HÌNH THÁI TỔ CHỨC
Chúng ta đang lắng nghe những ý kiến Canh Tân PG qua Hình Thái Tổ Chức của một số vị ưu tư cho tiền đồ Phật Giáo VN, trong đó, cư sĩ góp mặt không nhỏ, không những bằng sáng kiến, bằng tư duy, bằng phát biểu mà còn thể hiện trong đời sống thường nhật Hộ trì Tam Bảo. Canh Tân 4 vừa rồi là một trong những hình thái nói về tổ chức của loạt bài Canh Tân PG.
Canh Tân 5, xin được nêu ra ý nguyện của một Phật tử đứng tên: Ngô Cơ Điềm, Pháp danh: Như Tĩnh.
Qua Thư Thỉnh Nguyện của Ngô Cơ Điềm kính dâng: Đại lão HT Đệ Tứ Tăng Thống- Đại Lão HT Viện Trưởng VHĐ vào mùa Phật Đản 2550 và bài Tham Luận mang tên: Xiểng Dương Chánh Pháp& Bảo Vệ Dân Tộc cùng tác giả, không ghi ngày tháng, sau khi hoàn tất thủ tục – Kính Bạch, kính thưa, tán thán công đức của nhị vị HT, nêu một số bất như ý trong giới tăng lữ hiện tại trong nước, hơn một trang rưỡi giấy khổ A 4, Ngô Cơ Điềm nêu 7 thỉnh nguyện thư như sau:
Một là: Xét rằng, pháp thể của nhị vị Tôn Túc đã quá yếu nên không thể để cho thời gian làm xói mòn theo ý đồ của nhân thế; Khi GH không còn ai xứng đáng để kế thừa, kể cả những vị đã và đang được nhị vị phong cách hiện nay trong hàng ngũ GH, trừ HT Thiện Hạnh và TT Tuệ Sĩ, cùng một số tương đối khác. Tuy có tích cực nhưng năng lực còn quá giới hạn.
Hai là: Xét rằng PGVN đã đến lúc phải triệt để áp dụng tinh thần BI-TRÍ-DŨNG, phải can đảm nhìn lại sự thật, đừng tiếp tục bưng bít dấu diếm những biểu hiện tiêu cực trong PG về một số vị thiếu Đạo phong, Đạo kỷ của tầng lớp tăng lữ hiện nay trong các tổ chức gọi là GH. Thật sự mà nói: Hiện nay không mấy ai tin vào tổ chức nầy nọ của PG, kể cả GHPGVNTN, vì hàng tăng lữ PGVN xem tổ chức GH là cứu cánh trong nếp sống thường nhật, để rồi quên mất nếp sống cao quý của bậc Thiên nhân chi đạo sư. Đã là bậc Thiên Nhân chi đạo sư thì phải triệt để xiểng dương Tam Lậu Học của nhà Phật. Trong Tam Lậu Học: Giới là kim chỉ nam của một hành giả tu tập.
Ba là: Xét rằng, Ngôi nhà PGVN cần phải có sự góp mặt của nhị vị Tôn Túc trong vấn đề củng cố nội lực cho hàng Tăng lữ hiện nay. Xin nhị vị đừng quan tâm nhiều đến chuyện nầy nọ nữa. Song, nếu có tổ chức GHPG thì tổ chức ấy cũng rất cần đến nhị vị tôn túc lãnh đạo và cộng tác chân tình trong quan điểm: Xây dựng một ngôi nhà PG VN lý tưởng trong tương lai. Hiện nay trong dư luận rất khát khao muốn biết quan điểm ấy của nhị vị Tôn Túc.
Bốn là: Xét rằng, muốn triệt để xiểng dương lý tưởng Tam lậu học trong hàng ngủ tổ chức Tăng lữ VN nói riêng, trong hàng ngủ tổ chức GH nói chung; để khiến cho hàng Phật tử tại gia chúng con đang ở trong cũng như ngoài nước; cùng những quan chức chính thể trong xã hội: Tâm phục khẩu phục đối với một Tín ngưỡng Đạo giáo luôn tự hào là đã có nhiều công sức trong tinh thần giữ nước và dựng nước; xuyên suốt hơn hai nghìn năm lịch sử PGVN.
