Một thời Thế Tôn trú ở Àlavi, tại trú xứ của Dạ xoa Alavakka. Rồi Dạ xoa đi đến và nói với Thế Tôn:
Này Sa môn, ta sẽ hỏi ông một câu. Nếu ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm ông điêu loạn, hay ta sẽ làm ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng ông qua bờ bên kia sông Hằng.
Này Hiền giả, Ta không thấy một ai ở chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên hay với chúng Sa môn, Bà la môn và loài người có thể làm tâm Ta điên loạn hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi, nếu ông muốn.
Này Sa môn: “Cái gì đối với người, là tài sản tối tối thượng ? Cái gì khéo hành trì, đem lại chơn an lạc ? Cái gì giữa các vị, là vị ngọt tối thượng ? Phải sống như thế nào, được gọi là sống tối thượng ?”
Này Hiền giả: “Lòng tin đối với người, là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì, đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị, là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ, được gọi là sống tối thượng”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Àlavi, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.471)
LỜI BÀN:
Con người sống trên đời thường mong ước có được nhiều thứ như tài sản, danh vọng, hạnh phúc v.v… Thế nhưng, khi được hỏi trong những thứ ấy cái nào là tối thượng thì đa phần điều lúng túng vì mong ước của con người vốn vô hạn, không có điểm dừng. Đa phần, với những ai chín chắn và bình tâm thì trả lời một cách nôm na rằng: Những gì đáp ứng được nhu cầu cần thiết nhất trong hiện tại là tối thượng.
Dạ xoa Alavikka cũng sở hữu được nhiều thứ nhưng vẫn chưa thoả mãn tham vọng và kiêu căng vốn dĩ của mình, giận dữ vì không biết cái gì là tối thượng để sở hữu, manh tâm chiếm đoạt.
Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin là tối thượng. Quan niệm này kể ra cũng lạ nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật thì trực nhận rằng tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin. Bởi “đức tin là mẹ của các công đức”, có lòng tin thì có được tất cả.
Làm gì để được an vui lâu dài cũng là một vấn nạn lớn ? Vì niềm vui mà con người có được thì khá nhiều nhưng tất cả đều tạm bợ, qua nhanh đồng thời niềm vui ấy rất khó tìm nhưng dễ mất. Với Thế Tôn, chỉ có thực hành Chánh pháp mới có thể được hạnh phúc lâu dài.
Vị ngọt của cuộc đời cũng rất nhiều nhưng đa phần đều tựa như chút mật dính trên lưỡi dao, người tham chút mật ngọt ấy sẽ khó tránh được tai họa đức lưỡi. Đằng sau cái hương vị ngọt ngào ấy luôn là cạm bẫy và hiểm nguy rình rập. Cũng vì chạy theo vị ngọt của cuộc đời mà không ít người thân bại, danh liệt thậm chí tán thân, thất mạng. Ngược lại, hạnh phúc của chứng nghiệm chân lý tức giải thoát và giác ngộ thì vĩnh cữu, an lành nên được gọi là vị ngọt tối thượng.
Để có được một đời sống đúng nghĩa thì chỉ có sống với trí tuệ và minh triết. Vì lẽ, nếu thiếu vắng trí tuệ thì không thể gọi là đời sống cao, văn minh dù vật chất đầy đủ. Mặt khác, chỉ có trí tuệ mới đủ năng lực chế ngự khổ đau, phá tan tà kiến, đạt được tự chủ và tự tại.
Vì vậy, mỗi người con Phật phải nhận ra chân giá trị của cuộc sống để có lòng tin, thực hành Chánh pháp, phát huy trí tuệ và chứng nghiệm giải thoát.
Thích Quảng Tánh (Theo Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya)