đậu tương đen hữu cơ

Chấn hưng Phật giáo

12:43 13/05/2011

Bài số 7: Canh tân Phật giáo (Minh Mẫn)

(TG&DT) - Phật giáo có chiều hướng phô trương hình thức lễ hội, kiến trúc,mặt rộng hơn là chiều sâu, đây không phải là điều đáng mừng nếu Phật giáo không cung ứng cho xã hội những hành giả tâm chứng và những đoàn thể tu sĩ thân giáo trang nghiêm. Ngày nay tu sĩ được trang bị nhiều kiến thức và học vị, đó không phải là yếu tố chính chấn hưng Phật giáo
 PHÁT TRIỂN  & HỘI NHẬP

 
Không riêng tại Việt Nam, bất cứ quốc gia nào có mặt Phật Giáo, dù lâu đời hay mới du nhập, Phật Giáo không thể có một tổ chức Giáo Hội  chặt chẽ như Vatican, trên phương diện hành chánh. Tuy nhiên, là một Giáo Hội mang tính tôn giáo, thì Phật giáo đã chứng tỏ một Giáo Hội có thứ lớp theo giáo phẩm và tôn ti theo đạo lý.

 
Một Giáo Hội như thế thì không thể có một Giáo Hội chung cho mọi hệ phái mà là mỗi hệ phái có một Giáo Hội cá biệt, Giáo Hội bấy giờ đồng nghĩa với Tông môn. Ví dụ, Giáo Hội Lục Hoà Tăng, Giáo Hội Thiên Thai, Giáo Hội Khất sĩ, Giáo Hội Theravada, Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo…Mỗi Tông môn như thế đều có một tôn chỉ riêng, một pháp hành riêng; Ngay từ thời Trần Nhân Tông, tuy Giáo Hội Trúc Lâm do nhà vua thống nhất cả ba hệ phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường nhưng không vì thế mà tất cả tu sĩ Phật Giáo lúc bấy giờ đều trực thuộc một Giáo Hội duy nhất; Trong đó, mỗi tông phái đều có sở hành cá biệt. Chính sự phát triển tự do của mỗi tông phái mà một Giáo Hội Trúc Lâm đã có tầm vóc vững chải

 
Phật Giáo mỗi quốc gia đều có nhiều hệ phái, ví dụ, tại Hàn quốc có 18 hệ phái phát xuất từ bốn tông chính là: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Mật, Thiền.Việt Nam không có một Tông nào phát triển rõ rệt như Hàn Quốc, mặc dù Việt Nam đã từng có mặt những Tông Lâm Tế, Thảo Đường, Thiên Thai Giáo Quán, Thiền, Tịnh, Mật….Tuy Lâm Tế là một tông phái có sự truyền thừa liên tục đến ngày nay  theo giòng kệ, đó chỉ còn dấu ấn Tông lưu mà pháp hành của Lâm Tế  không có nét  cá biệt, một hành giả Lâm Tế trụ trì một tự viện, vẫn thủ đắc hai thời công phu vừa mang tính Tịnh Độ, pha lẫn cả Mật và Thiền.

 
Tại Nhật, khi Phật Giáo du nhập vào từ Trung Hoa và Triều Tiên, Phật giáo bấy giờ có các tông như: Chân Ngôn tông, Nhật Bản Đạt Ma Tông, Hoàng Bá Tông,  Tào Động tông…Nửa thế kỷ thứ 10, tông Tịnh Độ và Tịnh Độ chân tông thịnh hành trong thời đại Liêm Thương ( Kamakura 1185-1333 ); 1191 Nhật cũng du nhập Tào Động và Lâm Tế tồn tại đến ngày nay. Thế kỷ 13, trên nền tảng kinh Pháp Hoa, Nhật Liên chủ xướng hình thành Nhật Liên Tông.
 

 Hiện nay, tại Việt Nam, Tịnh độ tương đối phát triển nhanh, nhưng không là một hệ thống mà chỉ là phong trào, phát xuất từ các khoá tu của chùa Hoằng Pháp, một số tỉnh thành đang áp dụng, đáp ứng khá hiệu quả cho  đức tin quần chúng bình dân.Tuy là tu Tịnh độ, nhưng không mang tính hệ phái của Tịnh độ Tông mà chỉ là khóa tu niệm Phật.

 
Trước 1975, Tịnh Độ Cư Sĩ có một hệ thống cá biệt do Tông sư Minh Trí sáng lập. chuyên lập phòng thuốc từ thiện, hiện nay, có 205 cơ sở từ thiện từ miền Trung trở vào. Giáo Hội Tịnh Độ Cư Sĩ thành lập từ 1934, vừa được Ban Tôn Giáo Chính Phủ ký quyết định công nhận là một Tôn Giáo hợp pháp, bình đẳng với mọi tôn giáo đang sinh hoạt tại Việt Nam.Hiện do ông chánh hội trưởng Nguyễn Phương Hiếu điều hành.

 
Khởi nguyên, Tịnh Độ Tông do Tịnh Độ Sư Huệ Viễn khởi xướng từ Trung Quốc( 402), được truyền sang Nhật bởi ngài Viên Nhân (793 – 864) và phát triển  bởi Pháp Nhiên, vào thế kỷ 12 thành một tông Tịnh Độ song hành với giáo lý Thiên Thai và Mật Tông, Hoa Nghiêm…; vào Đài Loan năm 476. Tại Việt Nam, Ngài Khương Tăng Hội dịch từ Lục Độ Tập Kinh  trước thế kỷ thứ III, do Đại sư Đàm Hoằng từ Trung Quốc truyền sang, đến thế kỷ thứ V, Tịinh Độ đã phát triển vững mạnh. Tịnh Độ Tông Việt Nam khác hẳn  Tông Tịnh Độ các quốc gia là không tách biệt với những tông phái song hành.


Hiện nay, Việt Nam đang dần dà chỉnh đốn một vài tông phái chuyên biệt, tuy chưa sâu đậm. Phái Thiền Trúc Lâm của HT Thích Thanh Từ chủ xướng Tri Vọng chỉ Vọng; Thiền phái của tổ Duy Lực là tham thoại đầu; Thiền Vipassana của Nguyên Thủy, Hiện Pháp Lạc Trú của Thiền sư Nhất Hạnh…Một số Thiền mới khai sáng chưa được phổ cập hóa như pháp vô vi của Lương Sĩ Hằng, Trường Sinh học của Dasira Narada,Quang Âm quán của Thanh Hải, thiền xông hơi của một vị khất sĩ ẩn cư…


Ngoài Tịnh độ cư sĩ với truyền thống phòng thuốc từ thiện, Phật giáo Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa chủ trương Học Phật tu nhân, chuyên làm từ thiện và nhiếp tâm trì niệm lục tự Di Đà; Gần đây, chùa Hoằng Pháp đã khởi lập các khóa tu Niệm Phật, càng ngày số lượng người tham gia càng đông, chẳng những thế, chùa còn tổ chức những show Phật Pháp Nhiệm Màu, Ánh Sáng Phật Pháp, khóa tu ngắn ngày, khóa tu mùa hè cho Thanh thiếu niên lên đến hàng ngàn người, phải nói chùa Hoằng Pháp hiện nay là một tổ chức Phật giáo chuyên tu cho cư sĩ có quy mô vững chải nhất, giúp cho quần chúng có nơi quy hướng  hợp với trình độ bình dân, cũng là cách giúp cho quần chúng giảm mệt mỏi căng thẳng trong cuộc sống thường nhật.
 

Mô hình tu tập của Hoằng Pháp đang được một số chùa các tỉnh phía Nam áp dụng, nhưng chưa vào nề nếp như Hoằng Pháp.

 
Phật giáo không thành công trên phương diện tổ chức hành chánh, thì rất hợp lý để phát triển pháp hành, dân tộc ta trong bối cảnh ngỡ ngàng trước vận hội toàn cầu, rất cần những nền tảng tín ngưỡng đạo đức để cân bằng tâm linh và tâm lý, tránh tình trạng hụt hẩng như một số quốc gia phồn thịnh về vật chất, hụt hẩng về tâm linh.. Các tông môn dù lâu đời hay vừa tự phát, hãy chuyên môn hóa  về quy củ và hành trì, tự nó sẽ phổ biến nếu hành giả đủ nội lực và chính nghĩa.

 
Ngoài vấn đề phát triển pháp môn, tông phong, cần xã hội hóa Phật giáo, không nên đóng khung trong bốn vách chùa. Cuộc sống ngày nay đa dạng thì Phật giáo cũng phải đa sắc; Không thể ngồi để nhận cúng dường của bá tánh. Phật giáo phải chia làm hai lĩnh vực. Một lĩnh vực chuyên tu, và một lĩnh vực hòa nhập xã hội. Lĩnh vực hòa nhập có bổn phận tạo kinh tế để cung dưỡng  các bậc chuyên tu, đồng thời có mặt bên cạnh xã hội để giúp đỡ quần chúng trong những lĩnh vực khác nhau; đây không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, Phật giáo cũng cần đóng góp, chính vì thế đòi hỏi  chư tăng phải có khả năng chuyên môn về nhiều mặt như y học, từ thiện, giáo dục, tâm lý, nông nghiệp, kiến trúc, khoa học…mang tính cộng đồng. Hiện nay các chùa chuyên về từ thiện, một việc làm theo quán tính mà thiếu cơ sở khoa học.


Kêu gọi quần chúng đóng góp để đi cứu trợ vùng xa một cách máy móc mà không chịu tìm hiểu nhu cầu thực tế tại đó để giúp họ cái cần câu hơn là cho con cá. Dĩ nhiên những phần quà như thế chỉ no vài hôm rồi đâu lại vào đó, ngồi chờ những đợt cứu đói kế tiếp, từ thiện như thế là tập cho họ tánh ỷ lại và trây lười, một công việc như bỏ muối vào biển; trong khi đó, những người ở Thành phố không thiếu kẻ đói cơm, ngay cả những Phật tử  ăn bữa sáng lo bữa tối, chồng ốm con thất học không ai giúp đỡ.Từ thiện theo kiểu viễn vông bao đồng như thế để được báo chí nêu danh, trở thành chuyên viên từ thiện mà không đem lại hiệu quả lâu dài giúp xã hội xóa đói giảm nghèo thật sự.
 

Một số cơ sở từ thiện nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật cũng vậy, nói đúng hơn là trẻ mồ côi, khuyết tật nuôi cơ sở. Phần lớn các nạn nhân chỉ được nuôi dưỡng mà ít được hưởng thụ, trong khi đó tiền của giúp đỡ của các nhà hảo tâm  bị chi dụng một cách hoang phí như xây dựng đồ sộ, sắm xe, phòng máy lạnh và chi phí cá nhân cho người điều hành quá nhiều; tuy nhiên cũng có cơ sở âm thầm làm thiện như chùa Diệu Pháp Đồng Nai, do sư cô Huệ Đức sáng lập năm 1989. Nằm trong làng cách ngã ba Vũng Tàu 15km. Hiện nuôi vừa mô côi, vừa khuyết tật, người già cô độc, vừa đủ loại bệnh, có 180 người; trong chùa tự chăm sóc mà không mướn người ngoài. Đã có những em thành đạt là Tiến sĩ, cao học một số đang du học. Những em đã ra đời tự lập, sư cô mua đất cất nhà để các em sống và góp tiền trả lại hàng tháng.


Trên 50 em đang theo chương trình phổ thông. Thương binh xã hội địa phương cũng gửi người vào trại mà không hề phụ cấp. Nhà chùa sẳn sàng dang tay đón nhận tất cả. cơ sở tuy không sang trọng nhưng ngăn nắp , sạch sẽ, vườn cây thoáng mát, chia nhiều khu tùy mỗi tình trạng bệnh tật hoặc trẻ em bị bỏ rơi. Chùa trên ba mẫu, dành hai mẫu để làm kinh tế tự túc, còn lại làm nơi thờ Phật và các khu nhà từ thiện.  Mạnh thường quân ít biết nơi nầy, vì họ không quảng cáo, kinh tế họ tự túc,cuộc sống và sinh hoạt khá ổn định.
 

Phật giáo Hòa Hảo cũng đóng góp cho xã hội nhiều công ích như xây cầu, đóng giếng, cứu trợ và nhất là bếp ăn từ thiện trong các bệnh viện mà mỗi ngày cung ứng hàng ngàn suất ăn; Đó chỉ là chữa cháy, họ vẫn chưa có kế hoạch giúp cho người dân tự lập trong một nghề cố định.
 

Công tác xã hội, có lẽ Phật giáo, chưa quen với những công việc mang tính xã hội, trong đó như bệnh Aid/Hiv, một số Tăng ni trẻ đảm trách chăm sóc bệnh nhân và giáo dục ngăn  ngừa lây lan, bộ phận sinh viên vụ Vạn Hạnh đưa các Tăng Ni sinh tham gia vào các lãnh vực như thế, khó mà đạt kết quả; Công tác trong lãnh vực nầy không thể Xuân Thu nhị kỳ, mà đòi hỏi phải thường xuyên có mặt với bệnh nhân, vừa là trấn an tinh thần, vừa là chăm sóc bệnh trạng, sinh viên có thời giờ đâu để hoàn tất học trình khá nặng của Đại học. Chưa nói đến chương trình giáo dục ngăn ngừa bệnh lây lan và sinh đẻ có kế hoạch mà Tăng ni trẻ chưa có kinh nghiệm làm sao hướng dẫn cho người đời có quá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nầy!
 

Tu sĩ Phật giáo có thể kết hợp với cư sĩ tham gia các phong trào vệ sinh khu phố thôn ấp, xây dựng sửa chữa nhà bằng vật liệu nhẹ cho những cư dân khốn khổ; hướng dẫn canh tác sản xuất, tư vấn đạo đức gia đình, đạo đức hôn nhân và đạo đức xã hội cho quần chúng; Những trại cai nghiện và bệnh nan y, trại cải tạo… rất cần hình bóng tu sĩ và sự hy sinh vô điều kiện của Phật giáo, bởi lẽ những trại nói trên chỉ có nhiệm vụ chữa trị và trừng phạt hơn là giáo dục bằng tình thương.Có những phạm nhân sau khi mãn hạn tù, kinh nghiệm phạm tội tinh vi hơn lúc chưa bị bắt, vào tù, gặp nhau họ trao đổi kinh nghiệm, học nhau nhiều mánh lới và càng bất mãn trước những trừng phạt của pháp luật.


Nếu tu sĩ Phật giáo thường xuyên xuất hiện trong các trại tù, không phải với tư cách kẻ rao giảng đạo đức như các nhà truyền giáo tìm thêm tín đồ, mà nhân cách của đồng phạm để lắng nghe, thông cảm và gỡ rối tâm lý, cho phạm nhân một con đường, một lối thoát có ý thức lợi ích bản thân và lợi ích xã hội chứ không chỉ bố thí những phần quà vô nghĩa, như thế sẽ lợi ích rất lớn để những phạm nhân đó sẽ là những con người tốt biết phục thiện hoàn lương.
 

Về phía Nhà nước, nên tạo cơ hội cho các tu sĩ  thể hiện xã hội tính của Phật giáo một cách tự nguyện hơn là biến tôn giáo thành công cụ thực hiện chủ trương, chính sách nhà nước. Với lòng Từ của Đạo Phật đã mang tính xã hội và cộng đồng, vì cơ chế luật pháp ràng buộc nên tôn giáo chưa thể hiện hết tiềm năng tự thân đối với công ích cộng đồng. Đã đến lúc, Phật giáo không chỉ lý thuyết:Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, mà phải có sách lược rõ ràng về công tác xã hội song hành với việc tu tập. Giáo Lý Đạo Phật từng bảo Phước –Huệ song tu, phước không chỉ là hành thí mà là công ích lợi tha trên bình diện xã hội, cộng đồng để hổ trợ cho việc tu tập hướng nội.

Giáo dục tuổi thơ, mái ấm tình thương, chăm sóc kẻ neo đơn và người tàn tật, khuyến nông canh tác, tư vấn đạo đức kinh doanh, nuôi trẻ mồ côi, huấn nghệ và vô số công ích khác nằm trong khả năng của những tu sĩ trẻ Phật giáo; Thời đại kinh tế toàn cầu đòi hỏi mọi tầng lớp phải lao vào cuộc sống, tu sĩ với số lượng tuy không nửa dân nửa tu sĩ như thời Lý Trần, hiện nay gần 50 ngàn tu sĩ Phật giáo, tuy không làm kinh tế mà cuộc sống vẫn không thiếu; bù lại sự cung dưỡng từ quần chúng, tu sĩ phải góp tay vào những công ích và giáo lý thiết thực giúp quần chúng vừa ổn định đời sống vật chất, vừa an trú tâm linh để giữ thế cân bằng xã hội.


Những thời pháp trong các trại giam của ĐĐ T. Nhật Từ đã giúp rất nhiều phạm nhân bình tâm xét lại quá khứ và khắc phục thiện tâm trong hiện tại để chuẩn bị một đời sống an lành sau khi mãn hạn án phạt. Những trại giam được nghe pháp như thế đã giảm hẳn những xáo trộn trong các phạm nhân hiếu động và bất mãn, Ban giám thị trại cũng đã nhận thấy điều đó, thế nhưng, nhà nước vẫn chưa có một chủ trương nhất quán cho tu sĩ vào thuyết giảng dạy dỗ các can phạm.
 

Một số đông quần chúng vùng sâu, vùng cao sau một ngày lao động vất vả trên nương rẫy, trẻ con tụ tập trong những tụ điểm giải trí nghèo nàn, hoặc chìm sâu trên màn ảnh gamesonline; người lớn bên chum rượu; ở Thành phố có nhiều trò giải trí hơn, nhưng trò giải trí thiếu lành mạnh bao giờ cũng dễ dàng xâm nhập vào giới trẻ, từ đó, xì ke ma túy, bạo lực tràn lan vào xã hội, trẻ em bỏ học, tội phạm phát triển nhanh cấp số nhân, dĩ nhiên  số nầy không thể bảo là tàn dư Mỹ Ngụy để lại.