Năm là: Kính mong nhị vị Tôn Túc hoan hỷ, ân xá tất cả những gì không vừa ý của nhị vị Tôn Túc trong tinh thần khoan dung độ lượng, vô ngã vị tha của nhà Phật. Để từ đó, từng bước chư vị Tôn Túc trong ngôi nhà chung của PGVN sẽ hoan hỷ ngồi lại với nhau để tìm ra một Kế Sách khả thi nhất. Có thể giải toả những mắc mứu trong nội tình của PGVN kể từ sau ngày đất nước thật sự và vĩnh viễn được hưởng Hòa Bình Độc Lập và Thống Nhất. Xoá bỏ tất cả quá khứ dù chuyện như mới diễn ra ngày hôm qua.!!!
Sáu là: Cần gấp rút mở ra một cuộc Đối Thoại “ Hiểu để mà Thương”.
Dân tộc nầy vốn đã trải qua bao năm tao loạn vì chiến tranh, Đạo pháp cũng từ đó mà biến thiên nhiều cách, lòng người cũng từ đó mà nảy sinh ra nhiều quan điểm có phần cá nhân quái lạ.. Khiến hàng Phật tử tại gia chúng con mỗi lần nghĩ lại phải giật mình. Song chúng con xem đó như một cơn ác mộng và mong sao sớm có ngày chấm dứt.
Bảy là: Kính mong nhị vị Tôn Túc thử nêu đề án mà vị thầy quá cố của chúng đệ tử đã thành kính dâng trình lên nhị vị Tôn Túc từ lâu. Để xem dư luận trong quảng đại Tăng Tín đồ PGVN trong cũng như ngoài nước, cũng như Thể chế đương thời có đồng tình hay không (?!)
Gọi là bảy Thỉnh nguyện, thật ra chỉ có ba điều mang tính Thỉnh Nguyện, ngoài ra là nhận xét. Và Ngô Cơ Điềm tiếp theo ước vọng của mình:
Ngôi nhà lý tưởng của PGVN trong tương lai sẽ do ba cấp GH lãnh đạo về cả ba phương diện: Đời-Đạo và Bồ Tát Hạnh. Ba cấp ấy là: Một là biểu thị về lập pháp có Hội Đồng chứng minh( giáo phẩm). Hai là biểu thị về Hành pháp có Hội Đồng Viện Hoá Đạo ( Hội Đồng Trị sự TW). Ba là biểu thị về Tư pháp có Viện Tăng Thống.
Phương pháp bầu cử, ứng cử: độc lập, tự nguyện của toàn thể Tăng Tín đồ trong và ngoài nước. Theo thể thức Đại cử tri và lấy các BĐD PG đương thời trên cả nước làm đơn vị Bầu cử và ứng cử.
Phương án Đối thoại: Hai bên GH hoan hỷ ngồi lại với nhau sau khi nhà nước CHXHCNVN chấp thuận đề án do hai GH đề xuất đúng với tuần tự của luật pháp đã quy định trong các điều khoảng của Nghị định về Tôn Giáo & Tín Ngưỡng.
Sau khi đối thoại đạt được những quan điểm đồng nhất để tiến tới bước kế tiếp là: Hai GH đều tuyên bố Giải thể thông qua nghị quyết một Đại hội hay một Hội nghị của mỗi GH. Thứ đến bầu ra Ban Vận Động Tổ chức Bầu cử và ứng cử có chức năng như sau::
-Quy định số Đại biểu trong hai Hội Đồng: Chứng Minh (Giáo phẩm) và Hội Đồng VHĐ (HĐTSTW)
- Đúc kết ứng cử viên của hai Hội Đồng
- Địa điểm và thời gian tổ chức Đại Hội để bầu cử Hội Đồng Chứng Minh, chư HT đắc cử sẽ bầu ra các chức danh cho HĐCM.( HĐGP)
Chư vị HT,TT,DĐ, Tăng ni và hàng Thiện Tri thức Phật tử đã đắc cử vào HĐVHĐ (HĐTSTW) sẽ ngồi lại với nhau để bầu các chức danh trong HĐVHĐ (HĐTSTW). Sau đó Ban vận độnbg tổ chức Bầu cử, ứng cử xem như giải thể, vì đã hoàn tất nhiệm vụ.
Cuối cùng, HĐCM sẽ suy cử các chức danh trong Viện Tăng Thống, HĐVHĐ sẽ long trọng tổ chức lễ Tấn Phong Viện Tăng Thống.
……………………………………….
Ý chung của tác giả muốn hai GH cùng đối thoại, tìm ra điểm đồng nhất, sau đó giải thể và lập Ban Vận Động Tổ chức Bầu và ứng cử.
Tại sao tác giả chỉ Thỉnh Nguyện cho 2 vị HT thuộc GHTN trong khi muốn hai GH cùng đối thoại với nhau?
1/ Có lẽ theo tác giả, mắc mứu chính thuộc GHTN và tính nan giải cũng thuộc GHTN
2/ Có lẽ tác giả thấy sự bế tắt của hai HT nên đưa thỉnh nguyện riêng cho các ngài.
Nếu mục đích Thỉnh Nguyện nhị vị HT chấp nhận ngồi lại với GH đương nhiệm tìm lối thoát, tại sao tác giả đưa thêm mô hình tổ chức để các ngài thẩm định, mà đáng ra phải để hai bên tự tìm mô hình thích hợp, chẳng khác nào mình vẽ sẳn đường đi rồi mời các ngài nhập cuộc! cái cày đặt trước con trâu!
Mô hình tổ chức hoàn toàn giống mô hình GHTN cũ, chỉ thêm PG Đối ngoại. Như vậy đi vào lối mòn, chẳng có sáng kiến gì mới đủ khả năng giải quyết tình hình thực tế hiện nay đang bế tắt.
Mục đích chính là giải quyết bế tắt chứ không phải đưa ra mô hình tổ chức, nếu cùng hoà hợp được, các Ngài còn có những mô hình tổ chức hay hơn thế.
Bốn tờ A 4 thỉnh nguyện để thống nhất PG, chỉ nêu ra ba câu duy nhất: Phương án đối thoại…mà không có kế hoạch đối thoại cụ thể.Làm thế nào để đối thoại khi mà GHTN chưa đủ tư cách pháp nhân? Và ai đủ tư cách đứng ra khởi xướng Đối thoại?
Giả thử GHTN đăng ký Tổ chức sinh hoạt GH để có tư cách pháp nhân, theo Văn Bản Pháp Luật VN về Tín ngưỡng, Tôn giáo, thì tình trạng GHTN thuộc chương nào, mục nào, điều khoản nào đã quy định?
- Liệu các ngài GHTN có chịu ngồi lại với chư vị Tôn Túc GHPGVN hiện nay khi các ngài cứ nghĩ GH là tay sai của nhà nước?
- Quan điểm của GHTN, sự bế tắt là do nhà nước tạo ra, ai gút, nấy mở; GH đương nhiệm không phải là đối tượng để nhị vị HT đặt vấn đề
- Giả thử hai GH đồng thuận sáp nhập, ta hãy xem Mục 2, điều 9, khoản 3 của Văn Bản Pháp Luật VN về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo: Việc sáp nhập, hợp nhất tôn giáo trực thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau: a/ Có văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo. b/ Tổ chức được sáp nhập, hợp nhất vẫn thuộc hệ thống tổ chức quy định trong Hiến chương, điều lệ đã được nhà nước chấp thuận.
Tổ chức được sáp nhập, hợp nhất vẫn thuộc hệ thống tổ chức quy định trong Hiến chương, điều lệ đã được nhà nước chấp thuận. có nghĩa nếu GHTN sáp nhập thì vẫn lệ thuộc Hiến chương GHPGVN. liệu các ngài có chấp thuận? Vả lại Việc sáp nhập, hợp nhất tôn giáo trực thuộc…chứ không quy định hợp nhất hai GH biệt lập. Hiến chương và luật pháp VN cũng chưa có điều khoản quy định việc hợp nhất hai GH, thì việc ngồi lại trên cơ sở pháp lý nào? Việc đồng đạo ngồi lại đàm đạo là việc khác, việc hai tổ chức ngồi lại phải mang tính nguyên tắc chứ không phải bạ đâu ngồi đó như ở vỉa hè.
Tóm lại GHTN xin được đối thoại hay chủ động ngỏ ý đối thoại là việc không thể có.
Đứng về phía GHPGVN hiện tại, ổn định sinh hoạt và được bảo vệ bởi luật pháp, tự nhiên ngỏ ý mời GHTN đến đối thoại là chuyện không tưởng, dẫu sao, vị thế và uy tín của các chức sắc lãnh đạo sẽ bị đe dọa, đó là điều các ngài không bao giờ muốn. Chưa nói đến nhà nước có chấp thuận hay không. Và đơn thỉnh nguyện chỉ đề cập đến nhị vị HT của GHTN chứ không đả động gì GH đương nhiệm. Vì thế việc ngồi lại đã là khó, đối thoại cảm thông nhau thêm một việc khó mà trên 30 năm hố ngăn cách được phân luồng bởi dải băng lạnh
Đó là mới xét cái chướng ngại để đến với nhau chứ chưa vào nội dung đối thoại mà bên nào cũng giữ thế như Miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng giữ thế với Mỹ và Miền Nam VN trên bàn hội nghi trước kia.
Giả dụ cả hai đạt được kết quả chung, tác giả Ngô Cơ Điềm bảo hai bên tự tuyên bố giải thể để thành lập Ban Vận Động Bầu cử…Có lẽ tác giả quá mơ mộng chăng, cứ như kể chuyện Thần tiên không bằng.
GHTN lấy tư cách pháp nhân nào tuyên bố tự giải thể? Chưa nói đến sự ngờ vực khi tuyên bố giải thể, sau đó bị hụt hẩng nếu bị loại ra khỏi tổ chức…
GHPGVN căn cứ mục nào trong Hiến chương hay luật giải thể của luật pháp VN để tự giải thể? chả lẽ áp dụng luật giải thể của doanh nghiệp?
Hợp nhất GHPG hiện nay là nhu cầu cấp thiết, nhưng phải dựa vào cơ sở pháp lý chứ không thể trên tình cảm. Sáng kiến của Ngô Cơ Điềm chỉ là lý thuyết vui tai nhưng bất khả thi; ngoài những chướng ngại nêu trên, còn vô vàn khó khăn khi nhập cuộc mới thấy rõ, ngoại trừ duy nhất, cá nhân nhị vị HT đột biến, tình nguyện tham gia như người không bình thường, may ra mới thoát khỏi những cơ chế nhiêu khê ràng buộc, nhưng đây chỉ là mơ mộng.
Canh Tân PG không chỉ trên hình thái tổ chức, nếu thế thì ta gọi là Canh Tân tổ chức GH; mà Canh tân tổ chức GH chỉ là một phần trong chiều hướng canh tân để PGVN lột xác, xác định tầm vóc và uy tín của mình đối với dân tộc và thế giới, hầu góp phần xây dựng văn hoá và hoà bình cho nhân loại.
Về phương diện nhà nước, Ban Tôn giáo chính phủ không hề biết đến GHTN hay bất cứ GHPG nào ngoài GH đương nhiệm, và chỉ biết cá nhân một công dân tu sĩ T.QĐ- T.H.Q, nếu có vấn đề thì vấn đề của cá nhân nhị vị HT đó, và nhà nước cũng nhận thấy rằng những lợn cợn mắc mứu từ cá nhân của hai HT chứ không công nhận vấn đề của một tổ chức GH, vì xem GHTN đã đi vào dĩ vãng, vai trò GHTN đã chấm dứt theo trang sử được lật qua của một giai đoạn. Vì thế đặt vấn đề hợp nhất hay tự giải thể, cả GHTN, GHPGVN và Ban Tôn Giáo đều bất khả thi.
Nếu Canh Tân Tổ Chức GHPGVN, chỉ canh tân nhân sự và Hiến chương chứ không thể một hình thái GH nào khác, vì nằm ngoài luật pháp và Hiến chương hiện hữu. Hai ý kiến Canh Tân bằng hình thái tổ chức qua bài 4 và 5 xin được khép lại để tìm đến phương án khác, một phương án không đặt vấn đề hợp nhất các tổ chức khác nhau.
Còn nữa.....
Minh Mẫn