ngàn lọt mắt thơ.
Biển hóa thành dâu buồn thói tục,
Tùng không biết tuổi bạc đầu sư.
Ngoài câu cúng Phật, tuần nhang thắp,
Lo nghĩ bao điều, mấy cũng ngơ!
Khương Hữu Dụng (TVLT t.2 q thg. Tr 481)
ĐỀ PHỔ MINH TỰ THỦY TẠ
Huân tận thiên đầu mãn tọa hương
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương
Lão dung ảnh lý tăng quan bế
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.
ĐỀ NHÀ THỦY TẠ CHÙA PHỔ MINH
Nghìn hương thắp hết ngát đầy nhà
Làn nước hiu hiu gió lạnh qua
Dưới bóng đa già chùa vắng vẻ
Tiếng ve khơi động tứ thu xa.
Theo ngô Tất Tố (VHĐT)
ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN
Địa tích đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngự (ngữ) tâm.
Yû lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.
LÊN NÚI BẢO ĐÀI
Nghĩa là:
Đất hẻo lánh làm cho đài tăng vẻ cổ kính
Tuy xuân đến nhưng màu chưa muộn
Mây phủ kín núi đồi, ngọn như gần, ngọn như xa.
Đường đầy những hoa chỗ hừng chỗ râm
Muôn việc ở đời có khác gì dòng nước chảy trôi.
Cuộc trăm năm riêng lòng nhủ với lòng
Tựa lan can, cầm ngang ống sáo thổi
Trăng sáng tràn đầy cả ngực, bụng.
LÊN NÚI BẢO ĐÀI
Cảnh vắng, đài thêm cổ,
Xuân sang, màu chửa già.
Gần, xa, mây tiếp núi;
Nắng, rợp, bóng xen hoa.
Muôn việc: nước cuốn nước,
Trăm năm: ta nhủ ta.
Tựa lan, nâng sáo ngọc,
Tâm sự ánh trăng ngà…
Bản dịch Giản Chi
Hai câu PHÁ, THỪA tả cảnh cô tịch của ngôi tháp đứng chơ vơ trên ngọn núi, nơi xưa nay ít có ai tới được; có lẽ tác giả là người duy nhất đã lên chơi núi Bảo Đài, nhìn ra chung quanh cảnh vật (lúc ấy) mùa xuân bắt đầu chuyển hiện, tuy chưa rực rỡ lắm, nhưng cũng gợi cho khách du quan cảm thức được vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên. Hai câu THỰC ghi hiện trạng cảnh núi đồi trùng điệp với những bóng mây ngũ sắc bay là là trên không, xen kẽ trong các hang hốc bên sườn núi có những bông hoa nở lúc đậm lúc lợt; thỉnh thoảng nghe điểm những tiếng chim kêu, vượn hót, hổ gầm đến rợn người… Đứng trên đài cao, ngắm bầu trời mặt đất mênh mông, huyền ảo đủ để tác giả lý hội trọn vẹn lẽ Sắc, Không mầu nhiệm – "cuộc đời là như thế đó" –để rồi dẫn đến hai câu LUẬN:
"Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngự tâm".
Cảnh vật là vô thường biến đổi. Tất cả hiện tượng chỉ như dòng nước chảy trôi không bao giờ dừng nghỉ – Họa chăng còn rớt lại trên vết thời gian một chút dư âm "trăm năm: lòng nhủ lòng". Nói theo thi hào Nguyễn Du:
"…Của TIN gọi một chút này làm ghi".
Hai câu KẾT: Tác giả đứng cô đơn bên bức lan can, lấy ống sáo ra thổi để cho quên hết mọi suy tư…Nhưng kìa! Trăng đã mọc tự lúc nào? Rồi (bỗng nhiên) vầng trăng sáng ùa vào lồng ngực khiến khắp người cảm thấy thanh thoát nhẹ nhàng như hòa mình (tiểu ngã) vào với đại – ngã – thể – rộng – lớn – của – vũ – trụ – vô – biên. Vầng trăng là biểu tượng của CHÂN TÂM tồn tại trên sự sinh thành, hủy diệt của vạn pháp… Phải nói đây là bài thơ lẫm liệt có sức cuốn hút lạ lùng nên mỗi chữ, mỗi câu là những viên ngọc tỏa ánh sáng lung linh…
Có lần, Lý bạch (thời Thịnh Đường 715 –766) đến chơi lầu Hoàng Hạc, nhìn lên thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề ở vách tường, không phải nhà thơ kém tài… nhưng bao nhiêu ý sâu, lời đẹp Thôi Hiệu đã nói cả rồi (!) đành cắn bút thở dài, ngượng ngùng viết hai câu:
"Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đài".
(Có cảnh đẹp trước mắt mà không sao nói đựợc, vì trên lầu Thôi Hiệu đã có đề thơ quá hay).
Nguyên tác bài HOÀNG HẠC LÂU:
"Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ?
Thử địa không dư hoàng hạc lâu!
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản;
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ;
Hoang thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu".
GÁC HOÀNG HẠC:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
Tản Đà dịch.
LẦU HOÀNG HẠC:
Người cưỡi hạc vàng xưa vắng bóng
Riêng lầu Hoàng Hạc cảnh chơ vơ
Hạc vàng, một thoáng đi biền biệt
Mây trắng bao đời vẫn nhởn nhơ.
Bén tạnh Hán Dương cây bát ngát
Bãi hoang Anh Vũ cỏ lưa thưa
Chiều tà, gợi nhớ đâu quê quán?
Khói sóng trên sông khách ngẩn ngơ!
Nếu đem bài Hoàng Hạc Lâu so với bài "Đăng Bảo Đài Sơn" ta thấy mỗi bài có những vẻ đẹp dị thường…
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (1)
(Thập hồi dụng diễn ca quốc ngữ phú)
Đệ Nhất Hội
Mình ngồi thành thị,
Nết dụng[140] sơn lâm.
Muôn nghiệp lắng,[141] an nhàn thể tính[142];
Nửa ngày rỗi, tự tại thân tâm.[143]
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm[144]
Nguyệt bạc vầng xanh, soi mọi chỗ thiền hà[145] lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm[146]
Lừa hoán cốt[147], ước phi thăng, đan thần mới phục[148];
Nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc quí còn đam[149].
Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu ngọc;
Kinh nhàn đọc sách, trọng lòng rồi trọng nớ[150] hoàng kim.
Đệ Nhị Hội
Biết vậy:
Miễn được lòng rồi,
Chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an;
Nén niềm vọng; niềm đành chẳng thác [151].
Dứt trừ nhân ngã[152], thì ra tướng thực kim cương[153];
Dừng hết tham sân[154], mới láu lòng mầu viên giáo[155].
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương[156];
Di Đà là tính sáng soi, mựa[157] phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán giác[158].
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiếm thửa đắng cay;
Vận giẻ vận sui[159], thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nớ[160] thiên cung;
Dầu hay mến thửa nghĩa nhân, ba phiến ngói yêu hơn lầu các.
Đệ Tam Hội
Nếu mà cốc[161]
Tội ắt đã không, phép học lại thông.
Gìn tính sáng mựa[162]lạc tà đạo;
Sửa mình học cho phải chính tông.
Chỉn Bụt là lòng, sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ[163]
Vong tài đối sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng Công[164].
Áng tư tài[165]tính sáng chẳng tham, há vì ở canh diều Yên Tử;
Răn thanh sắc niềm đành chẳng chuyển, lo chi ngồi am Sạn[166] non Đông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu[167]hết sức;
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả[168]uổng công;
Nguyện mong thân cận minh sự, quả bồ đề[169] một đêm mà chín;
Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu đàm[170] mấy kiếp đơm bông.
Đệ Tứ Hội
Tin xem:
Miền cốc[171] một lòng,
Thời rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc[172] mới chứng tam thân[173];
Đoạn lục căn[174] nên trừ lục tặc[175]
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá hay phục được luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc[176]
Biết Chân như[177] tin Bát nhã[178]chớ còn tìm Phật tổ tây đông;
Chứng thực tướng[179]ngộ vô vi[180], nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc.
Xem Tam tạng[181], giáo, ắt học đòi thiền uyển thanh qui[182];
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiên bặc[183].
Tích nhân nghĩa, tụ đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca;[184]
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực lòng là Di lặc[185].
Đệ Ngũ Hội
Vậy mới hay:
Bụt ở cung nhà[186], chẳng phải tìm xa.
Nhân khuy bản[187]nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng[188] trong quê Hà Hữu[189].
Kinh xem ba bận, ngồi nghe với quốc Tân La[190]
Trong đạo nghĩa, khoáng cơ quan [191] đà đột lần trường kinh cửa Tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyện cho thân cận;
Ân Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đà xa[192].
Áo miễn[193] chăn đầm ấm qua mùa, hoặc kim hoặc chỉ;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dù bạc dù thoa[194].
Ngăn bát thức[195], nén bát phong[196] càng đè càng bội[197];
Rẽ tam huyền[198], nong tam yếu[199], một cắt một ma[200].
Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc[201];
Địch nguyên chẳng lỗ, cũng phím chơi xướng thái bình ca[202].
Rẽ cỗi tìm cành, còn khá tiếc. Câu Chi trưởng lão[203];
Khuấy đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa[204].
Lột quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng[205];
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da[206].
Đệ Lục Hội
Thực thay:
Hễ xá vô tâm,
Tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam nghiệp[207]mới sáng thân tâm;
Đạt một lòng thời thông tổ giáo,
Nhận văn giải nghĩa, lạc loài nên thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo[208]
Han hữu lậu, han vô lậu, bảo cho hay: the lọt, thược sàng[209];
Hỏi đại thừa, hỏi tiểu thừa, thưa thảng tắt: lòi tiền, tơ gáo[210].
Nhận biết lầu lầu lòng bản, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên[211];
Chùi cho vằng vặc tính gương, nào có nhiễm căn trần huyên náo.
Vàng chửa hết quặng, xá tua chín phen đúc, chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham, miễn được một thời chay, một thời cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng[212]nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy, dọi xương óc chửa thông của báo[213]
Đệ Thất Hội
Vậy mới hay:
Phép Bụt trọng thay,
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết, bồ đề thêm sáng;
Phiền não rồi, đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thuyết dễ cho thấy dấu;
Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn xét biết hay[214].
Cùng căn bản, tả trần duyên, mà để mỗ hào ly dương mắt[215];
Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chửa cho còn họa giữ cong tay[216].
Vung lửa giác ngộ, đốt hoại bỏ rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thủa nay[217]
Vâng ơn thánh, lọt mẹ cha[218], thờ thầy học đạo;
Mến đức Cồ[219], kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyện cho thân cận;
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo;
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ coi chửa hết ngay[220]
Đệ bát Hội
Chưng ấy:
Chỉn xá tua rèn[221],
Chớ nên tuyệt học.
Lơi ý thức chớ chấp trừng trừng[222];
Nén niềm vọng mà còn xông xốc[223].
Công danh màng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.
Dựng cầu đò, xây chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;
Cương hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc[224].
Rèn lòng làm bụt, chỉn xá tua một sức dùi mài;
Đãi cát thấy vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc
Xem kinh đọc lục[225], làm cho bằng thửa thấy thửa hay;
Trọng Bụt tu thân, dụng mà lỗi một tơ một tóc[226].
Cũng nơi ngôn cú[227], chỉn chẳng hề một phút ngại lo;
Lật thửa cơ quan[228], mà còn để tăm hơi dột lọc[229].
Đệ Cửu Hội
Vậy cho hay:
Cơ quan tổ giáo,
Tuy khác nhiều đường,
Chẳng cách mấy gang[230].
Chỉn xá nói tự sau Mã Tổ;
Ắt đã quên thửa trước Tiêu Hoàng[231].
Công đức toàn vô, tính chấp si, càng thêm lỗi;
Khuếch nhiên bất thức, nghe ngu mắng, ắt còn vang[232].
Sinh Thiên trúc, chết Thiếu lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ[233];
Thân bồ đề, lòng minh kính, bài giơ mặt vách hành lang[234].
Vương lão chém mèo, lại lẫy lòng ngừa thủ tọa[235];
Thầy Hồ xua chó, trỏ xem trí nhẹ côn sàng[236].
Chợ Lư Lăng, gạo mát quá ư, chẳng cho mà cả[237];
Sở Thạch đầu, đá trơn hết sức, khôn đến thừa đương[238].
Phả táo cất cờ[239], đạp xuống dấu linh thần vật;
Câu Chi dời ngón, dùng đôi dép cũ ông ang [240]
Lưỡi gươm Lâm Tế , nạng Bí ma[241], trước nạp Tăng no dầu tự tại;
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt lượm xá nghênh ngang[242]
Giơ phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẫn[243]
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang[244].
Thuyền tử gia chèo dòng xanh, chửa cho tiễn tẩy[245];
Đạo Ngô múa hốt càn ma, hoang thấy quái quàng[246].
Rồng Yển lão[247] nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ;
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giương.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch;
Bính đinh thuộc hỏa, lại lỡ sau lỗi hướng thiên cương[248].
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương[249], bầy thiền tử hãy còn đói khát;
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp Tăng những để lưu hoang[250]
Gieo bó củi,[251] nảy bông đèn, nhân mang mới nát;
Đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
Đệ Thập Hội
Tượng chúng ấy:
Cốc một chân không,
Dụng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng chấp không thông;
Há cơ tổ nay còn thừa bí[252].
Chúng tiểu thửa cốc hay chửa đến, Bụt xá ngăn bảo sở hóa thành;
Đấng thượng sĩ, chứng thực mà nên, ai chia có sơn lâm thành thị[253].
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dât sĩ tiêu dao;
Chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hí.
Ngựa cao tán cả, diêm vương nào kể đứa nghênh ngang;
Gác ngọc lầu vàng, ngục tối thiểu chi người yêu quí[254].
Chẳng công danh, luông[255] nhân ngã, thực ấy phàm ngu;
Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.
Mày ngang, mũi dọc, tướng tuy lạ, xem ắt bằng nhiều;
Mặt thánh, lòng phàm, thực cách nhẫn muôn muôn thiên lý[256].
Kệ Vân
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền. (*)
(Cõi trần vui đạo, hãy tùy duyên,
đói cứ ăn no, mệt ngủ yên.
Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm.
Vô tâm trước cảnh, hỏi gì Thiền)
- Huệ Chi dịch-
(*) Bản phiên âm và chú thích dẫn theo sách Hợp Tuyển Thơ Văn Việt nam, thế kỷ X – thế kỷ XVII.