Nhà nước không đủ khả năng quán xuyến giáo dục xã hội, hãy để tôn giáo đảm trách chức năng quân bình đạo đức xã hội; Không một quốc gia nào  tự hào đủ khả năng đem lại sung mãn mọi mặt trong xã hội mà không nhờ bàn tay tôn giáo hoặc những nhà từ thiện phi chính phủ tiếp tay hỗ trợ cho việc an sinh! Trong thời XHCN chuyên chính ở các quốc gia CS những thập niên 1960 về trước, đành rằng tệ nạn xã hội ít xuất hiện, nhưng không có nghĩa không có, vì nó không có điều kiện phát triển lòng tham và sự sa đọa, vẫn có những cán bộ Hợp Tác xã tham ô móc ngoặc hoặc những viên chức có quyền lực; xã hội sống bằng tem phiếu thì quần chúng bình đẳng về lợi nhuận, không có sự thừa mứa lấy đâu để lòng tham phát triển.


Xã hội Việt Nam, xã hội Trung Quốc cũng như các quốc gia tư bản hiện nay, xuất hiện  nhiều dạng tội phạm vì cuộc sống chênh lệch giàu nghèo quá rõ, điều kiện để lòng tham của những tâm hồn mất căn bản đạo đức dễ phát sinh; tuy nhiên, một số cộng đoàn tôn giáo chân chính, tu sĩ và quần chúng luôn sống trong tinh thần tự giác, tương trợ và bình đẳng, không hề xuất hiện tệ nạn trong những cộng đồng như thế, mà cũng không bị áp đặt  bởi quyền lực. Tính tự nguyện, tự giác trong tôn giáo đã thành công trong việc đem lại bình đẵng và an lạc.


Việt Nam trong quá khứ cũng từng có thời kỳ xã hội thái bình, ngủ không đóng cửa, của rơi không người lượm, nhà giam trống phạm nhân và giặc phương Bắc không dám dòm ngó, thời đại mà xã hội đã ảnh hưởng Phật giáo khá sâu đậm.


Trong thời chiến, Phật giáo phía Bắc trở thành thụ động, miền Nam biến thành lực lượng cho các thế lực chính trị lạm dụng, chính vì thế nội lực của đạo Phật không có điều kiện chỉnh hoạt. Sau 1975, và nhất là khi thời kỳ đất nước mở cửa, các tôn giáo dần dần phục hồi tiềm lực, riêng Phật giáo vẫn chưa tự quyết vận mạng sinh tồn trong lòng dân tộc; Những sinh hoạt của Giáo Hội Phật giáo hiện nay đều chịu sự chỉ thị  có chủ trương, đối nội cũng như đối ngoại, mang tính hình thức và chính trị nhiều hơn là củng cố nội lực. Tệ nạn trong giới tu sĩ phát triển quá nhanh, Ban Tăng sự tỏ ra bất lực, vì Phật giáo không có giáo quyền để chế tài. Giáo luật cũng chỉ là vật trang trí tôn giáo hơn là thực hiện chỉnh đốn.


Ngay cả cuộc họp của giáo hội nêu vấn nạn tu sĩ, cũng mời chính quyền tham dự lắng nghe, rồi từ đó mở đường cho cán bộ xen vào nội tình phê phán, mà đáng lẽ, chức năng phải là Ban Tăng sự, hoặc là thầy tổ của những đương sự đó. Chứng tỏ Giáo hội bất lực trước những tệ nạn của tu sĩ như nhà nước bất lực trước tệ nạn tham ô và tệ nạn xã hội khác.


Những cư dân các tỉnh phía Bắc đổ vào, lợi dụng hình thức tu sĩ để kiếm sống, thế mà Phật giáo cũng đã bó tay, làm sao giải quyết những tệ nạn nội bộ mà ngay cả một giảng sư nổi tiếng, cũng bị tai tiếng và được bao che trong các tệ nạn đó.Một chức sắc trong Giáo hội đối lập, tuy cầm đầu một tổng vụ không quan trọng, từng tự xem mình là phát ngôn viên của tổ chức đó, từng lớn tiếng ồn ào, muốn thể hiện là người hùng mà vẫn phạm phải tệ nạn tầm thường, bị tắt đài cũng vì bê tha đó.

 
Tóm lại, muốn canh tân Phật giáo, không nhất thiết phải chống đối hay a dua, mà cần chỉnh đốn môn phong, phải thể hiện sự trong sáng, phải phát triển pháp hành môn phái, và trước tiên giới luật phải tinh nghiêm; Muốn như thế, Phật giáo phải thể hiện tính tự lập, tự quyết, lột thoát tinh thần nương tựa; chủ động mà không chờ chỉ thị. Tự đứng trên đôi chân mà chư tổ đã truyền thừa.


Có nhân cách như thế thì không phải sợ sự chi phối của bất cứ quyền lực nào trước lẽ phải. Một khi nội lực được vững vàn, mới nói đến hòa nhập xã hội để cùng đồng hành với dân tộc. Phật giáo ngày nay không thể khu trú trong bốn vách chùa, điềm nhiên tọa thị trước sự băng hoại của xã hội; ngoại trừ một số các bậc xuất ly miên mật hành chứng, số còn lại phải hòa nhập đồng quang.


Và nhà nước nên dành một sân chơi cho Phật giáo góp phần ổn cố đạo đức quần sanh. Nhà nước chỉ là trọng tài và điều chỉnh những lệch lạc khi tôn giáo hành xử, không nên xen vào nội tình để biến các sư thành một người phổng và ỷ lại vào quyền lực phe nhóm. Không phải sợ Phật giáo vì có quần chúng mà chỉ sợ Phật giáo  là một tổ chức thiếu thực lực.


Phật giáo có khôi phục được uy tín với xã hội thì Phật giáo mới đóng góp nhiều công ích cho xã hội. Một đứa con luôn được cưng chìều bảo bọc là đứa con hư, hãy để  chúng tự lập và năng động, mới trở thành người có ích, cũng thế, Phật giáo hãy thoát khỏi sự dung dưỡng của quyền lực, tự mình phục hồi nội lực, có như thế Phật giáo mới đồng hành cùng dân tộc, góp phần công ích cho xã hội. Bằng ngược lại, Phật giáo tự loại khỏi cuộc chơi khi mà các tôn giáo khác luôn tranh thủ bên cạnh quần chúng. 


Hiện nay, Phật giáo có chiều hướng phô trương hình thức lễ hội, kiến trúc,mặt rộng hơn là chiều sâu, đây không phải là điều đáng mừng nếu Phật giáo không cung ứng cho xã hội những hành giả tâm chứng và những đoàn thể tu sĩ thân giáo trang nghiêm. Ngày nay tu sĩ được trang bị nhiều kiến thức và học vị, đó không phải là yếu tố chính chấn hưng Phật giáo. Xưa kia, Đức Phật không có bằng Tiến sĩ, Lục tổ Huệ Năng không biết chữ, thế mà Phật giáo đã lan truyền một cách sâu rộng; Phải chăng nội lực hành chứng là cột sống để ngôi nhà Như Lai đứng vững? Vì thế, Phật giáo Việt Nam cần phải chấn chỉnh, canh tân!
 

                                                                                MINH MẪN

                                                                                    30/5/2010

 

                                             *****************

 

PHẦN KẾT
 

Một giọt nước tuy nhỏ nhoi, nhưng là một phần tử của đại dương, một lời nói hay một góp ý bình thường cũng  tạo được sự lắng nghe từ cộng đồng nhân loại. Phật giáo là một thành tố trên tinh cầu, từng đem lại bao lợi ích cho những ai biết áp dụng vào cuộc sống; Trong giáo lý học Phật tu thân, vô số trình độ căn cơ là có vô số pháp môn đáp ứng đủ để chuyển hóa. Mọi chuyển hóa thường đem đến nẽo thiện. Trong giai tầng lục đạo, Nhân- Thiên là cao cả, trong tam giới, vô sắc là cảnh tối ưu, trong Tứ Thánh quả, La Hán là tột bực. Mỗi giai tầng  đều phải kinh qua những chuyển hóa căn bản dựa trên pháp hành.

 
Thế gian pháp cũng vậy,  tuy “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyển bào ảnh, như lộ diệc như điển”, không vì thế mà xem thường mọi phương tiện hữu hảo. Không có phương tiện nào vô ích, chỉ có lối xử dụng không hợp lý. Thế gian pháp tức Phật pháp, cộng cỏ ngọn cây đều là pháp âm vi dịu, không là thực phẩm cho cuộc sống, cũng làm đẹp cảnh trí thiên nhiên. Trong xã hội của từng giai đoạn, từng chu kỳ, tất cả là bài học đáng giá cho cuộc sống, không có cái nào dở mà chỉ có cách tiếp nhận không hay; không có vật gì thừa vì tận dụng chưa thích hợp.
 

Giáo hội tuy chỉ là hình thái trong từng giai đoạn, tùy tình huống mà mỗi hình thái mỗi khác, nhưng mục đích chung vẫn là phụng sự lý tưởng. Tổ chức hành chánh là cơ cấu hổ trợ cho hoạt động có nề nếp, có hiệu quả, đôi khi trắc trở bởi cơ chế, nhưng đều là bài học để ngưới điều hành có cách vận hành. Guồng máy chạy tốt không thể duy trì một cơ phận ù lì, tất cả phải nhịp nhàng. Tuy  Tôn giáo là một bộ phận khác biệt thế tục, nhưng sinh hoạt vẫn tùy thuộc trạng huống của một xã hội.


Xã hội tiến bộ, tôn giáo không thể bảo thủ. Tôn giáo tươi nhuận hoạt bát thì xã hội đơm hoa. Luật tương trợ, tương sanh như thế, không thể tự mình thu vào vỏ ốc khô khốc hay an phận trong tháp ngà hưởng thụ. Từ kiến thức cá nhân đến cơ chế tổ chức, không thể khu trú một cách cố định những gì đã có, luôn chuyển hóa, luôn thăng hoa để tồn tại và thích nghi với môi trường.


Trên giòng cuồng lưu, nếu không chuyển động theo thì cũng bị nhận chìm; bằng đi ngược giòng, cũng gặp không ít chướng duyên. “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” cũng từ lý đó mà ra. Tôn giáo có khác thế tục về Thuận thiên, vì hòa mà không đồng. Xuôi giòng để cấp bến chứ không xuôi dòng để bị cuốn trôi. Chính vì thế, Phật giáo dễ thích ứng với mọi tình huống mà không hề hòa nhập, biến thể vì tình huống.

 
Tinh thần hóa giải của Đạo Phật khác với tinh thần hòa giải của thế gian; Hóa giải có sẳn mầm mống chuyển hóa; hóa giải mang tính chủ động, chuyển hóa một phần mang tính thụ động. Chủ động chuyển hóa là thăng tiến, thụ động chuyển hóa đôi khi tiêu cực. Tinh thần hóa giải  lấy nhu thắng cương, không như tinh thần tranh chấp bạo lực dùng cường trấn nhu. Hóa giải là chất xúc tác tự chuyển hóa mọi chướng duyên trong tinh thần tương nhượng và ôn hòa. Hóa giải để hòa đồng nhưng vẫn giữ được đặc tính cá biệt. Với tinh thần như thế, Đạo Phật tuy tiến triển chậm nhưng không hề tạo thêm đối lực, và dễ hòa nhập trong mọi quốc độ, mọi xã hội.

 
Những quốc gia được thắm nhiễm Phật giáo, một sinh lực vô hình nuôi sống cả một dân tộc trước những thách thức ngoại xâm, bởi vì “uy vũ bất năng khuất”, không những là trạng huống của một đại sĩ mà còn là hương Thánh thiện nâng cao tâm linh của xã hội; Rất tiếc, cộng đồng tu sĩ Phật giáo quá thiên hướng nội lực, bỏ quên phương tiện ngoại biên, nên hầu hết Phật giáo không giúp xã hội vượt qua những khó khăn kinh tế hoặc cổ súy quần chúng phát triển kinh tế để hỗ trợ cho công cuộc hoằng truyền.


 Hầu hết tu sĩ xem vật chất là một chướng ngại, tài lực là một tội lỗi cần tránh, hầu hết các cơ sở am tự viện đều không tự lập cánh sinh mà luôn  chờ đợi sự hỷ cúng. Với truyền thống cổ xưa đó, Phật giáo không thích nghi với thời đại, tự mình xa cách quần chúng, và thụ động trước pháp sự hoằng dương! Một khi sinh kế xã hội đòi hỏi bức bách, người Phật tử không được chư Tăng hướng dẫn kỷ năng đạo và đời viên dung trong sinh hoạt, quần chúng cảm thấy hoặc xa lìa xã hội để nhập cuộc tâm linh, hoặc lìa bỏ tâm linh để lặn hụp trong cuộc sống, đó là lý do xuyên tạc của những đố kỵ cho rằng theo Phật luôn nghèo đói.
 

Đời là hư ảo, kiếp người là khổ đau, nhưng khổ đau và hư ảo không là tiền đề cho hành xử tiêu cực mà phải là kích thích sự nổ lực vượt qua. Có thân là có bệnh, nhưng bệnh tật không phải để bác sĩ khoanh tay, dược sĩ không tham gia vào điều nghiên dược liệu, đó là một thách thức, một nhu cầu phụng sự. Đạo Phật đối truớc cuộc sống cũng thế, không chỉ giải quyết tâm linh, ngay cả cuộc sống xã hội cũng không thể bỏ mặc, giao phó cho nghiệp lực cá biệt hay cộng sinh. Phật giáo đồng hành cùng dân tộc không chỉ lúc thịnh , khi suy mà những nhu cầu trong xã hội, Phật giáo cũng là một y vương hòa nhập mà không đắm nhiễm để giúp tịnh hóa cuộc sống.


Xây dựng nền móng quan trọng hơn cao tầng, cũng vậy, trình độ quần chúng đa phần  còn trầm trược mà chỉ lo hướng dẫn phần tâm linh siêu thực, đôi khi phản tác dụng và hạn chế hiệu quả. Càng ngày, xã hội càng phát sinh lắm nhu cầu và tiện nghi, đòi hỏi con người phải đối mặt với bao cám dỗ; vì thế, Phật giáo cũng phải hội nhập để hướng dẫn quần chúng  từ những nhu cầu có thực đó để  thoát khỏi những phiền trược không thực của vọng tưởng.  Từ kinh tế, khoa học, y học, nghệ thuật… tất cả cần có mặt của Phật giáo để gỡ rối tơ lòng cho sinh linh trầm luân; không thể bảo Phật giáo không tham gia vào đấy mà chỉ biết tu, là tiêu cực, tự mình loại khỏi xã hội.

 
Một khi hội nhập, phải linh động uyển chuyển để phát triển hiệu năng; Không thể tham gia cho có mặt với cuộc đời lấy lệ. Tin Lành là bài học cho Phật giáo về tính hiệu năng trong việc hòa nhập của một tổ chức. Dĩ nhiên Phật giáo không thể hoàn toàn giống Tin Lành hay Vatican, nhưng Phật giáo cũng không thể khác hơn khi cộng đồng tu sĩ Đạo Phật vẫn là một thực thể sống trong xã hội, nương nhờ xã hội thì cần phải đóng góp  cho xã hội về  tâm linh cũng như cụ thể!
 

Chính vì thế, Giáo Hội Phật giáo hay môn phái, đoàn thể của Đạo Phật, luôn thích nghi với xã hội và linh hoạt trong cuộc sống lẫn hành trì. “Phật Pháp tại thế gian, Bất ly thế gian giác”, đó là tiêu đề xác định vị thế của Đạo Phật trong mọi tình huống, trong mọi xã hội ở mọi quốc độ. Để tồn tại và phát triển đủ khả năng góp vốn cho đời. Phật giáo nói chung, Giáo hội và môn phái nói riêng, luôn luôn canh tân, đổi mới về hình thức sinh hoạt.

 
Canh tân là hình thái xác định sự hiện hữu của mình trong xã hội cũng như xác định tiềm năng mà Phật giáo  từng cống hiến và sẽ cống hiến.

 
Những lý do trên đây, xin được mạo muội góp ý để chúng ta không ngủ quên trong hào quang quá khứ, không tự mãn trong hiện tại để bỏ quên con đường phía trước. Ngày nay không chỉ là thời đại cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh kỷ thuật, cạnh tranh chính trị, cạnh tranh nghiệp vụ mà còn là cạnh tranh tôn giáo để thể hiện sự đóng góp của mình cho cuộc sống chứ không chỉ có thêm tín đồ. Đạo Phật có khác với các tôn giáo, không cần bành trướng thế lực và giáo quyền, không cần tạo uy tín trên lượng số tín đồ, Đạo Phật chỉ muốn chuyển hóa mọi tập khí chúng sanh để đem lại an lạc cho chính họ và giúp xã hội giảm thiểu những tệ nạn của vô minh.
 

Muốn thế, Canh Tân vẫn là giải pháp thường hằng cho Phật giáo chúng ta.
 

                                                                                MINH MẪN

                                                                                     Hạ 2010

 

 

 

 

 

Bình luận (1)

MINH MẪN BIẾT NHIỀU ĐẤY, DẪN CHỨNG PHONG PHÚ...THEO TÔI BIẾT THÌ LƯƠNG SĨ HẰNG, BÀ THANH HẢI, DASIRA NARADA ĐÂU THUỘC VỀ PG.
Văn Dũng ( 15/05/2011 17:13:07)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp