đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

14:57 01/07/2011

Đọc sách: "Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân" (kỳ 7)

(TG&DT) - ông Hoàng Thanh Đạm có vài điểm tương đồng với chúng tôi lúc phê phán Nguyễn Trường Tộ, nhưng ông dùng chữ rất khéo như: Nhận thấy điều bất cập của Nguyễn Trường Tộ, chứ không nói rõ hoặc có chỗ sử dụng lời lẽ chua chát như tôi (Bùi Kha), lúc thấy ai có thái độ hay hành động bán nước là tôi trở nên bực phiền. Do đó, văn phong có khi nặng về cảm tính mà cụ Hoàng (sinh năm 1926) lại cáo buộc sai lúc nghĩ rằng chúng tôi có tư tưởng "bình Tây sát Tả".

KHEN – CHÊ


 

Bài 1: THẢO LUẬN VỚI CỤ HOÀNG THANH ĐẠM VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ


 

Cuối tháng 12/2001, tôi có mua được cuốn Nguyễn Trường Tộ, thời thế và tư duy cách tân, tác giả là nhà sử học Hoàng Thanh Đạm, xuất bản vào tháng 3/2001 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sách dày 336 trang, tác giả dành 24 trang để phê bình cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo của Bùi Kha (bút hiệu là Nguyễn Kha) và Trần Chung Ngọc, xuất bản tháng 4/1998 (viết tắt là NTT).


 

Cuốn sách đem lại cho chúng tôi một niềm vui, vì từ lúc sách chúng tôi ra đời đến nay đã 4 năm, nhưng chỉ có một bài phê bình của ông Nguyễn Xuân Phong với lời tán thưởng. Nay có bài phê bình khác, chỉ trích nhiều hơn là đồng ý, vì thế, qua đó chúng tôi có dịp để đào sâu thêm vấn đề. Nhà sử học Hoàng Thanh Đạm có văn phong điềm đạm và thái độ chững chạc của một người nghiên cứu công phu, nên chúng tôi rất hân hạnh để trao đổi một số điểm dị đồng với nhà sử học lão thành này.


 

Tổng quát, ông Hoàng Thanh Đạm có vài điểm tương đồng với chúng tôi lúc phê phán Nguyễn Trường Tộ, nhưng ông dùng chữ rất khéo như: Nhận thấy điều bất cập của Nguyễn Trường Tộ, chứ không nói rõ hoặc có chỗ sử dụng lời lẽ chua chát như tôi (Bùi Kha), lúc thấy ai có thái độ hay hành động bán nước là tôi trở nên bực phiền. Do đó, văn phong có khi nặng về cảm tính mà cụ Hoàng (sinh năm 1926) lại cáo buộc sai lúc nghĩ rằng chúng tôi có tư tưởng "bình Tây sát Tả". Nhưng, có lẽ vì tuổi đời chồng chất và vì thiếu chứng liệu để bác bỏ luận điểm của chúng tôi về Nguyễn Trường Tộ nên rất nhiều chỗ cụ Hoàng tự mâu thuẫn với chính mình. Thí dụ: Lúc phê bình Nguyễn Kha và Trần Chung Ngọc, trang 123, cụ Hoàng viết: "Đọc hết cuốn sách của hai bạn, những người kính yêu Nguyễn Trường Tộ không khỏi liên hệ đến cách nhìn của các nhân vật chủ chiến thời Tự Đức từng đề ra khẩu hiệu bình Tây sát Tả".

 


Đến trang 126, cụ viết: "Có thể nói rằng, thái độ bài xích của hai bạn Nguyễn Kha và Trần Chung Ngọc đối với Nguyễn Trường Tộ là có thể hiểu được, nhưng thực sự có thiên lệch, hoặc là quá nghiêm khắc, vì hai anh đứng trên một lập trường chủ chiến có phần cực đoan, tuyệt đối không chấp nhận bất cứ phương sách chủ hòa nào".


 

Nhưng qua trang 127, ông lại đoán rằng: "Hay là hai bạn ra sức công kích Nguyễn Trường Tộ để thỏa mãn yêu cầu của người đặt bài đang rất khó chịu vì những lời ca ngợi, đòi hỏi đổi mới...".


 

Rất nhiều chỗ mâu thuẫn trong 24 trang phê bình cũng phát xuất từ những yếu tố khác, mà chủ yếu là tác giả muốn bẻ ngược lại những luận điểm của hai chúng tôi, nhất là muốn chứng minh tấm lòng mà Nguyễn Trường Tộ không hề có với tổ quốc, nên sử liệu không thể tìm ra. Do đó, việc phê bình cho thấy quá nhiều điều bất cập của tác giả.


 

Cũng vì thế, nên đoạn cuối trong bài phê bình (tr.128) tác giả viết thiếu logic: "Giữa thời đại ngày nay, thời đại của hòa hợp dân tộc...". Tôi quan niệm rằng, hòa hợp dân tộc thì không nên hiềm khích hoặc khơi lại đống tro tàn, mà phải giáo dục quần chúng biết cái hay để bắt chước và cái dở nên bỏ đi, phải khoan dung và tha thứ tất cả, nhưng không có nghĩa là phải làm sai lạc hay chối bỏ lịch sử, hoặc sắp những kẻ Việt gian ngang hàng với những anh hùng dân tộc. Đó là chưa nói đến những thành phần sống trên quê hương nhưng vắng bóng giữa lòng quê hương; họ chỉ kêu gọi hòa hợp và đoàn kết lúc ở thế yếu. Nhưng lúc mạnh hoặc đã kiếm được sự hậu thuẫn của ngoại bang, họ sẵn sàng rước voi dày mả tổ. Không thấy được điều này, quả là một điều hết sức bất cập khác của Hoàng sử gia.


 

Thêm vào đó, bài viết có quá nhiều lỗi chính tả; không chấm câu trước lúc bắt đầu đoạn mới. Và trích ý chứ không phải trích nguyên văn bài viết của tôi, nhưng tác giả lại để đoạn văn trong ngoặc kép. Điều này cho thấy cách làm việc thiếu đứng đắn, làm sai lạc và đổi ý cả đoạn văn của người mà mình đang tranh luận. Đó là vài nhận xét tổng quát về bài phê bình trước khi đi vào những thảo luận lý thú về Nguyễn Trường Tộ qua các sử liệu.


 

Khách quan, Nguyễn Trường Tộ có vài ý tưởng xuất sắc như tôi đã nêu trong bài viết trước đây:


 

"... Trái lại có 3 di thảo không liên quan đến chính trị, kinh tế hoặc canh tân, nhưng về phương diện văn chương lý luận và sự kiện thì rất hay, xuất sắc, nhất là tác giả lúc bấy giờ đang ở lớp tuổi 35 và cách đây 130 năm. Đó là di thảo số 10: Thảo thư gởi Tây Soái; di thảo số 47: Về việc cải cách phong tục; di thảo số 50: Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng (Ba di thảo này dài 18 trang) {trích nguyên văn NTT, GĐ, tr. 11-12}.


 

Trong phần nhận định bản di thảo số 27: Tám điều cần làm gấp, tôi cũng viết rõ về Nguyễn Trường Tộ: Giọng văn điêu luyện có tính thuyết phục và nhiều đoạn rất thực tế đã mô tả được một số bệnh trạng của đất nước ta thời bấy giờ. Nhìn cách trình bày, chúng ta thấy Nguyễn Trường Tộ, dường như, có thành tâm thiện chí đối với nước nhà (tr. 92).


 

Lác đác một vài ý tưởng có thể chấp nhận, được lồng vào trong vô số điều mâu thuẫn, sai lầm và tai hại của Nguyễn Trường Tộ đối với vận mạng quốc gia dân tộc, mà sử gia Hoàng Thanh Đạm, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu (ông cho biết như thế) vẫn không thấy kế hoạch lộng giả thành chơn của NguyễnTrường Tộ.


 

 *****

 

NHỮNG SAI LẦM


1. Hợp tác với Pháp


 

Để có thể thấy rõ điều lợi hoặc hại lúc Nguyễn Trường Tộ đề nghị hợp tác với Pháp, chúng ta nên tìm hiểu tổng quát tình hình quân sự và chính trị thời bấy giờ.


 

Về phía quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam, từ 1858 đến 1863, họ đang ở trong tình trạng nguy khốn, mà chúng tôi đã trích thuật qua sáu văn thư mật của các ông đô đốc Pháp gởi cho chính phủ của họ. Xin xem các trích dẫn trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo (Sđd, tr. 21-29). Ở đây, chỉ lược trích vài đoạn ngắn:


 

"... Quả thật tôi thấy cần thiết và hết sức đau đớn xác nhận với ngài về tình trạng tồi tệ... chúng ta đang nhanh chóng tuột dốc đến kiệt quệ và đến lúc phải bất động tại Đà Nẵng (Đđ.Genouilly, 4/01/1859)... Vì thế hoàng thượng tin cậy vào kinh nghiệm và sự sáng suốt của ông... có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên vương quốc An Nam không... hay cuối cùng là chúng ta đành bỏ các vị trí... và từ bỏ mọi mưu toan..." (Bộ Hải quân, 8/4/1859)...


 

Càng đi sâu vào tình hình vương quốc An Nam... Không thể không thừa nhận rằng, cuộc chiến tranh chống lại xứ này còn khó hơn cuộc chiến tranh chống lại thiên triều..." (Genouilly 21/9/1859).


 

"Người An Nam đã tỏ ra dày dạn chiến đấu, họ đã làm đảo lộn vai trò, giờ đây họ tấn công ngay những vị trí của chúng ta (lời kêu cứu của Bonard)... Các cuộc khởi nghĩa đồng loạt nổi lên khắp nơi... tôi bị đẩy vào thế tự vệ..." (Bonard 18/12/1862).


 

Ngày 27/01/1863 Bonard cũng than thở: "Lực lượng chúng ta giảm dần... đang bị đuối sức từng ngày... không thể tiếp tục trong sáu tháng một chiến trận như thế này".

 


Sử liệu Việt Nam cũng viết:


 

"Ngày 17/12/1862 nghĩa quân Trương Định tấn công đồn Rạch Trà của giặc Pháp, thu nhiều thắng lợi. Qua ngày 18/12/1862, 200 nghĩa quân Trương Định tấn công đồn Thuộc Nhiêu (trên đường từ chùa Cây Mai đi Mỹ Tho) tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Hai trận tấn công thắng lợi liên tiếp trong hai ngày 17 và 18/12/1862 này của nghĩa quân Gò Công đã làm cho thực dân Pháp hoảng sợ. Bonard phải khẩn cấp xin viện binh. (Dương Kính Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, 1858-1918, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Sử học, TP.HCM, 1999, tr. 34).

 


Những sử liệu trên cho thấy, tình hình quân sự đen tối của Pháp xảy ra và đã kéo dài gần 5 năm, từ tháng 9/1858 đến tháng 02/1863, nghĩa là khoảng một tháng trước lúc Nguyễn Trường Tộ viết bài Thiên hạ đại thế luận (3-4/1863). Trong lúc quân thực dân nguy khốn đến như thế thì Nguyễn Trường Tộ lại hù dọa quân dân nước ta:


 

"Tàu diệt Việt, Pháp diệt Á Đông... Ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa, ai hòa với họ thì được yên... Quân ta mới nghe thân thế họ đã phách lạc hồn xiêu rồi... Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng, hòa với Pháp là thượng sách... nên để cho quân lính nghỉ ngơi... để họ (Pháp) giữ bờ cõi cho mình, như có hổ báo trong rừng thì chồn cáo không dám bén mảng tới" (NTT, Sđd, tr. 27-40).


 

Những nhận định sai lạc có dụng tâm này đã ảnh hưởng đến chính sách của triều đình vua Tự Đức và tinh thần chiến đấu của nghĩa quân. Tại sao Nguyễn Trường Tộ có những tư tưởng nghịch lý đến thế? Tôi thấy có hai lý do chính:


 

Lý do tình thế: Sau hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, phong trào chống Pháp rất mạnh, làm cho công ceộc bình định của Pháp gặp nhiều trở ngại. Triều đình Huế chia làm hai: Phe chủ chiến và phe chủ hòa. Phe chủ chiến có rất nhiều ảnh hưởng và thế lực. Thượng tướng Ohier (quyền đô đốc) gởi thư cho triều đình vua Tự Đức phản đối phong trào chống Pháp làm trở ngại chương trình bình định của ông ta (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn 1970, tr. 63-64).


 

Phong trào nghĩa quân kháng Pháp gây cho địch khó khăn đến nỗi: Thực dân Pháp ra điều kiện: Sẽ trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho triều đình Huế, một khi triều đình Huế chấm dứt được các cuộc khởi nghĩa chống đối Pháp ở các tỉnh Gia Định, Định Tường, và phải gọi tất cả các thủ lĩnh nghĩa quân trở về, tuyệt đối không còn bóng dáng một ai tại hai tỉnh đó nữa (Dương Kính Quốc, Sđd, tr. 32).


 

Như thế, kế hoạch hòa với Pháp là thượng sách... cho lính nghỉ ngơi để họ giữ bờ cõi cho mìnhcủa Nguyễn Trường Tộ là cái phao đúng lúc để quân Pháp thoát hiểm và giúp cho chương trình bình định của thực dân có thể thực hiện được!


 

Lý do tín lý và giáo dục: Nguyễn Trường Tộ không muốn thực dân Pháp rút về nước nên ông đã cố ý đưa ra những nhận định sai lầm về tình hình quân sự và khuyên hòa với Pháp để cứu vãn cơn nguy khốn cho thực dân. Sau đây là một số sử liệu giải thích tại sao:


 

Việc Pháp đánh chiếm Việt Nam là do Vatican vận động và chủ động như chúng tôi đã chứng minh bằng nhiều tài liệu mật trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo nói trên. Bởi thế, chúng ta không lấy làm lạ, những người như các Linh mục Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều, Trần Lục, giáo sinh Trương Vĩnh Ký, Giám mục Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Ngô Đình Thục... đều làm tay sai cho Pháp. Còn tín đồ Công giáo Đại Nam thì chính Đô đốc thực dân Page cũng mô tả:


      

"Ngoài ra, không một người An Nam nào theo đạo Công giáo lại ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua An Nam không theo đạo không phải là vua của họ. Chắc bây giờ ngài (Bộ trưởng) đã hiểu tại sao vua, quan đã coi các nhà truyền giáo là kẻ tử thù".


 

Nguyên văn tiếng Pháp:


 

"Du reste, pas un Vietnamien catholique n'hesita à demander à s'enriler comme soldat sous les drapeau francais, les roi payen du Vietnam n'etait point leur roi "Votre Excellence comprenda sans doute maintenant comment le Roi et les mandarins regardent les missionnaires catholiques comme des ennemies?" (Depêche de L'amiral Page, du 14.12 et 25. 12. 1859. Archives Nationales, Fonds Marines BB4-777, cité par CHT, pp. 128-129).


 

Lịch sử cho thấy, đã là người Công giáo thì luôn luôn nặng tình với Vatican hơn là đối với chính quốc gia của họ. Thật vậy, ngay cả nước Mỹ, không có người nào theo đạo Công giáo mà có thể đắc cử tổng thống, ngoại trừ Kennedy là một trường hợp đặc biệt ngoại lệ trong lịch sử gần 40 tổng thống vừa qua của đất nước này, nhờ có tài, nói năng hoạt bát, đẹp trai. Lúc ra tranh cử, có người đặt câu hỏi với ông về bổn phận một công dân và bổn phận của một tín đồ. Kennedy trả lời rằng, lúc nào có sự xung đột giữa quyền lợi tôn giáo và đất nước thì ông sẽ nghiêng về phía tổ quốc. Tuy nhiên, vào thập niên 1960, Vatican có thái độ hòa bình để cứu tín đồ của giáo hội trong các quốc gia chiến tranh, thì Kennedy cũng muốn triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam, và ông bị ám sát năm 1963, đến nay chưa tìm ra thủ phạm. Nhưng người ta nghi rằng, một trong những nguyên nhân chính đưa đến cái chết là vì ông có tư tưởng phản chiến như giáo hoàng.

 


Tư tưởng đó và việc dự định rút quân ra khỏi Việt Nam của Kennedy đã đi ngược lại quyền lợi của giới tư bản vì khí giới chiến tranh còn thặng dư sau Thế Chiến Thứ 2. Mà khí giới chiến tranh chỉ có thể tiêu thụ bằng chiến tranh khí giới. Đất Việt – Miên – Lào là thị trường thuận lợi nhất vào giai đoạn đó để Hoa Kỳ trút bom đạn xuống. Nhưng bom đạn và dụng cụ chiến tranh đâu phải miễn phí. Chính phủ Mỹ dùng tiền đóng thuế của dân chúng và tiền của các nước đồng minh viện trợ để mua khí giới do các công ty Hoa Kỳ chế tạo. Một số lớn giai cấp tư bản được giàu nhờ có nhiều cổ phần trong các công ty và kỹ nghệ chiến tranh ấy. Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ là Tết Mậu Thân năm 1968, có nhiều nơi tại miền Nam (Việt Nam) không quân Hoa Kỳ ồ ạt thả bom bình địa. Thủ tướng Trần Văn Hương (Việt Nam Cộng hòa) rất bực phiền nhưng cũng chỉ phát biểu được: "Đánh con ruồi, chúng ta không cần phải dùng cái búa". Nhưng thực tế, Hoa Kỳ không chỉ dùng cái búa con để đánh ruồi mà họ dùng cái búa tạ.


 

Và trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, để giết "một người lính cộng sản", Hoa Kỳ phải tốn hơn 400 ngàn Mỹ kim (To kill one communist soldier cost the U.S. no less than $400.000. Joseph Buttinger, Vietnam the Unforgetable Tragedy, NY. 1977, p. 93), một cuộc chiến tranh tốn kém chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Và số khí giới Hoa Kỳ tiêu thụ tại Việt Nam bằng tổng số khí giới của hai cuộc chiến tranh thế giới cộng lại. Tôi trình bày hơi dài dòng về vấn đề này để chúng ta thấy mối dây chằng chịt giữa các tôn giáo Tây phương và vấn đề chính trị cũng như giữa tư bản và ý thức hệ...


 

Sử gia Hoàng Thanh Đạm bênh vực Nguyễn Trường Tộ và lý luận rằng: "... những khó khăn mà tướng soái Pháp nêu lên là ở thời điểm 1858-1862, trong đoạn khởi đầu xâm lược, còn điều mà Nguyễn Trường Tộ nói trong Thiên hạ đại thế luận về thế áp đảo của Pháp là ở thời điểm năm 1863" (Cách Tân, tr.112). Nhận định như vậy là nhà sử học Hoàng Thanh Đạm thấy một mà không thấy được hai. Vì ông Nguyễn Trường Tộ tự khoe là cái gì cũng biết hết, vậy thì tình trạng quân Pháp yếu, quân ta mạnh trong giai đoạn trước lúc, chứ không phải sau khi, viết bài Thiên hạ đại thế luận ”tại sao ông Nguyễn Trường Tộ không biết? Hơn nữa, một trong sáu văn thư mật mà tôi nêu trên là mô tả tình hình nguy khốn của Pháp năm 1863; thời gian Nguyễn Trường Tộ viết bài chiêu dụ ấy. Để biết rõ thêm thái độ Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình hòa với Pháp là có hậu ý và dụng tâm của một người Việt mang tâm hồn Pháp, chúng ta nên đọc lại đoạn sử sau đây:


 

"Ngày 16/10/1858, Nguyễn Trường Tộ, Linh mục Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều và 5 người Việt Nam khác cùng đi với Giám mục tình báo Gauthier đến cửa Mành Sơn, tại đây: ... Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng, đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng đô đốc chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể dễ dàng tiến đánh Huế mà phải chuyển hướng về Sài Gòn. Do đó, trước khi đem quân vào Sài Gòn, Đô đốc Rigault de Genouilly đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp, hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hồng Kông. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi Hồng Kông trong những điều kiện như thế vào đầu năm 1859" (dẫn theo TBC, Sđd, tr. 22).

 


Nhắc lại đoạn sử liệu nêu trên để thấy rằng, Nguyễn Trường Tộ đã không tham gia các phong trào chống Pháp. Trái lại, ông theo sát gót giày của thực dân từ ngày chúng bắt đầu chà đạp quê hương, 01/9/1858. Ông là một trong những phần tử làm áp lực để Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng bị Đô đốc de Genouilly đuổi đi Hồng Kông. Đến năm 1861 lại theo gót thực dân về làm thư ký cho tổng hành dinh soái phủ tại Sài Gòn để chúng mở rộng vòng chiếm đóng. Từ năm 1858 đến năm 1863, ít nhất là hơn 4 năm ròng rã, ông đi theo Pháp và sát cánh với Giám mục tình báo Gauthier. Yêu nước Việt hay nước Pháp mà lạ đến thế?

 


Từ những sự kiện trên, chúng ta có thể nói, Nguyễn Trường Tộ biết rất rõ tình hình nguy khốn của quân Pháp, nhưng ông sợ Pháp rút quân về nên viết bài để hù dọa quân dân ta và giữ chân Pháp. Nếu quả thật ông không biết tình hình của ta và Pháp đã và đang xảy ra xung quanh ông và trên các vùng mà Pháp vừa chiếm được tại Đà Nẵng và Sài Gòn, thì ông có thể biết được gì mà dám bàn Thiên hạ đại thế luận, tức là luận bàn những tình thế lớn trong thiên hạ! Sự mâu thuẫn quá lớn như thế, những người bênh vực Nguyễn Trường Tộ như cụ Hoàng Thanh Đạm trả lời thế nào?


 

Để hiểu rõ hơn, một lý do khác cũng cho thấy hậu ý Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình nhà Nguyễn hợp tác với Pháp, chúng ta nên tìm hiểu về nội tình của Pháp tại Việt Nam và tại Âu châu trong giai đoạn Nguyễn Trường Tộ viết bài chiêu dụ Thiên hạ đại thế luận đầu năm 1863.


 

"Theo hòa ước Nhâm Tuất 1862, 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng, nhưng sự chiếm đóng này phần lớn là ở trung tâm thành phố, còn các đồng bằng và vùng lau sậy do nghĩa quân điều khiển. Các cuộc hành quân của Pháp rất vất vả trong các vùng này; lính bị muỗi đốt và nước độc sinh sốt rét và dịch tả chết rất nhiều. Mặt khác, nghĩa quân đánh theo lối du kích làm cho giặc Pháp tổn thất nặng nề. Hơn nữa, từ lúc bắt đầu đánh Nam Kỳ đến lúc đạt được hòa ước 1862, Pháp phải mất hơn 4 năm và thiệt mạng trên 2 ngàn người, đó là một con số rất lớn vào thời điểm ấy" (Theo NTA, Sđd, tr. 25-54). Vì thế, các ông đô đốc Pháp đã than thở như chúng ta thấy ở trên.


 

Với tình hình như thế, Nguyễn Trường Tộ làm việc dịch thuật cho tổng hành dinh của quân đội viễn chinh Pháp, sống sát cánh với tên tình báo Gauthier, thì ông không thể không biết Pháp đang khốn đốn. Vì vậy, ông viết thêm nhiều bài khác khuyên triều đình cộng tác với Pháp để giải tỏa khó khăn cho thực dân. Còn sử gia Hoàng Thanh Đạm không đồng quan điểm này, nhưng ông đã không trưng bày được một sử liệu nào để bảo vệ cho luận điểm của mình.


 

Một cách gắn gọn, trong khi sáu bức thư mật của các đô đốc thực dân than thở về tình hình quân sự bi đát của họ tại Đại Nam, và tình hình chính trị tại Âu châu cũng không thuận tiện cho lực lượng Pháp muốn mở rộng thêm vùng chiếm đóng tại Sài Gòn, thì Nguyễn Trường Tộ lại viết tiếp:


 

"Theo cách ngày nay thì nên để cho quân lính nghỉ ngơi... để họ (thực dân Pháp, BK) giữ bờ cõi cho mình, như có hổ báo trong rừng thì chồn cáo không dám bén mảng tới". Lý luận này cũng giống như nói rằng trong nhà có nhiều cô con gái đẹp, nên để cho các tên sở khanh canh giữ thì những kẻ "tìm hoa" sẽ không bén mảng tới. Thật là "cao kiến" chẳng còn gì để phê phán!


 

Đọc kỹ Thiên hạ đại thế luận và những bài chiêu dụ khác của tên thuyết khách họ Nguyễn, chúng ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mâu thuẫn và sai lầm có dụng tâm. Lối trích dẫn của Hoàng sử gia cũng đầy mâu thuẫn và không để ý đến sự kiện và sử liệu. Ông viết:


 

"Tháng 5/1863, viết trần tình khải, ông (Nguyễn Trường Tộ, BK) thanh minh rõ thái độ của mình trước quân thù xâm lược: Đối với những hạng người cho quân Pháp là lớn mạnh mà sợ thì tôi giận ra mặt mà bảo như thế là làm tăng trưởng nhuệ khí của người ta mà tự diệt uy phong của mình... Tôi lại đem những lợi hại phương Tây xa xôi ra so sánh để thấy rằng chúng mạnh chỉ là tạm thời mà dễ yếu, còn ta tuy yếu mà dễ mạnh được lâu dài. Xin cứ hỏi những người xung quanh sẽ biết tôi nói có đúng không..." (Hoàng Thanh Đạm, Sđd, tr. 114). Đoạn vừa dẫn cho chúng ta thấy một sự mâu thuẫn quá lớn:

 


Bài Thiên hạ đại thế luận viết vào khoảng tháng 3-4/1863, ông nói rằng quân ta yếu, quân Pháp mạnh. Do đó, "nên cho lính nghỉ ngơi để Pháp giữ bờ cõi cho mình", nhưng chưa đầy 2 tháng sau ông viết như trên: Có nghĩa là quân Pháp yếu, quân ta mạnh. Như thế, ông đã phủ nhận những điều viết bậy có hậu ý trong bài Thiên hạ đại thế luận và nói giống tôi, tại sao cụ Hoàng Thanh Đạm lại còn trách cứ tôi?


 

Thực ra, lúc viết Thiên hạ đạ thế luận, Nguyễn Trường Tộ đã cố tình xuyên tạc lịch sử để cứu nguy cho Pháp như tôi đã chứng minh. Nhưng có lẽ vì bị phản đối hoặc thấy sai lầm quá lộ liễu, nên viết bài khác để bào chữa và bảo vệ mình. Cũng vì tâm chất dối trá nên tiền hậu bất nhất. Vì thế, ông đã không thấy sự mâu thuẫn to lớn về hai bài vừa viết cách nhau chưa đầy hai tháng! Còn sử gia họ Hoàng đã nhọc công nghiên cứu đến hơn hai mươi năm, lại trích dẫn hai bài viết gần nhau của Nguyễn Trường Tộ, trong đó mâu thuẫn rõ ràng đến thế mà không thấy, lại bênh vực ông ta và cho tôi viết sai về tình hình quân Pháp, và cố ý chối bỏ sự thực lịch sử trong các tài liệu mật của Pháp về thế khốn cùng của chúng, nên cụ Hoàng viết tiếp: "Chúng ta không vội nghi ngờ độ tin cậy của những câu trích dẫn (của Bùi Kha) được dịch ra tiếng Việt lại còn đăng tải cả nguyên văn tiếng Pháp" (HTĐ, Sđd, tr. 111).


 

Một điểm quan trọng khác là trong bài này Nguyễn Trường Tộ viết: "... Lại cho một đạo quân đóng giữ ở Hoành Sơn để chận đường tiếp tế bằng đường bộ và cắt đường qua lại của quân đội Cần Vương...". Mặc dầu Linh mục Trương Bá Cần không nói rõ trong sách, nhưng tôi được biết ông không biết chữ Nho, nên 58 bản chiêu dụ đều do ông Lý Kim Hoa dịch ra Việt ngữ. Tuy vậy cả dịch giả lẫn tác giả, Trương Bá Cần, đã không thấy cụm từ quân đội Cần Vương được nhắc đến trong bài Thiên hạ đại thế luận viết vào đầu năm 1863. Trong lúc đó, quân đội Cần Vương chỉ xuất hiện 22 năm sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành đi kháng chiến do cuộc nổi dậy chống Pháp bất thành tại Huế ngày 7/5/1885. Nhiều tác giả, trong đó có sử gia Hoàng Thanh Đạm, đã trích dẫn và ca tụng ông Nguyễn Trường Tộ hết mình qua bài chiêu dụ này, nhưng quên để ý sự sai lầm về thời gian tính của từng biến cố, cho nên có thể đây là một bài ngụy tạo. Dù ngụy tạo hay thật, và cụm từ nào đó bị dịch nhầm thành quân đội Cần Vương, nhưng nếu đọc kỹ bài này chúng ta cũng sẽ thấy cái tư tưởng: Ăn cơm Đại Nam, thờ giặc Pháp của Nguyễn Trường Tộ như đã được chứng minh.


 

2. Lấy thịt đè người


 

Sử gia Hoàng Thanh Đạm dẫn chứng rất nhiều nhân vật tên tuổi ca ngợi Nguyễn Trường Tộ, trong đó có cụ Phan Bội Châu và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của tôi là mỗi nhân vật đều có sở trường và sở đoản, nhất là trong thời kỳ Pháp thuộc và đất nước chiến tranh, nhiều tài liệu mật bị khóa chặt trong các thư khố, còn một số sách thì được viết bởi phần lớn các người theo Công giáo, mang đầy tình cảm tôn giáo, che đậy và đảo lộn sự thực vì mặc cảm. Thí dụ, ngay cả đến sau năm 1994, trong cuốn Divers Voyages Et Missions Tiến sĩ Thần học – Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, dịch cụm từ Plusieur Soldats là vài binh lính. Lại còn chú thích là lính thừa sai chứ không phải lính chiến. Giáo sư Chương Thâu, Viện Sử học Hà Nội, lại bênh vực và đồng ý ngữ nghĩa này. Mà thực ra chữ plusieur soldats có nghĩa là nhiều binh lính và chữ missionaires mới có nghĩa là lính thừa sai (tức là giáo sĩ), và chữ quelque mới có nghĩa là (một) vài. Người ta cố tình đổi nghĩa văn tự như vậy để che đậy cái tội vận động chính phủ Pháp vào xâm chiếm nước ta của Linh mục A. De Rhodes năm 1652.


 

Một thí dụ khác, Thánh Kinh Tân Ước xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997. Theo mấy trang đầu và Lời giới thiệu của Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình thì ban dịch thuật cho thấy tên 14 người gồm các linh mục, tu sĩ và những người có hiểu biết chuyên môn về Thánh Kinh và đã để ra hơn 20 năm để nghiên cứu và dịch thuật. Nhưng tôi thấy có nhiều chỗ sai, nhất là chương 15, đoạn 22-26 sách Ma-thi-ơ (Matthew). Các dịch giả đã cố tình dịch sai có hậu ý mà tôi đã vạch rõ trong cuốn Vatican thú tội và xin lỗi? (tái bản lần thứ nhất 2001, tr. 13-18).


 

Vì thế, trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo, trang 184, tôi có đặt câu hỏi: Một con người như thế tại sao có nhiều người nhầm lẫn? Để ca tụng ông bằng những danh từ cao quý... Tôi đưa ra mấy lý do: 1. Thiếu sử liệu; 2. Vài tác giả trích vài câu, vài đoạn rồi ghép lại với nhau, nhưng không đọc hết toàn bài và lồng nó vào trong bối cảnh của tình hình lúc bấy giờ để tìm xem hậu ý của Nguyễn Trường Tộ đang thập thò sau bức màn canh tân là gì? Do đó, vấn đề đúng sai không thể hoàn toàn căn cứ vào số đông mà phải căn cứ vào sử liệu có chính xác hay không. Hơn nữa, chúng ta nên hiểu rằng, lời ca ngợi của Chủ tịch Hồ chí Minh đối với Nguyễn Trường Tộ là mang tính chính trị và tâm lý của một chính khách, chứ không phải là lời phát biểu của một nhà nghiên cứu.


 

3. Nguyễn Trường Tộ yêu nước?


 

Cũng thế, nhằm mục đích chứng minh cho bằng được Nguyễn Trường Tộ có lòng yêu tổ quốc, sử gia Hoàng Thanh Đạm viết: "Sau khi đã mất 6 tỉnh Nam Kỳ, triều đình cuống quýt lo toan cử người sang Pháp chuộc lại, thì Nguyễn Trường Tộ trong di thảo số 36, ngày 7/4/1868, bàn với triều đình nên bãi bỏ việc cử phái bộ đi Pháp... Ông khuyên nên tính kế lâu dài, dần nuôi dưỡng sức ta, dần đi giao thiệp..." (Cách Tân, Sđd, tr. 116). Sử gia họ Hoàng cứ nghĩ Nguyễn Trường Tộ thật sự yêu nước nên mới có cái "cao kiến" ấy, chứ không chịu tìm hiểu tình hình Pháp và Âu châu thời bấy giờ để biết cái hậu ý tại sao ông Việt gian này lại khuyên triều đình nên Bãi bỏ việc cử phái bộ đi Pháp? Tôi xin trả lời hộ sử gia bằng sử liệu dưới đây:


 

"Tình hình Âu châu lúc này rất bất lợi, không cho phép Pháp tiến hành một cuộc chiến tranh mới. Đô đốc La Grandière nhận được lệnh phải từ bỏ mọi dự định chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ...


 

Chính phủ Pháp phản đối mọi biện pháp vũ lực có thể làm nước Pháp lâm vào một cuộc chiến lâu dài với triều đình Huế. Nhưng Đô đốc La Grandière trông đợi ở sự thành công của hành động của ông để đặt chính phủ Pháp trước một sự việc đã rồi. Tân Bộ trưởng Hàng Hải, Rigault de Genouilly, luôn luôn khuyến cáo La Grandière phải tránh tất cả những gì có thể làm cho triều đình Huế lo ngại. Ngày 10/6/1867, ông còn viết cho La Grandière là: Mặc dầu tình trạng (chính trị Âu châu) bớt căng thẳng hơn, nhưng cho tới khi có lệnh mới, ông đừng nghĩ tới chuyện biểu dương lực lượng đối với 3 tỉnh. Cho nên, phản ứng đầu tiên của Rigault de Genouilly khi được tin quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây là bất mãn đối với La Grandière... Điều quan trọng đối với ông (La Grandière, BK) là làm sao khiến triều đình Huế chấp nhận sự việc đã xảy ra (đã chiếm 3 tỉnh miền Tây, BK); ngày 30/6/1867, ông gởi thư cho vua Tự Đức để đề nghị thương lượng, nhưng vua Tự Đức bằng một văn thư lời lẽ cứng rắn, trách cứ La Grandière đã lạm dụng sức mạnh mà xâm phạm quyền lợi của triều đình Huế... Nhà vua còn tỏ ý là sẽ phái sứ giả sang Paris để thương lượng thẳng với chính phủ Pháp" ”(Nguyễn Thế Anh, Sđd, tr. 54, 58-60).


 

Vua Tự Đức nhất quyết không chịu thương thuyết với La Grandière, nên tên thực dân này đã sử dụng đường lối chính trị khác. Theo Phó Tiến sĩ Y. Tsuboi thì: Khi đạo quân bên này không thể áp đảo bên kia được thì tìm một giải pháp chính trị. Người Pháp biết rõ như thế và bằng cách sai một nhân viên mật vụ, Charles Duval, đến Bắc Kỳ với sứ mệnh xúi giục một cuộc nổi loạn chống chính quyền (Huế, BK), liên kết với giáo dân – đó là cuộc nổi loạn do Lê Duy Phụng chỉ huy – họ hướng triều đình Huế đến cuộc đình chiến ở Nam Kỳ (Y.Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy, TP. Hồ Chí Minh, 1990, tr. 261-262).


 

Như vậy, nếu triều đình Huế cử sứ bộ đi Pháp thì La Grandière sẽ bị thượng cấp khiển trách hoặc bãi nhiệm và Đại Nam có thể đã lấy lại được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Sự cố này dĩ nhiên là ông đô đốc, các ông giáo sĩ, những kẻ Việt gian, trong đó có Nguyễn Trường Tộ, không muốn! Đó mới là lý do để ông viết thư khuyên triều đình Bãi bỏ việc cử sứ bộ đi Pháp vào năm 1868, chứ chẳng phải ông Tộ có lòng yêu nước như sử gia Hoàng Thanh Đạm lầm tưởng! Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một đoạn sau, và sẽ dẫn thêm một số sử liệu khác để thấy tâm địa thờ Pháp của Nguyễn Trường Tộ.


 

Biết được hậu ý của ông Tộ, nên trong bài trước tôi viết rõ: "... Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ không được bố cục một cách nhất quán, mà viết theo những biến chuyển của tình hình và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, cũng như theo bối cảnh lịch sử Việt Nam thời đó" (NTT, Sđd, tr. 9) để dối gạt triều đình và cứu nguy cho Pháp!


 

4. Nhà nuôi trẻ


 

Sử gia Hoàng Thanh Đạm viết: "... Một kiến nghị thực tâm thiện chí như thế bị anh Nguyễn Kha thêm vào mấy chữ do Giám mục tình báo Gauthier cử người điều khiển lập tức biến thành một âm mưu hại nước" (HTĐ, Sđd, tr. 122).


 

Như tôi đã viết trong bài, Nguyễn Trường Tộ lộng giả thành chơn; ông đưa ra một vài nhận định trông có vẻ hợp lý để đánh lừa, nhưng mục đích không phải nói cái này mà cái khác, cái hậu ý đàng sau đó. Nói theo kiểu người miền Nam: Nói dậy nhưng không phải dậy. Tôi cũng đã đưa ra hai thí dụ về vai trò của các giáo sĩ thời bấy giờ. Thứ nhất là vụ Linh mục Ân ở Xuân Hòa (Huế). Thứ 2 là vụ Thiên Tân Giáo Án ở Trung Quốc (NTT, tr. 131-135). Thực ra trong lịch sử có rất nhiều trường hợp phản loạn do người Công giáo chủ xướng như Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, chiếm toàn tỉnh Gia Định năm 1835. Giáo sĩ Marchand (cố Du) đóng vai cố vấn và yểm trợ với âm mưu thiết lập một vương quốc Công giáo ly khai. Sau khi triều đình dẹp yên, gần 2000 giáo dân bị chém còn Marchand bị xử lăng trì. Cùng thời, tại Bắc Kỳ, Tạ Văn Phụng được các giáo sĩ đổi tên thành Lê Duy Phụng rồi cùng với giáo dân nổi loạn chống lại triều đình với chiêu bài Khôi phục nhà Lê. Năm 1850 ở Trung Quốc có loạn Thái Bình Thiên Quốc ”của Hồng Tú Toàn với đạo quân Giê Su đánh chiếm nhiều tỉnh.


 

Hiện tượng núp dưới chiếc áo chùng thâm và sử dụng chiêu bài tự do tôn giáo cho mục tiêu chính trị, cũng được công sứ Bonnal cho biết: "Khi một giáo sĩ đã thiết lập được một xứ đạo trong một làng rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người bản xứ từ chối không đóng thuế, tuyên bố không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của ông giáo sĩ, là người đích thân dạy cho giáo dân không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của giám mục..." (Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam, 1858-1897, Hoa Kỳ 1995, tr. 360-361).


 

Ngay cả đến năm 1886 mà ông Linh mục Trần Lục, quản xứ Phát Diệm... nhận phép lành của Giám mục Puginier rồi tiếp viện cho quân Pháp 5000 giáo dân. Vì vậy, chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng bị thất thủ (... père Tran Luc, curé de Phát Diệm Celui-ci avec la bénédiction de Mgr. Puginier vint à la rescousse des Francais avec 5000 chrétiens. Et Ba Dinh fut pris". F. Rouvier, Loin du pays, Paris 1896, p.103-104, cité par le Father Tran Tam Tinh, Dieu et Casar, Paris 10. 1978, pp. 41-42).


 

Ngay gần 100 năm sau thời Nguyễn Trường Tộ, con quạ lúc nào cũng đen:


 

"Những giáo sĩ Công giáo tự động trở nên những tác viên chính trị tạo thành nền tảng quyền lực chính trị của Giáo hội bất cứ nơi nào họ dựng lên những cộng đồng Công giáo" (Avro Manhattan, Catholic Imperialism and World Freedom, London 1952, P.365, NTT, Sđd, tr. 218. Xin xem thêm kế hoạch Liên minh Thánh và lời tuyên bố của Giáo hoàng Phao Lô II trong cuốn NTT, GĐ, Sđd, tr. 153-154).


 

Giám mục Puginier cũng cho biết tín đồ Công giáo là những người Pháp tay trong:


 

"Không có các giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp cũng giống như cua bị bẻ gãy hết càng"(Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes).

 

Hành động của giáo sĩ và giáo dân như thế mà ông Nguyễn Trường Tộ lại đề nghị mỗi tỉnh mở một nhà nuôi trẻ do giám mục tình báo cử người đến điều khiển. Phải chăng, đó không phải là một hành động giúp cua thêm càng, để có được một cuộc tổng nổi dậy cướp chính quyền toàn cõi Việt Nam do chính các giáo sĩ chỉ huy con chiên dưới trướng họ? Sử gia Hoàng Thanh Đạm phê bình chúng tôi như trên, nhưng ông không nêu ra được một chứng cớ nào để cho thấy nếu theo kế sách đó của ông Nguyễn Trường Tộ thì sẽ không có tình trạng nào đáng tiếc xảy ra cho tổ quốc? Giả sử Nguyễn Trường Tộ có thành tâm thiện chí chứ không có âm mưu làm lợi cho Pháp như sử gia Hoàng Thanh Đạm hiểu lầm, thì tôi đoan chắc rằng, kế hoạch này của Nguyễn Trường Tộ sẽ giúp cho Pháp đánh chiếm Việt Nam mau lẹ và rút ngắn thời gian đồng hóa dân tộc ta mà thầy của ông từng chủ trương như tôi đã trình bày (Nguyễn Trường Tộ, Sđd, tr. 118-134 ).


 

5. Trọng tâm phê phán nhắm vào tôn giáo?


 

Đây cũng là một trong những điểm chính mà sử gia họ Hoàng phê bình. Ông còn cẩn thận hơn lúc viết: "Nguyễn Kha dùng tới 77 trang trong 188 trang của luận văn... và Trần Chung Ngọc dành 48 trang trong 70 trang để nói về các vấn đề tôn giáo nhằm phê phán Nguyễn Trường Tộ".


 

Tôi không xem lại để thấy số trang như vậy có đúng không. Nếu có, cũng không phải vì thế mà bài viết của chúng tôi giảm giá trị. Nhưng điều thiếu sót của Hoàng sử gia là không thấy trong hầu hết các bài viết, Nguyễn Trường Tộ đã lồng tư tưởng Thánh Kinh, nói đến giáo hoàng, nhắc tên mấy ông giám mục, linh mục Việt gian và tình báo rồi đề nghị dùng họ vào việc canh tân và những việc khác. Ông Tộ đã sử dụng hầu hết 58 bản chiêu dụ để nói về Thánh Kinh, để thuyết khách theo sách lược của Pháp, của Vatican và của phái đoàn truyền giáo hải ngoại Paris. Dẫu sao, vấn đề quan trọng vẫn không phải ở chỗ tỉ số bao nhiều phần trăm trong bài viết nói về tôn giáo mà vấn đề là bàn đến canh tân (?), tại sao nhà thuyết khách họ Nguyễn lại đem những ý niệm sai lầm về Ki Tô giáo, về Kinh Thánh, Giáo hội, giám mục, linh mục vào hầu hết các bản chiêu dụ với dụng tâm gì? Do đó, nếu chúng tôi có nhiều trang viết về tôn giáo thì đó là điều không thể tránh. Nhưng nếu so với những bản chiêu dụ, chúng tôi thấy Nguyễn Trường Tộ thuyết minh về tôn giáo của ông đến khoảng 90 phần trăm.


 

6. Thực tâm mở trường kỹ thuật?


 

Bài viết trước đây, tôi đã dành gần 20 trang (tr. 110-130) để bàn luận về vấn đề này một cách khá đầy đủ, từ việc tốn kém mua sắm dụng cụ đến việc khao đãi của nhà vua và sự tán đồng chương trình mở trường kỹ thuật của các quan đại thần trong triều. Tôi cũng nêu lên lập luận sai lầm của Linh mục Trương Bá Cần về lý do khiến việc mở trường thất bại, cũng như sự mâu thuẫn giữa lý lịch do Bộ Truyền giáo Paris cho biết và tờ trình về khả năng các thầy giáo mà Tộ và Gauthier trình lên vua Tự Đức. Tôi nghĩ là vì thiếu thận trọng và cố tình đánh bóng cho ông Tộ, nên Linh mục – Tiến sĩ Sử học Trương Bá Cần đã để lại vô số mâu thuẫn và sai lầm trong sách của ông mà tôi sẽ phê bình vào một dịp khác. Lúc phân tích và đối chiếu sự mâu thuẫn này, tôi để đoạn văn trong ngoặc kép và in chữ nghiêng rõ ràng. Nhưng sử gia Hoàng Thanh Đạm trích sai rồi chê tôi, và ca ngợi Nguyễn Trường Tộ điều mà ông ta không hề có. Hoàng Thanh Đạm viết (tr. 122): "Anh (Nguyễn Kha) chứng minh việc thầy giáo không có khả năng là: Một ông thi đậu cử nhân văn chương mà nói là biết phép toán học, bản đồ và điện khí, một ông thì mới gia nhập Hội Truyền giáo, đi học khóa kiến trúc một năm mà nói là thạo môn đồ bản và biết làm cột thu lôi...". Ý cũng như lời của đoạn văn này không có trong bài viết của tôi. Trái lại, tôi trích nguyên văn của Linh mục Trương Bá Cần như sau (NTT, GĐ, tr. 115-117): Theo một tờ phúc trình của Giám mục Gauthier ngày 30 tháng 2 năm Tự Đức 21 (23/02/1868):


 

– "Linh mục Thông (tức là Montrouzies) biết phép toán, bản đồ các nước thiên hạ, in bóng (quang học), điện khí, phân ngũ kim; biết nói có thứ đất thứ đá ấy thì có những giống chi. Nhưng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris, thì Linh mục Montrouzies trước khi nhập Hội Truyền giáo Paris, ngày 01/5/1867 đã đậu cử nhân văn chương.


 

– Linh mục Đồng (tức Renauld) biết phép toán, thiên văn, đo độ số mặt trời mà họa đồ bản, đo thiên xích cho được đi biển, biết phép cầu cao cầu viễn, biết đo đất cho biết nơi nào cao nơi nào thấp, biết bản đồ các nước thiên hạ, biết dùng truyền tin thẳng, biết làm thu lôi trụ ".


 

Nhưng cũng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris thì sau khi học xong chủng viện, Linh mục Renauld gia nhập Hội Truyền giáo Paris 14/10/1866 và theo học một khóa đặc biệt về kiến trúc và họa đồ một năm trước lúc lên đường sang Việt Nam.

 


– Giáo sĩ (tức bác sĩ Hernaiz) không phải linh mục hay tu sĩ mà chỉ là một nhân sĩ tôn giáo nên gọi giáo sĩ như Nguyễn Trường Tộ cũng được gọi là giáo sĩ, thì không dạy học trò được vì nặng tai, nhưng cũng giúp Linh mục Thông mà phân tích các tính ngũ kim ngũ hành. Lại biết làm thuốc. Nhưng tới Việt Nam chưa được mấy ngày giáo sĩ” này do bệnh cũ tái phát đã xin về Pháp lại".


 

– Còn Ca Xanh (nguyên tên là Ca Sa Nhi) là một người thợ máy, trước đã giúp việc tàu Thuận Thiệp, có lẽ do giám mục gặp ở Sài Gòn đem về giới thiệu với triều đình, nhưng Ca Xanh đòi lương quá cao (320 đồng/tháng, tính ra tiền là một ngàn bảy trăm sáu chục quan) và đòi hỏi nhiều điều kiện, nên không dùng" (TBC, Sđd, tr. 49-50).


 

Đoạn văn trên (trong sách của Linh mục Trương Bá Cần, người ca tụng Nguyễn Trường Tộ) đã cho chúng ta thấy sự mâu thuẫn và lừa dối về khả năng của thầy giáo do Nguyễn Trường Tộ và Gauthier mời về để mở trường kỹ thuật hay không? Sử gia Hoàng Thanh Đạm viết bài tranh luận với chúng tôi nhưng trích dẫn sai cả ý lẫn lời. Ông tiếp tục:

 


"Tất cả những chuyện này Trương Bá Cần đều viết rõ trong tác phẩm Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, và Nguyễn Kha đều sử dụng tư liệu của Trương Bá Cần, nhưng anh lờ đi đoạn văn quan trọng của Trương Bá Cần: Triều đình vua Tự Đức lúc bấy giờ chỉ quan tâm tới việc làm sao lấy lại được 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất vào tay Pháp (... nên có 3 chấm, BK). Việc mở trường ở Huế không thành là do sự cản trở của Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình là hai vị quan có thế lực trong triều đình (...) Còn có cả một luồng dư luận khá rộng rãi trong triều đình cũng như ở các tỉnh tỏ ra dè đặt, lo sợ trước ảnh hưởng của các giáo sĩ Pháp (...) Những ngày tháng 4/1868 có một sự phản ứng rất dữ dội của các nho sĩ ở khắp nơi đối với người Công giáo" (TBC, Sđd. tr. 51-53, Hoàng Thanh Đạm, tr. 122-123).


 

Sử gia Hoàng Thanh Đạm trách không đúng. Vì cụ cho đoạn văn đó là quan trọng nhưng tôi không nghĩ như thế. Vì vậy mà tôi không trích chứ không phải lờ đi. Thực ra, tôi đã bác bỏ luận điểm sai lầm của Linh mục Trương Bá Cần về vấn đề thất bại trong việc mở trường và đã viết rõ như sau:


 

"Qua sự khao thưởng như trên mà tôi trích dẫn dài dòng để thấy, triều đình Tự Đức cũng biết chiêu hiền đãi sĩ. Ngay cả việc vua Tự Đức đồng ý đề nghị của Giám mục Gauthier và Giám mục Sohier xây dựng trường sở trên hai mẫu đất nằm giữa nhà thờ Kim Long và tòa Giám mục Huế, theo thư của Giám mục Gauthier viết ngày 31/3/1868 (TBC, Sđd, tr. 50).


 

Nhưng việc mở trường chưa bao giờ được thực hiện. Lý do, theo Linh mục Trương Bá Cần là bị Nguyễn Tri Phương và Vũ Trọng Bình, hai vị quan có thế lực trong triều ngăn cản". Cũng theo Linh mục Trương Bá Cần (Sđd, tr. 52), ngày 31/3/1868, Giám mục Gauthier gởi thư cho Bộ Truyền giáo có đoạn như sau:


 

"Công việc sẽ tiến triển nhanh hơn nếu không có việc cử phái bộ đi Pháp và những sự chậm chạp của xứ này... Trong các quan thượng thư có hai vị cựu trào tìm cách cản trở quyết tâm của nhà vua".


 

Linh mục Trương Bá Cần nêu lý do trên để kết luận vì thế mà trường không mở được. Theo tôi lý do này không đúng.



"Thứ nhất, trong tờ tấu của Cơ Mật Viện, ngày 04/3/1868 mà chúng ta đã thấy ở trên, có Nguyễn Tri Phương và Vũ Trọng Bình đề nghị ban thưởng cho phái bộ và 4 giáo chức. Điều đó cho thấy, nếu hai vị này có ý cản trở thì họ đã không đề nghị vua Tự Đức ban thưởng như vậy.


 

Thứ hai, thư của Giám mục Gauthier gởi cho Bộ Truyền giáo, đề ngày 31/3/1868, nghĩa là 27 ngày sau khi bảy vị đại thần đề nghị ban thưởng cho phái bộ Gauthier... Thư cho biết, vua Tự Đức đồng ý dùng hai mẫu đất để xây trường sở. Sự đồng ý của vua Tự Đức không thể không có sự tham khảo với các đại thần trong đó có Nguyễn Tri Phương và Vũ Trọng Bình. Hơn nữa, Trần Tiễn Thành mới là nhân vật chính trong triều (chức phụ chính) sau vua Tự Đức chứ không phải Nguyễn Tri Phương hoặc Vũ Trọng Bình.


 

Thứ ba, Linh mục Trương Bá Cần trích dẫn chỉ có một đoạn thư gởi cho Bộ Truyền giáo như trên, không nói lên được điều gì cho thấy hai vị thượng thư đó cản trở. Việc trích dẫn như vậy không rõ ràng, không chứng minh được luận điểm mà Linh mục Trương Bá Cần muốn nói.


 

Theo tôi, những lý do chính để việc mở trường không thành vì triều đình Tự Đức quá tin tưởng Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ, trái lại hai ông này thì lừa dối triều đình có hậu ý: Kẻ thì ngu muội chạy theo ngoại bang, người thì khoác áo chùng thâm để làm gián điệp. Sau đây là một số bằng chứng (8 đoạn chữ nghiêng trên là trích nguyên văn trong cuốn NTT, GĐ, tr. 113-115).


 

Sử gia Hoàng Thanh Đạm đọc nhưng không thấy được các chứng cớ tôi đưa ra, nên đã nhận định sai lầm về những sự kiện lịch sử cũng như về người mà mình đang tranh luận. Vì thế ông viết tiếp:


 

"Rõ ràng việc mở trường ở Huế không thành là do nguyên nhân thời thế chứ không phải do giám mục Gôchiê và Nguyễn Trường Tộ là người đã cất công đi lo toan việc này trở mặt đánh lừa nhà vua bằng cách chọn thầy dạy học thiếu năng lực. Vả lại có ai cấm một cử nhân văn học mà có thêm hiểu biết về kỹ thuật, một linh mục học về kiến trúc một năm mà có được khả năng dạy vẽ đồ bản và cách làm cột thu lôi. Lời buộc tội của hai bạn Nguyễn Kha và Trần Chung Ngọc thật là gượng ép" (HTĐ, Sđd, tr. 123).


 

Về nội dung đoạn văn này, tôi không những đồng ý cách đánh giá của sử gia Hoàng Thanh Đạm về khả năng thầy giáo, mà còn muốn nói thêm rằng bằng cấp chỉ là một nấc thang giá trị nào đó của học vấn, chứ nó không nhất thiết sẽ cho thấy kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ. Một chuyên gia không cần có bằng cấp nhưng có thể có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về vấn đề mà mình muốn dạy cho người khác. Trong bài tôi không hề nói ông thầy giáo này chỉ có bằng cử nhân văn chương, ông linh mục kia chỉ có bằng kiến trúc sư... Mà tôi trích văn thư của Bộ Truyền giáo qua Linh mục Trương Bá Cần. Rất mong sử gia Hoàng Thanh Đạm nên đọc kỹ hơn lúc tranh luận để tránh tình trạng trật đường rầy (out of context).


 

Giả sử không có ai cản ngăn và không vì hoàn cảnh... như Linh mục Trương Bá Cần nêu ra, nghĩa là trường kỹ thuật được mở như dự liệu, thì xin sử gia Hoàng Thanh Đạm cho biết bốn ông thầy giáo nêu trên với khả năng và tư cách (mà Bộ Truyền giáo của họ cho biết) như thế, liệu họ có thể dạy cho trường kỹ thuật được không? Tôi nghĩ không. Nhưng nếu có ai trả lời có thì câu hỏi khác được nêu ra: Thầy trò ông tình báo Gauthier – Nguyễn Trường Tộ một mặt: Muốn biến Bắc Kỳ trở thành một nước Pháp nhỏ rồi đồng hóa toàn dân An Nam như tài liệu mật đã cho thấy, mặt khác lại muốn giúp dân An Nam tiến lên để giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân qua con đường giáo dục kỹ thuật, phải chăng không có một sự mâu thuẫn quá lớn?


 

Trong sách (từ tr. 117-129), tôi đã dẫn sáu sử liệu mật của Pháp cho thấy Giám mục Gauthier là một tên gián điệp nguy hiểm nhất tại Việt Nam thời bấy giờ, ông ta chỉ thua ông giám mục gian ác nhất, Puginier, có một bậc! Còn Nguyễn Trường Tộ 20 năm ròng rã, từ trước lúc ra cửa Mành Sơn, phụ sức làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm vào năm 1858, đến lúc lao xao mở trường kỹ thuật vào 1868 và đến lúc chết, năm 1871, vai kề vai lòng cạnh lòng với ông gián điệp Gauthier mà không biết ông ta là gián điệp, có ai tin nổi điều đó không? Câu thầy sao trò vậy, và "Cho tôi biết anh lân la với ai tôi sẽ nói anh thuộc thành phần nào" (Dire moi qui tu hantes je dirai qui tu es) sẽ không sai trong trường hợp Nguyễn Trường Tộ.


 

Giả thiết Nguyễn Trường Tộ thật tình không biết thầy mình là tên gián điệp phá nước mình, hại dân ta, thì việc ông lớn tiếng tự khoe cái gì cũng biết (NTT, GĐ, tr. 177) sẽ trở thành một kẻ đại ngôn khoác lác và dối trá. Nếu biết mà không tố cáo lại còn viết: "... xin giám mục giúp đỡ... Đừng cho giám mục biết tôi đã bàn với triều đình như thế... Những việc Giám mục Gauthier có thể giúp". Như vậy thì quả thật đó là một loại ngôn ngữ kiểu gián điệp để đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin. Chúng ta nên dùng ngữ nghĩa nào để đánh giá Nguyễn Trường Tộ đây?


 

7. Bình Tây sát Tả?


 

Sử gia Hoàng Thanh Đạm cho chúng tôi có tư tưởng Bình Tây sát Tả. Đó là lời cáo buộc chỉ đúng một nửa, Bình Tây. Cũng như nghĩ rằng, chúng tôi viết bài theo lối đặt hàng, và không muốn nước nhà canh tân đổi mới. Xin trả lại những ý nghĩ không có cơ sở và vu khống này cho sử gia. Mong rằng, không nên cáo buộc bất cứ người nào lúc mình không có bằng chứng.


 

Vì thế, như trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo, chúng tôi đã chứng minh rằng tại Đại Nam, các tín đồ Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo không bao giờ bị triều đình hay vua chúa trừng phạt, nhưng chỉ có các tín đồ đạo Ki Tô bị mà thôi vì lý do như đã nêu trên. Đó là mấu chốt của vấn đề, chứ chẳng phải có gì khó hiểu để sử gia Hoàng Thanh Đạm cho rằng, chúng tôi không hiểu được cái "nghịch lý của thời cuộc,nghịch lý tôn giáo và nghịch lý của triều đình".


 

Để rõ hơn, chúng ta nên lắng nghe những lời phát biểu sau đây:


 

Giáo sư Lý Chánh Trung, một trí thức Công giáo trong cuốn Tôn giáo và dân tộc phát biểu rằng: "Đặt mình vào địa vị của các vua quan nhà Nguyễn thời bấy giờ, chúng ta cũng không thể làm khác hơn được".


 

Đô đốc R.de Genouilly cũng khẳng định: "Không một nền cai trị nào, dù là phục vụ cho đạo Công giáo, lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên và ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ (các giáo sĩ, BK)".


 

Gauthier là một tên gián điệp cao cấp, tôi đã chứng minh bằng sáu tài liệu mật không thể chối cãi! Vì vậy, cựu thẩm phán Charlie Nguyễn, vốn là một trí thức Công giáo, đã hô lớn: Cách mạng 1 tháng 11 năm 1963 Muôn Năm. Điện Biên Phủ Muôn Năm. Bình Tây Sát Tả Muôn Năm (Charlie Nguyễn, Công giáo trên bờ vực thẳm, GĐ, Hè 2001).


 

Mặc dầu chúng tôi chỉ đồng ý việc bình Tây mà không sát Tả, nhưng mỗi người có một cách nhìn chủ quan nhưng cùng phát xuất từ tinh thần yêu nước như chúng ta. Vì thế, suy nghĩ chín chắn và nhìn lịch sử theo chiều dài của nó, từ đó có thể rút ra được một bài học để tránh những tái phạm.


 

 *****

 

NHỮNG MÂU THUẪN VÀ SAI THỰC TẾ


 

Để thấy rõ hơn về ông Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi tóm lược một số mâu thuẫn và sai thực tế giữa ý kiến của chính ông và với tình hình chính trị cũng như thực trạng xã hội lúc bấy giờ.


 

1.Nguyễn Trường Tộ: "Ai hòa với họ là phúc, chống lại họ là họa... hòa với Pháp là thượng sách... nên cho lính nghỉ ngơi... để Pháp giữ bờ cõi cho mình như có hổ báo trong rừng thì chồn cáo không dám bén mảng tới... Quân ta mới nghe thanh thế Pháp đã phách lạc hồn xiêu...". Nhưng các tài liệu mật của Pháp cho thấy từ 1858 đến năm 1863, tình hình quân đội Pháp tại Việt Nam vô cùng nguy kịch. Họ có ý định rút về và bỏ hẳn mọi mưu toan đánh chiếm Việt Nam. Hơn nữa, lúc tổ quốc lâm nguy, giang sơn bị quân thù chiếm đóng mà cho lính nghỉ ngơi thay vì tổng động viên. Một danh nhân cho đất nước nào mà kỳ quái đến thế?

 


2.Nguyễn Trường Tộ: Tại sao giết giáo sĩ. Ý kiến của Đô đốc R. de Genouilly: "Không một nền cai trị nào, dẫu phục vụ cho đạo Công giáo, lại có thể dung thứ...".


 

3. Nguyễn Trường Tộ: ... Giáo sĩ thì họ chỉ lấy việc mở rộng đạo giáo chống gian tà, ... chẳng liên quan gì đến việc tranh thành tranh đất cả. Nhưng Đô đốc Bonard (ngày 24/7/1862) cho biết: "Nếu những ai nối vị vua Gia Long mà không theo ý của các ông giáo sĩ, thì họ sẽ phủ nhận tính chính thống của vua này, và khi lật đổ được triều đình hiện tại, thì sẽ bầu lên một ông vua khác theo ý họ... Còn tu sĩ dòng Dominique Tây Ban Nha, thường chiếm cứ miền thượng du Bắc Việt, họ lại còn bất trị hơn".


 

4. Nguyễn Trường Tộ: "Lúc đầu dân bản xứ xem họ như thù địch, dần dần chịu gần gũi... những người dân ở đây đã học được hết những kỹ xảo của người phương Tây, cho nên không đầy 100 năm sau đã đuổi được người phương Tây ra khỏi đất mình... Họ là kẻ vỡ hoang mà ta thì hưởng cái thành quả!". Tộ viết như vậy để thuyết phục triều đình Đại Nam hợp tác với Pháp. Nhưng lịch sử cấu trúc của Hoa Kỳ không cho thấy như thế. Ông viết tiếp: "Xin kể ra các phương pháp làm hột nổ và đúc súng, đúc kim loại, cùng các môn quang học, cơ học, hóa học, khai thác mỏ than". Nhưng đọc trong bài và kể cả các bài chiêu dụ khác chúng ta cũng không thấy ông nêu ra một phương pháp nào cả.


 

5. Nguyễn Trường Tộ: "Rồi ta lại qua nước La Mã thông hiếu với Giáo hoàng... để nhờ giúp đỡ". Nhưng kể từ Giáo hoàng Innocent X, năm 1652, đến những ông giáo hoàng kế tiếp, tất cả đều vận động để Pháp chiếm nước ta. Dưới đây, là vài sử liệu thu gọn:

 


Bí thư của phái đoàn Pháp ở Trung Hoa tiếp xúc với các đại diện giáo hoàng ở Thái Lan, Đại Nam và Campuchia. Căn cứ vào các tin tức do những người này cung cấp, chính phủ Pháp đã quyết định phái Montigny thực hiện sứ mệnh trong vùng này... các vận động được hỗ trợ bằng sự can thiệp của các nhân vật quan trọng như Tổng Giám mục Bonnechose ở Rouen và của chính Hoàng hậu, bà này đã thuyết phục được vua, dù lúc đó vua không có kế hoạch thực dân nào rõ rệt. Các vận động này được thực hiện bởi hai người truyền giáo: Linh mục Huc, ... cựu đại diện giáo hoàng ở Trung Hoa... và Giám mục Pellerin đại diện giáo hoàng tại Bắc – Nam Kỳ... Kế đến tháng 11, Giám mục Pellerin đi Roma, Giáo hoàng Pie IX tán thành các vận động... (đánh chiếm Đại Nam, BK). Do đó, tôi đã kết luận: Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình thương hiếu với giáo hoàng cũng tương tự như khuyên cha mẹ gởi con cho cọp.


 

6. Nguyễn Trường Tộ: Gấprút việc sửa đổi võ bị. Nhưng về chiến lược, thì ông cóp nhặt ý trong cuốn Tôn Ngô binh pháp. Về binh, ông khuyên nên cho lính nghỉ ngơi thay vì phải tổng động viên, phải nghiên cứu phương pháp huấn luyện như thế nào, đánh theo cách nào cho hợp với tình hình mới và các phong trào nghĩa quân hiện có nên chỉnh đốn bổ túc thế nào để chống Pháp có hiệu quả hơn... Giả sử đất nước có điều kiện và phương pháp để canh tân, và ngay cả trong thời bình, cũng cần binh lính để giữ an ninh trật tự, huống nữa là thời chiến mà lính thì ông Tộ khuyên nên cho nghỉ ngơi. Thật là nghịch lý!


 

Còn giải pháp nhờ người Anh huấn luyện lính cho ta mà ông Tộ đề cập trong bài Lục lợi từ, tôi đã chứng minh là không thể thực hiện được. Hơn nữa, dụng tâm chính của Tộ là dụ triều đình gởi con cho cọp. Tất cả các bài chiêu dụ, trong đó có bài Lục lợi từ, của Tộ cũng được viết theo tình hình chính trị của Pháp và Việt Nam thời bấy giờ để bủa lưới, nhưng được ngụy trang và theo lối tình báo để che đậy cái hậu ý của mình, chứ chẳng phải canh tân canh cải gì đâu mà lầm! Để rõ hơn xin mời độc giả đọc tiếp dưới đây.


 

7. Nguyễn Trường Tộ: Giờ đây trong số các quan viên văn võ có những vị nào quê ở lục tỉnh Nam Kỳ, triều đình phải đặc biệt ưu ái họ. Cho họ thường xuyên về thăm anh em họ hàng. Phải đãi ngộ họ thân mật nồng nàn hơn trước, khuyên bà con họ hàng của họ không nên dời nhà cửa đi nơi khác, đừng lánh đi xa (di thảo số 27, TBC, Sđd, tr. 239). Tại sao Tộ khuyên như vậy?

 


Vì dân Nam Kỳ lúc đó đã làm cho thực dân khó bình định các vùng mới chiếm, như sử gia Chesneaux mô tả: "Cuộc ra đi hàng loạt của các bậc sĩ phu và của dân chúng, rời bỏ các tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị người Pháp chiếm đóng, để về vùng tự do ở miền Tây và tổ chức kháng chiến.


 

Thái độ bất hợp tác chung khắp nơi đó buộc các đô đốc toàn quyền, muốn duy trì bộ máy hành chính Pháp tại Nam Kỳ, chỉ còn sử dụng được một số tối thiểu những công chức An Nam (phiên dịch, thư ký...) mà thôi. Và duy chỉ có những phần tử kém hạnh kiểm nhất trong dân, tình nguyện đứng ra phục vụ cho những ông chủ mới".


 

Đề đốc Rieunier, về sau, nói rằng: "Chúng tôi chỉ có những giáo dân và bọn du thủ du thực" (xin xem thêm NTT, Sđd, tr. 59-65). Đó là thêm một bằng chứng cho thấy cái tâm địa và hành trạng của Nguyễn Trường Tộ, là một người phục vụ những ông chủ mới, một phần tử trong những giáo dân và bọn du thủ du thực núp dưới chiêu bài canh tân! Chúng ta nên thận trọng, chớ lầm.

 

8. Nguyễn Trường Tộ:Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định, viết ngày 9/2/1871.

 

Vì tình yêu tổ quốc và tự ái dân tộc, nên cụm từ Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định dễ khiến chúng ta có nhiều thiện cảm và kính trọng Nguyễn Trường Tộ, tác giả của kế hoạch. Sử gia Hoàng Thanh Đạm cũng nằm trong cái tâm tư yêu nước đáng quý ấy nên ông viết:


 

"Thế rồi thời thế chuyển biến: Năm 1870 nổ ra chiến tranh Pháp – Phổ. Pháp thua to, vua Pháp Louis Bonaparte bị bắt làm tù binh tháng 9/1870, rồi nổ ra cách mạng Công xã Paris tháng 3/1871. Nguyễn Trường Tộ thấy rõ đây là một cơ hội rất tốt phù hợp với điều ông dự đoán cơ hội khôi phục phải sau 10 năm (NTT, tr. 116). Từ tháng 2 đến tháng 5/1871, ông liên tục viết 7 bản điều trần liên quan đến kế sách khôi phục: Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh Nam kỳ, Bổ túc kế hoạch đánh úp thành Gia Định... (HTĐ, Sđd, tr. 116-117).


 

Sử gia bị thu hồn vào mấy chữ kế hoạch thu hồi, kế hoạch đánh úp, cũng như kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, chú trọng thực dụng, phải đổi mới, canh tân, ..., rồi cứ thế mà ca tụng ông Tộ lên tận mây xanh, chứ không chịu tìm hiểu xem các đề nghị được lồng dưới các cụm từ hoa mỹ đó có gì mâu thuẫn, khả thi và dụng tâm của Nguyễn Trường Tộ là gì? Tôi nghĩ rằng, Hoàng sử gia không phải nhọc công nghiên cứu ông Tộ đến 20 năm, mà chỉ cần khách quan tìm hiểu các đề nghị rồi đối chiếu với sử liệu, là sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng vì những mâu thuẫn nội tại, sai lầm, phi lý và dối trá trong hầu hết 58 bài chiêu dụ của ông, và đặc biệt, cái gọi là Bổtúc kế hoạch đánh úp Gia Định.


 

Thật vậy, trước đó 7 năm (1863), ông đề nghị cho lính nghỉ ngơi để thực dân Pháp giữ bờ cõi cho mình. Năm 1868, La Grandière bất chấp lệnh của chính phủ ông là Không được chiếm 3 tỉnh miền TâyNam Kỳ, nhưng y vẫn làm. Vua Tự Đức phản đối việc này và định cử sứ bộ qua Pháp tố cáo La Grandière đã lạm quyền và đòi trả lại 3 tỉnh mới chiếm. Nếu sứ bộ đi Pháp thì có thể 3 tỉnh ấy đã được trao trả, nhưng ông Tộ viết bài chiêu dụ cản ngăn. Đến nay (1870), Pháp thua Phổ nhưng đã cho lính nghỉ ngơi từ lâu lấy ai để đánh? Ông lại bày mưu đánh. Nhưng đề nghị bí mật tuyển người từ Bắc, Trung và một số khác tại địa phương, chứ không hề đề cập đến các phong trào đang kháng Pháp tại Nam Kỳ, như Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực..., và kêu gọi họ hợp tác hay ủng hộ để đuổi kẻ thù chung? Nguyễn Trường Tộ còn nói ông cũng vào Gia Định để chỉ huy nhưng ngụy trang đi giảng đạo, và đồng thời báo tin cho ông Giám mục tình báo Ngô Gia Hậu (Gauthier) biết. Trong bài chiêu dụ này, có thêm vài chi tiết rất quan trọng khác chúng ta cần lưu ý:


 

a. Ông Tộ tiết lộ: "Như lần trước, lúc tôi ở Gia Định, nguyên soái Gia Định đã nhiều lần muốn đem công việc bộ Công giao hết cho tôi"(TBC, Sđd, tr. 327). Điều này cho thấy ông ta được Đô đốc La Grandière tin dùng đến mức đem công việc bộ Công giao hết cho y.


 

b. Nguyễn Trường Tộ viết: "Đến đêm khởi sự, một mặt tôi dùng kế (Khoản này các câu bẩm trước chưa nói đến) phá đê ngăn nước thì các thuyền Tây ở mặt dưới, không kể lớn nhỏ đều bị chìm hoặc bị vùi dưới bùn, hoặc trôi xuống ngã ba mà tan rã hết" (TBC, Sđd, tr. 330). Tại Gia Định, và cả miền lục tỉnh, làm gì có sông nào, đê nào ngăn nước để phá và thuyền sẽ bị chôn vùi?


 

Và dưới đây là một đề nghị hết sức quan trọng:


 

c. Nếu Nguyễn Trường Tộ đề nghị đánh gấp, thì ông ta quả tình là một người yêu nước không còn phải bàn cãi. Nhưng rất tiếc, ông viết: "Kế này phải đòi hỏi khoảng hai năm mới thành"(TBC, Sđd, tr. 331). Thời gian hai năm đã tố cáo cái dã tâm của ông. Thế mà một sử gia đã nghiên cứu ông ta đến hơn 20 năm mà vẫn không thấy hoặc cố tình không muốn thấy?


 

Thật vậy, ông Tộ nói đến chuyện đánh nhưng không phải đánh ngay bây giờ; sau tháng 9/1870, thời cơ đã đến, mà phải hai năm sau, tức là 1873. Tại sao vậy? Vì nếu đánh bây giờ thì ta nhất định thắng mà Pháp chắc chắn thua. Đó là điều mà ông Tộ, những người Việt gian và thực dân không bao giờ muốn! Cáo buộc Nguyễn Trường Tộ không muốn Đại Nam thắng Pháp có oan không, chứng minh?


 

Một, như trên đã nói, ông Tộ đề nghị sử dụng những thường dân (không phải lính) chiêu mộ từ Bắc, Trung, Nam chứ không kêu gọi nghĩa quân tại địa phương, người vừa có tinh thần chiến đấu vừa đã được huấn luyện và có kinh nghiệm..., thì làm sao thắng được?


 

Hai, lịch sử cho thấy nếu đánh vào giai đoạn sau tháng 9/1870 Đại Nam nhất định thắng. Dưới đây là sử liệu:


 

"Ở Âu châu, chiến tranh bùng nổ giữa nước Pháp và nước Phổ ngày 19/7/1870, nhưng mãi tới ngày 5/8/1870 tin ấy mới tới Sài Gòn. Cornulier-Lucinere vội cho tổ chức sự phòng thủ sông Sài Gòn vì sợ rằng triều đình Huế thừa cơ hội mà tiến quân xuống miền Nam hay ra lệnh cho lục tỉnh Nam Kỳ nổi loạn. Song cả cho đến ngày 25/9/ 1870 là khi tin quân Pháp đại bại ở Sedan tới Sài Gòn, triều đình Huế vẫn án binh bất động. Quốc triều chánh biên toát yếu chép là: Năm Canh Ngọ tháng 9, nước Đại Pháp đánh với Phổ Lỗ Sĩ, quan Pháp soái thương cho ta biết, ngài khiến quan thương bạc hỏi thăm. Thái độ của triều đình Huế còn kỳ quặc hơn khi triều đình tỏ lòng mong muốn quân Pháp sẽ rút khỏi Nam Kỳ để trở về Pháp cứu vãn tổ quốc lâm nguy. Triều đình đã hoàn toàn không lợi dụng những nỗi khó khăn của Pháp khi nền đệ nhị thể chế sụp đổ thay thế bởi một chính thể cộng hòa, và khi mà quân Pháp bị cô lập ở Nam Kỳ" (Nguyễn Thế Anh, Sđd, tr. 66).


 

Tình hình chín muồi như vậy, nếu không đánh ngay thì mấy tháng sau đó phải đánh, nhưng Nguyễn Trường Tộ khuyên phải hai năm sau. Ông ta yêu nước nào mà lạ đến thế?


 

Mấy hàng đầu của bài Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh (viết trước bài Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định 8 ngày), ông Tộ nói: "Đại phàm việc thiên hạ, để thời cơ trôi qua mà hối tiếc... gặp thời làm được thì gấp rút ra tay, không bỏ lỡ cơ hội".


 

Nói một đường làm một nẻo, một người mâu thuẫn dối trá không biết ngượng, thế mà sử gia Hoàng Thanh Đạm cứ cặm cụi ca tụng một danh nhân văn hóa, một người đã lao tâm khổ tứ lo cho dân cho nước!


 

Giả sử triều đình bị mắc lừa bởi kế hoạch của ông Tộ, hai năm sau mới đánh, thì kết quả sẽ thế nào? Hai năm sau tức là năm 1873. Lúc này Đại Nam ở vào thế rất yếu còn Pháp rất mạnh, khó lòng thắng. Vì tại chính quốc, tình hình chính trị đã được ổn định, chính phủ mới đã được thành lập. Tại thuộc địa, Pháp đã bình định 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ được 11 năm, và 3 tỉnh miền Tây được 6 năm. Họ rất rảnh tay. Còn tại Bắc Kỳ, chính phủ Pháp ngăn cấm Đô đốc Dupré về một cuộc phiêu lưu mới tại Bắc Kỳ, nhưng cũng giống như La Grandière, ông ta không tuân lệnh thượng cấp. Và các viên chức trong tòa lãnh sự Pháp tại Trung Hoa cũng muốn chính phủ họ chiếm Bắc Kỳ như Dupré. Sử liệu cho thấy:


 

Vào năm 1873, lãnh sự Pháp ở Quảng Đông, Bá tước Chappedelaine, báo cáo về Paris như sau: Ở Bắc Kỳ, quan lại An Nam bị thù ghét dữ dội. Không phải dùng đến 2000 người và 4 tuần dương hạm, mà chỉ cần phái một tuần dương hạm cùng vài pháo hạm và một đại đội thủy quân lục chiến tới cửa sông Hồng Hà là đủ làm xứ Bắc Kỳ trở thành một thuộc địa Pháp (J. Dupis, Le Tonkin de 1872 à 1886, Histoire et Politique. Paris, 1910, p. 125. Dẫn theo Nguyễn Thế Anh, Sđd, tr. 81). Nguyễn Trường Tộ, một người yêu nước, cao kiến, sáng kiến lớn là thế đấy!


 

Trên đây là vài phân tích để thấy cái hậu ý và âm mưu Đánh úp Gia Định của Nguyễn Trường Tộ! Nếu nhìn kế sách này dưới khía cạnh tình báo, gián điệp và phản gián, chúng ta sẽ biết thêm một số dụng tâm khác của Nguyễn Trường Tộ lúc đề nghị phải hai năm nữa mới đánh chứ không phải bây giờ. Mời độc giả đọc mục số 9 kế tiếp, để hiểu rõ thêm cái dụng tâm của ông.


 

9. Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh: viết ngày 01/02/1871, và Kế hoạch đánh úp Gia Định viết ngày 9/02/1871. Hai bài này viết cách nhau chỉ có 8 ngày, mâu thuẫn nhau và cũng được viết theo kiểu nước rút. Tại sao vậy? Vì tình hình chính trị và quân sự của Pháp quá nguy khốn như sử liệu dẫn trên cho thấy. Tại chính quốc, Pháp bị bối rối vì thua Phổ. Triều đình Napoleon III bị giải tán, chính phủ mới chưa thành lập, một quốc gia vô chủ. Đó chính là thời điểm nghìn năm một thuở để đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước bằng võ lực, nhưng triều đình vua Tự Đức lại quá ngây thơ không chịu đánh. Dẫu vậy, quân đội Pháp tại Nam Kỳ dĩ nhiên là thấp thỏm đứng ngồi không yên vì run sợ một trận đánh úp của quân đội Đại Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, ông Tộ hẳn được lệnh quan thầy phải gấp rút viết các bài chiêu dụ, để kẻ thù của Pháp sử dụng con đường ngoại giao thay vì quân sự. Trong đó có việc cử phái đoàn đi Pháp, đi Anh và Y Pha Nho để vận động xin lại phần lãnh thổ bị chiếm, chứ không dùng võ trang. Đó là kế đẩy đối phương (Đại Nam) về hướng khác, hướng ngoại giao.


 

Tuy vậy, khuyên theo kế sách ngoại giao trông lộ liễu và phi lý quá đáng! Hơn nữa, để cầm chắc triều đình Đại Nam theo con đường đi xin chứ không dùng võ lực, nên 8 ngày sau, ông Tộ lại viết bài chiêu dụ Kế hoạch đánh úp Gia Định nhằm nhận diện xem ai xuất hiện đề nghị đánh, thì Pháp sẽ tiêu diệt ngay từ đầu. Và nhóm nào muốn đánh nhưng không thể bắt hoặc cản ngăn được thì dùng kế hoãn binh, khuyên không nên đánh bây giờ mà phải hai năm sau, như đã phân tích ở mục số 8 nói trên!


 

Nói gọn, thời vua Tự Đức có hai cơ hội tốt nhất để đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. Cơ hội một là từ 1858 đến 1863. Nếu toàn dân và triều đình một lòng quyết chiến chứ không hòa thì Pháp đã rút khỏi Đại Nam như đã chứng minh ở phần trước. Nhưng ông Tộ khuyên nên cho lính nghỉ ngơi, hợp tác và để Pháp giữ bờ cõi cho mình! Cơ hội hai là từ tháng 9 năm 1870 đến nửa năm 1871, Pháp thua Phổ, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Pháp bị rối loạn. Đó là một cơ may hiếm có, nếu đánh thì tất thắng, nhưng ông Tộ khuyên nên theo đường lối ngoại giao. Tuy vậy, vẫn sợ quân đội Đại Nam có thể đánh, nên ông cũng bày ra chuyện đánh, nhưng không đánh bây giờ, mà phải hai năm sau.


 

Rõ hơn, mặc dầu Hoàng sử gia hồ hởi ca ngợi, nhưng thực sự 7 bài viết của ông Tộ từ tháng 2 đến tháng 5/1871, chỉ xoáy vào một trọng điểm mang tính sinh tử cho số phận, chiến lược và chính sách thuộc địa của Pháp là tránh, đừng để Đại nam sử dụng vũ lực đối với quân Pháp tại Nam Kỳ. Và nếu để ý thêm, chúng ta sẽ thấy rằng, hầu hết 58 bài chiêu dụ của Nguyễn Trường Tộ cũng chỉ nhắm vào hai điểm then chốt.


 

Một, bằng mọi cách, phải kêu gọi hòa và hợp tác chứ đừng bao giờ để quân dân Đại Nam sử dụng võ lực đối với thực dân Pháp.


 

Hai, sử dụng tất cả các thủ đoạn chính trị lươn lẹo để đưa các ông giám mục, linh mục lọt vào hầu hết các cơ quan công quyền nhằm Công giáo hóa rồi Pháp hóa dân tộc ta. Để che đậy các âm mưu ấy, ông Tộ phải giả vờ nguyền rủa Pháp, phải sử dụng những danh từ hoa mỹ, phải bày ra chương trình này, kế hoạch nọ để đánh lạc hướng và đẩy triều đình theo con đường mà thực dân Pháp và Vatican mong muốn.


 

Cũng thế, hành động của ông Tộ giống như ông Huỳnh Văn Trọng, một điệp viên tình báo cao cấp của miền Bắc, được gài vào chức cố vấn cho cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ông Trọng phải giả bộ nguyền rủa Bác và Đảng, phải chê bai các nước Cộng sản thậm tệ, phải năng nổ bày ra kế hoạch này chính sách nọ..., mới có thể che được mắt cơ quan tình báo của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, để hoàn thành nhiệm vụ mà đảng và nhà nước đã tin tưởng giao phó.

 


Dưới đây, tôi sẽ phân tích một bài chiêu dụ khác của ông Tộ để thấy rõ thêm rằng, cứ mỗi bài viết, ông đều hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình và quyền lợi của thực dân Pháp và của Vatican.


 

10. Nguyễn Trường Tộ chỉ nhắc tên các giáo sĩ: Cùng thời với ông có những tấm lòng muốn canh tân đất nước như: Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Phan Thanh Giản... và các sĩ phu yêu nước như: Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Quản Thanh, Quản Lịch... Nguyễn Trường Tộ được gán cho hai chữ canh tân và yêu nước, nhưng đọc tất cả 58 bản điều trần, chúng ta không thấy có chỗ nào ông Tộ nhắc đến tên vài người Việt Nam yêu nước, hoặc nêu tên một vài sĩ phu nói trên để dùng vào việc canh tân, vào việc đánh úp ”mà chỉ thấy ông lặp đi lặp lại nhiều lần tên giáo hoàng, các giáo sĩ thực dân và giáo sĩ Việt gian. Tại sao vậy? Chúng ta nên nghe cuộc đối thoại giữa ông Toàn quyền de Lanessan và Giám mục Puginier như sau:


 

De Lanessan: Theo ông thì nước Pháp nên đối xử với tầng lớp sĩ phu như thế nào?

 

Puginier: Phải thủ tiêu họ đi.

 

De Lanessan: Tại sao?


 

Puginier: Vì các sĩ phu có một ảnh hưởng rất lớn, một uy tín rất lớn; họ được kính trọng khi họ ra làm quan, cho nên cần thiết phải thủ tiêu họ đi. Chừng nào tầng lớp sĩ phu còn, thì chúng ta còn phải lo sợ tất cả, bởi vì với lòng yêu nước nồng nàn, họ không thể nào chấp nhận nền đô hộ của chúng ta. Còn một điều nữa là chẳng ai trong họ chịu theo đạo Công giáo cả (Nguyễn Xuân Thọ, Sđd, tr. 436-437).


 

Chúng ta nhớ rằng, Gauthier (thầy của ông Tộ) là thuộc hạ của Puginier tại Việt Nam vào giai đoạn ấy. Đó là lý do để giải thích tại sao Tộ không bao giờ nhắc đến tên một sĩ phu nào ngoại trừ các giáo sĩ thực dân và giáo sĩ Việt gian.


 

Đầy dẫy những mâu thuẫn và sai lầm trong 58 bài chiêu dụ của ông Tộ, trong sách Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo của Linh mục Trương Bá Cần cũng như trong cuốn Nguyễn Trường Tộ, thời thế và tư duy cách tân của Hoàng Thanh Đạm. Nhưng, bài này chỉ liệt kê 10 trường hợp tiêu biểu nhân lúc viết về một chương sách mà Hoàng sử gia đề cập đến cuốn sách của chúng tôi.


 

KẾT LUẬN


 

Như tôi đã viết trong bài trước đây, đọc hết 58 bản chiêu dụ của Nguyễn Trường Tộ, một vài chỗ ông tỏ ra thành khẩn, có lòng yêu nước và vài đề nghị hợp lý như cải cách phong tục, chỉ huy đào Thiết Cảng. Về kiến thức, so với những thanh niên Việt Nam khác lúc bấy giờ vào tuổi khoảng 35, thì Nguyễn Trường Tộ là người xuất sắc nhờ chu du nhiều nước. Nhưng về những đề nghị gọi là cải cách của Nguyễn Trường Tộ, thì dưới đây là một bức tranh khá chính xác về ông ta:


 

1. Ý thức hệ chủ đạo: ông Tộ phán: Tạo vật đã định như vậy, sao cưỡng được.


 

2. Lúc đất nước lâm nguy: tình trạng quân Pháp suy thoái nguy hiểm muốn rút về, ông khuyên triều đình cho lính nghỉ ngơi (đầu hàng vô điều kiện).

 


3. Về thế Quốc tế: Thương hiếu với Giáo hoàng La Mã, như gởi con cho cọp.

 

4. Cố vấn: Ông Giám mục tình báo Gauthier có thể giúp.


 

5. Trường kỹ thuật: Được điều hành bởi 3 ông linh mục không có khả năng, còn ông Ca Xanh đòi lương quá cao và nhiều điều kiện không thể dùng.


 

6. Nhà giữ trẻ, viện mồ côi: giám mục tình báo sẽ cử người coi sóc để tạo một mạng lưới gián điệp cùng cả nước.


 

7. Canh tân đất nước: Có 4 ông linh mục Việt gian phụ trách: Nguyễn Huấn, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều và Nguyễn Lâu.

 


Như thế, từ tư tưởng chủ đạo, từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, từ ông có thế lực đến gã cố vấn, nhân viên thừa hành đều do ngoại bang, gián điệp và các tên giáo sĩ Việt gian điều khiển hết!


 

Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, Nguyễn Trường Tộ cũng như Giám mục Gauthier là hai tên tình báo song hành, đồng tác giả của 58 bản chiêu dụ, trong đó, ý của Gauthier nhưng lời là của Nguyễn Trường Tộ. Thông qua qua Gauthier, Pháp và Vatican muốn ông Tộ phải viết như thế nào, lộng giả thành chơn và ngụy trang như thế nào, để có thể dụ được triều đình Đại Nam lọt vào các bẫy sập của chúng. Vì thế, nên chúng ta không lấy làm lạ là tại sao những ý kiến trong các bài khuyến dụ của ông lại vừa thuận lợi cho tình hình quân đội Pháp tại Đại Nam và nhiều bài lại mâu thuẫn với nhau (tiền hậu bất nhất), lộng giả thành chơn, núp dước chiêu bài canh tân đổi mới, thực dụng để bủa một mạng lưới gián điệp cùng cả nước nhằm Công giáo hóa và Pháp hóa toàn cõi Đại Nam.


 

Công giáo toàn cõi Đại Nam thì sao? Có gì sai trái mà ông Bùi Kha dị ứng? Sợ bị hiểu lầm có tư tưởng bình Tây sát Tả, nên tôi mượn ý kiến và nhận xét của những người Pháp có thẩm quyền để trả lời câu hỏi ấy một cách chính xác như sau:


 

Giám Mục Puginier: Lúc nào Bắc Kỳ trở thành Công giáo thì nó cũng trở thành một nước một Pháp nhỏ và không có các giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp như cua bị bẻ gãy hết càng.


 

Đô đốc Page: Không có một người Công giáo An Nam nào lại không muốn làm lính dưới cờ Pháp.


 

Công Sứ Bonnal: Khi một ông giáo sĩ lập được một họ đạo thì giáo dân từ chối không đóng thuế, ... không thừa nhận chính quyền.


 

Đô đốc Paul Bert: Nếu tất cả dân An Nam đều là Công giáo, thì chúng ta sẽ lãnh đạo họ một cách dễ dàng theo ý muốn của chúng ta.


 

Nguyễn Trường Tộ, "một người yêu nước nồng nàn, một nhà canh tân lớn, một kiến thức vượt thời đại"đã hăm hở nhưng lại thập thò núp sau màn sa mù canh tân để đưa dân tộc ta vào kế hoạch mà 4 ông thực dân, gồm đô đốc, công sứ và giám mục đã cho thấy như trên!

 

*****

 


CÔNG VÀ TỘI

 

Nếu lọc lựa ý tưởng của Nguyễn Trường Tộ trong 58 bài chiêu dụ rồi ghép lại có thứ lớp thì một số đề nghị của ông có giá trị và dùng được, nhất là thời bấy giờ. Rất tiếc, vì đường lối giáo dục của Vatican đã biến Nguyễn Trường Tộ thành một người phục vụ cho Pháp và La Mã, nhưng được núp sau bức màn canh tân và những mỹ từ Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, chỉnh trang quốc phòng, kỹ thuật, thực dụng, đánh úp... Vì thế, nhiều người bị cuốn hút bởi những mỹ từ trống rỗng và lừa dối ấy. Một số khác ca tụng vì tình cảm tôn giáo và óc địa phương, hoặc nhặt vài khúc gỗ quý trong rừng rồi nghĩ cả cánh rừng đều chứa đầy gỗ quý. Nhưng không có cái gì có thể che đậy lâu dài dưới ánh sáng mặt trời.


 

Thật ra, chúng ta có thể biết tâm chất của Nguyễn Trường Tộ lúc thấy ông cùng với Giám mục tình báo Gauthier đến cửa Mành Sơn ngày 16/10/1858 để hỗ trợ đồng bọn. Ở đó, đã có "Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng, đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm". Với hành động ấy, chúng ta kết luận như thế nào về Nguyễn Trường Tộ?


 

Để được công bằng hơn, chúng tôi đề nghị công và tội của ông như sau:

 

* Công:

 

1. Chỉ huy đào Thiết cảng,

 

2. Làm được hai nhà thờ mặc dầu thời bấy giờ là chỗ để cho các giáo sĩ gián điệp và Việt gian cư trú,

 

3. Có vài tư tưởng tiến bộ, có thể sử dụng được, ở rải rác trong một số bài như Cải cách phong tục, Thư gởi Tây Soái, Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng...

 

* Tội:

 

1. Ngày 16/10/1858 cùng với các linh mục, giám mục Việt và ngoại quốc làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm,

 

2. Năm 1861 làm thư ký và thông dịch cho Tổng hành dinh của quân thực dân Pháp để mở rộng vùng chiếm đóng tại Sài Gòn,

 

3. Vai kề vai lòng cạnh lòng với tên tình báo Gauthier suốt gần 20 năm, cùng với tên này, thập thò núp bóng sau bức màn canh tân và cùng nhau viết 58 bài chiêu dụ để lừa dối nhân dân và phỉnh gạt triều đình nhằm phục vụ cho ước vọng của ngoại bang,

 

4. Cố tình nhận định tình hình sai lạc để cứu vãn cảnh lâm nguy của quân đội Pháp từ 1858,

 

5. Dối trá trong việc mở trường kỹ thuật ở Huế,

 

6. Âm mưu đề nghị đào kênh từ Hải Dương vào Huế để toàn dân nổi loạn,

 

7. Đề nghị thương hiếu với giáo hoàng để thúc đẩy tiến trình Công giáo hóa Đại Nam.

 

8. Đề nghị dùng các linh mục Việt gian vào việc canh tân đất nước, đòi mở mỗi tỉnh một nhà nuôi trẻ và viện dưỡng lão do các giám mục thực dân cử người coi sóc. Lúc các ông linh mục và giám mục có mặt khắp nơi, họ sẽ biến những người Việt hiền hòa thành những kẻ ly khai với tổ quốc, rồi hô hào một cuộc tổng nổi dậy cướp chính quyền toàn cõi Đại Nam,

 

9. Năm 1868, ngăn cản triều đình cử phái bộ đi Pháp khiếu nại để lấy lại 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ,

 

10. Thay vì phải đánh gấp để đuổi giặc về nước vào những tháng cuối năm 1870 và đầu năm 1871. Vì sợ Pháp bại trận, nên Nguyễn Trường Tộ khuyên phải dùng con đường ngoại giao, thay vì vũ lực. Và nếu sử dụng vũ lực, thì không nên thực hiện ngay mà phải hai năm sau.


 

Ba tội 1, 2 và 3 thuộc về đại hình, bảy tội sau thuộc về khinh tội. Những tội danh tóm lược như trên, cũng là nguyên nhân để giải thích lý do tại sao Nguyễn Trường Tộ phải trốn ra nước ngoài và bị triều đình nghi ngờ. Chứ chẳng có gì gọi là Điều nghịch lý như Hoàng sử gia hiểu sai. Và chính ông Tộ, có lẽ, cũng đã cảm thấy những việc làm bán nước hại dân của mình nên đã trăn trở ân hận trước lúc chết: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận"! (Một lần lỡ bước, hối hận ngàn năm).



Mặc dầu bản tính của người Việt luôn luôn cảm thông và tha thứ cho những người đã biết ăn năn hối hận những việc làm sai quấy của mình. Nhưng để răn đe hậu thế, nên những con đường hay trường học mang tên Nguyễn Trường Tộ để vinh danh ông cần phải tháo gỡ để khỏi nhục quốc thể và để làm gương cho kẻ khác. Trên bia mộ cũng cần liệt kê công và tội của ông để lịch sử được phân minh. Viện Sử học Việt Nam và Bộ Văn hóa nên cử một ban nghiên cứu công và tội của một số người được vinh danh trước đây, trong đó có ông Nguyễn Trường Tộ, rồi công bố cho quốc dân biết. Còn ý kiến của chúng tôi dĩ nhiên không tránh khỏi khiếm khuyết cần được các bậc cao minh chỉ giáo.


BÙI KHA
22/02/2002

 *****


 

VÀI LỜI VỚI CỤ HOÀNG THANH ĐẠM


 

Lúc viết bài thảo luận với cụ về ông Nguyễn Trường Tộ, tôi chỉ đọc 24 trang cụ phê bình cuốn sách của chúng tôi. Và nghĩ rằng, vì thiếu sử liệu nên cụ đã không thấy bộ mặt thực núp sau bức màn canh tân của ông Tộ, nên cụ mới phạm quá nhiều lầm lẫn về sử kiện, và để lại không ít những luận điểm sai và mâu thuẫn với nhau trong chương phê bình sách của chúng tôi.


 

Nhưng lúc viết xong, tôi đã đọc hết cả cuốn sách. Tôi rất đỗi ngạc nhiên và thành thật để thưa rằng, cụ chẳng phải là nhà nghiên cứu sử học hoặc sử gia, ít nhất là về Nguyễn Trường Tộ. Tôi tìm thấy nơi cụ đã có một định kiến và cái khuôn đúc sẵn về ông Tộ, nên lối lập luận của cụ chỉ dựa vào cách suy diễn mang đầy cảm tính và tùy tiện, thay vì khách quan và căn cứ vào sử liệu để phân tích, tổng hợp và kiểm chứng để truy tìm sự thật. Nói rõ hơn, sách cụ không phải là một tác phẩm nghiên cứu, mà chủ yếu là sắp xếp Linh mục Trương Bá Cần... nói thế này, ông Tộ nói thế kia chứ không cần biết nói như vậy là hàm ý gì? Nói như kia đâu là bằng cớ? Cũng như hoàn cảnh và môi trường nào thúc đẩy ông ta nói như thế?


 

Trong danh mục sách và tư liệu tham khảo, cụ liệt kê một số sách mà tôi có đọc như: Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký của Nguyễn Sinh Duy, Hành trình và truyền giáo của A. de Rhodes, Biên niên sử Việt Nam 1858-1896 của Dương Kính Quốc, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ của Nguyễn Thế Anh, Kinh Thánh Tân Ước, ...


 

Đọc sách cụ, và đối chiếu số sách dùng để tham khảo, tôi thấy cụ chẳng để tâm đọc những cuốn sách này một cách nghiêm chỉnh, và cách trình bày lại thiếu phương pháp luận và sai lầm. Đặc biệt là trong danh mục tham khảo có liệt kê hai cuốn sách của hai giáo sư Dương Kính Quốc và Nguyễn Thế Anh, cụ chẳng đọc để thấy sự dối trá của ông Tộ. Trái lại, cũng qua hai cuốn đó, tôi được biết thêm cái hậu ý của Nguyễn Trường Tộ về việc khuyên triều đình trong bài chiêu dụ Bãi bỏ việc cử phái bộ đi Pháp, bài Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh và bài Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định... như đã trình bày phần trước.


 

Trong bài viết từ trang 95-98 (NTT, GĐ, Sđd), tôi đã chứng minh rõ: Ông Nguyễn Trường Tộ lấy ý trong cuốn Tôn Ngô binh pháp về việc sửa đổi võ bị. Trang 118 cụ viết: "Khi Nguyễn Trường Tộ bàn về kế sách quân sự thì Nguyễn Kha đối chiếu các câu văn trong Tôn Ngô binh pháp và phê phán hầu như Nguyễn Trường Tộ lấy ý trong sách này, đã vậy ý của Nguyễn Trường Tộ còn kém xa". Điều đó có nghĩa là cụ đã biết ông Tộ ăn cắp ý của người khác. Thế nhưng, trong sách từ trang 209-212 (Nguyễn Trường Tộ, thời thế và tư duy cách tân) nhằm ca tụng ông Tộ cho bằng được, nên cụ không cần để ý đến điều này nữa. Trái lại, cụ viết, ông (Tộ) đặt vấn đề một cách độc đáo, rồi liệt kê 6 điều độc đáo để ca ngợi ông ta, mà thực ra 6 điều đó là của ông Tôn Tử trong cuốn Tôn Ngô binh pháp. Cách viết như vậy, thật là vô trách nhiệm. Độc giả đều cảm thông những người nhầm lẫn hoặc thiếu sử liệu, nhưng có lẽ không ai chấp nhận kẻ cố tình lấy văn và ý của người này gán cho người kia!


 

Ngay cả lúc cụ tóm lược ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Sđd, tr. 56) nhận xét về ông Nguyễn Trường Tộ, được trích ý từ cuốn hồi ký của cụ Vũ Đình Huỳnh do nhà văn Sơn Tùng sưu tầm (cụ cho biết như thế), cụ đã không nhận ra quan điểm của một chính khách và chính sách của nhà nước, khác với lối nhìn dựa vào lịch sử của một nhà nghiên cứu. Đó là chưa nói đến xuất xứ và bối cảnh lúc phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nguyễn Trường Tộ, và ngay cả việc Linh mục Lê Hữu Từ (người chủ trương khu Công giáo Tự trị thân Pháp) mà cũng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn. Nếu có ai ngây thơ tưởng rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng ý khu vực Tự trị thân Pháp, nên mới mời linh mục này làm cố vấn cho mình, thì người đó nên cần được gởi trở lại trường tiểu học!


 

Ngoài ra, cụ cũng không cho độc giả biết tên cuốn hồi ký, số trang trích dẫn và năm xuất bản. Đã vậy, trong Lời bạt, Giáo sư Chương Thâu lại để trong ngoặc kép và in chữ nghiêng đọan văn mà cụ tóm lược từ cuốn hồi ký không tên không tuổi nói trên. Như thế, cụ được Giáo sư Chương Thâu phụ họa để biến một ý kiến chưa chắc đúng và có thật, thành một sử liệu nguyên bản có nguồn gốc! Và ông còn cho đó là một tư liệu lịch sử (Sđd, tr. 250).


 

Tôi thấy cách viết như thế là một lối đánh lừa độc giả, ngụy tạo sử liệu, làm mất uy tín giới cầm bút và làm giảm giá trị nền học thuật nước nhà sau bao năm gian khổ chống ngoại xâm để giành lại độc lập và chủ quyền.


 

Ở đây, tôi chỉ phát biểu cảm tưởng và dẫn chứng vài điểm trong vô số sai lầm trong tác phẩm viết cẩu thả và vô trách nhiệm của cụ. Một tác phẩm viết về sử, nhưng không căn cứ vào sử liệu, một tác phẩm vơ và lượm lặt những cái vụn vặt mà ông Tộ nói, chứ không cần tìm hiểu điều mà ông ta muốn nói. Tôi rất tiếc và xin lỗi vì đã phát biểu những điều không vui cho cụ, mà đáng ra cụ cần có nhiều niềm vui trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, nhất là niềm vui về đứa con tinh thần của cụ sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu.


 

Dẫu vậy, tôi vẫn vô cùng biết ơn, vì nhờ bài phê bình của cụ mà chúng tôi có dịp biết rõ hơn và chính xác hơn về ông Nguyễn Trường Tộ, một người được nhầm lẫn vinh danh do vô tình hoặc cố ý qua nhiều thế hệ!

 

Về Giáo sư Chương Thâu, tôi cũng đã có lần góp ý về bài viết quá sai lầm và hầu như cố ý của ông, trong âm mưu chính trị của Linh mục Alexandre de Rhodes và nguồn gốc chữ quốc ngữ. Bài viết đó có nhan đề Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau, Hà Nội, 14/12/1995, đăng trong nguyệt san Công Giáo tại Việt Nam và báo Hiệp Nhất của Giáo phận Orange, California, USA.


BÙI KHA
22/02/2002

(Còn nữa...)



"Nguyễn Trường Tộ và Vấn Đề canh Tân", tác giả là Bùi Kha, do nhà Xuất bản Văn học cấp giấy phép, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học ấn hành, đã được chính thức phổ biến trên toàn quốc, hoặc có thể liên lạc mua tại Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 72 Trần Quốc Thảo, P. 8, Quận 3, TP HCM. Phone (84-8) 6 290-7430, fax (84-8) 3 551-0906.

 

TG & DT: Được sự đồng ý của tác giả, trang nhà sẽ lần lượt đăng nội dung quyển sách vào các kỳ tới. Mời bạn đọc đón đọc.

 

TG & DT trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, giới sử học, bạn đọc gần xa cùng trao đổi về chủ đề trên một cách chân thực, khoa học để chân dung Nguyễn Trường Tộ sớm được soi rọi khách quan, đúng chân giá trị lịch sử.!

Tags:

bức thư, lời giới thiệu, áo, dưới đây, phố hồ chí, chắc chắn, lý thú, bạn đọc, là, chú thích, dưới trướng, đã không, hối hận, cộng đồng, công, có lòng, chiêu mộ, gì mà, anh, cứu vãn, dụng cụ, đăng tải, bí mật, cuộc nổi loạn, bản đồ, lật đổ, nhân vật chính, chiếc áo, cuốn sách, ông vua, đọc sách, ảnh, ghép lại, chê bai, kỳ quặc, bát, anh hùng, không, biết ơn, chính phủ mỹ, học được, dịch thuật, đoạn văn, được cái, quảng đông, bàn cãi, gián điệp, người nhẹ dạ, đệ nhị, chu du, kẻ thù, phương sách, giải tán, hoa mỹ, rất tiếc, con chiên, phần tử, khi, cầu, bàn luận, đánh vào, á đông, ăn cắp, đối phương, hại của, lợi hại, điện biên phủ, câu hỏi, lỗi chính tả, nồng nàn, hành quân, áp đảo, dài dòng, nhà vua, quân thù, chân dung, hiền hòa, quá tin, cáo buộc, con gái, có ai, ngài, california, cho phép, đường đi, đánh lừa, cao, đại diện, cái chết, đáng tiếc, ngang hàng, bộ mặt, bất cập, hai người, công kích, nguyên bản, gần gũi, nbsp, đông đảo, đến điều, bỏ lỡ, độ tin cậy, cung, được tin, gây cho, cách mạng, kỹ xảo, có thể, con số, pháp, bỏ đi, cụm từ, biết rõ, chính mình, đảng, công dân, cái hay, bảo vệ, cho, bức tranh, ngây thơ, hiểu lầm, dẫn theo, cộng tác, cung cấp, , bộ máy, cần, đích thân, mấy trang, ngoặc kép, chừng nào, cao cấp, cách tân, giang sơn, chuyển hướng, ca ngợi, lời ca, biết được, có lẽ, chi tiết, kỳ quái, cách đây, bao, giáo án, ngụy trang, chính sách, bài viết, của nguyễn trường, bị bắt, lân la, gần xa, huế, ba đình, dụng tâm, dùng tiền, mất uy tín, bất cứ lúc nào, các nước, quang học, cha mẹ, của tôi, chối bỏ, bản dịch, phiên dịch, chính xác, quá nghiêm, đưa đến, giáo hoàng, bài học, một, hô hào, sát cánh, bác sĩ, hết cả, khoan dung, giúp việc, địa vị, bạn, cùng đi, an ninh, thời đại ngày nay, hay là, bên kia, bị bẻ, bác bỏ, điệp viên, can thiệp, lời buộc tội, sai lạc, rảnh tay, dùng đến, chức sự, phản gián, danh từ, hoa kỳ, con người, cứu quốc, điều quan trọng, lời phát biểu, phép toán, chậm chạp, bóng dáng, bộ, định kiến, đến thế, cách, điêu luyện, còn gì, bẻ gãy, cứu nguy, thể thực hiện được, đi học, của chúng tôi, đi với, danh nhân, cách viết, từ lúc bắt đầu, bàn, chính thống, bây, hạnh kiểm, cuộc phiêu lưu, loài người, các quốc gia, phần trước, biểu dương, cộng sản, có phần, không nói rõ, biến chuyển, lớn tiếng, giữ chân, đối xử, người phục vụ, chằng chịt, dĩ nhiên, văn phong, ngay bây giờ, âm mưu, khoa học xã hội, nhân văn, bằng chứng, có điều, cao kiến, chỉ huy, hối tiếc, chín muồi, chống lại, cuộc chiến tranh, hân hạnh, miệt mài, lo toan, giáo sĩ, la mã, người phương tây, hoàng hậu, đứng ngồi không yên, chương, đau đớn, đà nẵng, lính chiến, chủ, bàn đến, người truyền, phong tục, dây chằng, bình định, phật giáo, không quân, bùng nổ, đặt mình, công phu, đen tối, chế tạo, đại hình, con, con đường, cảm tưởng, dữ dội, biến, báo, đoạn cuối, 10, chỉ có một, các vùng, chính, bất thành, ba, người pháp, gài vào, hoạt bát, biết nói, chẳng, chúng, campuchia, bị, đánh bóng, học trò, bộ văn hóa, đi sâu vào, nội tình, chiều dài, chứng, có kinh, lời tuyên bố, đọc lại, cảm thấy, cải cách, an, ban, chính quốc, chiến, mật vụ, nguyền rủa, đoan chắc, cai trị, 3, cải, tương đồng, người điều khiển, nguyễn, khả năng chuyên môn, hiềm khích, hóa học, các vị, đổi tên, 2, vatican, giáo sư, ngoại quốc, cảnh, cấu trúc, , bảo, bố, chỉ đọc, cố vấn, huấn luyện, thu lôi, ánh sáng mặt trời, chủ xướng, chồng chất, biện pháp, lãnh sự, mặc cảm, án binh bất động, bãi bỏ, người thợ, làm khác, công chức, nhà thờ, đứng ra, ngu xuẩn, hành động, cái gì cũng, dạy học, chấm dứt, học thuật, biểu, núp bóng, ông hoàng, họ hàng, cuối cùng, bắt, hậu thuẫn, kinh thánh, đoán rằng, cách nhau, lên đường, cả tin, chạy theo, chưa bao giờ, bại, hồ hởi, du kích, gởi thư, cấp, gấp rút, bỏ, hiểu rõ, khoác áo, ông giáo, bày ra, giữ trẻ, dân, khởi sự, bình, câu, chẳng ai, cô lập, đi xa, đoàn kết, cơ học, bộ trưởng, đổi ý, cố ý, bất trị, hiểu biết, có đặt, ngày tháng, không tên, làm gương, làm đảo lộn, chí như, đứa con, cầm chắc, chững chạc, bối rối, bảo hộ, bổ túc, chân thực, chiếm cứ, dứt điểm, chuyên gia, cảm tính, lạm quyền, bắc nam, ca tụng, không có cái gì, cặm cụi, chiêu dụ, mục vào, chưa từng thấy, khen chê, bất hợp, bà con, cựu tổng thống, cái gọi là, ảnh hưởng đến, cao minh, cái búa, binh lính, ấn hành, có khi, ông thầy, cứng rắn, cất công, cổ phần, 5, lý luận, cách làm, khuyến dụ, nam sử, hăm hở, bắt buộc, đồ bản, cẩn thận, chưa, đối chiếu, chủ đạo, bắt làm, lý lịch, phái đoàn, đến sau, chia làm, sẽ biết, hoàn toàn không, bố cục, cả nước, biểu cảm, kêu cứu, nói năng, biến cố, 4, nam vô, có ý, hết mình, đầu hàng, đã vậy, nhân sĩ, chuyển biến, điềm đạm, roma, lời lẽ, chiêu bài, nghỉ ngơi, bất, dài, mặc dầu, cả đến, ly khai, chỗ nào, hải quân, cao quý, ngăn cấm, luận bàn, hạ tầng cơ sở, mau lẹ, đúng lúc, có tài, cảm thông, cần vương, giả sử, cập, linh mục, báo tin, kháng chiến, không vui, bén mảng, hoảng sợ, hai mươi, bản tính, 27, cuối tháng, để tâm, 11, chưa nói đến, dân chúng, gia long, đề ngày, binh pháp, điểm quan trọng, chú trọng, điểm chính, khóa chặt, bỏ việc, quốc học, nghìn năm, cần thiết, bằng cấp, đồng hóa, giao phó, chưa thành, không sai, cái khác, ân hận, người bản xứ, dời nhà, một lòng, lượm lặt, biệt, luận văn, đắc cử, bức màn, 1, chín chắn, bờ cõi, báo cáo, cố tình, của dân, chủ động, nguy kịch, khốn đốn, tinh thần chiến đấu, nêu lên, khoác lác, nhọc công, có kế hoạch, dụng võ, cái, nguyên văn, lác đác, đã nhận, có tình, cách nhìn, lặp đi lặp lại, nhan đề, đãi ngộ, người kia, cũng thế, alexandre, quân dân, cơ quan tình báo, lấy làm, sai trái, làm quan, cơ hội tốt, buộc, kiện lịch sử

Tags Translate:

bức thư, lời giới thiệu, áo, dưới đây, phố hồ chí, chắc chắn, lý thú, bạn đọc, là, chú thích, dưới trướng, đã không, hối hận, cộng đồng, công, có lòng, chiêu mộ, gì mà, anh, cứu vãn, dụng cụ, đăng tải, bí mật, cuộc nổi loạn, bản đồ, lật đổ, nhân vật chính, chiếc áo, cuốn sách, ông vua, đọc sách, ảnh, ghép lại, chê bai, kỳ quặc, bát, anh hùng, không, biết ơn, chính phủ mỹ, học được, dịch thuật, đoạn văn, được cái, quảng đông, bàn cãi, gián điệp, người nhẹ dạ, đệ nhị, chu du, kẻ thù, phương sách, giải tán, hoa mỹ, rất tiếc, con chiên, phần tử, khi, cầu, bàn luận, đánh vào, á đông, ăn cắp, đối phương, hại của, lợi hại, điện biên phủ, câu hỏi, lỗi chính tả, nồng nàn, hành quân, áp đảo, dài dòng, nhà vua, quân thù, chân dung, hiền hòa, quá tin, cáo buộc, con gái, có ai, ngài, california, cho phép, đường đi, đánh lừa, cao, đại diện, cái chết, đáng tiếc, ngang hàng, bộ mặt, bất cập, hai người, công kích, nguyên bản, gần gũi, nbsp, đông đảo, đến điều, bỏ lỡ, độ tin cậy, cung, được tin, gây cho, cách mạng, kỹ xảo, có thể, con số, pháp, bỏ đi, cụm từ, biết rõ, chính mình, đảng, công dân, cái hay, bảo vệ, cho, bức tranh, ngây thơ, hiểu lầm, dẫn theo, cộng tác, cung cấp, , bộ máy, cần, đích thân, mấy trang, ngoặc kép, chừng nào, cao cấp, cách tân, giang sơn, chuyển hướng, ca ngợi, lời ca, biết được, có lẽ, chi tiết, kỳ quái, cách đây, bao, giáo án, ngụy trang, chính sách, bài viết, của nguyễn trường, bị bắt, lân la, gần xa, huế, ba đình, dụng tâm, dùng tiền, mất uy tín, bất cứ lúc nào, các nước, quang học, cha mẹ, của tôi, chối bỏ, bản dịch, phiên dịch, chính xác, quá nghiêm, đưa đến, giáo hoàng, bài học, một, hô hào, sát cánh, bác sĩ, hết cả, khoan dung, giúp việc, địa vị, bạn, cùng đi, an ninh, thời đại ngày nay, hay là, bên kia, bị bẻ, bác bỏ, điệp viên, can thiệp, lời buộc tội, sai lạc, rảnh tay, dùng đến, chức sự, phản gián, danh từ, hoa kỳ, con người, cứu quốc, điều quan trọng, lời phát biểu, phép toán, chậm chạp, bóng dáng, bộ, định kiến, đến thế, cách, điêu luyện, còn gì, bẻ gãy, cứu nguy, thể thực hiện được, đi học, của chúng tôi, đi với, danh nhân, cách viết, từ lúc bắt đầu, bàn, chính thống, bây, hạnh kiểm, cuộc phiêu lưu, loài người, các quốc gia, phần trước, biểu dương, cộng sản, có phần, không nói rõ, biến chuyển, lớn tiếng, giữ chân, đối xử, người phục vụ, chằng chịt, dĩ nhiên, văn phong, ngay bây giờ, âm mưu, khoa học xã hội, nhân văn, bằng chứng, có điều, cao kiến, chỉ huy, hối tiếc, chín muồi, chống lại, cuộc chiến tranh, hân hạnh, miệt mài, lo toan, giáo sĩ, la mã, người phương tây, hoàng hậu, đứng ngồi không yên, chương, đau đớn, đà nẵng, lính chiến, chủ, bàn đến, người truyền, phong tục, dây chằng, bình định, phật giáo, không quân, bùng nổ, đặt mình, công phu, đen tối, chế tạo, đại hình, con, con đường, cảm tưởng, dữ dội, biến, báo, đoạn cuối, 10, chỉ có một, các vùng, chính, bất thành, ba, người pháp, gài vào, hoạt bát, biết nói, chẳng, chúng, campuchia, bị, đánh bóng, học trò, bộ văn hóa, đi sâu vào, nội tình, chiều dài, chứng, có kinh, lời tuyên bố, đọc lại, cảm thấy, cải cách, an, ban, chính quốc, chiến, mật vụ, nguyền rủa, đoan chắc, cai trị, 3, cải, tương đồng, người điều khiển, nguyễn, khả năng chuyên môn, hiềm khích, hóa học, các vị, đổi tên, 2, vatican, giáo sư, ngoại quốc, cảnh, cấu trúc, , bảo, bố, chỉ đọc, cố vấn, huấn luyện, thu lôi, ánh sáng mặt trời, chủ xướng, chồng chất, biện pháp, lãnh sự, mặc cảm, án binh bất động, bãi bỏ, người thợ, làm khác, công chức, nhà thờ, đứng ra, ngu xuẩn, hành động, cái gì cũng, dạy học, chấm dứt, học thuật, biểu, núp bóng, ông hoàng, họ hàng, cuối cùng, bắt, hậu thuẫn, kinh thánh, đoán rằng, cách nhau, lên đường, cả tin, chạy theo, chưa bao giờ, bại, hồ hởi, du kích, gởi thư, cấp, gấp rút, bỏ, hiểu rõ, khoác áo, ông giáo, bày ra, giữ trẻ, dân, khởi sự, bình, câu, chẳng ai, cô lập, đi xa, đoàn kết, cơ học, bộ trưởng, đổi ý, cố ý, bất trị, hiểu biết, có đặt, ngày tháng, không tên, làm gương, làm đảo lộn, chí như, đứa con, cầm chắc, chững chạc, bối rối, bảo hộ, bổ túc, chân thực, chiếm cứ, dứt điểm, chuyên gia, cảm tính, lạm quyền, bắc nam, ca tụng, không có cái gì, cặm cụi, chiêu dụ, mục vào, chưa từng thấy, khen chê, bất hợp, bà con, cựu tổng thống, cái gọi là, ảnh hưởng đến, cao minh, cái búa, binh lính, ấn hành, có khi, ông thầy, cứng rắn, cất công, cổ phần, 5, lý luận, cách làm, khuyến dụ, nam sử, hăm hở, bắt buộc, đồ bản, cẩn thận, chưa, đối chiếu, chủ đạo, bắt làm, lý lịch, phái đoàn, đến sau, chia làm, sẽ biết, hoàn toàn không, bố cục, cả nước, biểu cảm, kêu cứu, nói năng, biến cố, 4, nam vô, có ý, hết mình, đầu hàng, đã vậy, nhân sĩ, chuyển biến, điềm đạm, roma, lời lẽ, chiêu bài, nghỉ ngơi, bất, dài, mặc dầu, cả đến, ly khai, chỗ nào, hải quân, cao quý, ngăn cấm, luận bàn, hạ tầng cơ sở, mau lẹ, đúng lúc, có tài, cảm thông, cần vương, giả sử, cập, linh mục, báo tin, kháng chiến, không vui, bén mảng, hoảng sợ, hai mươi, bản tính, 27, cuối tháng, để tâm, 11, chưa nói đến, dân chúng, gia long, đề ngày, binh pháp, điểm quan trọng, chú trọng, điểm chính, khóa chặt, bỏ việc, quốc học, nghìn năm, cần thiết, bằng cấp, đồng hóa, giao phó, chưa thành, không sai, cái khác, ân hận, người bản xứ, dời nhà, một lòng, lượm lặt, biệt, luận văn, đắc cử, bức màn, 1, chín chắn, bờ cõi, báo cáo, cố tình, của dân, chủ động, nguy kịch, khốn đốn, tinh thần chiến đấu, nêu lên, khoác lác, nhọc công, có kế hoạch, dụng võ, cái, nguyên văn, lác đác, đã nhận, có tình, cách nhìn, lặp đi lặp lại, nhan đề, đãi ngộ, người kia, cũng thế, alexandre, quân dân, cơ quan tình báo, lấy làm, sai trái, làm quan, cơ hội tốt, buộc, kiện lịch sử

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp